Facebook chẳng khác gì một cơ quan tình báo?

    PV,  

    Bạn có thực sự đọc kĩ thỏa thuận sử dụng khi đăng ký dịch vụ trực tuyến không? Không? Và hầu hết mọi người đều như vậy.

    Facebook chẳng khác gì một cơ quan tình báo?
     

    Facebook đang chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống hiện đại, thậm chí còn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của khá nhiều người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, trước cả khi Edward Snowden xuất hiện, Facebook đã khiến không ít người lắc đầu ngán ngẩm vì những rắc rối không mong muốn, có thể dẫn đến quyết định “đoạn tuyệt” với mạng xã hội này.

    Trước tiên là vấn đề bảo mật. Gần đây, chính sách “riêng tư” của Facebook đã gây ra không ít tranh cãi. Trong chính sách sử dụng dữ liệu mà Facebook đưa ra cho người dùng Accept/chấp nhận, mạng xã hội này thừa nhận đang thu thập thông tin về địa chỉ IP, những trang mà người dùng ghé thăm, vị trí GPS và tất tần tật mọi mối quan hệ từ bạn bè đến người thân của người dùng. Facebook chắc chắn không dừng lại ở đó. Bất kỳ trang web nào có nút Like hay widget của Facebook đều có thể trở thành công cụ “gián điệp” báo cáo từng hoạt động của người dùng, kể cả khi họ có ấn nút Like hay không.

    Facebook chẳng khác gì một cơ quan tình báo?
     

     

    Facebook cũng nhận thông tin từ nhà quảng cáo. Thành ra, các nhà quảng cáo trong mạng lưới Facebook cũng “gián tiếp thu thập thông tin và gửi về trung tâm dữ liệu của mạng xã hội này. Về phần mình, Facebook không giấu giếm khi cho biết “thu thập tất cả thông tin” người dùng và bạn bè của họ. Dĩ nhiên không thể thiếu việc thu thập thông tin để gợi ý “quảng cáo” những sản phẩm, dịch vụ mà Facebook cho là thuộc diện quan tâm của người đó. Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Một số thành viên phàn nàn muốn xóa hoàn toàn tài khoản khỏi hệ thống thật khó khăn. Nhưng nếu chỉ khóa tài khoản mà mọi thông tin đều được lưu lại, thì “thủ tục” lại rất dễ dàng.

    Không lâu sau khi cổ phiếu Facebook chính thức có buổi IPO tràn trề thất vọng, mạng xã hội này đã dính vào vụ kiện vi phạm quyền riêng tư tại California do âm thầm theo dõi hoạt động của người dùng với khoản tiền bồi thường lên đến 15 tỷ USD. Liên tiếp sau đó, các điều tiếng kinh doanh hay cung cấp trái phép thông tin, rò rỉ email, điện thoại cá nhân, giao diện Timeline làm lộ những tin nhắn riêng tư trước đây... lũ lượt kéo đến khiến người dùng không khỏi quan ngại cho sự an toàn của bản thân. Nhất là khi Facebook bắt tay với các cơ quan tình báo, các tổ chức thống kê, điều tra xã hội học...

    Facebook chẳng khác gì một cơ quan tình báo?
     

     

    Mỗi khi những thông tin này xuất hiện trên báo giới, giá cổ phiếu Facebook lại trượt mạnh. Chẳng hạn: Khi nghi án Timeline lộ ra, giá cổ phiếu Facebook giảm 9% trong phiên giao dịch ngay sau đó. Mối liên hệ giữa giá trị vốn hóa thị trường của Facebook và niềm tin của người dùng cũng như bao hàm luôn cả lo lắng của giới đầu tư là không thể chối cãi.

    Tuy nhiên, Facebook vẫn chưa có động thái tích cực nào để cải thiện tình trạng này. Vì thế, bê bối Snowden càng củng cố mối quan ngại này, cho dù CEO Mark Zuckerberg liên tục phủ nhận thông tin hãng đang hợp tác với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Điều khá thú vị là Julian Assange - người sáng lập Wikileaks - từng đưa ra giả thuyết Facebook có thể là cỗ máy gián điệp kinh khủng nhất mọi thời đại, được mọi người trên khắp thế giới “tự nguyện” đóng góp thông tin cá nhân và diễn biến mọi nơi trên khắp thế giới. Điều này cũng gợi nhớ về chương trình thu thập dữ liệu ồn ào của Chính phủ Hoa Kỳ mới rộ lên trong thời gian qua. Nhà nhà, người người bàn luận sôi nổi Chính phủ rốt cuộc đã nắm được những thông tin gì? Và họ sẽ làm gì với nó? Hầu hết người dùng, dù bất mãn, nhưng vẫn sẵn sàng “hy sinh” chút ít thông tin cho các nỗ lực quảng cáo và tiếp thị để đổi lại được lợi gì đó từ các dịch vụ.

    Giảm giá, thậm chí miễn phí, chẳng hạn. Nhưng cơ quan công quyền lại là chuyện khác. Không giống các doanh nghiệp, Chính phủ nắm trong tay quyền Hành pháp, Quốc hội nắm quyền Lập pháp còn Tòa án và cơ quan công tố là Tư pháp! Kiểm soát thông tin từ người dân cũng chính là công cụ đầy sức mạnh và quyền lực nhất.

    Facebook chẳng khác gì một cơ quan tình báo?
     

    Thế nhưng, những công ty như Facebook sẽ mang lại những nguy hiểm khó lường. Đơn cử: Facebook có thể tự ý phát đi thông tin của hàng triệu “bạn bè” mà không cần sự cho phép. Khi bị quấy nhiễu bởi những kẻ lạ mặt, hẳn nhiên chẳng ai cảm thấy dễ chịu. Dù có cố gắng thay đổi tài khoản, nhưng người dùng gần như không thể thay đổi hàng trăm, hàng nghìn bạn bè và người thân. Những người này lại có bạn bè của họ. Thông tin của bạn sẽ được gửi đến những người thân quen cũng như có thể chưa từng thấy bao giờ, thậm chí không biết có họ tồn tại trên đời. Cho phải phép, Facebook cũng không quên xin lỗi. Song họ có dừng công cuộc “khai thác” và sử dụng thông tin riêng tư này không? Tất nhiên là không! Bất kể ai đang thu thập dữ liệu đều nguy hại như nhau.

    Không khác mấy việc nghiên cứu hạt nhân vừa dẫn đến con đường “chết chóc” với những quả bom kinh hoàng để lại di chứng cho nhiều thế hệ sau, nhưng cũng có thể đưa đến giá trị y học hạt nhân có ý nghĩa to lớn cho nhân loại. Sự khác biệt lớn nhất giữa Facebook và nhà cầm quyền có chăng chỉ ở mức độ “công khai”: Facebook thu thập dữ liệu vì được người dùng “vô tình” đồng ý, còn nhà cầm quyền một mặt luôn đề cao tự do dân chủ cũng như bảo hộ quyền riêng tư, song mặt khác lại lén lút thu thập dữ liệu.

    Facebook hay Apple, Google, Microsoft đều là những tập đoàn công nghệ khổng lồ. Cách thức hành động của họ cũng không khác nhà cầm quyền là mấy khi luôn đề cao “khách hàng” để rồi cũng chính họ lại dẫn đầu trong cuộc tranh cãi về quyền tự do cá nhân. Viktor Mayer-Schönberger - Giáo sư về Chính sách Quản lý Internet tại Viện Internet Oxford - cho rằng: Uy tín mà các công ty này dày công xây dựng có thể bị sụp đổ. Khi niềm tin đã đánh mất, rất khó lấy lại, ngay cả khi được phán “vô tội”, thì sự “trong sạch” cũng không vì thế mà quay trở lại nguyên vẹn. Đơn cử: ngày 22/6/2013, Facebook tuyên bố để rò rỉ 6 triệu tài khoản chỉ là lỗi kỹ thuật và đã được giải quyết ổn thỏa.

    Nhưng đến ngày 23/6, trang ZDNet đã trích dẫn nhiều lời phàn nàn của người dùng về việc vẫn thấy các địa chỉ email và số điện thoại của người khác lý ra không được công khai. Giờ đây, những thông tin kiểu như Facebook đánh mất hàng triệu người dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh... không khiến người ta giật mình.

    Facebook chẳng khác gì một cơ quan tình báo?
     

    Gốc rễ của vấn đề là không có tổ chức nào coi Facebook là nơi bàn luận mấy câu chuyện tầm phào hay chia sẻ sự quan tâm, kết nối vòng tròn bạn bè đơn thuần như những gì mà Zuckerberg từng mong muốn, mà là mỏ thông tin và tiếp cận lớn dễ sinh “lợi nhuận”. Nắm trong tay những thông tin riêng tư như sở thích, công việc, khả năng tài chính, đặc biệt là giữa thời đại thông tin được coi như huyết mạch của nền kinh tế, các nhóm lợi ích có thêm công cụ để phục vụ cho mục đích của họ.

    Nhưng xét trên góc nhìn khác, mạng xã hội đã trở thành nguồn sức mạnh mới cho việc trao đổi thông tin, tăng tốc độ thể hiện khiếu nại, thậm chí còn như “kỳ thi cuối cùng” với không ít chính khách ở các quốc gia dân chủ. Cô bé Isadora Faber đã tận dụng Facebook để phản ánh chân thực điều kiện thiếu thốn trong các trường học tại Brazil. Sự dũng cảm của Isadora Faber đã nhanh chóng nhận được “like” của nhiều người và có khả năng gây áp lực lên các nhà chức trách và ngành giáo dục nước này. Sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đúng vào thời điểm thế giới đang quay cuồng với khủng hoảng, mâu thuẫn, tham nhũng...

    Từ vị thế chỉ như đường link kết nối hay đóng vai trò như những quyển nhật ký trực tuyến, vô hình chung mạng xã hội trở thành “địa chỉ” lý tưởng giúp các cá nhân “xả” những bất mãn mắt thấy tai nghe trong cuộc sống, trút bỏ gánh nặng và chia sẻ tư tưởng là tiếp tục “tự sướng” trong thế giới ảo. Điều thú vị là trong khi một số quốc gia như Uzbekistan cảnh báo Facebook nguy hiểm như bom nguyên tử, song lại khuyến khích người dân sử dụng trang mạng xã hội muloqot.uz và sinfdosh.uz của nước mình. Trong khi trên thực chất đều là mạng xã hội. Nếu coi Facebook là thứ nguy hiểm, thì những trang khác cũng không thể đứng bên lề! Mọi vấn đề đều có tính hai mặt.

    Facebook có thể khiến người dùng ngày càng thất vọng bởi sự “nguy hiểm” mà nó mang lại. Song người dùng có trong tay quyền năng to lớn: từ chối mua/tiêu dùng và quyền bảo vệ lợi ích của bản thân khi sản phẩm/dịch vụ cung ứng không như tuyên bố của nhà sản xuất. Nhưng quyền này chỉ có sức nặng khi có sự bảo hộ vững chắc. Đó là lý do vì sao một sản phẩm của Mỹ, dù dính đến nhiều nghi án còn cổ phiếu tụt dốc thê thảm, hiện vẫn giữ vững vị trí mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

    Theo Thu Hằng
    Người đưa tin

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ