FBI có thể tự mở khóa chiếc iPhone đó, vậy tại sao họ vẫn muốn Apple làm?

    Nguyễn Hải,  

    Hóa ra FBI hay chính phủ cũng không kém như ông McAfee vẫn hay sỉ vả, họ có thể tự mình bẻ khóa được chiếc iPhone, nhưng họ vẫn cần Apple phải "quỳ gối" trước mình, tại sao ?

    Mọi người hẳn đã biết cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đang tìm mọi cách buộc Apple phá khóa chiếc iPhone 5c của tên Syed Farook, nghi phạm trong vụ nổ súng ở San Bernardino. Trên thực tế, FBI gần như có thể tự mình làm việc này.

    Các chuyên gia bảo mật cho biết có rất nhiều cách FBI có thể đột nhập vào chiếc iPhone đang là tâm điểm cho tranh cãi giữa Apple và chính phủ Mỹ. Họ cho rằng làm như vậy sẽ nhanh hơn nhiều việc chờ đợi quyết định của tòa án, buộc Apple phải tạo ra phần mềm để các nhà điều tra có thể thử nhiều password khác nhau mà không làm mất dữ liệu. Đây không phải việc dễ dàng, nhưng các chuyên gia được phỏng vấn cho câu chuyện này đều kết luận rằng, lý do FBI không tự làm chỉ vì họ muốn giành chiến thắng với một tiền lệ pháp lý, để đảm bảo sau này các đặc vụ có quyền truy cập dữ liệu điện thoại.

    Chiếc iPhone và nghi phạm Syed Farook.
    Chiếc iPhone và nghi phạm Syed Farook.

    Johnathan Zdziarski, nhà nghiên cứu về an ninh mạng đã tư vấn cho cơ quan thực thi pháp luật, cho biết FBI có thể học hỏi được một số điều từ những người Trung Quốc hàng ngày vẫn bẻ khóa những chiếc iPhone. Ông mô tả một cửa hàng nhỏ ở Thâm Quyến chỉ tính phí 60 USD để nâng cấp một chiếc iPhone 16 GB lên 128 GB. Sử dụng máy tính, nhíp và tuốc nơ vít, cửa hàng nhỏ này sao chép nội dung chiếc iPhone lên con chip có dung lượng lớn hơn và hoán đổi chúng.

    Zdziarski cho biết FBI có thể sử dụng cách tương tự: sao chép nội dung điện thoại lên một chip khác, và sau đó họ có thể thử dò mật khẩu mà không sợ bị xóa hết dữ liệu. Bí quyết là tìm ra cách để thực hiện việc đó hàng trăm lần mà không phá hủy con chip. Ông cho biết vấn đề có thể được giải quyết bằng các nghiên cứu và các nhà điều tra bình thường có thể bẻ khóa mật khẩu này với chưa đến 200 lần thử bởi mọi người thường chọn điều gì đó dễ dàng.

    Ông Zdiziarski cho biết thêm, đó chỉ là một trong hàng loạt cách mà FBI có thể trích xuất dữ liệu bằng cách can thiệp vào phần cứng của iPhone. Một giải pháp tiềm năng khác là tìm và khám phá những kẽ hở trong phần mềm. Mọi hệ thống đều có lỗ hổng và chúng được tìm thấy hàng tháng trong phần mềm của Apple, theo Jason Syversen, một cựu quản lý tại DARPA và giờ là CEO của hãng an ninh mạng Siege Technologies, cho biết.

    Trên thực tế, Apple đã công khai danh sách các lỗ hổng bảo mật mà các nhà nghiên cứu tìm ra. Không thiếu các chuyên gia về mạng bên trong FBI, những người làm theo hợp đồng, hay các bên thứ ba và các tổ chức học thuật mà cơ quan này có thể tranh thủ để thử và sử dụng các kẽ hở để trích xuất dữ liệu.

    Một vài chuyên gia cho rằng FBI nên đề nghị Cơ quan An ninh Quốc gia NSA giúp đỡ. Họ lưu ý rằng NSA là cơ quan gián điệp được tài trợ tốt nhất trên thế giới, với các quân đoàn tin tặc và gần như chắc chắn có thể đột nhập vào hệ thống bảo mật của máy tính. Nhưng trong buổi điều trần trước Quốc hội vào thứ Năm vừa qua, giáo sư an ninh mạng tại Học viện Worcester Polytechnic, Susan Landau cho biết NSA có thể miễn cưỡng khi giúp FBI, do khả năng hack của cơ quan bí mật này có thể phải công khai nếu vụ việc được lôi ra tòa.

    Trong văn bản của phiên điều trần trước Quốc hội, Landau cho biết FBI cần xây dựng các trung tâm điều tra của riêng mình, với nhân viên là các đặc vụ hiểu biết sâu về kỹ thuật, để theo kịp với tiến bộ của Apple và các công ty công nghệ khác. Chi phí cho việc này có thể là hàng trăm triệu USD, nhưng đó sẽ là khoản đầu tư đáng giá và có thể là giải pháp dài hạn cho tổ chức này.

    FBI phải học cách điều tra thông minh hơn, các bạn, Quốc hội, có thể cung cấp cho họ nguồn lực và hướng dẫn để giúp họ làm vậy.” Landau viết trong bản điều trần của mình “để mang khả năng điều tra của FBI bước vào thế kỷ 21.”

    Trong lúc đó, FBI tiếp tục phiên tòa để buộc Apple tạo ra ứng dụng cửa sau trên thiết bị của mình – một việc mà công ty cho rằng sẽ gây rủi ro làm lộ thông tin cá nhân khách hàng của họ. Giám đốc FBI ông James Comey cho biết trước các thành viên Quốc hội rằng : “Chúng tôi đã tiếp xúc với tất cả các bộ phận trong chính phủ Mỹ để tìm ai đó có cách để làm điều đó, với một chiếc iPhone 5c chạy iOS9, và chúng tôi hiện không thể.”

    Jay Edelson, một luật sư cao cấp của Edelson PC chuyên về các vụ kiện giữa những công ty công nghệ, cho biết lần này ông đứng về phía thung lung Silicon. Ông nói rằng FBI đã chọn cách này để ghi điểm về chính trị - không phải vì hack iPhone là quá khó.

    Chính phủ làm vậy dù chúng ta có những chuyên gia trong chính phủ, chúng ta không có nghĩa vụ tranh thủ sự giúp đỡ của họ,” ông Edelson cho biết. “Họ chỉ đang cố gắng để thiết lập nên một tiền lệ. Họ nghĩ rằng từ đó họ sẽ có cơ sở để buộc các công ty thay đổi hệ thống kinh doanh để giúp họ.”

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ