Hiện tại, chiếc điện thoại phổ thông Nokia 230 có giá bán chính hãng là 1.390.000 đồng.
Không gắn mác smartphone, cũng chẳng phải điện thoại siêu phẩm, Nokia 230 - một chiếc di động phổ thông mang thương hiệu Nokia đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của rất nhiều người dùng tại Việt Nam. Vì sao ư? Vì người dùng Việt vẫn yêu thương hiệu "Nó kìa" rất đậm sâu, vì đã rất lâu rồi, người ta mới lại có cơ hội thương nhớ về một chiếc điện thoại phổ thông gắn mác Nokia.
Không cần bàn cãi, Nokia 230 quả thực là một chiếc điện thoại rất đặc biệt: điện thoại phổ thông nhưng lại sở hữu vỏ kim loại bắt mắt. Phải nhấn mạnh là Nokia 230 rất biết cách thu hút người dùng, ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và để giải mã cơn sốt mang tên Nokia trong những ngày vừa qua, mời các bạn cùng theo dõi bài đánh giá nhanh chiếc điện thoại Nokia 230 phiên bản màu trắng sau đây.
Chiêm ngưỡng mẫu điện thoại phổ thông Nokia 230.
Chỉ là mác Nokia
7 năm sau khi dứt áo ra đi với chiếc Nokia E71 yêu dấu ngày nào, tôi lại có dịp quay trở về với một chiếc điện thoại gắn mác Nokia. Cũng là một sản phẩm đóng dập thương hiệu Phần Lan, cũng có bàn phím cứng để nhắn tin hí hoáy, nhưng lần này, chiếc Nokia 230 không đem lại cho tôi cảm giác đúng là "Nó kìa". Đúng như tiêu đề của bài viết, Nokia 230 - háo hứng, hừng hực và hụt hẫng.
Đóng hộp đẹp, nhưng không có cảm giác thỏa mãn, no đủ
Thứ nhất, xin khẳng định, Nokia 230 là một sản phẩm được công bố bởi Microsoft, chỉ là đóng mác Nokia, mà không còn được chăm chút bởi chính thương hiệu Phần Lan. Ngay từ cách đóng hộp Nokia 230, chúng ta sẽ liên tưởng ngay tới những chiếc Lumia được Nokia tung ra trước đây. Phải nhấn mạnh, hộp đựng Nokia 230 khá đẹp, và hiện đại, thậm chí là đẹp hơn nhiều smartphone hiện nay.
Nhưng hộp đựng đẹp chưa hẳn đã làm nên chiếc điện thoại tốt. Thay vì có cảm giác đầy ắp những phụ kiện đi cùng, tôi lại cảm thấy đôi chút hụt hẫng, vì nhõn trong hộp đựng chỉ là dây sạc liền, sách hướng dẫn, thẻ nhớ được gắn sẵn trong máy, và không có tai nghe. Ở đây, một chiếc tai nghe không hẳn là vấn đề to tát, nhưng việc thiếu vắng 1 phụ kiện quen thuộc lại khiến tôi cảm thấy phiền lòng.
Sự cứng rắn, chắc chắn của Nokia ở đâu?
Thứ hai, trải nghiệm cầm nắm chưa thực sự tốt. Hầu hết những chiếc Nokia đi vào lòng người đều có chung 1 tiêu chí là cầm nắm chắc chắn, nhấn mạnh là chỉ cần cầm vào, đã có cảm giác chắc chắn. Nhưng với Nokia 230, có vẻ như nhà sản xuất muốn thoát khỏi tư duy làm điện thoại này, nên đã mang tới những chi tiết mới lạ. Hệ quả là Nokia 230 chưa thực sự chắc chắn như nhiều người tưởng tượng.
Về cơ bản, trải nghiệm cầm nắm của Nokia 230 ổn. Cầm nắm gọn trong lòng bàn tay. Không có cảm giác rẻ tiền hay ọp ẹp. Nhưng giữa nắp lưng bằng nhôm và thân máy luôn có một khe hở khá nhỏ, phần nào gây khó chịu cho người dùng, dù không mấy ảnh hưởng tới máy. Còn lại, mặt lưng máy là một miếng nhôm bạc khá mát tay, cầm vào có cảm giác nhẹ, khiến máy có phần hiện đại, lạ mắt.
Cách tân nhưng chưa tới bến
Không có nhiều điều để phàn nàn với các thiết bị thông minh, cao cấp mà Microsoft là tác giả. Nhưng với một chiếc điện thoại phổ thông, vai trò từ Microsoft thực sự là một dấu hỏi. Vấn đề của Nokia 230 nằm ở những trải nghiệm, sự đồng bộ mà công ty có trụ sở tại Redmond đem tới cho máy. Thiếu sót, thiếu sót và hoàn toàn thiếu sót, nhất là khi Nokia 230 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng trẻ.
Ngoài thẻ nhớ, Nokia 230 gần như không thể kết nối với máy tính
Dù là một chiếc điện thoại phổ thông, nhưng Nokia 230 vẫn được trang bị kha khá những tính năng, tiện ích hiện đại như chụp ảnh, nghe nhạc, selfie và cả chơi game di động. Nhưng máy lại không có khả năng kết nối trực tiếp với máy tính, do không có bất kì phần mềm đồng bộ nào đi kèm. Nghĩa là chúng ta buộc phải chép ảnh, chép nhạc thông qua chiếc thẻ nhớ microSD bé xíu.
Nên nhớ, không phải ai cũng luôn có sẵn một chiếc đầu đọc thẻ nhớ tại gia. Đây là điểm bất tiện thứ nhất. Điểm bất tiện thứ hai nằm ở vấn đề đồng bộ danh bạ. Trên Nokia 230, máy không có tính năng đồng bộ, nên chúng ta ngồi nhập số danh bạ bằng tay. Cuối cùng, Nokia 230 sử dụng nền tảng Series 30 , nên không hỗ trợ ứng dụng Java. Máy chỉ chạy được các ứng dụng từ Opera Mobile Store.
Sử dụng bàn phím cũng không còn sướng
Dù sở hữu một bộ bàn phím bắt mắt, dạng T9, nhưng cảm giác gõ phím trên Nokia 230 đã không còn nhanh nhạy, linh hoạt như trước đây. Một phần do đã lâu tôi không còn sử dụng loại bàn phím này, một phần các phím bấm đã không còn nảy, phím bấm cũng không dứt khoát. Nhìn chung, bàn phím cứng của Nokia 230 cũng chỉ xếp vào dạng dùng được, không có nhiều điểm đặc sắc.
Có cả camera selfie ở mặt trước
Bản thân tôi cũng khá bất ngờ khi biết rằng, Nokia 230 dù là một sản phẩm phổ thông, nhưng vẫn được trang bị camera selfie ở mặt trước. Đi kèm với đó là cả đèn flash trước, hỗ trợ chụp ảnh tự sướng tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Về cơ bản, đây là cách để chúng ta "tự sướng" là chính, còn việc chia sẻ với người thân, bạn bè thì gần như không phù hợp.
Một phần phương thức truyền tải dữ liệu còn hạn chế, và một phần do chất lượng ảnh chụp không thực sự tốt. Tóm lại, camera selfie trên chiếc điện thoại này gần như là một tính năng cho có, thay vì tập trung cho ra một tấm ảnh ấn tượng. Cũng tương tự như vậy, chất lượng của camera sau trên Nokia 230 cũng chẳng hề khá hơn là bao so với camera selfie ở mặt trước.
Kết luận
Nếu bạn tìm kiếm một chút âm hưởng của chú dế "Nó kìa" trước đây, Nokia 230 sẽ khiến bạn khó có thể hài lòng, dù mức giá của sản phẩm này chỉ là 1,4 triệu đồng. Nhưng nếu chỉ đơn giản là muốn đổi gió với một chiếc điện thoại cơ bản, tặng cho bạn bè, người thân trong dịp Tết đến xuân về, Nokia 230 vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc, khi máy là sự kết hợp giữa thương hiệu Nokia và nét hiện đại từ Microsoft.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI