Facebook nay không còn là Facebook xưa, chỉ chăm "hút máu" người dùng

    Ngocmiz,  

    Tận dụng ngôi vị là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, Facebook có đang lạm dụng công nghệ của mình quá mức để kiếm tiền từ cộng đồng người dùng đông đảo? Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào làm rõ hơn vấn đề này.

    Một trong những câu hỏi về Facebook rất được quan tâm gần đây trên mạng hỏi đáp Quora là “Facebook kiếm tiền như thế nào?”. Câu trả lời nhận được nhiều hưởng ứng (upvote) nhất là ý kiến cho rằng Facebook hiện nay chính là một công ty thuốc lá trong kỷ nguyên số: Nó khiến bạn nghiện đến mức không dứt ra được dù biết là không tốt chút nào.

    Việc nó có thể gây hại cho người dùng là một tác dụng phụ nhưng cũng chính là yếu điểm lớn nhất của mô hình kinh doanh Facebook đang vận hành.

    Mô hình hoạt động của Facebook tưởng chừng rất đơn giản với 3 bước: (1) Tạo một nơi cho người dùng chia sẻ nội dung, thông tin với nhau; (2) Trình bày những nội dung này sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người dùng càng lâu càng tốt; (3) Chạy các nội dung được tài trợ (quảng cáo) phù hợp tới người dùng. Vậy điều gì khiến nó có thể trở nên nguy hại?

    1. Hệ thống trí tuệ nhân tạo học hành vi người dùng

    Facebook có trong tay đội ngũ các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới với nhiệm vụ chủ yếu là thiết lập một hệ thống máy học giúp giữ chân người dùng ở mức tối đa. Hệ thống này liên tục học và nhận diện các tương tác của bạn trên Facebook rồi chọn lọc nội dung hiển thị trên News Feed của bạn.

    Nếu bạn thường xuyên like, comment bài đăng của một người bạn hay page nào đó, Facebook sẽ dùng nhiều cách gợi ý cho bạn xem bài đăng của những người bạn hoặc page đó. Những điều tưởng như “phục vụ sở thích người dùng” này rất dễ biến bạn thành con nghiện quá đà: Hãy nghĩ về việc tại sao bạn khó có thể ngừng check Facebook liên tục hay tại sao bạn cứ kéo mãi News Feed không biết chán?

    Đơn giản là bạn càng dùng nhiều thì hệ thống AI càng hiểu rõ hơn về bạn và càng hiển thị được những thứ bạn yêu thích. Về cơ bản Facebook không muốn xâm hại quyền riêng tư của người dùng nhưng lại muốn sử dụng ý nghĩ của họ để khiến họ kéo News Feed nhiều hơn.

    Thậm chí hồi năm 2014, Facebook cũng từng phải đối mặt với làn sóng phản đối lớn khi tiết lộ đã bí mật thực hiện các thí nghiệm kiểm soát cảm xúc của hàng trăm nghìn người dùng bằng cách khống chế các thông tin sẽ xuất hiện trên News Feed nhằm test xem liệu người dùng sẽ phản ứng ra sao qua quá trình “lây lan cảm xúc” khi xem các loại update nhất định từ bạn bè hay page họ theo dõi.

    Mặc dù đại diện Facebook khẳng định việc nghiên cứu này chỉ để hiểu cách mọi người phản ứng với các loại thông tin khác nhau nhưng các ý kiến phản đối cho rằng nhiều khả năng nó sẽ được dùng vào thương mại và chính trị mà cụ thể là chạy quảng cáo hay các chiến dịch tranh cử bằng cách cố tình khiến cho người dùng cảm thấy vui vẻ hay buồn bực khi lướt News Feed của họ để kích thích họ thực hiện một hành động gì đó mong muốn.

    Clay Johnson, đồng sáng lập Blue State Digital trong một bài viết trên Twitter có đặt ra câu hỏi: “Liệu CIA có thể thao túng cách mạng ở Sudan bằng việc gây áp lực khiến Facebook phải chạy các nội dung kích thích bất mãn tới người dân nơi đây? Liệu chuyện này có còn hợp pháp?”

    2. Chạy quảng cáo vô tội vạ

    Quảng cáo chiếm hơn 80% doanh thu của Facebook nên lẽ đương nhiên người dùng không còn xa lạ gì với các bài viết “được tài trợ” tùm lum của Facebook. Theo đúng như mô hình kinh doanh thì Facebook sẽ bán “độ nghiện” của bạn cho các nhà quảng cáo. Nếu như trên PC, Facebook liên tục cho chạy cột quảng cáo chiếm diện tích gần bằng cột hiện tin thì trên điện thoại, công ty lại tích cực cho chạy các bài viết được tài trợ chèn trong cột tin, đôi khi còn cùng dạng hiển thị với các site thương mại điện tử để gợi ý được nhiều sản phẩm hơn.

    Thời gian gần đây, công ty tiếp tục đưa ra cũng như thử nghiệm các loại hình quảng cáo mới như ads chạy trong video và chia sẻ doanh thu với người tạo video tương tự Youtube nhưng khôn khéo hơn ở chỗ không cho chạy ad ngay trước khi người dùng xem video họ muốn (rất dễ gây khó chịu) mà chạy chèn vào các video gợi ý sau khi người dùng đã xem hết một video nào đó và chạy có tiếng chứ không ở chế độ im lặng như các video autoplay trên News Feed.

     Quảng cáo video của Facebook

    Quảng cáo video của Facebook

    Một phương án quảng cáo khác Facebook đang chuẩn bị triển khai là cho phép người dùng gắn quảng cáo vào các bài viết để chia sẻ doanh thu với hãng. Đây sẽ lại là một miền đất hứa khác cho các nhà quảng cáo hay các doanh nghiệp nhưng có lẽ không phải một tin vui với người dùng trước nguy cơ sẽ đụng phải quảng cáo mọi lúc mọi nơi trên Facebook, kể cả từ những bài đăng của bạn bè.

    Nguy cơ chẳng mấy chốc Facebook có thể biến thành bức tường ảo treo đầy những quảng cáo khác nhau với toàn các loại tin bài, video “rác” được đưa lên để hút view và click kiếm tiền có vẻ đang đến gần. Các nội dung chất lượng cũng dễ bị ảnh hưởng khi chìm trong biển nội dung quảng cáo.

    Trong tương lai liệu Facebook có còn là nơi con người ta có thể thoải mái chia sẻ những khoảnh khắc đời thường với nhau hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn trông chờ vào quyết định của Mark và các đồng sự.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ