Được tìm thấy từ 37 năm trước, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt từ đáy đại dương?

    Anh Việt, Phụ Nữ Thủ Đô 

    Việc trục vớt xác tàu Titanic từ đáy biển đối diện với nhiều thách thức về chi phí, pháp lý cũng như hiện trạng của con tàu.

    Việc trục vớt xác tàu Titanic từ đáy biển đối diện với nhiều thách thức về chi phí, pháp lý cũng như hiện trạng của con tàu.

    Sau nhiều thập kỷ nằm im dưới đáy đại dương, xác tàu Titanic đã được phát hiện vào năm 1985. Khi đó, một nhóm các nhà khoa học do nhà hải dương học Robert Ballard dẫn đoàn, đã lần đầu phát hiện được vị trí con tàu đắm dưới bề mặt Đại Tây Dương. Kể từ đó đến nay, đã có nhiều ý tưởng khác nhau được đưa ra để tìm cách trục vớt đưa xác con tàu huyền thoại này trở về đất liền. Tuy nhiên, hầu hết ý tưởng này đều khó thực hiện bởi hàng loạt lý do khác nhau.

    Xác tàu Titanic là một nghĩa trang khổng lồ.

    Khoảng 1.500 người đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic. Sau khi con tàu chìm, chỉ có khoảng 300 thi thể hành khách được trục vớt. Những người khác mặc áo phao có thể đã bị hải lưu cuốn ra xa hơn, trong khi phần lớn đã bị chìm cùng con tàu.

    Sau khi xảy ra sự việc, chính phủ Mỹ và Anh đã đồng ý với quyết định coi xác tàu như một khu tưởng niệm. Điều này có nghĩa, xác tàu sẽ được bảo tồn, theo Monica Allen, Giám đốc Nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

    Được tìm thấy từ 37 năm trước, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt từ đáy đại dương? - Ảnh 1.

    Ảnh chụp phần mũi tàu Titanic trong một chuyến thám hiểm xác con tàu này. Ảnh: NOAA

    Vào năm 2020, RMS Titanic Inc., công ty sở hữu quyền trục vớt đồ vật trên con tàu, đã lên kế hoạch thu thập lại thiết bị radio được sử dụng để thực hiện các cuộc gọi cấp cứu. Kế hoạch này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về khả năng đoàn thám hiểm có thể làm xáo trộn hài cốt của các hành khách xấu số trên Titanic. Theo đó, một số người cho rằng, các sinh vật biển và nước mặn  đã khiến các thi thể bị phân hủy hoàn toàn.

    "Tôi chưa từng thấy hài cốt người nào", James Cameron, đạo diễn phim Titanic, đã đến thăm xác tàu hàng chục lần, tiết lộ vào năm 2012.

    Trong khi đó, đối với một số người, xác tàu là dấu tích của thảm kịch, bất kể có hài cốt hay không. Hậu duệ của những hành khách đã qua đời coi đó là một ngôi mộ. Năm 1987, Eva Hart, người sống sót sau thảm kịch Titanic, gọi những người trục vớt địa điểm này là "thợ săn tài sản, kền kền, cướp biển."

    Xác tàu Titanic đang mục nát

    Tàu Titanic được chế tạo từ hàng nghìn tấm thép dày 1 inch và hai triệu đinh tán bằng thép và sắt rèn. Tuy nhiên, xác con tàu huyền thoại này đang bị 'ăn mòn' bởi một loại vi khuẩn ăn kim loại có tên gọi Halomonas titanicae, vốn được đặt tên theo con tàu.

    Theo đó, độ mặn nước biển nơi tàu Titanic chìm tạo điều kiện thuận lợi cho Halomonas titanicae phát triển và "ăn sạch" sắt, lưu huỳnh". Trong quá trình vi khuẩn tiêu hóa sắt trên tàu, chúng tạo ra cấu trúc giống thạch nhũ được gọi là rusticle, bao phủ xác tàu.

    Theo nhà nghiên cứu Clare Fitzsimmons từ Đại học Newcastle, rusticle là "một dạng yếu hơn nhiều của kim loại", tức đủ mỏng manh để biến thành bụi. Chưa kể đến, dòng hải lưu và sự ăn mòn của muối cũng gây ra thiệt hại cho xác tàu theo thời gian.

    Được tìm thấy từ 37 năm trước, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt từ đáy đại dương? - Ảnh 2.

    Có thể nhìn thấy bồn tắm bên trong xác tàu Titanic tại một bức ảnh chụp năm 1996. Ảnh: Xavier Desmier/Getty

    Trên thực tế, mức độ xuống cấp của xác tàu Titanic có thể thấy rõ qua hình ảnh chụp cabin của thuyền trưởng Edward Smith vào năm 1996 và 2019.

    "Bồn tắm của thuyền trưởng Edward Smith là hình ảnh yêu thích của những người đam mê Titanic, và nó giờ đã biến mất", nhà sử học Titanic Parks Stephenson cho biết vào năm 2019. Toàn bộ sàn ở nơi này đang sụp đổ, kéo theo các phòng ngủ và sự mục nát sẽ tiếp tục tiến diễn.

    Chi phí trục vớt xác tàu Titanic sẽ rất lớn

    Những người đam mê Titanic đã mơ về một kế hoạch trục vớt đầy tham vọng con tàu này từ năm 1914. Vào thời điểm đó, kỹ sư Charles Smith đã nghĩ ra kế hoạch gắn dây cáp điện từ vào thân tàu và từ từ nâng nó lên bằng động cơ hơi nước và tời, theo "Sinkable".

    Ông ước tính chi phí cho hoạt động này tốn khoảng 1,5 triệu USD - tương đương khoảng 45 triệu USD ngày nay. Tuy nhiên, chi phí thực tế cho việc trục vớt tàu Titanic sẽ tốn hơn đáng kể.

    Để so sánh, việc nâng du thuyền bị lật úp Costa Concordia vào năm 2013 tiêu tốn 800 triệu USD. Tuy nhiên, du thuyền này chỉ bị chìm một phần. Trong trường hợp của tàu Titanic, việc vớt xác tàu từ độ sâu gần 4km sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.

    Được tìm thấy từ 37 năm trước, vì sao xác tàu Titanic không được trục vớt từ đáy đại dương? - Ảnh 3.

    Mảnh thân tàu Titanic được trục vớt và trưng bày tại một khách sạn ở Las Vegas. Ảnh: Insider

    Ví dụ, phải mất tới 2 lần lặn sâu xuống vị trí xác tàu Titanic vào năm 1996 và 1998 để trục vớt một mảnh vỡ lớn của thân tàu lên mặt nước. Đây là phần thân tàu dài 4 x 9 m, nặng 15 tấn, và vẫn còn đinh tán và kính ở một số lỗ cửa sổ bằng đồng ở thành tàu. Do đáy biển là môi trường ít oxy, mảnh vỡ này phải được ngâm trong nước để làm chậm quá trình ăn mòn khi được vận chuyển.

    Cuối cùng, mảnh thân tàu nói trên được ngâm trong một bể chứa gồm dung dịch natri cacbonat và nước trong 20 tháng để loại bỏ muối làm suy yếu kim loại. Hiện tải, mảnh thân tàu đang được trưng bày tại khách sạn Luxor ở Las Vegas (Mỹ).

    Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù xác tàu Titanic được coi là một địa điểm tưởng niệm, một số đồ vật từ xác tàu đã được trục vớt. Xét về tính pháp lý, mọi hoạt động trục vớt chỉ được giới hạn ở khu vực mảnh vỡ xung quanh hai nửa của thân tàu và phải tuân thủ các nguyên tắc của NOAA, thỏa thuận quốc tế và các quy định của chính phủ Mỹ. Như vậy, bất kỳ hành động đưa xác Titanic lên mặt biển có thể sẽ phải đối mặt với những hệ lụy đáng kể về pháp lý.

    Tham khảo Insider

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ