Đừng coi thường, ngay cả những hãng sản xuất tin tức lớn nổi tiếng cũng phải liên tục thay đổi để thích nghi với các xu hướng mới.
Rất nhiều người sử dụng mạng Internet hiện nay có chung một sở thích như nhau, vì đó là điều mà Greg Marra, kỹ sư công nghệ tại Facebook đã phân tích và tính toán theo những dữ liệu có được.
Nhóm nghiên cứu của Marra là chủ nhân thiết kế nên một đoạn mã nguồn có vai trò quan trọng trong cơ chế thiết lập News Feed của Facebook, bao gồm toàn bộ những dòng trạng thái, sự kiện, ảnh, video và mọi khía cạnh khác mà người dùng thấy. Hơn nữa, Marra cũng là một tên tuổi khá nổi và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tin tức.
Về phần Facebook, công ty hiện đang nắm giữ số lượng thành viên tận 1/5 dân số thế giới - tương đương 1,3 tỉ người - đăng nhập và sử dụng mạng xã hội của mình thường xuyên hàng tháng. Tỷ lệ truy cập định hướng đến các trang web khác lên đến 20%, theo như khảo sát của SimpleReach. Trên nền tảng điện thoại, nơi tập trung và phát huy mạnh nhất tiềm năng của Facebook, con số đó còn lớn hơn nhiều, và vẫn không ngừng gia tăng.
Dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới này đang ngày càng trở thành một thị trường tin tức mà Amazon cũng đang có ý định dựa vào để phát triển - nhờ vào phương pháp tiếp cận đến hàng trăm triệu độc giả và người dùng trên đó. Theo một điều tra thực hiện bởi Pew Research Center, khoảng 30% người trưởng thành tại Mỹ dùng Facebook như một công cụ chính yếu để cập nhật thông tin. Số phận của những trang web mới nổi có thể phụ thuộc rất nhiều vào việc nó thể hiện như thế nào khi được liên kết đến News Feed của Facebook.
Mặc dù những nền tảng khác như Twitter và Google cũng có sức ảnh hưởng đáng kể, nhưng Facebook mới thực sự là tên tuổi tiên phong cho những thay đổi đột phá trong cách mọi người tiếp cận tin tức. Hầu hết độc giả hiện nay không còn có thói quen đọc các ấn phẩm báo giấy hay thậm chí cả trang chủ online đăng ký tại nhà, mà chuyển sang mạng xã hội và những bộ máy tìm kiếm tích hợp các công thức, thuật toán có khả năng lọc dữ liệu cho phù hợp với thị hiếu của từng người dùng một.
Nói cách khác, đó là một thế giới lấp đầy bởi vô số những mảnh ghép, được chắt lọc bởi các đoạn mã và tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Đối với các công ty, tổ chức trong ngành tin tức, Cory Haik - biên tập viên kỳ cựu ở mảng công nghệ số tại The Washington Post đã nhận định: "Sự thay đổi này mang đến một tiêu chuẩn phân loại và đánh giá mới cho tin tức."
Từ đó, cũng giống như nền công nghiệp âm nhạc đã lột xác từ hình thức bán album truyền thống sang loại hình kinh doanh bài hát online, các nhà xuất bản cũng đang cố gắng hướng người đọc đến những mẩu tin ngắn, độc lập hơn là những bản in tổng thể của cả một tạp chí. Trang chủ của các tờ báo cũng sẽ sớm trở thành nơi kinh doanh quảng cáo dựa vào lượt xem hơn là điểm dừng chân của những độc giả như hồi trước.
"Mọi người sẽ không gõ washingtonpost.com nữa đâu," bà Haik phát biểu. "Giờ đây là thời đại của những thuật toán tìm kiếm và mạng xã hội."
Những bước ngoặt này làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng của máy móc trong việc lưu hành tin tức - việc mà vốn được dành cho những biên tập viên bằng xương bằng thịt, đồng thời mang đến nhiều ý kiến trái chiều về cách người dùng phản hồi với tin tức và nhìn nhận thế giới qua góc nhìn mới mẻ đó.
Trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của Facebook, Marra cho rằng ông không hề nghĩ đến việc mình gây ảnh hưởng thế nào đến ngành báo chí.
"Chúng tôi đang làm hết sức để không nghĩ theo cách mà các biên tập viên từng làm. Chúng tôi cũng không muốn đem những chuẩn mực xã luận lên áp dụng cho những tin tức trên News Feed. Bạn là người tạo dựng các mối quan hệ, bạn là người tìm đến những page mà bạn cảm thấy hấp dẫn, và bạn cũng là người tự do lựa chọn cho những gì sẽ xuất hiện phổ biến mà bạn thật sự để tâm đến."
Trong quá trình làm việc ở lĩnh vực giải quyết các vấn đề liên quan đến News Feed của người dùng, Marra chia sẻ: "Chúng tôi luôn khiến người đọc nghĩ theo hướng rằng 'trong mọi thứ bạn đang kết nối và tương tác, đây sẽ là khía cạnh bạn cảm thấy thích thú nhất."
Hầu như cứ 1 lần/tuần, ông cùng nhóm làm việc của mình (khoảng 16 người) phải rà soát, điều chỉnh các đoạn mã lập trình làm nhiệm vụ quyết định sẽ hiển thị thứ gì mỗi lần một thành viên đăng nhập lần đầu tiên lên Facebook. Đoạn mã này được viết dựa trên hàng ngàn phép đo, bao gồm cả thông tin về thiết bị người đó sử dụng để truy cập, số lượt tương tác và thời gian người đọc nán lại trên một mẩu tin nào đó, rồi tổng hợp và đưa ra kết quả cuối cùng.
Mục đích sau cùng là để tìm ra những nội dung người đó quan tâm nhiều nhất, và tất nhiên đây là khía cạnh rất rộng lớn, trải dài trên toàn thế giới đối với mỗi cộng đồng người dùng. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, mọi người có xu hướng chia sẻ và tiếp cận những lĩnh vực đặc trưng như: thiên văn học, Bollywood, môn cricket và tôn giáo.
Nếu thuật toán của Facebook tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hãng sản xuất tin tức, những lợi ích song phương mang lại sẽ rất lớn. Mặt khác, nếu Marra và nhóm của mình cố tình bắt người dùng phải click vào tiêu đề mới có thể đọc thông tin mà không thể nhìn qua những ảnh bìa đại diện bên ngoài, điều này có thể phản tác dụng. Vào tháng 12 năm 2013, Facebook đã tiến hành cải tiến và nâng cấp thuật toán của mình để chọn lọc ra những nội dung chất lượng, chính thống hơn, giúp mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.
Đội ngũ nhân viên cấp cao làm việc tại Facebook cũng luôn phụ trách, quan tâm đến việc duy trì và phát huy các mối quan hệ tích cực với các nhà sản xuất vì lợi ích chung. Rất nhiều các hãng tin tức khác nhau đã trực tiếp đến bàn luận với Facebook về những phương pháp tăng lượng người tương tác, kể cả The New York Times, giúp cho tỷ lệ đăng ký ấn phẩm và quảng cáo cũng tăng lên trên trang chủ của họ.
Các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter và LinkedIn luôn muốn người dùng dành nhiều thời gian hơn trên nền tảng của mình. Facebook cũng từng nói rằng người dùng càng nán lại lâu hơn trên trang chủ của họ, tỷ lệ trao đổi và tương tác ý kiến, quan điểm càng lớn.
Kim - chuyên gia làm việc tại SimpleReach cho biết ông luôn khuyến nghị những công ty dịch vụ truyền thông "đừng cố chạy theo xu hướng chung của xã hội. Bạn sẽ trở nên giống mọi người khác, và mất đi cái chất đặc trưng của mình." Chính những nhà sản xuất như vậy sẽ luôn phải tự hỏi câu hỏi "Liệu có phải chúng ta chỉ làm việc dựa trên tiềm năng mà thông tin đó được tiếp nhận trong cộng đồng này hay không?", chẳng còn những tính chất "riêng" của mình nữa.
Biên tập viên công nghệ số Haik từ Washington Post cũng đang lãnh đạo một nhóm từ đầu năm nay, đảm nhận nhiệm vụ phát triển nhiều phiên bản số của Washington Post đến người đọc, dựa trên những dữ liệu về thói quen và thiết bị mà họ đang sử dụng.
"Chúng tôi đang tập trung vào những phương pháp truyền tải thông tin mới lạ, dễ thu hút, phù hợp với từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, một người đang đọc báo bằng điện thoại vào ban ngày chắc chắn sẽ có tâm trạng và các mối quan tâm khác với khi vào buổi tối và đang nằm thư giãn ở nhà."
The Post cũng đang thực sự coi đây là công cuộc trọng yếu trong quá trình duy trì và phát triển thương hiệu của họ. Hơn nửa số người đọc của The Post ưa chuộng tiếp cận thông tin qua nền tảng số và các trang mạng xã hội như Facebook. Trong khi đó, một số hãng báo khác lại tìm đến các biện pháp mới với tính chất ngược lại xu hướng trên. Cụ thể, Robert Cottrell, từng là nhà báo tại The Financial Times và Economist, nay làm việc cho The Browser, có thói quen đọc lướt duyệt qua khoảng 1000 tin vào mỗi ngày, sau đó chỉ chọn ra 5-7 tin chất lượng mà ông cho là sẽ hấp dẫn 7000 người đăng ký với gói 20 USD/năm.
"Ý tưởng được đặt ra ở đây là việc mang lại những tin tức có giá trị chất lượng về lâu về dài mà vẫn hấp dẫn," Cottrell cho biết. "Chúng tôi cũng không cần phụ thuộc quá nhiều vào các thuật toán làm gì cả."
Cũng theo ông, trí thông minh nhân tạo có thể sẽ sớm tìm ra phương pháp tự tổng hợp thông tin và chia sẻ nó lên thị trường chung. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay thì máy móc vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự can thiệp và hỗ trợ của con người.
Marra, kỹ sư Facebook, cũng đồng ý về quan điểm trên. Thế nhưng "nó thật sự không khả thi nếu áp dụng cho quy mô từng người một trên thế giới, vì vậy tôi cho rằng những hệ thống như News Feed đang làm khá tốt công việc được giao và không ai có thể phủ nhận điều đó." Đơn giản, nói cách khác, đó là một "trang tin tức có tính chất thích nghi tối ưu đối với con người."
Tham khảo: nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?