Elon Musk vs. Jeff Bezos: Cuộc đối đầu của 2 gã khổng lồ
Việc Blue Origin của Jeff Bezos phóng và hạ cánh thành công một tên lửa không gian đã thực sự làm ông chủ SpaceX, Elon Musk, phải cay mũi. Nhưng nhìn lại những gì hai startup này đã làm được, có thể thấy ngành công nghiệp vũ trụ không gian sắp bước vào những thay đổi lớn, tạo nên một chân trời thị trường mới
Trong suốt 15 năm qua, công ty Blue Origin của Jeff Bezos là bí ẩn lớn nhất của ngành công nghiệp vũ trụ. Một công ty tên lửa, nhưng được thành lập bởi CEO của Amazon.com, đã nhận được sự chú ý vì sự hậu thuẫn từ giới siêu giàu và một vài video về lần phóng thử nghiệm của tên lửa này đã làm sửng sốt những người mê không gian vũ trụ.
Dù vậy, Blue Origin luôn tránh công khai tin tức và dường như không có gì nổi bật nếu so với đồng nghiệp của mình – công ty SpaceX của Elon Musk. Nhưng giờ rất rõ ràng rằng Blue Origin đã sẵn sàng để tiến những bước dài trên đường đua ngoài không gian.
Phóng tàu vũ trụ New Shepard của công ty Blue Origin
Thứ hai vừa qua, Blue Origin đã phóng thành công tàu vũ trụ New Shepard vào không gian và mang phần thân của tên lửa đẩy quay trở lại trái đất. Phần tên lửa đẩy hạ cánh chỉ cách điểm phóng lên khoảng 4,5 feet (tương đương 1,37m) cho dù sức gió thổi lên đến 120 dặm/giờ. “Ẩn mình trong bãi phóng của chúng tôi ở Tây Texas là một con quái vật chưa từng có – một tên lửa tái sử dụng” Bezos vui mừng thông báo trên Twitter. “Tên lửa tái sử dụng sẽ là người thay đổi cuộc chơi, và chúng tôi không thể đợi được đến lúc nạp lại nhiên liệu và bay vào không gian.”
SpaceX vs Blue Origin : ngang tài ngang sức
Hiện tại công ty Công nghệ khám phá Không gian SpaceX của Elon Musk đang là nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa không gian với giá thành rẻ, khoảng 60 triệu USD cho một lần phóng vào vũ trụ. SpaceX hy vọng rằng, với các tên lửa tái sử dụng, giá thành có thể sẽ giảm xuống còn 6 triệu USD cho mỗi lần phóng. Với mức giá như vậy, việc thương mại hóa ngành công nghiệp vũ trụ sẽ thay đổi mãi mãi, đầu tiên là mở ra cơ hội về việc du lịch vào không gian, cho khách du lịch, các nhà nghiên cứu và các công ty khác.
Trên thực tế, đây mới chỉ là lần phóng thử, Blue Origin vẫn chưa thực sự phóng thành công tên lửa cho khách hàng trả tiền nào. Tầu vũ trụ New Shepard dường như nhắm nhiều hơn đến lĩnh vực du lịch không gian, với việc đưa con người lên đến vỏ khí quyển, nơi họ có vài phút để trò chuyện rồi quay lại trái đất. Trong khi đó, các chuyên gia kỹ thuật lại khắt khe hơn khi yêu cầu phóng tên lửa đủ cao để đưa vệ tinh lên hoặc mang đồ cung cấp cho Trạm vũ trụ Quốc tế.
Về phần mình, SpaceX đã hạ cánh thành công các tên lửa lớn hơn nhiều trên một bãi thử sau các chuyến bay ngắn. Tuy nhiên trong lần phóng gần đây nhất, vào cuối tháng 4 – 2015, công ty đã thất bại trong việc hạ cánh tên lửa của mình lên một xà lan nổi trên đại dương, trước khi Blue Origin ghi dấu cột mốc của mình.
Với việc phóng và hạ cánh thành công tên lửa lần này, mâu thuẫn giữa hai công ty và người sáng lập của họ lại ngày càng tăng lên. Trên Twitter, ông Elon Musk sau một vài lời chúc mừng Bezos, đã tweet hàng loạt tin nhắn nói về tính phức tạp, khó khăn cho những dự án của SpaceX, cũng như đề cập đến việc các công ty khác đã hạ cánh thành công tên lửa của họ trên các chuyến bay ở độ cao “dưới quỹ đạo” trong quá khứ. Trong trường hợp này, “dưới quỹ đạo” là cách mà ông Musk ám chỉ về Blue Origin, “kỹ thuật của anh bạn còn yếu lắm.”
Tên lửa Grasshoper của công ty SpaceX
Mâu thuẫn của Elon Musk với Bezos và Blue Origin là điều dễ hiểu. Khi Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000, ông đã trở thành một người giàu có nhờ vào Amazon. Vì vậy, Bezos không hối thúc công ty thành một đơn vị thu được lợi nhuận ngay. Thay vào đó, ông tiếp tục đầu tư tiền và cho phép các kỹ sư làm việc gần như bí mật trong nhiều năm, cho dù tiến độ chậm chạp. Ông đã đưa ra cách tiếp cận thong thả hơn để trở thành ông trùm không gian.
Trong khi đó, SpaceX bắt đầu vận hành từ năm 2002. Thời điểm đó, Elon Musk mới có được 200 triệu USD nhờ việc bán Paypal cho Ebay, nhưng ông phải chia số tiền này ra cho SpaceX, Tesla Motors, và SolarCity. Để giữ SpaceX hoạt động, ông đã phải nhanh chóng biến công ty thành một đối thủ toàn cầu trong ngành công nghiệp vũ trụ, tuyên chiến với các công ty phóng tên lửa được chính phủ tài trợ ở Nga, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Các áp lực này gần như phá hủy SpaceX trong những ngày đầu thành lập, nhưng họ cũng có những lợi ích gia tăng từ việc phát triển những công nghệ của riêng mình một cách nhanh chóng. SpaceX đã thực hiện thành công khoảng 20 lần phóng và đã có một danh sách đặt trước dài các lần phóng trị giá nhiều tỷ đô la.
Có lẽ bởi cách tiếp cận khác nhau, nên Elon Musk đã nhiều lần châm chọc đồng nghiệp của mình – ông Bezos. Với việc SpaceX và Blue Origin, cả hai công ty đều cạnh tranh trên thị trường phóng tên lửa cùng với NASA. Vào thời điểm đó, Elon Musk đã nói với tạp chí SpaceNews rằng Blue Origin “vẫn chưa thành công trong việc tạo ra một tàu vũ trụ đáng tin cậy, hoạt động ở vùng dưới quỹ đạo, cho dù đã có 10 năm phát triển. Nếu trong vòng năm năm tới, bằng cách nào đó, họ trình diễn một phương tiện đạt tiêu chuẩn đánh giá của NASA để có thể gắn với Trạm Vũ Trụ, thì bãi phóng tên lửa 39A của chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng khả năng chúng ta tìm thấy kỳ lân đang nhảy múa còn cao hơn.”
Cả SpaceX và Blue Origin cũng đã tranh cãi nhau về việc tranh giành nhân viên. Đã có thời điểm, SpaceX thiết lập bộ lọc email để tìm xem ai nhận được email với chữ “Blue Origin” trong nội dung, đến nỗi nhân viên thường phải viết tắt tên đối thủ cạnh tranh là “B.O”. Trong một lần hiếm hoi, CEO của SpaceX đã chế giễu nỗ lực của Blue Origin để xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ tên lửa tái sử dụng, một trong những câu nói nổi tiếng của Musk “Người ta đã đề xuất đến việc hạ cánh trên một xà lan nổi giữa đại dương từ cách đây nửa thế kỷ. Chẳng có lý do gì để một bằng sáng chế như vậy được tán thành cả.” … “Có rất nhiều đề xuất kiểu như vậy. Vấn đề là thực sự tạo ra được một tên lửa có thể sử dụng.”
Tương lai mới cho công nghiệp không gian
Nếu gạt sang một bên những tranh cãi về kỹ thuật, cả SpaceX và Blue Origin đã mở ra tiềm năng cho những tiến bộ đáng kinh ngạc trong ngành công nghiệp vũ trụ không gian. Những công ty truyền thống trong ngành công nghiệp này không quan tâm nhiều đến việc tái sử dụng tên lửa cho đến khi xuất hiện nhiều đối thủ trên thị trường. Giờ mọi nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa đều đã phải nghiên cứu hoặc bắt đầu thảo luận về công nghệ này, vì họ biết rằng họ cũng cần công nghệ tái sử dụng tên lửa để cạnh tranh.
Cuộc đối đầu của 2 gã khổng lồ này thực chất chỉ có lợi cho chúng ta mà thôi.
Hai công ty khởi nghiệp này đã chứng minh rằng những tỷ phú với những giấc mơ khoa học viễn tưởng, cũng có thể cạnh tranh được với các công ty được chính phủ chống lưng với kinh phí khổng lồ và hàng thập kỷ kinh nghiệm. Một số anh chàng đam mê vũ trụ giàu có trước đây, ví dụ như Andrew Beal, dù đạt được vài thành công nhưng chưa bao giờ có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự. Giờ đây nước Mỹ gần như đã trở thành đối thủ không thể cạnh tranh trên thị trường phóng tên lửa toàn cầu, với hai startup có triển vọng nhất và có lẽ đứng đầu thế giới về công nghiệp vũ trụ. Tất cả là nhờ vào một anh chàng bán sách trực tuyến và một anh chàng Paypal.
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương