Foxconn muốn hợp tác cùng SK Hynix để thâu tóm mảng kinh doanh bộ nhớ của Toshiba, mức giá có thể lên tới 8,7 tỷ USD
Ông Terry Gou, chủ tịch tập đoàn Foxconn, có quan hệ cá nhân mật thiết với ông Chey Tae-won, chủ tịch Tập đoàn SK.
Đối tác lắp ráp iPhone chính, Foxconn vừa tiếp cận SK Hynix, công ty sản xuất bộ nhớ lớn thứ hai Hàn Quốc nhằm thuyết phục họ hợp tác cùng thâu tóm mảng kinh doanh bộ nhớ của Toshiba.
SK Hynix từ chối bình luận về thông tin trên. Người phát ngôn Son Kyung-bae cho biết: "Chúng tôi không thể bình luận về thỏa thuận ngoài những gì chúng tôi công bố công khai". Foxconn không đưa ra bất cứ bình luận nào.
Tuy nhiên, một giám đốc từ SK Group, đơn vị nắm quyền điều khiển SK Hynix, đã ám chỉ rằng Foxconn đã có những động thái tiếp cận công ty có trụ sở tại Incheo này. "Chúng tôi chưa quyết định có cùng Foxconn chào giá thâu tóm Toshiba hay không", giám đốc này cho biết.
Nỗ lực của Foxconn thể hiện sự quyết tâm của chủ tịch Terry Gou trong việc cố gắng thâu tóm mảng kinh doanh bộ nhớ vốn đang sinh lời của Toshiba nhằm tăng thêm thu nhập và có cơ hội tăng cường mối quan hệ kinh doanh với Apple. Hãng sản xuất iPhone hiện đang là khách hàng lớn nhất của Foxconn, chiếm hơn 50% tổng doanh thu của hãng.
Toshiba nổi tiếng với công nghệ bộ nhớ NAND flash tiên tiến vốn được sử dụng để sản xuất bộ lưu trữ cho rất nhiều thiết bị diện tử và Toshiba cũng là nhà cung cấp bộ nhớ chính cho iPhone. Hiện tại, Toshiba đang muốn bán mảng kinh doanh bộ nhớ với giá 1 nghìn tỷ Yên (tương đương 8,7 tỷ USD) nhằm bù lại khoản thua lỗ của mảng kinh doanh điện hạt nhân.
Thị trường bộ nhớ NAND flash hiện có giá trị 34 tỷ USD và được thống trị bởi Samsung, Toshiba, Western Digital, Micron, Hynix và Intel. Động thái của Toshiba chắc chắn sẽ thay đổi ngành bộ nhớ. Với Foxconn, nắm được mảng kinh doanh này trong tay họ sẽ như hổ mọc thêm cánh.
Ông Gou chia sẻ với phóng viên hồi tuần trước rằng sẽ hỏi mua mảng kinh doanh bộ nhớ của Toshiba và sẽ mời công ty Nhật triển khai các hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Foxconn đang gặp vấn đề về tài chính sau khi bỏ 388,8 tỷ Yên để thâu tóm 66% cổ phần của Tập đoàn Sharp.
Một số người cho rằng cách Foxconn tiếp cận SK Hynix phản ánh mối quan hệ thân thiết giữa ông Terry Gou, chủ tịch tập đoàn Foxconn, có quan hệ cá nhân mật thiết với ông Chey Tae-won, chủ tịch Tập đoàn SK. Tháng 9 năm 2015, Chey đã tới thăm Gou tại trụ sở Foxconn ở Khu công nghiệp Tucheng nhằm thảo luận về cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc và Ấn Độ.
TSMC cũng muốn tham gia cuộc chơi
Một số nguồn tin cũng cho rằng TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là đối tác cung cấp vi xử lý cho iPhone của Apple, cũng muốn mua lại mảng kinh doanh bộ nhớ của Toshiba.
"TSMC chắc chắn cũng quan tâm tới thương vụ này bởi hiếm khi một doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, làm ăn có lãi được rao bán", một nguồn tin nắm rõ các hoạt động của TSMC chia sẻ. "Mặc dù thâu tóm không phải là thói quen của TSMC nhưng thời thế đã thay đổi và hãng này cần phải đánh giá cẩn thận các thương vụ đầu tư tiềm năng".
Nguồn tin này bổ sung rằng cả Foxconn và TSMC đều không lo lắng về vấn đề chống độc quyền.
Một nguồn tin khác cho biết sẽ có nhiều lợi ích nếu TSMC sở hữu công nghệ bộ nhớ. "Chip logic (bao gồm lõi xử lý chung và lõi xử lý đồ họa) và các chip nhớ sẽ ngày càng tích hợp hơn trong tương lai vì vậy TSMC đang quan tâm tới công nghệ phát triển cả hai loại chip".
Thậm chí nguồn tin này còn cho rằng Samsung Electronics, công ty có mảng kinh doanh bộ nhớ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn mảng kinh doanh vi xử lý, cũng đang suy nghĩ theo định hướng trên.
Ngày 2/3, chủ tịch Morris Chang của TSMC đã tuyên bố rằng công ty của ông đang theo dõi thương vụ Toshiba một cách chặt chữ. Tuy nhiên, Chang không bình luận về việc TSMC có thực sự chào giá hay không.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp cho rằng Gou của Foxconn đã từng gọi cho Chang để xin tư vấn về Toshiba. Mặc dù vậy, chưa có bằng chứng nào cho thấy hai công ty này đã chào giá mua Toshiba.
Toshiba sẽ cho phép các đối tác chào giá cho tới ngày 29/3. Ngày 30/3, công ty này sẽ tổ chức một cuộc họp cổ đông bất thường để chính thức tách mảng kinh doanh bán dẫn thành công ty riêng.
Dự kiến Toshiba sẽ chọn các đối tác vào tháng Sáu và chính thức hoàn thành thương vụ vào tháng 3/2018. Ban đầu Toshiba chỉ muốn bán 20% cổ phần của mảng kinh doanh chip nhưng cuối cùng họ quyết định bán đi phần lớn cổ phần với hy vọng thu về lợi nhuận lớn hơn.
Bên cạnh SK Hynix và Foxconn, hãng sản xuất chip nhớ Micron và hãng cung cấp giải pháp lưu trữ Western Digital cũng quan tâm tới thương vụ này. Một số quỹ đầu tư cũng tỏ ra hứng thú.
Theo Nikkei
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời