Galaxy Note8 và iPhone X: Mưu đồ "trói chặt" người dùng đằng sau những chiếc smartphone nghìn đô

    Lê Hoàng,  

    Ai cũng biết rằng điện thoại càng đắt thì người mua càng dễ... nản. Nhưng trong trường hợp của 2 chiếc smartphone cao cấp nhất của năm 2017, giá đắt có thể đi kèm với những bước tính toán thực sự lâu dài.

    Năm 2017 sẽ đi vào lịch sử với một vai trò đặc biệt: năm các mẫu đầu bảng đáng mơ ước nhất tăng mức giá lên 1000 đô. iPhone X có giá niêm yết 999 USD, còn đối thủ lớn nhất là Galaxy Note8 cũng có giá bản unlocked lên tới 960 USD tại nhiều nhà mạng lớn của Mỹ.

    Dĩ nhiên, cả 2 đối thủ của phân khúc cao cấp đều có thể tìm được lý do để đẩy giá sản phẩm cuối năm lên cao như vậy. Galaxy Note8 có thể coi là bản nâng cấp toàn diện của Galaxy S8 , một sản phẩm vốn đã có giá khởi điểm là 850 USD. iPhone X là bản đặc biệt của iPhone trong một năm mà iPhone "thường" (iPhone 8 và iPhone 8 Plus) đã được nâng 50 USD so với giá khởi điểm mọi năm.

    Mức giá khởi điểm truyền thống của iPhone đã bị đột ngột phá bỏ trong năm nay.
    Mức giá khởi điểm truyền thống của iPhone đã bị đột ngột phá bỏ trong năm nay.

    Dù vậy, trước đây, việc nâng cấp phần cứng mới và bán ra ở cùng một mức giá ở phần cứng cũ vốn là... hiển nhiên. Trong một năm nay từ năm này sang năm khác, người dùng lẽ ra đã được quyền tận hưởng phần cứng mới ở mức giá giữ nguyên. Cách đây 2 năm, Galaxy Note 5 vẫn chỉ có giá khởi điểm chưa đến 750 USD trong khi iPhone 7 của năm ngoái vẫn ra mắt ở mốc 650 USD.

    Trong khi Apple đã đột ngột đẩy giá khởi điểm của iPhone 8 lên 700 USD và iPhone 8 Plus lên 800 USD thì qua 2 năm, Samsung đã từ tốn nâng giá các dòng đầu bảng của mình. Note7 năm ngoái có giá khởi điểm vào khoảng 850 USD tại các nhà mạng Mỹ trong khi Galaxy S8 năm nay khởi điểm ở mốc 750 USD, cao hơn gần 100 USD so với mức giá 670 USD của Galaxy S7 năm ngoái.

    Samsung đã âm thầm nâng giá từ từ cho dòng Galaxy S và Galaxy Note trong vòng 2 năm qua.
    Samsung đã âm thầm nâng giá từ từ cho dòng Galaxy S và Galaxy Note trong vòng 2 năm qua.

    Một lần nữa, Apple và Samsung không hề có lý do thuyết phục nào để đẩy giá sản phẩm đầu bảng của mình lên cao. Giá linh kiện dù có tăng đến mấy cũng không thể khiến cho các khoản tăng vài trăm USD trên giá bán tới người dùng trở nên hợp lý: nâng cấp màn hình từ LCD lên OLED sẽ chỉ khiến chi phí tăng thêm vài chục USD, trong khi nâng cấp chip và RAM thường chỉ khiến các công ty tốn thêm... vài USD (so với giá bán linh kiện cũ tại thời điểm ra mắt điện thoại mới).

    Đằng sau các mức giá ngày một khủng khiếp của smartphone đầu bảng chỉ có thể là những động cơ kinh tế khôn ngoan hơn. Hiển nhiên, kẻ "khôn ngoan" ở đây đã phải tính đến phản ứng chắc chắn là tiêu cực của người dùng nói chung khi bị ép giá.

    Cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều sẽ muốn người dùng chuyển dần sang mô hình trả hàng tháng.
    Cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều sẽ muốn người dùng chuyển dần sang mô hình trả hàng tháng.

    Vậy thì mục tiêu của Tim Cook và của bộ sậu Samsung là gì? Để trả lời câu hỏi này, bạn sẽ phải nhìn vào mô hình bán điện thoại đang phổ biến tại các thị trường lớn: người mua không muốn "mua đứt" ngay từ đầu mà muốn trả góp, hoặc "hời" hơn là trả theo các gói cước điện thoại hấp dẫn. Sự khác biệt giữa một chiếc điện thoại 1000 USD và điện thoại 750 USD khi trả dần dần qua 2 năm thực chất là không nhiều: mỗi tháng, bạn chỉ phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn trước là 10 USD. "Lồng" khoản tiền chênh lệch vào các hợp đồng nhà mạng kéo dài, Apple và Samsung có thể dễ dàng thuyết phục người dùng rằng họ đang nhận được các món hời trong khi giá smartphone đầu bảng vẫn tăng.

    Kết quả là cả 3 bên (nhà sản xuất, nhà mạng, người dùng) đều... mừng. Nhà sản xuất thì bán được điện thoại đắt hơn, người dùng thì không phải thay đổi nhiều mức chi trả mỗi tháng. Với các nhà mạng - cũng là thế lực phân phối điện thoại lớn nhất trên toàn cầu, các hợp đồng kéo dài có một lợi ích rất lớn: chúng "trói" các tín đồ iPhone/Galaxy vào mạng di động của nhà mạng đó trong suốt thời gian hợp đồng, không cho phép họ chuyển sang các nhà mạng đối thủ.

    Bản thân Apple và Samsung cũng muốn giành một phần quyền lực phân phối về phía mình và cùng lúc trói người dùng chặt hơn nữa.
    Bản thân Apple và Samsung cũng muốn giành một phần quyền lực phân phối về phía mình và cùng lúc "trói" người dùng chặt hơn nữa.

    Ở vị thế của mình, Samsung và Apple cũng đang muốn làm điều tương tự: "trói" người dùng vào điện thoại của họ. Từ năm 2016, Apple đã ra mắt chương trình iPhone Upgrade Program: với khoản tiền "thuê" vài chục USD mỗi tháng (tức là chỉ tương đương với 2, 3 bữa ăn "bình dân" tại Mỹ), người mua iPhone sẽ được quyền thay sang iPhone sau khi chi trả 12 tháng. Mô hình này cho phép các tín đồ Táo vừa liên tục được tận hưởng chiếc iPhone mới nhất, vừa được hưởng gói chăm sóc Apple Care để bớt nỗi lo rơi/vỡ.

    Về phía mình, Samsung bắt tay với nhà mạng Sprint tại Mỹ để mở chương trình "Galaxy Forever". Với khoản tiền trả hàng tháng tương tự như Apple, người dùng Galaxy S8/Note8 cũng có thể nâng cấp lên một chiếc Galaxy cao cấp mới sau khi đã trả tiền 12 tháng. Bên cạnh dịch vụ chăm sóc cũng hấp dẫn không kém Apple, vào đầu năm, khách hàng Galaxy Forever thậm chí còn được phép sử dụng 2 chiếc Galaxy S8 cùng lúc cho khoản tiền của 1 chiếc.

    Cứ sau 12 tháng là được thay điện thoại ở khoản tiền không đắt hơn quá nhiều so với cách mua thông thường: mua điện thoại, bán điện thoại cũ sau 12 tháng và gộp tiền vào điện thoại mới.
    Cứ sau 12 tháng là được thay điện thoại ở khoản tiền không đắt hơn quá nhiều so với cách mua thông thường: mua điện thoại, bán điện thoại cũ sau 12 tháng và gộp tiền vào điện thoại mới.

    Cả 2 mô hình này đều mới chỉ xuất hiện tại các thị trường trọng điểm (như Mỹ, Anh), song với chiến lược bắt tay ngày một chặt chẽ hơn với các nhà mạng, việc Apple và Samsung nhân rộng iPhone Upgrade Program cũng như Galaxy Forever ra các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, các nước Tây Âu... chỉ là sớm hay muộn. Lúc đó, cuộc chiến đầu bảng sẽ càng trở nên khốc liệt hơn: ngoài sức mạnh nội tại của từng sản phẩm, các nhà sản xuất còn có thể kiểm soát lòng trung thành của người mua.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày