Facebook hiện đang kiện 4 công ty và 3 cá nhân tại Trung Quốc bị hãng cáo buộc tạo và bán các tài khoản, lượt like, và lượt người theo dõi ảo trên Facebook, Instagram, và các trang mạng xã hội khác.
Ngoài ra, Facebook còn khẳng định những công ty mà họ đang khởi kiện còn có hành vi xâm phạm thương hiệu và dính líu đến hoạt động chiếm dụng tên miền.
Theo đơn kiện mà Facebook gửi lên toà án liên bang Mỹ, tên các công ty bị kiện là: Xiu Network Science and Technology Company, Xiu Feishu Science and Technology Company, Xiufei Book Technology Co., và Home Network (Fujian) Technology Co., Ltd.
Facebook sẽ đề nghị toà án ban hành lệnh đình chỉ hoạt động kinh doanh các tài khoản giả mạo nói trên ngay lập tức, kèm theo khoản tiền bồi thường trị giá 100.000 USD đối với mỗi trong số 6 website do các công ty này điều hành, cùng bất kỳ khoản lợi nhuận nào phát sinh từ các hoạt động kinh doanh phi pháp của họ.
Facebook viết trong đơn rằng các công ty họ khởi kiện còn sản xuất phần cứng và phần mềm, đồng thời còn tham gia hoạt động quảng cáo trực tuyến.
"Các công ty bị cáo - 9 Xiu Shenzhen, 9 Xiu Feishu, 9 Xiufei và Home Network - có trụ sở đặt tại Long Nham và Thâm Quyến. Họ là những nhà sản xuất điện tử và phần cứng có mối quan hệ liên kết (chi nhánh của nhau), cũng như là các nhà cung cấp phần mềm và các dịch vụ quảng cáo trực tuyến." - Theo Bloomberg.
Facebook hiện đang bị chặn tại Trung Quốc, và hãng thậm chí còn thất bại trong việc mở một "vườn ươm startup" tại đây hồi năm ngoái. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc ngày một tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn truy cập đến các nội dung bị kiểm duyệt có xuất xứ từ nước ngoài. Dù có khá nhiều công ty trong nước đang kinh doanh bằng cách điều hành các mạng riêng ảo (VPN) có khả năng qua mặt danh sách chặn, nhưng thời gian qua, công việc làm ăn béo bở này có vẻ đã bị ảnh hưởng khá nặng bởi những quy định kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn mà chính phủ thực hiện.
Vẫn chưa rõ mạng lưới buôn bán tài khoản giả mạo này lớn đến đâu, dù Facebook cáo buộc các công ty nói trên bán tài khoản với số lượng lớn, và rõ ràng hoạt động này phải tương đối đáng kể mới có thể thu hút sự chú ý đến vậy. Facebook và Instagram trước đây từng khẳng định đã xoá hơn 2,1 tỷ tài khoản giả mạo trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2018, và thường tự đề cao những nỗ lực triệt hạ những con bot tự động và các mạng lưới con rối của họ.
Tại Mỹ, nhiều nỗ lực nhằm chống lại các công ty hưởng lợi từ việc buôn bán tài khoản mạng xã hội giả mạo - vốn diễn ra rất rầm rộ, như các mạng tin tức giả mạo và lá cải - cũng đã được thực hiện. Đầu năm nay, văn phòng tổng chưởng lý New York đã công bố giải quyết vụ việc đối với công ty Mỹ là Devumi LLC - công ty hồi năm 2018 bị tiết lộ đã bán các lượt người theo dõi và tương tác ảo cho một lượng lớn những người nổi tiếng và những cá nhân có ảnh hưởng trực tuyến. Văn phòng tổng chưởng lý khẳng định vụ việc này là vụ việc phạm pháp đầu tiên liên quan hoạt động bán tương tác ảo trên mạng xã hội và sử dụng những danh tính đánh cắp để tham gia vào các hoạt động trực tuyến mà một cơ quan hành pháp phát hiện được, và nó được xếp vào các mục: lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, và lừa dối thương mại.
"Chúng tôi cũng đang thực hiện quyền của mình theo luật sở hữu tài sản trí tuệ Mỹ đối với việc họ sử dụng trái phép thương hiệu và nhãn hiệu của chúng tôi." - Facebook viết trong đơn kiện - "Bằng cách khởi kiện, chúng tôi hi vọng sẽ giúp mọi người hiểu rằng loại hoạt động lừa đảo này sẽ không được dung thứ - và rằng chúng tôi sẽ hành động cứng rắn để bảo vệ sự toàn vẹn của nền tảng của mình".
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android