Gã khổng lồ game Blizzard đâm đơn kiện công ty viết tool hack/bot, quyết tâm đòi lại sự trong sạch cho làng game
Lại một lần nữa, Blizzard tiến hành kiện công ty này và lần này, họ mong muốn triệt tiêu toàn bộ mối liên hệ giữa các bản hack và sản phẩm game của họ.
Hè 2016 vừa rồi, Blizzard đã đâm đơn kiện Bossland tại Tòa án Công lý Đức (Bundesgerichtshof). Bossland là một tổ chức tại Đức đã viết nên những phần mềm cho phép gian lận trong những tựa game nổi tiếng của họ, bao gồm World of WarCraft, Diablo 3, Hearthstone và OverWatch.
Trong đơn khiếu nại của mình, họ buộc tội Bossland đã vi phạm yếu tố bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm các điều khoản của Luật bảo vệ bản quyền tác giả DCMA. Chưa hết, họ nói rằng những con bot do Bossland tạo nên đã “phá hủy sự toàn vẹn trong các tựa game của Blizzard, do đó xâm hại và làm ảnh hưởng tới những người chơi chính trực, khiến Blizzard bị giảm thu nhập”. Blizzard đã thắng vụ kiện trên.
Ban đầu, Bossland đã cố gắng tránh việc thực thi pháp lý với cáo buộc này từ phía Blizzard. Khi không thể tránh né được hãng game khổng lồ này khi họ một lần nữa đâm đơn kiện tại Mỹ, họ đã thông báo cho Blizzard rằng họ sẽ tuyên bố không hầu tòa chứ không cố gắng bào chữa cho những hành động của mình. Họ dựa vào cơ sở Bossland không có hoạt động kinh doanh tại Mỹ để bắt buộc phải hầu tòa.
Một động thái được phía Blizzard cho rằng Bossland đang cố gắng tránh né những khoản đền bù tài chính.
“Quyết định không hầu tòa của Bossland là một hành động được tính toán và một chiến thuật bào chữa tồi để bảo vệ công ty mình khỏi luật pháp của nước Mỹ. Với việc không hầu tòa, Bossland mong rằng có thể ngăn chặn Blizzard khỏi việc khám phá ra những hành vi sai trái cụ thể của công ty này, từ đó tránh những cáo buộc đưa ra từ phía Blizzard, tổng thu nhập mà họ nhận được từ những bản hack của mình hay nơi cất giấu những tài sản của họ”.
“Bossland cũng mong rằng với việc giấu những thông tin ấy đi, họ có thể tránh được những phán xét liên quan tới tài chính cũng như đáp trả lại mọi cáo buộc họ có thể gặp phải. Qua đó, Bossland mong muốn rằng họ có thể tiếp tục thực hiện kinh doanh của mình như bình thường, và rằng Blizzard sẽ không thể thu về được kết quả gì với những cáo buộc của mình”.
Bot cho WoW với 24,98 EUR/tháng.
Lần này, Blizzard buộc tội rằng đã có 42.818 bản hack của Bossland đã được bán tại Mỹ và họ sẽ yêu cầu tổ chức Đức này trả số tiền là 200 USD/một bản hack – mức phí đền bù tối thiểu. Tổng số tiền mà Bossland sẽ phải đền bù là 8.563.600 USD. Hiện Blizzard đang cố gắng thuyết phục tòa xử vắng mặt Bossland và nói một cách “mang hơi thở WarCraft” hơn chút, thì Blizzard đang sử dụng cây búa Doomhammer huyền thoại đánh lên đầu những kẻ trốn tránh luật pháp kia.
Trước đây, Bossland đã nộp lên tòa án bằng chứng chỉ ra rằng phần mềm hack của họ đã được tải về tổng cộng 119.000 lần tại Mỹ, kể từ tháng 7 năm 2013. Và rằng “mặc dù đúng là những sản phẩm liên quan tới Blizzard của Bossland nằm trong phần lớn những bản hack được bán ra, Blizzard sẵn sàng giả định rằng toàn bộ những sản phẩm mà chúng tôi bán ra kia đều có giá trị như nhau”.
Bot cho OverWatch với giá 12,95 EUR/tháng.
Blizzard cho rằng “ít nhất”, khoảng 36% những bản hack được bán ra của Bossland tại Mỹ là những bot được sử dụng trong những trò chơi của Blizzard, và rằng “cũng công bằng nếu như ít nhất 36% ấy được sử dụng trong các trò chơi của Blizzard”. Dù vậy, Blizzard cũng nói thêm rằng “rất có thể Bossland nhận được nhiều hơn con số 8 triệu USD rất nhiều với những sản phẩm hack mà mình bán ra”.
Nhắc tới một vụ án tương tự khác để ủng hộ bản cáo buộc của mình, Blizzard đã sử dụng vụ kiện Scapegaming – một server World of WarCraft lậu hồi năm 2010, trong đó tòa án cũng đã sử dụng phương thức tính toán thiệt hại tối thiểu tương tự. Con số cuối cùng mà Scapegaming phải trả lên tới 85 triệu USD.
Dù Bossland có chịu hầu tòa hay chịu án hay không, ta cũng thấy rõ rằng những động thái trên của Blizzard là nhằm xóa sổ Bossland vĩnh viễn, hoặc ít ra là xóa sổ những liên hệ (những bản hack) giữa công ty Đức này với mình. Với tình hình hiện tại, kết quả đó là rất có thể xảy ra.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming