Được quỹ của Bill Gates tài trợ, bệ xí dùng giun để xử lý phân sẽ là tương lai vệ sinh toàn cầu
Loài giun này không thể sống nếu không có phân, chúng là một công cụ hoàn hảo để lắp vào hố xí tự hoại.
Phải tới 4.000 hố xí tự hoại tại Ấn Độ đang được đàn giun đặc biệt làm sạch. Tính từ năm 2015 tới giờ, loại bệ xí mới có tên Bệ xí Hổ - Tiger Toilet liên tục xuất hiện tại nơi nào có người cần đi vệ sinh, cũng tức là khắp mọi nơi đó.
Vẻ ngoài của nó không có gì đặc biệt, không khác chút nào với những người anh em khác. Nhưng mùi của nó lại rất khác biệt! Bên trong bệ xí là một cộng đồng giun hổ - tiger worm đang sinh sống. "Nơi sinh sống và môi trường sinh sản của chúng là phân bò, phân ngựa, những nơi tương tự vậy", Ajeet Oak, giám đốc công ty Tiger Toilet cho hay. "Chúng thích sống trong phân".
Bệ xí đặc biệt không cần xả nước, cũng không được kết nối với hệ thống nước thải. Thay vào đó, đàn giun sống trong buồng chứa phân của bệ xí sẽ ăn toàn bộ chất thải mà con người cho ra. Sau khi ăn, con giun sẽ thải ra nước, carbon dioxide và một lượng nhỏ phân trộn – thứ phân của giun vừa bớt độc hại hơn phân người mà lại còn nhiều dinh dưỡng hơn.
Phụ phẩm nước mà con giun tạo ra không đủ sạch để uống, nhưng có thể "ngấm xuống đất và được lọc một cách tự nhiên". Theo lời giám đốc Oak nói, thì bệ xí hổ không cần gắn vào hệ thống nước thải, không cần nhà máy lọc thải để xử lý phụ phẩm.
Để đưa hệ thống xử lý phân bằng giun này ra thị trường, Quỹ Bill và Melinda đã trao thưởng ít nhất 4,8 triệu USD cho Trường Vệ sinh và Y dược vùng nhiệt đới London để hoàn thiện công nghệ hữu ích. Đơn vị quản lý dự án bệ xí hổ cũng nhận được 170.000 USD để lắp đặt và thử nghiệm tại Ấn Độ, Myanmar và Uganda. Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, bệ xí hổ đã tới được những cộng đồng người cần nó nhất.
"Thậm chí đây là lần đầu tiên họ được dùng bệ xí", giám đốc Oak nói. "Trước đây người ta sẽ ra đồng để đi vệ sinh".
Trong sự kiện mới đây diễn ra tại Bắc Kinh, Bill Gates cầm một lọ phân người lên sâu khấu, tuyên bố ông sẽ bỏ thêm 200 triệu USD để phát triển công nghệ bệ xí tân tiến hơn, cũng có khả năng hoạt động mà không cần kết nối với hệ thống cống rãnh. "Chúng tôi dự tính từ giờ tới năm 2030, dự án này có tiềm năng trị giá tới 6 tỷ USD".
Lại nói về con giun, nó xử lý phân ra sao?
Giun hổ - Eisennia fetida là loài thích ăn chất thải. Chúng không thể sống được ngoài đất thường, phải có phân người chúng mới duy trì được sự sống nên giun sẽ không bao giờ tìm cách bò ra ngoài. Tiền lắp đặt toàn bộ hệ thống bệ xí hổ chỉ khoảng 350 USD, chỉ tiền giun và tiền bệ ngồi, không cần lắp nó với đường nước thải.
Sau khi đi nặng, một người sẽ dùng nước để dội phân rơi xuống một khoang chứa giun bên dưới. Khả năng xử lý phân của lũ giun trên cả mức tuyệt vời: chúng loại bỏ được 99% vi khuẩn, phân do giun thải ra tương được 15% lượng phân được thải xuống. Phần còn lại biến thành nước và carbon dioxide. Phân của giun rất giàu dinh dưỡng với nitro, phốt-pho, carbon và kali, có thể được dùng ngay làm phân bón.
Nhà vệ sinh này đủ sạch để không thu hút nhiều muỗi hay bất cứ loài vật có cánh gây hại nào. Nhờ có lũ giun phân hủy được phần lớn chất thải, bệ xí không tỏa ra mùi thối nên lượng ruồi muỗi tìm tới rất ít, ít hơn nhiều nhà vệ sinh thông thường.
Những phiên bản đầu tiên của bệ xí hổ đã hơn 5 năm tuổi, nhưng người ta vẫn chưa phải bảo trì các khoang đựng giun. Những con giun tận tụy vẫn đang chăm chỉ gặm phụ phẩm con người thải ra. Theo tính toán, sau khoảng 8 tới 10 năm, sẽ phải có người dọn khoang giun.
Mà việc xử lý buồng chứa giun không đáng sợ như bạn tưởng đâu! Theo lời giám đốc Oak, không có chút chất thải lỏng nào trong đó. Chỉ cần mở nắp, lấy ra phân giun để làm phân bón, rồi lại đưa giun vào cho chúng tiếp tục công việc cần mẫn.
Tại sao ta cần bệ xí hổ?
Tại những nước đang phát triển, cái chết có thể tới với những cá nhân không tìm được cách vệ sinh sạch sẽ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiêu chảy khiến 525.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm, chỉ vì các em không được vệ sinh sạch sẽ. Chưa hết, việc đi vệ sinh tại không gian mở khiến phụ nữ gặp nguy hiểm. Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra điều hiển nhiên: những phụ nữ đi vệ sinh ngoài trời dễ bị tấn công tình dục gấp đôi những người đi vệ sinh nơi kín đáo.
Công ty Tiger Toilet đang cố gắng tìm ra những lựa chọn hiệu quả hơn cho những khu vực quá đông dân cư, những nơi có bệ xí hổ công cộng lại biến thành nơi tập hợp những thành phần cặn bã, quấy rối phụ nữ. Họ nghiên cứu một phiên bản nhỏ hơn của bệ xí hổ, có thể lắp đặt tại nhà.
Chính phủ Ấn Độ có những chính sách mới nhằm hỗ trợ tài chính cho những hộ gia đình có mong muốn lắp đặt bệ xí hổ tại nhà.
Những con giun sẽ bò ra khắp thế gian
Dự án tiềm năng thu hút được sự chú ý của những ông lớn. Lixil Group, công ty sở hữu thương hiệu nhà vệ sinh khổng lồ Standard and Grohe rất hứng thú với bệ xí hổ. Mới đây thôi, họ ký quyết định đưa bệ xí hổ sang quy mô toàn cầu.
"Rồi chúng ta sẽ muốn một hệ thống hiện đại, có thể lắp đặt tại bất cứ đâu", giám đốc marketing và công nghệ của Lixil Group, Daigo Ishiyama nói. Nhưng việc đó sẽ cần chút thời gian nghiên cứu, bởi theo lời giám đốc Ishiyama, thì "hệ thống đang sử dụng những sinh vật sống, đó là những con giun".
Một hệ thống bệ xí ít mùi, lợi cho môi trường, không kết nối với hệ thống cống rãnh – vừa sạch sẽ, không chất thải lại dễ lắp đặt, sẽ có tiềm năng tìm được đường tới nhà vệ sinh của mọi hộ gia đình. Không quá ngạc nhiên khi Bill Gates vô cùng hứng thú với những dự án cải tiến bệ xí, so sánh nó với cả hệ thống máy tính cá nhân.
"Cả một chuỗi những sản phảm mới đang được trưng bày tại hội chợ này", Bill Gates hồ hởi khẳng định.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"