Gắn camera vào đầu đạn để có những trải nghiệm ngoạn mục – bạn có thích ý tưởng này không?
Bullet-Cam - chính xác như tên gọi của mình - là một chiếc máy quay kèm ống kính nhỏ xíu được gắn lên đầu mũi của viên đạn để ghi lại mọi khoảnh khắc từ lúc lấy đạn ra khỏi hộp, lắp vào súng cho tới lúc viên đạn rời khỏi nòng và bay tới mục tiêu từ góc nhìn của chính viên đạn.
Vortex \ Hornady Bullet-Cam
Các kênh YouTube chuyên thử nghiệm vũ khí luôn hấp dẫn và thu hút nhiều triệu người theo dõi. Cảm giác được thấy sức mạnh của súng ống, cháy nổ - cho dù là gián tiếp qua góc nhìn của người thứ 3 – thật cũng vô cùng lôi cuốn rồi.
Đối với những tay súng chuyên nghiệp, họ thường xuyên phải sử dụng camera gắn trên súng cùng ống ngắm quang học có Wi-Fi để ghi lại và đánh giá hiệu suất của mỗi phát đạn được bắn ra.
Vậy sẽ còn “ép phê” đến thế nào ở đầu đạn lại có camera để chúng ta có thể “nhìn thấy” mọi cảnh tượng từ góc nhìn “người thứ nhất”?
Công ty chuyên về các thiết bị quang học Vortex và nhà sản xuất đạn đạn cao cấp, Hornady đã đăng tải lên YouTube một video giới thiệu về Bullet-Cam – loại đạn có gắn camera trên đầu và nhanh chóng thu hút hơn 2,3 triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận từ các fan hâm mộ súng ống.
Theo đó, việc gắn camera sẽ đem tới cho các xạ thủ một góc nhìn hoàn toàn mới và quá trình luyện tập để nâng cao độ chính xác sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, còn các thợ săn cũng sẽ nhanh chóng xác định được việc con mồi đã thực sự bị hạ gục hay chưa.
Clip giới thiệu về Hornady/Vortex Bullet-Cam
Trong clip, Ian Klemm, giám đốc mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Vortex, nói: “Từ xưa đến nay, xạ thủ đều vẫn phải dựa vào các thiết bị quang học truyền thống để ước lượng kết quả của mỗi phát bắn ở khoảng cách lớn. Chúng tôi đã quyết tâm tạo ra một phương pháp mới giúp họ nâng cao độ chính xác và hiệu suất tổng thể khi bắn súng”.
“Chúng tôi nhanh chóng liên hệ với Hornady để hợp tác phát triển một sản phẩm có sử dụng công nghệ camera hành động mới mà trước đây từng là bất khả thi” - Klemm nói thêm.
Bullet-Cam - chính xác như tên gọi của mình - là một chiếc máy quay kèm ống kính nhỏ xíu được gắn lên đầu mũi của viên đạn. Sau khi được đồng bộ với các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay, xạ thủ ngay lập tức có được góc nhìn của chính viên đạn và ghi lại mọi khoảnh khắc từ lúc lấy đạn ra khỏi hộp, lắp vào súng cho tới lúc viên đạn rời khỏi nòng và bay tới mục tiêu. Các dữ liệu về tốc độ đạn, quỹ đạo bay, điểm chạm,… đều được phần mềm thu thập và tổng hợp lại để cung cấp cho xạ thủ cái nhìn chi tiết nhất về từng phát súng được bắn ra.
Thế nhưng việc phát triển loại đạn mới sử dụng công nghệ cao quả thật không hề dễ dàng, và các nhà sản xuất đã phải vượt qua rất nhiều thách thức để chọn ra được tải trọng hiệu quả.
“Một trong những mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là đường bay của đạn và khối tâm của hệ thống quang học phải hoàn toàn ổn định” - Klemm nói.
Jayden Quinlan, kỹ sư đạn đạo của Hornady, cho biết: “Sau vô số lần thử nghiệm đi thử nghiệm lại, chúng tôi đã phát triển mô hình G10 Drag hoàn toàn mới giúp tinh giản quỹ đạo cho loại đạn mới này. Ngoài ra chúng tôi cũng đã thiết kế lại đặc tính cháy của thuốc súng và mật độ của nó. Chúng tôi tự tin rằng dù có hay không có camera thì công nghệ đạn này sẽ tạo ra một xu hướng mới trong cộng đồng người hâm mộ bắn súng.”.
Không chỉ vậy, những viên đạn gắn camera này còn cho phép tải các video và dữ liệu lên đám mây VTX ngay lập tức, nhờ đó mà xạ thủ có thể chia sẻ kết quả với nhiều người thông qua các trang mạng xã hội, hoặc tạo ra những thước phim nghệ thuật khi quay chậm…
Vậy loại đạn công nghệ cao này sẽ có giá bao nhiêu?
Hornady cho biết: “Một hộp gồm 10 viên đạn Bullet-Cam sẽ có giá 99,99 USD, tức là 10 USD (khoảng 230 ngàn đồng) mỗi viên. Thực sự không rẻ nhưng so với lượng dữ liệu và cả những cảnh tượng mà bạn ghi lại được thì Bullet-Cam đúng là “chất đến từng đồng”.
Dự kiến ban đầu Bullet-Cam sẽ được sản xuất cho cỡ đạn .308 Winchester, nhưng cả hai công ty đều khẳng định rằng phiên bản cho các loại đạn 5.56/.223 và. 300 BLK cũng sẽ có vào cuối năm nay.
Đoạn video này đã xuất hiện vào ngày 31 tháng 3 năm 2017 – trước Quốc tế Nói dối 1 ngày. Rất nhiều người sau khi xem xong đã tin rằng đây là sáng chế có thật và tìm đủ mọi cách để có thể mua được loại đạn diệu kỳ này. Và cho dù đây chỉ là ý tưởng mua vui nhưng với tiến bộ công nghệ ngày nay thì rất có thể trong tương lai gần chúng ta sẽ được thấy loại đạn như thế này xuất thiện trong đời thực thì sao? Hãy cùng chờ xem nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời