"Gà nhà'" suýt nữa phá kỉ lục chạy hơn 42 km trong 2 giờ, và đây là hành trình gian khổ 2 năm để Nike nuôi mộng xưng bá trong môn marathon
Sẽ mất trung bình khoảng 6 tiếng cho bất cứ ai lần đầu hoàn thành quãng đường tiêu chuẩn 42,195km của cự li marathon. Xuất sắc lắm thì xuống còn 4 tiếng, nếu bạn thực sự nghiêm túc trong thời gian dài. Vậy mà mới đây, một thử thách đã diễn ra ở Italy mà ở đó, người ta chỉ bủn xỉn cho bạn đúng ...2 giờ để hoàn thành từng đó cây số!
Vào ngày 6/5 vừa rồi, cả thế giới đã nín thở hướng về đường đua F1 ở Monza, Italy để dõi theo vận động viên chạy bộ đường dài Eliud Kipchoge, khi vị "giáo chủ" của làng marathon đương đại này được kì vọng sẽ là người đầu tiên cán mốc cự li huyền thoại 42,195 km trong chưa tới hai giờ. Kết quả thực sự gây tiếc nuối: với thành tích chung cuộc là 2:00:25, anh chỉ còn cách đúng 25 giây để khắc tạc tên mình vào lịch sử.
Đứng sau toàn bộ kế hoạch tham vọng này là hãng đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ—Nike. Kipchoge, cùng với với hai quái kiệt trong làng chạy khác là Lelisa Desisa, người giữ ngôi quán quân hai lần ở Boston Marathon và Eritrean Zersenay Tadese, đang giữ kỉ lục thế giới ở cự li bán marathon, chính là ba "ngựa chiến" được Nike nuôi ăn tập suốt 6 tháng để chuẩn bị cho chiến dịch Breaking 2 rầm rộ của mình, chiến dịch mà họ tiêu tốn đến hàng triệu dollar và hơn 2 năm trời nghiên cứu.
Từ trái sang: Desisa, Tadese và Kipchoge
Cũng như việc chạy dưới 4 phút một dặm, con số 2 giờ với cự li marathon từ lâu đã mang tính biểu trưng cho giới hạn của con người, mà nếu vượt qua, sẽ không chỉ thu hút sự chú ý trong giới chạy bộ nhỏ hẹp, mà còn là toàn bộ cặp mắt rộng lớn của công chúng.
Trong đoạn trailer giới thiệu về chiến dịch Breaking 2, Nike đã biến tất cả trở thành kẻ thù cho mục tiêu không tưởng của mình, từ 'lịch sử', 'khoa học' cho đến 'bất cứ ai còn tỉnh táo'. Và điều đó là sự thật.
TỪ ĐIỀU BẤT KHẢ VỀ MẶT SINH HỌC...
Có so sánh khoảng cách sinh học "một trời một vực" giữa người bình thường và vận động viên điền kinh chuyên nghiệp mới thấy hết sự điên rồ trong mục tiêu "phá đảo" 2 giờ của Nike. Để đạt được thành tích này, ba ngôi sao được Nike lựa chọn phải duy trì được tốc độ trung bình ít nhất 13.1 dặm/giờ. 13.1 dặm một giờ hẳn là nhanh, nhưng nó không phải là quá nhanh đến nỗi không thể đạt được bởi ngay cả một vận động viên chạy nghiệp dư, thậm chí kể cả một người trẻ khỏe mạnh không luyện tập thường xuyên lắm.
Thử thách ở đây, là bạn có thể duy trì tốc độ đó trong thời gian bao lâu?
Ngay trước thềm cuộc thi lịch sử của Nike, các phóng viên tờ Wired đã làm một thí nghiệm nhỏ khi cho chính nhân viên của mình thử chạy trên máy chạy bộ đặt tốc độ mặc định 13.1 dặm/giờ. Kết quả là, 1 phút 25 giây là quãng thời gian dài nhất mà một nhân viên của Wired, một người thậm chí đã theo đuổi môn chạy bộ được vài năm, có thể đạt được. Trong khi hầu hết những người khác, ít tập luyện hơn, chỉ duy trì được tốc độ này trong từ vài chục giây đến gần một phút.
Đặt 1 phút cạnh 120 phút- hai giờ, mới thấy các con số không bao giờ biết nói dối.
Vào năm 1991, nhà sinh lý học trực thuộc Mayo Clinic Michael Joyner, lúc bấy giờ đã có kinh nghiệm 1 thập kỉ nghiên cứu về marathon, bằng việc tối ưu hóa ba chỉ số quan trọng nhất của cơ thể trong lúc chạy bộ đã đi đến kết luận toán học về thành tích tốt nhất của con người trong môn thể thao này: 1:58:57.
Vậy ba chỉ số đó là gì? Thứ nhất đó là VO2 max. VO2 max đơn giản chính là khả năng một người có thể lấy được bao nhiêu oxi từ trong không khí để nạp đầy phổi của mình. Nếu bạn không vận động nhiều lắm, nhưng còn trẻ và khỏe mạnh, thì chỉ số VO2 max của bạn khả năng nằm trong khoảng từ 30 đến 40, Chỉ số này sẽ tăng lên 50 nếu bạn có tập tành thường xuyên hơn một chút. Và nếu thực sự nghiêm túc với thể thao, đặc biệt ở những môn đòi hỏi sức bền như chạy đường dài, chỉ số này có thể tăng lên đến 60, và lúc này thành tích của bạn mới có thể ngang bằng với anh chàng quán quân một phút rưỡi của Wired !
Đo chỉ số VO2max của một người chạy nghiệp dư.
Nhưng những con số này còn thua xa những vì tinh tú trong các cuộc thi marathon, những người mà với chỉ số VO2max bẩm sinh cao vượt trội, cùng những năm tháng luyện tập gian khổ, có thể đưa nó lên tận...80, tức là có khả năng dung nạp đến 80ml oxi vào phổi mỗi phút.
Một chỉ số cũng quan trọng không kém là ngưỡng Lactate. Nếu coi VO2 max như là động cơ xe ô tô, thì ngưỡng Lactate chính là vạch đỏ trên tốc kế cảnh báo khi nào chiếc "ô tô cơ thể" của bạn đang chạy quá tốc độ giới hạn. Về căn bản lactate là một loại axít, mà ở cường độ vận động đủ cao, bắt đầu sản sinh ra một cách không thể cưỡng lại trong máu, khiến bạn muốn ói mửa và phải dừng việc chạy ngay lập tức. Đây cũng chính là thủ phạm gây ra cơn đau nhức kéo dài nhiều ngày sau khi tập.
Và cuối cùng là hiệu năng chạy bộ . Có rất nhiều giả thiết về việc tại sao người này lại chạy hiệu quả hơn người kia, nhưng có vẻ như tất cả đều quy về cơ sinh học. Nói một cách đơn giản là những thứ kiểu như sải chân của bạn dài bao nhiêu, bạn có trồi lên sụp xuống nhiều khi đang chạy hay không, và kể cả độ vung vảy của cánh tay...
Biomechanic- cơ sinh học quyết định rất lớn hiệu năng chạy bộ của mỗi người
Điều thú vị là ở chỗ, khoa học còn biết rất ít về hiệu năng chạy bộ của mỗi người, nhưng đã hoàn toàn khẳng định vai trò của hai chỉ số VO2max và ngưỡng lactate. Điều này dẫn đến việc, hầu hết các vận động viên đẳng cấp thế giới đã tập luyện đến giới hạn tối đa của hai chỉ số này. Và bây giờ việc cải thiện hiệu năng chạy bộ, bằng những hộ trợ công nghệ và tính toán chiến thuật tối tân, chính là niềm hy vọng lớn nhất của những kẻ điên rồ như Nike trong việc chinh phục thử thách hai giờ.
...CHO ĐẾN CÔNG NGHỆ
Kỉ lục thế giới hiện tại thuộc về Dennis Kimmeto với thời gian 02:02:57 lập ở đường đua Berlin năm 2014. Việc phá kỉ lục thế giới không phải là quá khó với những tiến bộ như vũ bão của các vận động viên ngày nay. Nhưng chạy dưới 2 giờ, tương đương với cải thiện 2,4% tổng thành tích, là một thành tích phi thường ở những người ở đẳng cấp cao nhất, được ví von còn khó hơn cả leo Everest.
Kỉ lục thế giới chạy marathon nam trong gần 100 năm. Có thể thấy rõ trên biểu đồ từ khoảng năm 1970 đến nay, quãng thời gian tổng giảm rất chậm.
Rất nhiều chiến lược đã được Nike tung ra để giúp 3 "gà chọi" của mình vượt qua ngọn núi này.Thực tế là với quá nhiều những lợi thế mà Nike dành cho các vận động viên của mình, thì cho dù họ có phá kỉ lục thế giới của Kimmeto (Kipchoge đã làm được), thì cũng không được công nhận chính thức bởi Liên đoàn Điền kinh Quốc tế IAAF. Chiến dịch này, Nike thừa nhận với tờ Wired, "chủ yếu để chứng minh khả năng giới hạn 2 giờ có thể bị phá, và cổ vũ cho những kế hoạch phá vỡ nó trong tương lai ở các cuộc đua chính thức"
Đường đua...công thức 1 Monza, là một trong số những lợi thế đó. Được lựa chọn cẩn thận bởi đội ngũ nghiên cứu sau khi xem xét đến nhiệt độ, độ dốc, và độ bốc hơi mặt đường, số khúc quanh của cung này, Nike nói rằng họ đã "sục sạo toàn thế giới" để tìm một nơi với những điều kiện lý tưởng kể từ khi chiến dịch của được công bố sáu tháng về trước.
Đường đua F1 ở Monza, Italy
Ngoài ra còn phải kể đến đội ngũ 'hậu phương' hùng hậu trong ngày thi đấu bao gồm những người tiếp nước và năng lượng rải dọc đường đua, được tính toán kĩ lưỡng để các vận động viên 'sạc pin' theo đúng chiến lược. Xe báo thời gian, cùng đội ngũ pacer (người dẫn tốc) cũng được cung cấp tận răng để tốc độ 13,1km/giờ luôn được duy trì, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ..cản gió cho các diễn viên chính, điều mang lại lợi thế to lớn trong môn marathon.
Đội ngũ pacer- người dẫn tốc (áo đen) cũng là những vận động viên marathon ưu tú. Dĩ nhiên, chỉ không ưu tú bằng ba 'gã khổng lồ' đang chạy phía sau họ mà thôi.
Trên cả việc thiết kế những điều kiện lý tưởng cho một cuộc đua tốc độ marathon, những bộ não đằng sau chiến dịch Breaking 2 còn luôn cố gắng hoàn thiện thành tích của từng vận động viên của mình.
"Có một nỗ lực khổng lồ để tối ưu hóa khía cạnh 'hiệu năng' của 'phương trình 2 giờ' này," theo Joyner, và khẳng định rằng nỗ lực của Nike có thể nói là "xịn" nhất từ trước đến giờ trong việc tối ưu ba chỉ số huyền thoại của mình.
"Chúng tôi không chỉ cho họ phải luyện tập như thế nào, điều đó đã có các huấn luyện viên lo. Đóng góp của chúng tôi là theo dõi kĩ lưỡng mọi thông số trong quá trình luyện tập của họ, và kịp thời đưa ra những phản hồi quan trọng cho từng người một," đại diện của Nike cho biết. " Quan trọng nhất là sự hydrate hóa và dinh dưỡng. Chúng tôi cung cấp khả năng tính toán chính xác lượng mồ hôi mà vận động viên sẽ chảy, số calo mà họ đã mất để luôn bù lại một lượng chính xác trên những chặng hành xác ở Italy".
Kipchoge đang tập luyện dưới những điều kiện nghiêm ngặt
Dĩ nhiên như đã phân tích, tất cả những nỗ lực trên chỉ tăng một con số rất nhỏ trong ngọn núi 2,4% mà Kipchoge và đồng đội phải chinh phục. Giải quyết phần còn lại-- sở trường của Nike, mà cũng có lẽ là điểm sinh lời chủ chốt trong chiến dịch hao tiền tốn của của họ--chính là trang phục thể thao.
Công ty này đã tạo ra một hệ thống sản phẩm hoàn thiện cho nỗ lực này. " Hệ thống bao gồm giày, tất, quần áo, tập trung vào khí động học, khả năng điều hòa nhiệt, độ vừa, trọng lượng, biên độ và lực đẩy," Nike cho biết.
Tuy nhiên có lẽ mọi ánh mắt của người yêu chạy bộ đều đổ dồn về hỏa lực mạnh nhất, con át chủ bài được cho là sẽ 'hack' tốc độ của vận động viên lên...4%: đôi giày Nike Vaporfly Elite.
Hầu hết các vận động viên đạt thành tích cao ở Boston Marathon vừa diễn ra đều đã sử dụng đôi giày mới của Nike này.
Ba gã quái nhân quả thật như 'hổ có thêm nanh' khi được trang bị một đôi giày nhẹ, đệm dày, và rất vừa vặn-- thậm chí được cho là 'ăn gian' khi giúp chân của người đeo hầu như không phải duỗi khi đang chạy nữa.
Trông nó như một đôi giày cao gót trộn với sneaker đến từ tương lai vậy -- 20mm ở mũi giày, và 31mm ở đế -- chưa từng có tiền lệ khi hầu hết các đôi giày chạy bộ trong quá khứ đều có đế mỏng khiến chân người chạy tiếp xúc sát với mặt đất. Tuy thế nó cũng chỉ nặng có 185g, siêu nhẹ so với một đôi giày có đệm thông thường.
" Để làm ra đôi giày này, Nike đã thuê một đội ngũ những nhà cơ sinh học, kĩ sư khí động học, huấn luyện viên, thiết kế gia, và nhà khoa học vật liệu, tất cả cùng làm việc ròng rã nhiều tháng trời. Quả đúng là 'công ty nhà người ta' !
Khẩu hiệu 'beyond the limits' khắc trên đôi Nike Vaporfly Elite của Nike
Với sự trợ giúp của khoa học, nỗ lực của Nike dù đã thất bại trong tiếc nuối, nhưng đã tạo nên một cú hích hướng tới tương lai-- không chỉ trong môn chạy bộ đường dài, mà trong cả việc chứng minh tiềm năng đáng ngạc nhiên của cơ thể con người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android