Facebook đang cầu xin bạn truy cập càng nhiều càng tốt đấy

    Chíp,  

    Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang tích cực "chèo kéo" những người không đăng nhập thường xuyên, cố gắng giữ số lượng người dùng tương tác thường xuyên trên nền tảng của mình.

    Kể từ khi Rishi Gorantala xóa ứng dụng Facebook trên smartphone tới nay đã gần một năm và mạng xã hội ngày càng tích cực trong việc gửi email mời gọi anh trở lại. Facebook bắt đầu bằng việc gửi thông báo cho anh hàng ngày về việc những người bạn đăng ảnh hoặc bình luận, kèm theo đó là đường link mời anh nhấp vào để xem các hoạt động ấy trên Facebook. Nhưng Gorantala rất hiếm khi nhấp vào.

    Sau đó, một tuần sau, vào khoảng tháng Chín, anh bắt đầu nhận được một lời nhắc từ nhóm dịch vụ bảo mật của Facebook. "Dường như bạn gặp vấn đề khi đăng nhập vào Facebook", email viết. "Chỉ cần nhấp vào nút bên dưới và chúng tôi sẽ đăng nhập tài khoản giúp bạn. Nếu không phải bạn cố đăng nhập, hãy cho chúng tôi biết". Gorantala không cố đăng nhập và anh cũng chẳng nghĩ tới việc ai đó đang cố gắng làm điều này.

    "Thực ra những nội dung trong mail họ gửi đang cố gắng đánh lừa bạn", Gorantala, 35 tuổi đang sống ở Chile, chia sẻ. "Vì có ai đó đang cố gắng truy cập tài khoản của bạn nên bạn sẽ muốn đăng nhập vào để kiểm tra. Và đó chính là điều Facebook mong muốn".

    Facebook, hiện đang có khoảng 2 tỷ người dùng đăng nhập hàng tháng, chưa bao giờ thất bại trong việc phát triển cơ sở người dùng. Để vượt qua sự mong đợi của các nhà đầu tư về số lượng người dùng, giữ chân những người dùng như Gorantala quan trọng chẳng kém việc thu hút người dùng mới.

    Những người hiếm khi đăng nhập vào Facebook, nhưng chưa ngắt kết nối hoàn toàn, sẽ thường xuyên nhận được thông báo từ Facebook, có khi nhận được nhiều thông báo trong một ngày. Theo ảnh chụp màn hình và báo cáo từ những người dùng trên khắp thế giới, thông báo được Facebook gửi dưới dạng email và tin nhắn, nhắc nhở người dùng về những gì họ đang bỏ lỡ. Gorantala, người hạn chế sử dụng Facebook vì những lo ngại về vấn đề riêng tư, cho biết rằng những nhắc nhở bảo mật từ Facebook xuất hiện bất cứ khi nào anh không đăng nhập trong một vài ngày.

    Với những người dùng thường xuyên, Facebook cũng muốn họ tăng sự tương tác nhiều hơn nữa. Phần nhắc nhở phía trên news feed, thường hiển thị những kỷ niệm hoặc số năm kết bạn với những người thân thiết, giờ đây trở thành nơi hiển thị các thông tin, dấu mốc nhỏ hơn như bạn được gắn thẻ trong 10 ảnh với ai đó hoặc bài viết của bạn đã nhận được 100 biểu cảm...

    Đầu năm nay, CEO Mark Zuckerberg đã tuyên bố rằng Facebook sẽ xem xét lại thuật toán của news feed nhằm nhấn mạnh nhiều hơn vào các bài viết, nội dung từ bạn bè và gia đình, giảm bớt nội dung từ các thương hiệu và đơn vị truyền thông. Công ty cũng sẽ nhấn mạnh vào những thứ giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn trong thời gian dài. Facebook còn cảnh báo rằng những thay đổi gần đây có thể khiến mức tương tác giảm đi bởi người dùng dành ít thời gian hơn cho việc đọc các bài viết trên ứng dụng và xem video.

    Nhưng tương tác mới chính là thứ mà Mark Zuckerberg quan tâm trước khi ra thông báo trên. Từ Q1/2016 tới nay, Facebook chưa từng cập nhật thống kê về thời gian mà mọi người dành cho các nền tảng của họ và chỉ thông báo rằng nó vẫn đang có xu hướng tích cực. Theo thống kê của cả Nielsen và Comscore, số phút người dùng dành cho Facebook tại Mỹ đang giảm dù vẫn có xu hướng ổn định trên toàn cầu. Trong Q3/2017, tỷ lệ tăng trưởng người dùng hàng tháng tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử Facebook.

    "Có thể bạn nghĩ rằng những hành động mà Facebook công bố là câu trả lời cho những gì họ đã quan sát thấy", Brian Wieser, một nhà phân tích của Pivotal Research chia sẻ. "Nhưng với quy mô ấy, đôi khi Facebook sẽ đâm đầu vào tường".

    Kết quả tài chính Q4 vừa rồi cho thấy Facebook chẳng gặp chướng ngại nào. Các nhà phân tích cho rằng doanh thu kỷ lục trong Q4 sẽ giúp Facebook đạt tổng doanh thu lên tới 40,3 tỷ USD trong năm 2017. Thị trường quảng cáo di động, nơi mà Facebook cùng Google đang thống trị, vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển.

    Và bất kể điều gì xảy ra với Facebook, ứng dụng hàng đầu của Facebook, thì công ty này vẫn còn một số nền tảng khổng lồ khác như Instagram, WhatsApp và Messenger. Tất cả những nền tảng này đều chỉ mới mang lại doanh thu cho Facebook và đều có thể được mọi người dùng để giao tiếp với bạn bè.

    Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang quan sát bất kỳ động tĩnh nào liên quan tới tăng trưởng và thói quen sử dụng của người dùng. Nếu mức độ tương tác liên tục sụt giảm, mức độ hấp dẫn của Facebook với các nhà quảng cá chắc chắn sẽ giảm.

    Để được tính là người dùng hoạt động hàng tháng, một tài khoản phải đăng nhập hoặc chia sẻ nội dung trên Facebook ít nhất một lần trong 30 ngày cuối cùng của một quý. Rào cản lớn nhất của Facebook chính là kích thước lớn chưa từng có của nó. Tổng cộng internet có khoảng 3,6 tỷ người dùng. Một nửa trong số 1,6 tỷ người không phải là người dùng Facebook thường xuyên nằm ở Trung Quốc, nơi Facebook bị cấm bởi chính phủ. Trong phần còn lại, không rõ có bao nhiêu tài khoản không được sử dụng hoặc bị xóa. "Chẳng ai bàn luận về những điều này", Wieser nói.

    Facebook cho biết có rất nhiều lý do khiến người dùng nhận được thông báo từ công ty. "Chúng tôi luôn tìm cách để giúp mọi người truy cập vào tài khoản của họ nhanh và dễ dàng hơn, đặc biệt là khi có thông báo từ bạn bè mà họ có thể bỏ lỡ", Lisa Stratton, phát ngôn viên của Facebook, giải thích trong email. "Những email bảo mật không phải là chiến lược thu hút người dùng tương tác trở lại", Facebok nói.

    Những kỷ niệm nhỏ, cho những dịp như có số lượng ảnh được gắn thẻ với một người bạn cụ thể, được tung ra vào tháng Tám vì một số nhóm người dùng nói với Facebook rằng họ thích những kỷ niệm nho nhỏ này. Công ty có trụ sở tại Melo Park, California này tuyên bố rằng họ chẳng làm bất cứ điều gì để tăng số lượng tương tác của người dùng.

    Việc các công ty sử dụng email và tin nhắn để thu hút khách hàng trở lại không có gì lạ. Nhưng theo một số người dùng, Facebook nổi bật hơn cả bởi tần suất và mức độ cá nhân của các thông điệp mà họ gửi cho người dùng. Họ làm vậy bởi nó có hiệu quả.

    Kuldeep Patil, 32 tuổi, đã xóa ứng dụng khỏi smartphone của mình nhiều tháng trước chia sẻ rằng anh ít nhất hai tin nhắn "lôi kéo" từ Facebook trong một ngày. Tin nhắn bao gồm chi tiết về những người tượng tác với tài khoản của anh gần đây, gắn thẻ anh trong ảnh hoặc mời anh thích một page nào đó. Một email anh nhận được trong tháng 12 có tiêu đề: "Kuldeep, bạn có 90 thông báo mới, 6 tin nhắn, 1 chọc và 4 lời mời vào nhóm".

    Giống như Gorantala, Patil, người sống ở Ấn Độ, hạn chế sử dụng Facebook vì lo sợ mạng xã hội này theo dõi hoạt động của anh. Anh nói rằng các tin nhắn của Facebook gần đây trở nên phiền nhiễu hơn bởi nó bắt đầu cập nhật những hoạt động không mấy liên quan tới anh.

    Nhưng đôi khi, Patil thừa nhận, anh đã nhấp vào đường link của Facebook.

    "Tôi đoán đó là lý do tại sao tôi chưa xóa tài khoản của mình", Patil nói. Nhưng sau khi nhấp, trong lúc cuộn qua news feed, anh cảm thấy khó chịu khi xem người dùng Facebook chỉ đăng tải những điều tốt đẹp. Anh mau chóng đóng Facebook.

    Chính Facebook cũng thừa nhận rằng việc lướt news feed và so sánh cuộc sống của mình với người khác khiến người dùng có cảm xúc tiêu cực. Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 12, Facebook cho biết sử dụng ứng dụng Facebook một cách thụ động, không đóng góp hoặc tương tác có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của người dùng. Và nghiên cứu kết luận rằng sẽ có ảnh hưởng tích cực nếu mọi người sẽ tương tác, bình luận và chia sẻ với bạn bè thân thiết. Vì thế, Zuckerberg quyết định sắp tới news feed sẽ tập trung nhiều hơn vào bạn bè và gia đình.

    Nói cách khác, giải pháp cho vấn đề khó chịu vì Facebook, theo những gì Facebook kết luận, lại là sử dụng Facebook nhiều hơn, tích cực hơn. "Thật là thuận tiện", Judson Brewer, giám đốc nghiên cứu tại Đại học Massachusetts chia sẻ. "Nghe hay thật đấy. Họ muốn đảm bảo sức khỏe cho người dùng nhưng vẫn muốn duy trì cơ sở người dùng bởi đó là cách họ kiếm tiền".

    Khi Facebook tiếp tục phát triển, nó khiến người dùng có nhiều lý do để chán nản. Một số sự kiện như các video trực tiếp hành động bạo lực, các quảng cáo phân biệt chủng tộc... khiến Facebook phải nghĩ lại về sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, với một số người dùng họ hạn chế dùng Facebook chỉ vì những điều khá đơn giản: Nó quá khó chịu. Nó không vui. Nó quá công khai...

    Dùng Facebook càng nhiều người ta càng kết nối với nhiều người hơn nhưng càng cảm thấy news feed bớt thân mật hơn. Gorantala hiểu Facebook nắm được những gì về anh và biết những hoạt động của anh trên internet. Thế nhưng với anh xóa hoàn toàn tài khoản Facebook là một điều hơi cực đoan. Nó vẫn chứa những bức ảnh của anh và một số mối liên hệ xã hội mà anh không có số điện thoại.

    Một số người dùng khác nói rằng họ vẫn là người dùng Facebook nhưng không thường xuyên bởi họ không biết cách xóa hoàn toàn tài khoản Facebook. Trên Facebook, nhiều người dùng yêu cầu Facebook cung cấp tùy chọn xóa hoàn toàn tài khoản. Tuy nhiên, nhiều người chọn giải pháp đơn giản hơn là "vô hiệu hóa tài khoản" để bảo vệ những dữ liệu nếu như một ngày nào đó họ cần quay trở lại. Brewer nói rằng vợ của anh thường xuyên vô hiệu hóa tài khoản sau đó nhận được email từ Facebook và quay trở lại.

    Rogério Pereira, một người dùng tại Bồ Đào Nha, chia sẻ rằng bạn của anh ta biết cách để đảm bảo rằng Facebook sẽ không bao giờ mời bạn quay trở lại.

    "Bạn hãy nhờ bạn của mình báo cáo với Facebook rằng bạn đã chết để họ chuyển tài khoản của bạn sang chế độ tưởng niệm", Pereira nói.

    Theo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ