Elon Musk mất 24 tỷ USD trong 1 ngày: Khi Tesla từ ‘hãng công nghệ’ hiện nguyên hình thành công ty ô tô đang gặp khó khăn
Elon Musk đã thao túng tâm lý nhà đầu tư để tung hô Tesla thành hãng công nghệ, đưa vốn hóa lên nghìn tỷ USD và rồi khiến mọi người bất ngờ nhận ra họ cũng chỉ là 1 công ty ô tô đang khó chào bán sản phẩm.
- Tesla của Elon Musk “giảm ga”: Báo động đỏ cho tất các các nhà sản xuất xe điện toàn cầu?
- Toyota tuyên bố đi theo 1 công nghệ của Tesla, cục diện xe điện châu Á sắp biến động lớn?
- Chuyện gì đang xảy ra với Elon Musk: Bi quan bất thường về Tesla, né tránh câu hỏi về cả xe tự lái và AI, còn nhắc tới tình huống 'ngàn cân treo sợi tóc'
- 5 năm sau ngày Tesla trên bờ vực phá sản, Elon Musk 1 lần nữa đối mặt ‘địa ngục sản xuất’, vỡ trận với 1,8 triệu đơn đặt trước Cybertruck
- ‘Tôi xin lỗi’: Elon Musk buồn bã khi lợi nhuận của Tesla giảm 44%
Tờ Fortune cho hay khi Tesla báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023, phần lớn nhà đầu tư chỉ lưu ý so sánh các con số so với những dự báo trước đó.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì đây còn là câu chuyện về một doanh nghiệp sản xuất ô tô bị lầm tưởng thành startup công nghệ và kỳ vọng quá nhiều.
Chỉ là một hãng ô tô
Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm gần 15% trong suốt 1 tháng qua. Riêng trong phiên 19/10, giá cổ phiếu này đã bốc hơi 9% giá trị khiến tài sản của ông chủ Elon Musk bốc hơi 24 tỷ USD.
Trong tuyên bố của mình, Elon Musk đã viện dẫn việc lãi suất cao ở Mỹ đang khiến Tesla phải hạ giá để giữ thị phần, điều này đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận biên sẽ giảm theo.
“Việc giữ mức tăng trưởng bình quân hàng năm ở 50% mãi mãi là điều không thể”, Elon Musk thừa nhận.
Bất chấp điều đó, Elon Musk vẫn cố thuyết phục các nhà đầu tư về một viễn cảnh taxi xe điện tự động mà khi đó, tổng mức vốn hóa Tesla có thể lên đến hàng trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ nếu công nghệ mới này được phát triển thành công.
“Chúng ta sẽ có một hãng sản xuất phần cứng có tỷ suất lợi nhuận biên tăng mạnh như một hãng phần mềm”, Elon Musk tự hào nói.
Thế nhưng những con số thì không biết nói dối và nhà đầu tư cũng chẳng còn tin vào những viễn cảnh mà Elon Musk vẽ ra nữa.
Tờ Fortune nhận định Tesla đã hiện nguyên hình là một hãng ô tô đang khó chào bán sản phẩm và có lợi nhuận vừa phải, thậm chí ngày càng xói mòn tỷ suất lợi nhuận. Họ chẳng phải là một hãng công nghệ như những gì Apple đã làm trên thị trường điện thoại.
Để sản xuất được nhiều xe điện hơn, Elon Musk buộc phải đốt tiền xây nhà máy, mua thiết bị, nguyên liệu và trữ hàng tồn kho khi nhu cầu giảm.
Cho đến cuối cùng, thứ thực sự vào túi các nhà đầu tư là dòng tiền lợi nhuận chứ không phải cuộc cách mạng xe điện hay bảo vệ môi trường hoặc bất cứ thứ gì mà Elon Musk đã hứa hẹn.
Rõ ràng, dòng tiền lợi nhuận từ hoạt động của Tesla đang liên tục giảm trong khi vốn đầu tư vào hãng lại đi lên.
Đổi lại là đế chế nhà Elon Musk ngày càng có nhiều nhà máy, tài sản cố định, thiết bị nhưng lợi nhuận lại chẳng đáp ứng được nhu cầu từ nhà đầu tư.
Trong năm 2021, dòng tiền tự do (FCF) hàng quý đổ vào Tesla đạt 1,22 tỷ USD, tương đương 4,88 tỷ USD/năm để trang trải cho 57 tỷ USD tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 8,5%. Con số này vào năm 2022 là 1,35 tỷ USD/quý với tổng tài sản 73 tỷ USD và ROA đạt 7,3%.
Bước sang năm 2023, dù FCF 9 tháng đầu năm của Tesla chỉ đạt 358 triệu USD/quý nhưng tổng tài sản lại tăng 25% lên 91 tỷ USD, khiến ROA giảm xuống chỉ còn 1,5%.
Nguyên nhân chủ yếu là vốn đầu tư hoạt động hàng năm đã tăng mạnh từ 5,3 tỷ USD năm 2022 lên gần 9 tỷ USD.
Những con số này của Tesla chẳng thể so sánh được với các ngôi sao làng công nghệ để có thể tự ví mình là một công ty cùng ngành.
Tỷ suất ROA của Apple, Microsoft và Oracle trong 4 quý vừa qua đạt bình quân tương ứng 28%, 15% và 17%, cao gấp nhiều lần so với đế chế nhà Elon Musk.
Trớ trêu thay, tỷ suất ROA của những hãng ô tô như Ford hay Volkswagen lại đạt tương ứng 2% và 2,6%, ngang ngửa với Tesla.
Rất rõ ràng, dù Elon Musk có tung hô thế nào đi chăng nữa, dù Tesla có tạo ra cuộc cách mạng lớn như thế nào thì đế chế này ngày càng giống một hãng xe đang khó tiêu thụ sản phẩm hơn là một tập đoàn công nghệ.
Thao túng tâm lý nhà đầu tư
Đây không phải lần duy nhất câu chuyện Elon Musk thao túng tâm lý nhà đầu tư được đưa ra bàn tán.
Từ đầu năm nay, tổng vốn hóa của Tesla bốc hơi 900 tỷ USD đã khiến nhiều người dần nhận ra mình bị Elon Musk “lừa”.
Mùa hè năm 2020, Tesla ghi dấu ấn khi trở thành hãng xe hơi có giá trị nhất thế giới, vượt qua cả Toyota.
Những viễn cảnh mà Elon Musk vẽ ra cùng tình hình kinh doanh phát triển cũng như tiềm năng của ngành xe điện đã khiến những người hâm mộ Tesla điên cuồng.
Những viễn cảnh tươi đẹp về ngành xe điện được Elon Musk vẽ ra cũng như tung hô Tesla thành một hãng công nghệ đem lại cuộc cách mạng mới như Apple đã khiến nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu của hãng, qua đó thu hút nguồn vốn cần có cho dự án non trẻ này.
Một năm sau đó, tổng mức vốn hóa của Tesla vượt 1,2 nghìn tỷ USD và lớn hơn hầu hết các hãng ô tô khác cộng lại.
Trớ trêu thay, kể từ đó tổng mức vốn hóa của đế chế nhà Elon Musk đã mất 72% tính đến đầu năm 2023, khiến tổng tài sản của vị tỷ phú này cũng bốc hơi tới 200 tỷ USD.
Mặc dù từng được tung hô như là một “hãng công nghệ”, đem lại cuộc cách mạng mới theo đúng những gì Elon Musk nói nhưng những diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng như kết quả kinh doanh gần đây lại cho thấy Tesla đang trải qua các thách thức của một hãng ô tô hơn là công nghệ.
Rõ ràng nhà đầu tư đã bị thao túng khi đổ tiền cho Tesla với kỳ vọng công ty sẽ tăng trưởng bùng nổ như một hãng công nghệ, để rồi giờ đây nhận ra họ đã bị “lừa” như thế nào.
Điều này khiến những lời hứa của Elon Musk về xe điện bán tải Cybertruck hay ngành taxi điện lái tự động dù đẹp đẽ nhưng chẳng còn đáng thu hút như trước.
Không phải Apple
Trên thực tế, chính Elon Musk cũng chẳng mặn mà với việc được so sánh cùng Steve Jobs khi tạo nên cuộc cách mạng trong ngành công nghệ.
Thay vào đó, ông chủ Tesla lại bị ám ảnh bởi Henry Ford-cha đẻ ngành ô tô hiện đại khi tiên phong áp dụng sản xuất kiểu dây chuyền chế tạo dòng xe giá rẻ Model T, cắt giảm thời gian sản xuất xuống còn 90 phút.
Chính Henry Ford cũng tạo ra mô hình “liên kết dọc” khi vừa sản xuất ô tô nhưng cũng tổng hợp nguyên liệu và các linh kiện lắp ráp khác để tự chủ nguồn cung từ đầu đến cuối.
Trong khi ngành kinh doanh xe hơi hiện đại đã từ bỏ mô hình liên kết dọc này vào thập niên 1980 để thuê ngoài nhằm tiết kiệm chi phí và năng cao hiệu suất nhưng Elon Musk vẫn bị ám ảnh bởi hệ thống trên.
Tại thời điểm này, hãng xe nổi tiếng Toyota đã tự phát triển mô hình “Just In Time”, qua đó quản lý hàng tồn kho sao cho có thể điều chỉnh nguồn nguyên liệu phù hợp với tiến độ sản xuất và đơn hàng của khách, cho phép các nhà sản xuất tăng giảm sản lượng tùy thuộc nhu cầu người tiêu dùng.
Sự kết hợp của mô hình này với chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển cùng một quy trình sản xuất hợp lý đã thay thế được cho mô hình liên kết dọc cũ kỹ của Ford.
Tuy nhiên Elon Musk lại muốn đẩy mạnh liên kết dọc, tăng cường tự động hóa và kiểm soát hầu hết mọi thứ, từ ắc quy, ghế ngồi, phần mềm cho đến cảm biến tự lái hay khung gầm.
Cách tiếp cận này khác hoàn toàn với những gì Apple đã từng làm khi nhà táo khuyết đầu tư chủ lực cho trải nghiệm người dùng, thiết lập hệ sinh thái iOS, chỉ nắm giữ tài sản trí tuệ còn lại thuê ngoài hợp đồng ở Trung Quốc.
Hàng triệu iPhone được sản xuất mỗi năm tại các nhà máy đối tác của Apple ở Châu Á chứ chẳng phải của hãng.
Với Tesla, tập đoàn này muốn tự làm mọi thứ dù có rủi ro chậm tiến độ.
Chính Elon Musk thà mất ngủ hoặc phải ăn ở tại nhà máy để kịp tiến độ cũng nhất quyết không thuê ngoài. Vị tỷ phú này mơ về những chiếc ô tô được sản xuất dây chuyền nhanh như việc lắp ráp một chiếc iPhone của Apple.
Thế nhưng Tesla chắc chắn không phải Apple nếu nhìn tổng thể về mô hình sản xuất hay kinh doanh. Chiến lược của những nhà lãnh đạo 2 tập đoàn cũng khác nhau.
Điểm giống nhau duy nhất có lẽ là việc Tesla đã bị tung hô quá đà dù có chủ đích hay không, thành một hãng công nghệ đem lại cách mạng mới.
Dẫu vậy, những kết quả báo cáo kinh doanh hiện nay đã khiến đế chế nhà Elon Musk phải hiện nguyên hình là một hãng ô tô đang cố bán sản phẩm của mình trên một thị trường cầu yếu, nhiều cạnh tranh và lãi suất cao.
*Nguồn: Fortune
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"