Facebook, Google chưa lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng

    Duy Vũ, Theo ictnews 

    Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và Google chưa thực hiện lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam như quy định. Sắp tới, Nghị định hướng dẫn về lĩnh vực quản lý này sẽ được ban hành và đi vào thực thi.

    Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

    Facebook, Google chưa lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng - Ảnh 1.

    Bộ TT&TT lên phương án ngăn dòng tiền quảng cáo vào các nội dung xấu trên các nền tảng Facebook, Youtube. Ảnh minh họa: Internet

    Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội về việc các nền tảng như Facebook và Google đã thực hiện chuyện lưu dữ liệu Việt Nam chưa? Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Facebook và Google hiện vẫn chưa thực hiện việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam như quy định của Luật An ninh mạng.

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa khẳng định hiện chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý và sắp tới sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn về lĩnh vực này.

    "Về hành lang pháp lý đủ sau đó sẽ là thực thi rồi tiếp đến là ý thức của cộng đồng của người dân. Việc phát tán tin xấu vẫn là con người cho nên Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo yêu cầu của Quốc hội và cũng coi đây như một đạo luật về ứng xử của chúng ta không gian mạng", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

    Cũng trong sáng nay khi đề cập đến bộ lọc thông tin xấu độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có 2 bộ lọc phải làm đó là bộ lọc của nền tảng mạng xã hội và sự chung tay của các bộ, ngành.

    "Một nền tảng có đến 50 triệu người dùng thì các thông tin xấu độc đã được định nghĩa, được pháp luật quy định và phát hiện bằng máy móc, công cụ thì phải được mạng xã hội đó tiền kiểm và hạ xuống. Đó là quy định bắt buộc. Hiện tại, có một số công ty nền tảng từ chối vấn đề này, xuất phát từ việc họ đến từ một nền văn hóa khác. Nhưng logic đó vào Việt Nam không đúng. Các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam là phải tuân thủ pháp luật. Nhiều nền tảng cho rằng là các công ty toàn cầu nên tôi chỉ có một luật chơi thôi, cái đấy không đúng vì nhập gia tuỳ tục. Hiện nay chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ", Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.

    Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương. Hiện Bộ TT&TT đã có Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia, nhưng Bộ TT&TT không thể làm một mình mà cần sự chung tay của các bộ, ngành địa phương, khi phát hiện đó là rác cần yêu cầu trực tiếp với nhà mạng hoặc qua Bộ TT&TT đễ gỡ bỏ. "Công cụ có, luật pháp có nhưng chúng ta phải chung tay hành động", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.

    Ngăn chặn dòng tiền vào các nội dung xấu và quảng cáo sai sự thật

    Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT có nhiều giải pháp liên quan đến rà soát, phát hiện gỡ các quảng cáo xấu độc như: Xử lý người sản xuất hàng giả; xử lý doanh nghiệp hạ tầng cung cấp dịch vụ quảng cáo hay tuyên truyền khuyến khích người mua thận trọng hơn.

    Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về biện pháp kinh tế về ngăn chặn dòng tiền vào các quảng cáo sai sự thật. Bộ TT&TT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

    "Người bán hàng hoặc người mua quảng cáo trên Facebook thì phải trả qua thẻ tín dụng cho nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này. Và khi thấy các hành vi vi phạm mà chúng ta chặn được các dòng tiền xấu này thì tức là chúng ta chặn được quảng cáo sai sự thật", Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.

    Ngoài ra, việc đánh thuế nhà thầu đối với các mạng như Facebook, Google là một việc cần làm. "Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018 các nền tảng xuyên biên giới có doanh thu khoảng gần 1 tỷ USD ở Việt Nam nhưng chưa đóng thuế  và nếu phải đóng thuế thì con số hàng trăm triệu", Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ