Đứt cáp truyền kỳ - Nguyên nhân vì đâu?

    Comet,  

    Cùng tổng hợp lại những nguyên nhân gây ra những vụ đứt cáp hiện nay nhé.

    Mọi thứ đang diễn ra theo đúng quy luật tự nhiên của nó: mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng và cáp quang thì... đứt. Một sự việc đáng lẽ chỉ có thể diễn ra hạn chế cũng như hiếm gặp thì lại đang trở nên rất phổ biến hiện nay. Nói không ngoa, người Việt đang phải chấp nhận việc cứ dăm bữa nửa tháng thì cáp... chắc chắn sẽ đứt. Người dùng khó chịu, nhà mạng cũng bực mình, vậy đâu là nguyên do xảy ra cái việc "chẳng ai ưa" này?

    Những tuyến cáp biển
    Những tuyến cáp biển

    Lâu nay chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho những chú cá mập như một thói quen, và tất nhiên là nó mang tính hài hước thì nhiều hơn là khẳng định. Nhưng thực ra, chính cá mập cũng là một trong những nguyên nhân gây đứt cáp trên thế giới. Thế còn những "thủ phạm" còn lại là gì?

    1. Do mỏ neo của tàu thuyền

    Đây là nguyên nhân gây đứt cáp phổ biến nhất, và nó gây ra tới 70% các vụ đứt cáp biển xảy ra trên toàn cầu. Những đường cáp kết nối Internet vốn không hề yếu, bởi chúng được gia cố bởi các lõi thép đặc bên trong. Nhưng đấy chỉ là đối với con người, còn với những chiếc mỏ neo của những con tàu nặng hàng chục nghìn tấn, có gia cố kiểu gì đi nữa thì nó cũng có thể kéo rê đi và cắt đứt chúng một dễ dàng.

    Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.
    Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.

    Xét lại khu vực của chúng ta - biển Đông, chúng ta sẽ dễ hiểu vì sao những tuyến cáp tại đây lại dễ đứt đến như vậy. Trên thế giới, có những hải vực mà mật độ tàu biển di chuyển qua đó dày đặc hơn các khu vực khác vì các lí do khoảng cách, chi phí,..., và biển Đông là một trong các khu vực đó. Thậm chí, số lượng tàu biển di chuyển qua khu vực này đang ngày một tăng lên, kéo theo đó là các nguy cơ mất an toàn cho các tuyến cáp biển. Về lí thuyết, các tàu di chuyển tại các vùng biển gần bờ sẽ phải chú ý tới các khu vực có đặt cáp biển. Nhưng chẳng ai có thể dành thời gian và nhân lực để giám sát từng con tàu để xem họ có thả neo gần vùng cáp biển hay không cả. Vậy nên tàu thì cứ đi, và cáp thì cứ đứt.

    2. Do cá mập

    Như đã nói, cá mập không phải ngẫu nhiên mà lại trở thành mục tiêu bị công kích của "cư dân mạng" mỗi mùa đứt cáp. Những ông vua săn mồi của đại dương này sở hữu những bộ hàm sắc nhọn và cực kỳ khỏe, đủ để "giải quyết" những sợi cáp mỏng manh ở những vùng biển xa xôi. Lí giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng có thể chính những kích thích điện từ phát ra từ những đoạn cáp khiến lũ cá mập tưởng nhầm rằng đó là con mồi của chúng, và chuyện xảy ra sau đó thì bạn biết rồi đấy.

    Đừng đùa với anh...

    Thực tế thì, những vụ đứt cáp gây ra do cá mập không thường xuyên xảy ra. Chúng chiếm ít hơn 9% tổng các vụ đứt cáp xảy ra trên toàn cầu. Nhưng ngược lại, thiệt hại của các vụ đứt cáp này gây ra thường là rất lớn, bởi các vị trí đứt này thường nằm ở khá xa só với đất liền. Ghi nhận những lần cá mập cắn đứt cáp trên các tuyến kết nối giữa Mỹ với Nhật Bản hay Mỹ với Châu Âu gây ra thiệt hại tới 250.000 USD và còn hơn thế để giải quyết thiệt hại. Vậy đấy, những con cá mập chẳng bị oan đâu.

    3. Do hoạt động địa chất

    Dù hiếm gặp và chỉ là số ít, nhưng những vụ đứt cáp do thiên tai lại là những vụ nghiêm trọng bậc nhất. Với đặc thù là những đường dây đặt "lộ thiên" trên bề mặt đáy biển, những biến động dù là nhỏ nhất của bề mặt trái đất cũng sẽ dễ dàng hạ gục những đường cáp của chúng ta. Vốn dĩ, lớp vỏ Trái Đất vẫn luôn biến động chứ chưa từng "yên ổn", vậy nên các vụ núi lửa, động đất hay sóng thần sẽ gây ra thiệt hại rất lớn với các tuyến cáp biển.

    Động đất, sóng thần ở Nhật làm tê liệt một nửa tuyến cáp ở đây

    Động đất, sóng thần ở Nhật làm tê liệt một nửa tuyến cáp ở đây

    Ghi nhận trong lịch sử cho thấy những vụ việc kiểu này gây ra thiệt hại vô cùng lớn. Vào năm 2006, 1 trận động đất mạnh 7 độ richter ngoài khơi Đài Loan đã cắt đứt 8 tuyến cáp ngầm gây gián đoạn dịch vụ cho cả Hong Kong và Đông Nam Á. Trong khi đó trận động đất tạo ra sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản hồi 3/ 2011 đã làm tê liệt phân nửa toàn bộ lượng cáp quang vượt đại dương của quốc gia này.

    4. Do con người

    Một điều khá buồn là chính con người cùng là tác nhân gây ra các vụ đứt cáp. Nếu như ở các nước khác, người ta có thể làm đứt cáp vì các lí do kinh tế, chính trị, chiến tranh,... thì ở Việt Nam, lí do người ta làm đứt cáp là để... bán phế liệu. Chuyện này thường diễn ra do một bộ phận ngư dân khai thác các tuyến cáp đã qua sử dụng, nhưng đôi khi họ cắt nhầm luôn cả tuyến cáp đang hoạt động để kiếm tiền.

    Cáp biển bị cắt trộm
    Cáp biển bị cắt trộm

    Còn nhớ năm 2007, cộng đồng vô cùng sửng sốt khi biết được có nhiều các tàu cá cỡ nhỏ trang bị rất thô sơ đi... cắt trộm cáp ngầm về bán. Vụ việc đã khiến người ta đặt câu hỏi về độ an toàn của các đường cáp mỏng manh gần bờ trước các hành động phá hoại cố ý (hoặc vô ý cắt nhầm) của con người. Rất may là sau đó, chính phủ ra tay rất quyết liệt nên hiện tượng này mới có chiều hướng thuyên giảm.

    5. Do khỉ

    Lí do này không phải là lí do phổ biến trên thế giới, nhưng ở Ấn Độ, đây thực sự là một cơn ác mộng. Được biết đến là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đất nước nổi tiếng với nền công nghiệp gia công phần mềm này đã trong quá trình xây dựng những tuyến cáp quang mới, kết nối các "thành phố thông minh" trên khắp cả nước. Nhưng nỗ lực này lại gặp khó khăn bởi những con khỉ.

    Tại thành phố Varanasi - một thành phố nằm bên con sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, những con khỉ xuất hiện ở hầu như mọi nơi trong thành phố. Không biết lí do những con khỉ tìm đến cáp quang có giống những con cá mập hay không, nhưng chúng liên tục cắn bất cứ đoạn cáp nào mà chúng tìm thấy trong thành phố. Những người thi công không biết xử lí chuyện này thế nào khi các ngôi đền có lũ khỉ thì không được phép di dời, trong khi việc bắt nhốt những con khỉ sẽ gây phẫn nộ cho người dân bản xứ.

    >>Sáng 23/4, cáp quang biển AAG lại bị đứt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày