Thể hiện tình yêu game quá mãnh liệt
Câu chuyện về tình yêu giữa người chơi và những tựa game yêu thích có lẽ chẳng cần bàn nhiều. Nhưng việc gamer quá say sưa giải trí, sống hết mình trong mỗi trải nghiệm ảo lại chẳng khác nào cơn ác mộng lớn nhất với những món phụ kiện nhỏ bé.
Không hẳn những người chơi này chưa biết tiếc tiền, chẳng buồn sót của mà tâm lý khi chiến game phải thật nhiệt tình đã ăn sâu vào mỗi hành động, khó lòng từ bỏ ngay dù biết tần suất thay mới đồ nghề của mình sẽ đồng thời tăng lên nhiều lần.
Hành động chơi game quá mãnh liệt thể hiện ở nhiều hình thái, từ những vũ công Audition với các pha bắt “Finish” đầy uy lực, các gamer mê PES có thể đì phím gamepad trong tất cả các pha bóng đến nhóm lão làng game RPG với ngón tay luôn thường trực trên hai nút chuột trái phải…
Trút tức giận lên đồ nghề
Trút tức giận lên đồ nghề chinh chiến cũng giống một cách để gamer khẳng định tinh thần vui hết mình trong thế giới ảo, sự thắng bại qua mỗi màn chơi đều gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của bản thân họ.
Những gamer kiểu này thường phân loại thành 2 nhóm chính: Sử dụng đồ nghề quá rẻ tiền, nếu có hỏng thì luôn sẵn sàng thay mới; hoặc sử dụng đồ nghề “chùa“ (ở tiệm nét, quán game) nên cứ thỏa thích đập phá, miễn đừng để hỏng ngay tại chỗ là được.
Người chơi thoải mái ném chuột bôm bốp xuống mặt bàn sau pha bắn trượt, đập tung bàn phím chỉ vì lỡ nhịp game hay "quẫn chí" mà quẳng gamepad thẳng tay kèm theo vài lời càu nhàu bởi vì thua trận... sẽ được xếp một cách trang trọng vào nhóm gamer có thói quen “trút tức giận lên đồ nghề chinh chiến”.
Sai lầm vì kém hiểu biết
Kém hiểu biết, thiếu kiến thức nền tảng về linh phụ kiện chơi game, nhiều khả năng bạn sẽ vô tình biến món đồ nghề trị giá bạc triệu trở thành đống vứt đi chỉ vì hư hỏng đủ thứ. Tất nhiên, nguy cơ này hiếm khi xảy ra, bởi lẽ các thiết bị phục vụ gamer chủ yếu thiết kế theo dạng cắm là chạy, khó thao tác nhầm và tương đối bền bỉ.
Hỏng hóc thường gặp chủ yếu rơi vào các trường hợp như bẻ gập quá giới hạn chịu đựng của thiết bị (vòm chụp tai nghe, chân đỡ bàn phím, thanh chống của bộ giữ dây chuột…) hoặc thao tác thô bạo với dây dẫn, giắc cắm…
Lười bảo trì hoặc bảo trì sai cách
Nguyên nhân cuối cùng khiến đồ nghề của game thủ nhanh xuống cấp, hỏng hóc được xác định do chủ nhân lười bảo trì, làm vệ sinh trong quá trình sử dụng hoặc có thực hiện nhưng tác nghiệp sai bét.
Nếu bạn ít nâng niu bộ phụ kiện của mình, mồ hôi tay hoàn toàn có thể khiến màu chữ, logo trên bàn phím, gamepad bay màu, Bụi bẩn nhanh chóng len lỏi vào từng ngóc ngách làm kẹt nút, gây ra hiện tượng double click phổ biến ở chuột. Hay để miếng đệm tai nghe nghe trong tình trạng ẩm thấp lâu ngày sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn mốc phát tác.
Còn lúc có ý định làm vệ sinh, gamer nên đặc biệt lưu ý chuyện tháo lắp khung vỏ của đồ nghề, không nên sử dụng các hóa chất tẩy rửa mạnh hay các động tác lau chùi mạnh tay quá mức cần thiết.