Facebook, Twitter kiểm soát thông tin bầu cử Mỹ chặt chẽ thế nào?

    Bảo Nhi, Theo Nhịp sống doanh nghiệp 

    Facebook và Twitter nhanh chóng bổ sung nhãn “Xác minh tính xác thực” vào bài đăng của ông Trump bình luận về công tác bầu cử ở bang Pennsylvania.

    Hôm nay 3/11, ông Donald Trump đăng đồng thời trên Facebook và Twitter cho rằng quyết định của Tòa án Tối cao cho phép giới chức bầu cử bang Pennsylvania chấp nhận phiếu bầu gửi qua thư sau ngày bầu cử "sẽ cho phép gian lận tràn lan, không được kiểm soát" và "gây ra tình trạng bạo lực trên đường phố". Hai nền tảng truyền thông xã hội lập tức cảnh báo và chia sẻ sự lo lắng về thông tin sai lệch có thể làm suy giảm niềm tin vào kết quả bầu cử và gây ra bất hòa xã hội. Cả Facebook và Twitter phản ứng về bài đăng trong vòng một giờ.

    Facebook gắn nhãn trạng thái với một lời nhắc chung gửi người dùng: "Cả bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu trực tiếp đều có lịch sử đáng tin cậy trong thời gian dài. Ở Mỹ, gian lận cử tri là cực kỳ hiếm với bất kỳ phương thức bỏ phiếu nào". Tuy nhiên, nhãn dán từ Facebook không ngăn cản người dùng chia sẻ bài đăng của Trump với con số lên tới 60.000 lần.

    Facebook, Twitter kiểm soát thông tin bầu cử Mỹ chặt chẽ thế nào? - Ảnh 1.

    Trên Twitter, bài đăng tương tự được tweet lại hơn 8.000 lần trước khi bị dán nhãn là "Bị tranh chấp", một động thái khiến việc chia sẻ bài đăng trên nền tảng trở nên khó khăn hơn. Nền tảng xã hội này cũng hiển thị thông báo bên cạnh tweet của Trump cho biết một số nội dung "bị tranh chấp và có thể gây hiểu lầm về cuộc bầu cử hoặc quy trình dân sự".

    Đáp lại phản ứng của Facebook và Twitter, một phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump lặp lại những bình luận cứng rắn trước đó về hành động của các nền tảng mạng xã hội: "Mafia ở Thung lũng Silicon tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử, liên tục kiểm duyệt Tổng thống Trump và những người của đảng Cộng hoà".

    Trước đó, Twitter thông báo sẽ ẩn các bài đăng tuyên bố kết quả bầu cử sớm nhằm ngăn chặn hỗn loạn trong đêm bầu cử. Mạng xã hội này chỉ ghi nhận kết quả chính thức khi được công bố bởi quan chức bầu cử bang hoặc ít nhất 2 trong 7 hãng truyền thông quốc gia gồm ABC, AP, CBS, CNN, Decision Desk HQ, Fox News hoặc NBC. Dù các quy tắc này được áp dụng cho mọi cuộc tranh cử ở Mỹ, Twitter cho biết đang ưu tiên cuộc đua tổng thống và các ghế "có tính tranh chấp cao" khác. Đây là biện pháp trong loạt cải cách vào phút chót của các nền tảng mạng xã hội sau khi có thông tin Trump sẽ tuyên bố chiến thắng trước khi hàng triệu phiếu bầu qua thư được kiểm đếm. Tổng thống Mỹ phủ nhận thông tin này.

    Các bài đăng vi phạm sẽ bị gắn nhãn nếu chúng đến từ một ứng viên, chiến dịch hoặc tài khoản Twitter có hơn 100.000 người theo dõi, hoặc nếu chúng nhận được ít nhất 25.000 lượt thích hoặc 25.000 lượt chia sẻ. Twitter cũng sẽ xóa các bài đăng "nhằm mục đích kích động can thiệp quá trình bầu cử hoặc kiểm đếm kết quả bầu cử, như thông qua hành động bạo lực".

    Facebook, Twitter kiểm soát thông tin bầu cử Mỹ chặt chẽ thế nào? - Ảnh 2.

    Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chính thức bắt đầu lúc 0h ngày 3/11 tại bang New Hampshire (12h giờ Hà Nội) khi người dân thị trấn Dixville Notch và Millsfield bỏ phiếu. Các điểm bầu cử khác trên khắp nước Mỹ sẽ bắt đầu mở cửa từ 7h ngày 3/11 (19h giờ Hà Nội). Tính đến chiều 2/11, gần 98 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, chiếm hơn 2/3 tổng số phiếu bầu được bỏ trong toàn bộ cuộc bầu cử năm 2016. Chúng nhiều khả năng cũng sẽ khiến tổng số cử tri đi bầu năm nay vượt kỷ lục 4 năm trước, khi gần 139 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống.

    Nhiều khả năng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ không được công bố trong đêm bầu cử. Nguyên nhân là lượng người bỏ phiếu qua thư cao chưa từng có do đại dịch Covid-19 và các lá phiếu gửi qua thư sẽ mất thời gian kiểm đếm lâu hơn phiếu bầu trực tiếp. Sau khi bầu cử diễn ra, các nền tảng xã hội Facebook, Twitter hay Google… quyết định cấm các quảng cáo chính trị nhằm nỗ lực hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch và ngăn không cho một trong hai bên tuyên bố chiến thắng sớm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ