Gặp chàng trai 9X có 15 công bố khoa học quốc tế

    PV,  

    Vừa tròn 26 tuổi với 15 công bố quốc tế ISI, Trần Quốc Quân có lẽ đang giữ kỷ lục của Việt Nam về số công bố quốc tế ở độ tuổi của mình. Thế nhưng câu chuyện của chàng trai 9X ở vùng quê nghèo Can Lộc, Hà Tĩnh không chỉ là những bài báo khoa học.

    Đi gia sư kiếm tiền làm khoa học

    Bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm thứ 2 đại học, tới thời điểm hiện tại, sau khoảng 5 năm, Trần Quốc Quân, nghiên cứu sinh của Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN, đã sở hữu 22 bài báo và báo cáo khoa học trong đó có 15 công bố ISI (hệ thống các tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới) với chỉ số tác động (IF) lớn hơn 2.

    Đây là một con số đáng mơ ước đối với không chỉ các nhà nghiên cứu trong nước mà còn cả với những nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để đạt được thành tích này, Trần Quốc Quân đã phải trải qua khá nhiều truân chuyên, vất vả.

     Trần Quốc Quân cho rằng, nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ thực tiễn và hướng tới thực tiễn. Ảnh: Lê Văn.

    Trần Quốc Quân cho rằng, nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ thực tiễn và hướng tới thực tiễn. Ảnh: Lê Văn.

    Quân cho biết, vào năm 2011, khi tham gia buổi giới thiệu các đề tài khoa học của các thầy cô trong trường, em được nghe và cảm thấy rất thích thú với hướng nghiên cứu về vật liệu composite của GS Nguyễn Đình Đức - người thầy hướng dẫn của Quân sau này. "Sau hôm đó, em đã tới gặp thầy và xin được thử sức" - Quân kể.

    Quân bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học của mình từ lúc đó. Trong 2 năm sau đó, tới khi tốt nghiệp ĐH, dưới sự hướng dẫn của GS Đức, Quân đã có 2 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI.

    Sau khi tốt nghiệp, đứng trước nhiều lựa chọn và cơ hội: Tìm học bổng ra nước ngoài học hoặc đi làm với mức lương cao. Tuy nhiên, cuối cùng Quân vẫn chọn ở lại trong nước học tiến sĩ, tiếp tục đeo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

    "Thời gian đó em vừa tham gia làm đề tài với GS Nguyễn Đình Đức vừa làm gia sư để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập không được nhiều, tiền học phí cho việc học tiến sĩ và tiếng Anh cũng nhiều nên nhiều lúc em vẫn phải xin tiền từ gia đình" - Quân kể.

    Cũng vào thời điểm đó, bố của quân cũng bị tai biến, bị liệt nửa người. Nguồn thu của gia đình hoàn toàn trông chờ vào khoản tiền lương hưu của bố và thu nhập từ cửa hàng tạp hóa của mẹ. "Đó là khoảng thời gian vất vả, khó khăn và em cũng đã trăn trở, đấu tranh rất nhiều" - Quân nói.

    Vào các năm 2014-2015, Quân có cơ hội nhận học bổng ra nước ngoài học tập, song em vẫn quyết định ở lại tiếp tục hướng nghiên cứu đã chọn lựa cùng người thầy hướng dẫn của mình.

    Quân cho biết, đúng là nếu ra nước ngoài học theo một học bổng nào đó sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn cho em về kinh tế, song do em đã xác định đi theo hướng nghiên cứu này và đã đầu tư cho nó nên không muốn bỏ dở.

    Cho tới cuối năm 2015, khi Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến được thành lập, Quân mới được ký hợp đồng viên chức tại đây với mức lương kỹ sư. Quân cho biết, hiện tại em không phải xin tiền từ gia đình nữa, song cũng chưa phụ giúp được nhiều cho bố mẹ.

    Tuy vậy, tới nay, những nỗ lực của chàng trai 9X đã được đền đáp xứng đáng. Không chỉ có bảng thành tích nghiên cứu khoa học vào loại "khủng", mới đây, Quân còn vinh dự nhận được Giải thưởng tài năng cơ học Nguyễn Văn Đạo lần thứ 3. Quân là nhà khoa học trẻ tuổi nhất được trao giải thưởng này.

    Khoa học phải xuất phát từ thực tế

    Sở hữu tới 15 công bố ISI, song Quân cũng cho rằng, nghiên cứu khoa học không nhất thiết là chạy theo các bài báo khoa học.

    Theo Quân, nghiên cứu khoa học cơ bản như hướng nghiên cứu em đang theo đuổi thì việc đánh giá kết quả chủ yếu dựa vào các bài công bố quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản cũng phải xuất phát từ thực tế và hướng tới việc ứng dụng vào thực tế chứ không chỉ là để công bố quốc tế thuần túy.

     Trần Quốc Quân cho rằng, nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ thực tiễn và hướng tới thực tiễn. Ảnh: Lê Văn.

    Trần Quốc Quân cho rằng, nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ thực tiễn và hướng tới thực tiễn. Ảnh: Lê Văn.

    "Chẳng hạn như em khi làm nghiên cứu thì dù là tính toán lý thuyết cũng phải nghĩ xem loại vật liệu này làm ở đâu, làm như thế nào và kết quả của mình có thể ứng dụng vào chỗ nào. Nếu như chỉ tính toán suông thì có bài báo công bố quốc tế cũng không để làm gì" - Quân nói.

    "Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào đặc thù từng ngành. Có những ngành khó, song cũng có những ngành dễ ứng dụng hơn. Vì khoa học cơ bản chủ yếu là nền tảng và định hướng cho các ngành khoa học khác" - Quân nói thêm.

    Quân cho biết, bản thân em cũng mong muốn áp dụng các kết quả nghiên cứu của mình vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

    "Trước đây, cơ sở vật chất của nhà trường chưa cho phép nhưng đến nay, khi Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến được thành lập, bản thân em và các nghiên cứu sinh, sinh viên của trường sẽ có nhiều điều kiện hơn trong việc thực nghiệm các kết quả nghiên cứu để áp dụng vào thực tế" - Quân nói.

    Nói về dự định trong tương lai, Quân cho biết, hiện tại, các kết quả nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của em đã hoàn thành, trong năm tới, em bảo vệ luận án tiến sĩ và tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN.

    Đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ của Quân là về vật liệu chức năng FGM, một hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Quân cho biết, hướng nghiên cứu này chưa thể ứng dụng ngay tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, song em hy vọng một ngày không xa, có thể ứng dụng những kết quả nghiên cứu này vào thực tế.

    Ngoài việc nghiên cứu, Quân cũng hy vọng sẽ đào tạo và dẫn dắt thêm nhiều sinh viên có đam mê nghiên cứu như mình. Quân cho biết, em đã từng gặp rất nhiều bạn thông minh làm khoa học nhưng sau đó đều bỏ vì cảm thấy quá vất vả. "Muốn làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thì phải chịu được khổ" - Quân cười nói.

    Tôi hỏi Quân rằng, điều gì đã khiến em vượt qua được cái khổ ấy để theo đuổi việc nghiên cứu khoa học, Quân trầm ngâm một hồi rồi trả lời tôi rằng: "Từ khi học lớp 1, những học sinh quê em đã được xác định là chỉ có học mới thoát khỏi vùng đất nghèo này thôi. Vì vậy, theo đuổi việc học hành là cách duy nhất của những người như em".

    Theo Báo Mới

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ