Facebook khẳng định người dùng không phải là sản phẩm và chỉ thu thập thông tin của họ để nâng cao trải nghiệm dịch vụ
Sau những bê bối nghiêm trọng vừa qua, Facebook đã lên tiếng giải thích về hoạt động của mình. Nhưng dường như câu trả lời của hãng vẫn còn quá nửa vời và chưa đủ sức thuyết phục người dùng.
Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn chưa thể khẳng định chính xác liệu sử dụng Facebook có hoàn toàn miễn phí hay không. Lý do là bởi khi truy cập vào mạng xã hội lớn nhất thế giới này để kết nối với bạn bè cũng như sử dụng hàng loạt dịch vụ “miễn phí” khác, người dùng đã chấp nhận đánh đổi thông tin cá nhân của mình.
Không ít người đã nghĩ một cách đơn giản rằng những thông tin mà họ cung cấp cho Facebook sẽ giúp họ có được một trang cá nhân (profile) hoàn chỉnh trên mạng xã hội này. Tuy nhiên trên thực tế, những thông tin đó sẽ được Facebook sử dụng nhằm phục vụ mục đích quảng cáo hướng đối tượng.
Khi sử dụng Facebook, người dùng phải chấp nhận đánh đổi thông tin cá nhân của mình.
Như vậy, Facebook không hề miễn phí như chúng ta vẫn nghĩ. Điểm khác biệt nằm ở chỗ chúng ta sẽ phải thanh toán bằng thông tin cá nhân (chứ không phải tiền mặt) để sử dụng dịch vụ của họ. Có thể nhiều người không quá quan trọng hóa vấn đề dù đã nhận thức được điều này. Nhưng đối với Facebook, dữ liệu người dùng chính là cỗ máy kiếm tiền của họ.
Tuy nhiên, chính mô hình hoạt động trên đã khiến Facebook phải hứng chịu không ít “gạch đá” từ cộng đồng mạng và các đối thủ khác, đặc biệt là sau vụ bê bối để lộ thông tin khách hàng vừa qua. Năm 2014, CEO Tim Cook của Apple từng khẳng định: “Khi sử dụng một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn không phải là khách hàng mà bạn chính là sản phẩm”.
Và đầu năm nay, Cook tiếp tục nhắc lại câu nói của mình để chỉ trích Facebook khi đã cho phép công ty Cambridge Analytica và một số công ty khác truy cập trái phép vào dữ liệu của hơn 80 triệu người dùng. Lượng dữ liệu này sau đó đã được sử dụng cho mục đích quảng cáo nhằm tác động vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Vụ việc này nghiêm trọng đến nỗi CEO Mark Zuckerberg đã phải trải qua 2 phiên điều trần căng thẳng trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 4 vừa qua.
Chính mô hình hoạt động của Facebook đã gây ra nhiều rắc rối đến mức CEO Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, dường như Facebook không nhận ra vấn đề trong mô hình kinh doanh của mình. Họ vẫn khẳng định họ không có ý định biến người dùng thành sản phẩm và thậm chí phủ nhận việc bán thông tin khách hàng cho các công ty khác.
Cụ thể, trả lời cho câu hỏi: “Nếu tôi không trả tiền để sử dụng Facebook, liệu tôi có biến thành sản phẩm của họ?”, Facebook cho biết: “Không. Sản phẩm của chúng tôi là mạng xã hội với khả năng kết nối bạn với người thân của mình ở bất cứ đâu trên thế giới. Nó cũng giống như những công cụ tìm kiếm, các website hay tạp chí miễn phí mà bạn vẫn thường sử dụng. Sản phẩm chủ lực của chúng tôi chính cung cấp tin tức, thông tin cho bạn. Và chúng tôi cần quảng cáo để có kinh phí thực hiện và nâng tầm trải nghiệm đó”.
Nhìn nhận một cách khách quan, tuyên bố của Facebook cũng rất hợp lý và bạn đúng là khách hàng được hưởng lợi từ những gì họ cung cấp. Tuy nhiên, Facebook lại bán thông tin của bạn cho bên thứ ba nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, điều này lại vô tình biến bạn thành sản phẩm của họ. Dù bạn có nhìn nhận vấn đề thế nào thì có một sự thật vẫn luôn tồn tại là Facebook không ngừng thu thập thông tin của bạn và sẵn sàng bán khi được giá.
Dù bạn là khách hàng hay sản phẩm thì Facebook vẫn luôn không ngừng thu thập thông tin từ bạn.
Mặt khác, mục đích tối cao của Facebook, cũng như nhiều công ty khác, chính là lợi nhuận chứ không chỉ đơn giản là cho phép bạn truy cập thế giới ảo và kết nối với mọi người. Dữ liệu mà bạn cung cấp, toàn bộ thời gian mà bạn đắm chìm trong Facebook chính là nguồn lợi nhuận khổng lồ của mạng xã hội này.
Tuy nhiên, Facebook cũng đã khẳng định: “Chúng tôi cam kết: chúng tôi không tiết lộ danh tính của bạn cho các nhà quảng cáo, và không bán thông tin của bạn cho bất cứ ai. Đó luôn là phương châm làm việc của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng quảng cáo và bảo mật là hai vấn đề không hề mâu thuẫn với nhau, và chúng tôi cam đoan sẽ không có vấn đề nghiêm trọng nào cả”.
Facebook tiếp tục cho biết: “Ví dụ, nếu một hãng xe đạp nào đó liên hệ với chúng tôi và muốn nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng nữ giới tại Atlanta, chúng tôi sẽ cho hiển thị quảng cáo của họ đối với những người dùng là nữ, sống ở Atlanta và đã thích các trang liên quan đến xe đạp. Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ: Hãng xe đạp đó sẽ không bao giờ biết danh tính thật của họ”.
Một lần nữa, lời giải thích của Facebook rất hợp lý, nhưng cũng rất nửa vời. Không có công ty Internet nào lại “dại dột” đến mức bán dữ liệu thật của người dùng cho các công ty khác. Những dữ liệu này phải được chia thành nhiều gói nhỏ, ẩn danh và được sử dụng dần dần. Nhưng điều quan trọng nhất là thông tin của bạn vẫn là một món hàng có thể bị bán đi bất cứ lúc nào.
Facebook khẳng định sẽ không tiết lộ danh tính thực của người dùng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ ngừng bán dữ liệu của khách hàng.
Trả lời cho câu hỏi: “Tại sao Facebook lại cần toàn bộ những dữ liệu này?”, hãng cho biết: “Khi mọi người sử dụng Facebook, họ sẽ chia sẻ rất nhiều nội dung, thông tin khác nhau. Chúng tôi sử dụng dữ liệu mà bạn cung cấp để không ngừng nâng cao dịch vụ của mình. Ví dụ, chúng tôi sẽ ưu tiên hiển thị bài đăng từ bạn bè thân thiết, hay các bài báo về vấn đề mà bạn đang quan tâm hoặc gợi ý những nhóm mà bạn cảm thấy hứng thú trên đầu trang News Feed của bạn”.
Facebook cũng cho biết: “Dữ liệu người dùng sẽ giúp chúng tôi hiển thị quảng cáo hữu ích và phù hợp với bạn hơn. Nó đồng thời cũng giúp các nhà quảng cáo, bao gồm hàng triệu công ty nhỏ và tổ chức phi lợi nhuận, tiếp cận nguồn khách hàng chính xác hơn rất nhiều”.
Theo BusinessInsider/BGR
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương