(GenK.vn) -FPT cho biết hãng là một trong những doanh nghiệp CNTT tiên phong trong xu hướng S.M.A.C. Tập đoàn FPT đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp tại Mỹ, Nhật Bản đang phát triển công nghệ S.M.A.C.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình xuất hiện với chiếc kính Google Glass
Ngày 13/05/2014, tại trường Đại học FPT, thuộc khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, hơn 200 chuyên gia công nghệ đến từ các hãng công nghệ hàng đầu thế giới và Việt Nam, như Gartner, Microsoft, Cisco, SAP, Oracle, Amazon Web Services, FPT... đã tham gia Ngày Công nghệ FPT. Với chủ đề “S.M.A.C”, sự kiện khẳng định xu hướng công nghệ tất yếu này trên toàn cầu. Đây là cơ hội tăng trưởng không giới hạn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nói chung và FPT nói riêng.
Tiềm năng của S.M.A.C
S.M.A.C là từ viết tắt của Social/ Security (Mạng xã hội/ Bảo mật), Mobility (Công nghệ di động), Analytics/ Big Data (Phân tích Dữ liệu lớn), Cloud (Điện toán đám mây). Ra đời trong giai đoạn 2011 - 2012, S.M.A.C đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết đời sống xã hội.
Theo dự báo về S.M.A.C của hai hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới IDG và Gartner, từ 2015 – 2016, “Social” sẽ có 2,18 tỷ người dùng, 34 tỷ USD doanh thu; “Mobility” tăng số lượng người sử dụng thiết bị di động lên 1,3 tỷ, với 2 tỷ thiết bị kết nối, 735 tỷ USD doanh thu; “Big Data” sẽ thiếu 4,4 triệu kỹ sư với tổng doanh thu 232 tỷ USD; “Cloud” đạt mức 207 tỷ USD doanh thu.
Chỉ với một chiếc máy tính hay thiết bi di động (điện thoại, máy tính bảng) có kết nối mạng internet (ứng dụng công nghệ Mobility, Cloud), các doanh nghiệp có thể nhanh chóng cập nhật, phân tích số liệu kinh doanh để ra quyết định, lưu trữ không giới hạn dữ liệu trên “đám mây” với độ bảo mật cao… Mặt khác, người dân cũng có thể giao dịch với doanh nghiệp một cách đơn giản, thân thiện (hệ thống đặt vé máy bay trên di động), hay dễ dàng tiếp cận các nội dung số (tin tức, trò chơi, giáo dục, phim ảnh…) trên nhiều thiết bị (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng…)…
FPT cho biết hãng là một trong những doanh nghiệp CNTT tiên phong trong xu hướng S.M.A.C. Tập đoàn FPT đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp tại Mỹ, Nhật Bản đang phát triển công nghệ S.M.A.C.
S.M.A.C là "mũi khoan" của FPT trong chiến lược toàn cầu hóa
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mong muốn trong tương lai không xa, khi thế giới nói đến S.M.A.C thì không thể không nói đến Việt Nam và FPT.
Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ: “S.M.A.C là chìa khoá quan trọng để FPT thực hiện mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ thông minh toàn cầu, là một trong những ‘mũi khoan’ chính trong chiến lược Toàn cầu hóa. 2013 đánh dấu năm đầu tiên FPT có doanh thu từ S.M.A.C, đạt 95 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2016, doanh thu từ dịch vụ S.M.A.C của FPT sẽ đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm hơn 10% doanh thu toàn cầu của Tập đoàn”.
Ông Nguyễn Lâm Phương - Giám đốc công nghệ FPT
Các đơn vị của FPT cho biết họ đều đã nghiên cứu triển khai S.M.A.C sớm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Một ví dụ điển hình là ngân hàng TP Bank. Ngân hàng này cho biết hãng đã triển khai mạng xã hội cho doanh nghiệp, phát triển song hành internet banking và mobile banking, triển khai phân tích dữ liệu lớn lên tới vài TB. Hiện ngân sách chi trong S.M.A.C chiếm tới 20% ngân sách dành cho CNTT của TP Bank.
Một thành công khác phải kể đến là hệ thống quảng cáo Adtech của FPT Online. Theo ông Đinh Lê Đạt, Giám đốc công nghệ FPT Online, AdTech giúp tạo mới 5% doanh thu cho dịch vụ quảng cáo của FPT. Có được điều đó nhờ Adtech đã phân tích được hành vi của người dùng, phân loại người dùng để cung cấp đúng thông điệp vào đúng thời điểm cho đúng đối tượng với chi phí rẻ.
Ngoài ra, với thế mạnh truyền thống là gia công phần mềm, FPT đang đầu tư xây dựng các giải pháp chuyển đổi, giúp doanh nghiệp có thể tận dụng S.M.A.C cho tình hình phát triển. FPT cho biết đang làm việc với Hiệp hội phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) để giúp các doanh nghiệp, trường học tổ chức các buổi trao đổi về S.M.A.C. Qua đó nâng cao nhận thức về xu hướng công nghệ hiện đại này.
Trong hội thảo, các đơn vị thành viên của FPT như FPT Software, FPT IS, FTG,... cũng đều công bố nhiều ứng dụng, dịch vụ sử dụng S.M.A.C hiệu quả. Tiêu biểu như Mạng xã hội cung cấp tình hình giao thông theo thời gian thực NOTIS, Giải pháp quản lý bán hàng trên thiết bị cầm tay eMobiz, FPT Play HD, Fshare, e-Click...
Không chỉ phần mềm, FPT còn phối hợp với các đối tác cung cấp các nâng cấp về phần cứng thiết yếu để doanh nghiệp có thể tiếp cận S.M.A.C. FPT cũng triển lãm thế hệ mới của robot SmartOshin. Ở thế hệ này, SmartOshin không chỉ nhảy theo nhạc, mà còn có thể tương tác bằng giọng nói với người dùng qua ứng dụng trên điện thoại. SmartOshin có thể trả lời một số câu hỏi đơn giản về thời tiết, thông tin kinh tế - xã hội của một số khu vực. Dữ liệu để SmartOshin đưa ra câu trả lời lấy từ hệ thống tự học trên máy chủ điện toán đám mây.
Robot SmartOshin thế hệ mới có thể giao tiếp bằng giọng nói với người dùng.
Không chỉ đầu tư phát triển sản phẩm, công cụ riêng của mình, FPT còn liên tục mở rộng và củng cố vị thế đối tác cấp cao với các công ty hàng đầu về công nghệ Cloud và Mobility như: Microsoft, IBM, Amazon Web Services, SAP, Liên minh các nhà sản xuất TV thông minh trên thế giới (STA)... và sẵn sàng tham gia cung cấp dịch vụ trong các hệ sinh thái này.
Trong năm 2013, FPT đã tham gia triển khai một số dự án S.M.A.C tiêu biểu, như: dự án Cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ điện toán đám mây cho Liên minh các nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới, dự án chuyển đổi ứng dụng trên nền công nghệ Microsoft SharePoint cho Chính phủ Singapore, dự án chuyển dịch các ứng dụng sang nền tảng Amazon Web Services, phần mềm dịch vụ (SaaS)… cho môt số công ty hàng của Nhật (Toshiba, Calsonic Kansei, Gulliver…)…
Một số hình ảnh khác về Ngày công nghệ FPT
Ông Sid Deshpande, đại diện Gartner trình bày về sự thay đổi của S.M.A.C đến đời sống công nghệ hiện đại.
Ong Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ Cisco Việt Nam, đề cập đến sự kết hợp S.M.A.C với Internet of Things sẽ trở thành tương lai ngành công nghệ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?