Một thử nghiệm đơn giản đã chỉ ra cách thức mà Facebook "lập trình" các hành vi xã hội.
Vào ngày sinh nhật của mình 3 năm trước, hòm thư điện tử cá nhân của một giáo sư luật đã được chất đầy các thông báo từ Facebook về những lời chúc mừng sinh nhật trên "tường" Facebook cá nhân của ông. Những tin nhắn này khiến ông cảm thấy không vui. Hộp thư đầy gây phiền toái chỉ là một phần, điều thực sự khiến ông không vui là đã tiết lộ ngày sinh của mình cho Facebook.
Việc cung cấp thông tin ngày sinh là không cần thiết khi sử dụng mạng xã hội, cũng không phải để tuân thủ theo chính sách riêng tư như một số người vẫn nghĩ. Bản thân ông đã không chú ý nhiều khi đăng ký thông tin – cũng như hầu hết các điều khoản điện tử khác, không có gì phải tranh cãi hay băn khoăn cả. Ông tuân thủ theo chỉ dẫn của Facebook, nhập thông tin và bấm nút.
Một vài ngày sau đó, vị giáo sư luật này quyết định đổi lại ngày sinh của mình trên Facebook để tránh tình trạng tương tự vào năm tới. Nhưng khi tới sinh nhật "giả", hòm thư điện tử của ông lại một lần nữa tràn ngập các thông báo từ Facebook. Hai trong số các thông điệp nhận được đến từ người thân. Một trong hai người này ông đã nói chuyện điện thoại vào ngày sinh nhật "thật" của mình!
Sao cô ấy có thể không nhận ra đó là ngày sinh giả nhỉ?
Giả thuyết đưa ra: cô ấy đã bị "lập trình"!
Giáo sư luật Brett Frischmann nhắc đến ở đây cũng như bất kỳ ai trong số chúng ta. Và điều này đã khẳng định những hoài nghi của ông, rằng hầu hết mọi người phản ứng tự động theo yêu cầu của Facebook, cung cấp thông tin hoặc liên hệ với bạn mình mà không thực sự nghĩ nhiều về điều đó. Đó là bởi các công nghệ kết nối kỹ thuật số đang khiến con người cư xử giống như những chiếc máy phản hồi đơn giản. Đây là một trong những vấn đề chính mà Frischmann tranh luận cùng Evan Selinger trong cuốn Re-Engineering Humanity (tạm dịch là Thiết lập lại Nhân tính). Đây là cuốn sách mới, đánh giá một loạt các giao diện tương tác con người - máy tính, bao gồm cả mạng xã hội.
Truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Facebook, LinkedIn và Twitter đã trở thành những phương thức cơ bản để giữ liên lạc với bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác mức độ mà các nền tảng này đang "lập trình" phản ứng của con người.
Các nền tảng mạng xã hội định hướng một chuỗi các hành vi xã hội: Facebook thông báo chúng ta về sinh nhật của bạn bè; LinkedIn nhắc nhở ngày kỷ niệm liên quan tới công việc của những người trong danh sách liên hệ; Twitter hiển thị những đoạn tweet mà nhiều bạn bè của chúng ta đã like. Kết quả là, nhiều tương tác xã hội người – người đã bị thu gọn thành việc "bấm nút".
Do đó, chúng tôi đã quyết định thử nghiệm. Mùa hè năm 2017, chúng tôi đã tiến hành một khảo sát thực tế minh họa cách thức Facebook xây dựng để người dùng gửi lời "Chúc mừng sinh nhật" tới bạn bè. Chúng tôi đã yêu cầu 11 người thay đổi ngày sinh của mình trên Facebook thành một ngày ngẫu nhiên và sau đó chờ xem phản ứng của mọi người. Tổng kết lại, 10,7% trong số 10.042 người bạn đã chúc họ sinh nhật vui vẻ vào ngày giả mạo.
Một nhóm khác đã viết lời chúc và gửi tin nhắn trực tiếp hoặc gọi điện thoại để chúc mừng họ. Một số rất ít bạn bè nhận ra đó là ngày sinh giả. Khi so sánh số lượng lời chúc vào sinh nhật giả với những lời chúc họ nhận được vào ngày sinh thật năm 2016 và 2015, kết quả gần như tương đương. Kết quả sơ bộ này cho thấy Facebook đã "lập trình" người dùng tự động gửi lời chúc tới bạn bè trong danh sách của mình mà không hề quan tâm tới tính xác thực của ngày sinh.
Ngoài quyết định ban đầu có phản hồi hay không khi Facebook đề xuất chúc mừng sinh nhật tới bạn bè, người dùng có thể dừng lại và suy nghĩ về những gì sẽ nói khi soạn tin nhắn. Tuy nhiên ngay cả như vậy, có vẻ Facebook đã tạo ra các phản ứng thói quen. Có một sự nhất quán đáng kể về nội dung tin nhắn, như thể mọi người đã làm theo các kịch bản "chuẩn". Đáng ngạc nhiên là, 27% tin nhắn có nội dung không gì khác ngoài "HPBD" (Happy Birthday) hay "Chúc mừng sinh nhật", thậm chí còn không nhắc đến tên của người được chúc!
Facebook có thể tăng số lượng người mà chúng ta chúc mừng sinh nhật bằng cách nhớ giúp chúng ta ngày sinh của một người bạn cùng lớp nào đó hay một anh chị em họ hàng xa. Nhưng nếu nó trở thành hành vi được lập trình thì liệu còn có ý nghĩa không? Với những người không online Facebook hoặc không để thông tin ngày sinh công khai thì việc hạn chế thông tin của họ dẫn tới "thiệt thòi": không nhận được nhiều lời chúc từ các liên hệ không quá thân thiết. Xét cho cùng, vẫn thật tuyệt khi được nhớ đến, ngay cả khi chỉ là một lần mỗi năm.
Hiện nay, các nền tảng kỹ thuật số đang xây dựng nên những "người ảo" và chúng ta không thể dựa vào các nền tảng này để kiểm soát hay tìm hiểu về họ. Do đó, khi đến sinh nhật của mình, hãy tận hưởng cảm giác ấm áp từ những lời chúc của bạn bè - nhưng hãy nhớ rằng có thể họ không hề biết sinh nhật thực sự của bạn là ngày nào, cũng như khi bạn chúc mừng họ vậy.
Theo Blog Scientific American
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4