Được Apple 'chống lưng', Foxconn tự tin thâu tóm mảng chip của Toshiba với mức giá đề nghị 19,5 tỷ USD
Phát ngôn viên của Foxconn nhắc nhở Toshiba về cơ hội "ngàn năm có một" để sớm hoàn tất thương vụ bán lại mảng kinh doanh chip.
Terry Gou, nhà sáng lập và chủ tịch của Foxconn đang gây áp lực nhằm nhanh chóng hoàn tất thương vụ mua lại mảng sản xuất vi xử lý của Toshiba khi liên minh do hãng đứng đầu đưa ra lời đề nghị 2.100 tỷ yên (19,5 tỷ USD).
Ông Luis Woo, phát ngôn viên của công ty cho biết, Tập đoàn Công nghệ Foxconn được sự hậu thuẫn từ Apple, SoftBank và Sharp đang sẵn sàng xúc tiến hoàn tất cuộc mua bán. Mức đề xuất mà “liên minh” này đưa ra vào khoảng 2,1 nghìn tỷ yen (19,5 tỷ USD) nhằm cạnh tranh với mức 2 nghìn tỷ yên mà nhóm của KKR & Co đưa ra. Một cái tên khác là Bain Capital cũng đặt giá tương tự.
“Mức giá đưa ra đã nói lên tất cả. Nó giống như sự đảm bảo cho việc mua bán. Thương vụ sẽ cung cấp nguồn vốn ổn định thúc đẩy R&D cho Toshiba. Đồng thời, đó sẽ là lời đảm bảo mang tới nhiều khách hàng hơn nhờ khả năng tăng công suất hoặc tạo ra sản phẩm tốt hơn”, Woo nói.
Toshiba từ chối đưa ra lời bình luận. Hãng đang đàm phán với 3 bên để chuyển nhượng lại bộ phận chip. Dù đã “nhắm” nhóm nhà thầu do Bain Capital dẫn đầu vào hồi tháng 6, nhưng công ty Nhật lại vướng vào vấn đề pháp lý với đối tác Western Digital Corp. Các quan chức nước này phản đối việc bán mảng chip cho Foxconn vì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc.
Apple cần Toshiba để giảm phụ thuộc vào Samsung
Gou đã giành quyền mua lại Sharp sau những cuộc đàm phán kéo dài, trong đó bàn cờ chính trị đóng vai trò quan trọng. Woo tiết lộ đề xuất về việc nắm giữ cổ phần Toshiba, trong đó Foxconn có thể sẽ giữ 25%, Apple là 20%, Kingston Technology 20%, Sharp 15% và Toshiba nắm 10%.
“Chúng tôi hy vọng Hội đồng Quản trị Toshiba sẽ đưa ra quyết định dựa trên tiêu chí về mặt thương mại, kinh doanh hay công nghệ thay vì ‘sặc mùi’ chính trị”, Woo nói.
Nếu không gom đủ tiền vào tháng 3 năm sau, Toshiba có thể bị gỡ bỏ khỏi sàn chứng khoán Tokyo. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng sẽ gây ra hậu quả tiêu cực. Woo vì thế cảnh báo công ty Nhật nếu không sớm giải quyết sẽ tự gây bất ổn cho chính mình và khiến mảng kinh doanh chip lao dốc do không được đầu tư sớm.
Ông lấy ví dụ về mối đe dọa qua việc Samsung đầu tư 7 tỷ USD vào nhà máy tại Tây An, Trung Quốc. Đây là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và gã khổng lồ Hàn Quốc đang tập trung vào NAND flash, sản phẩm kinh doanh cốt lõi của Toshiba.
Vị này nhấn mạnh vào tiềm lực của Tập đoàn Foxconn sẽ giúp mảng chip Toshiba phát triển ổn định và lâu dài. Trong khi đó, Apple đang phụ thuộc vào bộ nhớ flash của Toshiba trên iPhone và iPod. Hãng cần thúc đẩy nhanh thương vụ để tránh bị Samsung “bắt thóp”.
“Chúng tôi đang đưa ra lời đề nghị mà cá nhân tôi nghĩ chẳng ai có thể từ chối”, Woo tự tin về khả năng thành công trong thương vụ tốn rất nhiều giấy mực của báo chí.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI