Gặp gỡ người đàn ông 78 tuổi luôn được so sánh với Steve Jobs, Warren Buffett
Ông coi làm startup là đi học và tiền đầu tư là học phí.
"Tôi không biết".
Đó là câu trả lời của Ratan Tata cho rất nhiều câu hỏi mà các sáng lập hỏi ông trong ngày ông chia sẻ với cộng đồng công nghệ Singapore.
Ratan, một doanh nhân gạo cội, thẳng thắn, thường xuyên được so sánh với Steve Jobs và Warren Buffet đã có hai buổi phát biểu tại Singapore. Một sự kiện riêng, thân mật với các startup và một sự kiện khác formal hơn được tổ chức tại Khách sạn Shangri-La. Cả hai sự kiện đều được tổ chức bởi hãng đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures.
Các sáng lập của những startup Singapore tới đây không chỉ tới đây để chụp ảnh với Ratan mà còn để học hỏi kiến thức, sự khôn ngoan của ông.
Ratan chỉ giả vờ không biết câu trả lời. Thậm chí ông còn hiểu tất cả những câu hỏi dù một vài trong số chúng được nói theo ngôn ngữ công nghệ.
"Tôi không nghĩ rằng mình có thể trả lời câu này", Ratan nói khi được một người sáng lập hỏi ông rằng một CEO nên làm những gì để quản lý thời gian một cách tốt nhất. Tuy nhiên sau đó ông vẫn trả lời:
"Nó phụ thuộc vào từng cá nhân, phụ thuộc vào nhiều vấn đề mà anh đang phải đối mặt, phụ thuộc vào tính cách của anh. Một số người trốn tránh, người khác thì sẵn sàng nhảy vào mọi việc. Cả hai đều có ưu và nhược điểm riêng".
Một doanh nhân khác hỏi ông cách thuyết phục những người tiêu dùng gạt bỏ hoài nghi để mua sản phẩm của mình.
"Tôi chẳng biết sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào", Ratan lặp lại. Nhưng rồi ông tiếp tục:
"Bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thuyết phục người khác của anh và sự cởi mở của người mà anh đang cố thuyết phục", ông nói.
"Thế giới có rất nhiều cá nhân và mỗi người lại có một tính cách riêng. Làm việc với những người cởi mở rất dễ dàng nhưng rất khó hợp tác với những người luôn thu mình vào vùng an toàn".
"Những người chỉ biết sống trong vùng an toàn sẽ sống, chết và biến mất mà chẳng tạo ra bất cứ sự khác biệt nào", Ratan nói.
Giọng của Ratan đều đều. Ông thích dùng những câu dài và phức tạp.
Ông luôn nhấn mạnh rằng mình không biết gì nhưng sau đó vẫn chia sẻ cho mọi người kinh nghiệm từ nhiều thập kỷ là người đứng đầu tập đoàn Tata Group, tập đoàn lớn nhất Ấn Độ với hơn 600.000 nhân viên.
"Học, học nữa, học mãi"
Ratan có thể già, nhưng ông là sinh viên trong ngành startup. Ông coi những khoản đầu tư của mình như học phí. Tính tới nay, ông đã đầu tư cho khoảng 20 hãng công nghệ ở Ấn Độ.
"Với tôi đây là một quá trình giúp tôi học hỏi chứ không phải là cho đi hay trợ giúp ai đó", ông nói. "Việc các sáng lập viên sẵn sàng bán nhà, bán xe để bắt đầu một cuộc sống mới, tạo ra một thứ gì đó khác biệt đã luôn cuốn tôi. Tôi thường chọn lấy cho mình một vị trí nhỏ trong các startup để hỗ trợ những người sáng lập".
Ông chia sẻ rằng mình đã được bổ nhiệm là "cố vấn đặc biệt" tại Jungle Ventures và ông tham gia hãng này để học hỏi kinh nghiệm đầu tư.
Khi còn làm tại Tata, Ratan rất chú trọng các con số nhưng khi đầu tư vào các hãng khởi nghiệp ông lại không làm như vậy. Ông lựa chọn bằng trực giác. Ông rất thích làm việc với những sáng lập luôn theo đuổi những ý tưởng tuyệt vời, không quan tâm tới tiền bạc.
Ngoài ra, những sáng lập xây dựng công ty lâu dài, muốn ý tưởng của họ đạt được tối đa tiềm năng và có tác động thực sự tới xã hội cũng sẽ được Ratan ưu tiên.
Tóm tắt tiểu sử của Ratan Tata
Trong hai giờ chia sẻ, ông cũng nói một cách ngắn gọn về cuộc đời mình.
Dù là con cháu trong dòng họ Tata nhưng ông bắt đầu sự nghiệp như một kiến trúc sư và sau đó làm lại từ đầu với vị trí thấp nhất. Ông đã từng bán thép tại Tata Steel, xúc đá vôi vào các lò nung..
Ratan và các nhà sáng lập tại Singapore
Trước khi ông lên nắm quyền Tata Industries vào năm 1981, bác sĩ chẩn đoán mẹ ông mắc bệnh ung thư. Ông đã xin nghỉ và bay tới một bệnh viện ở New York để dành nhiều thời gian bên cạnh mẹ.
Trong thời gian rảnh không phải trông mẹ, ông phác thảo ra một kế hoạch chiến lược cho Tata Group. Sau khi mẹ ông qua đời, ông trở về Ấn Độ nhưng kế hoạch của ông bị từ chối.
"Tôi không phản ứng mà thay vào đó áp dụng kế hoạch này cho Tata Industries", ông nói.
Mỗi bước trên con đường giành vị trí lãnh đạo Tata Group của ông đều vấp phải thử thách.
Đầu tiên là sự suy thoái của nền kinh tế Ấn Độ năm 1991 khiến tình hình kinh doanh của Tata xấu đi. Ratan, khi đó mới được bổ nhiệm làm chủ tịch Tata Sons, công ty mẹ của Tata Group, thấy rằng đây là cơ hội để công ty của ông mở rộng ra toàn cầu.
Điều này giúp số phận của công ty không bị phụ thuộc vào một chu kỳ kinh tế. Tata Group cần bảo vệ vốn liếng của mình.
Để thực hiện kế hoạch mở rộng toàn cầu, Tata đã mua một loạt công ty nước ngoài bao gồm Jaguar Land Rover. Ratan chỉ muốn mua Land Rover nhưng sau rất nhiều lần đàm phán cả công khai lẫn bí mật ông vẫn phải chấp nhận mua cả hai.
Sau đó, nền kinh tế châu Âu sụp đổ và tình hình kinh doanh của Jaguar Land Rover xấu đi. "Tôi thường sử dụng trường hợp này để làm ví dụ khi muốn mô tả một anh chàng ngu ngốc mua một số công ty mà chẳng biết để làm gì", Ratan nói. Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng doanh thu mà Jaguar mang lại cho Tata Group đã vượt xa khoản tiền mua lại.
Phát triển xe hơi Tata Nano là một thành tựu nổi bật nữa của Ratan trong thời gian ông làm việc tại Tata Group. Chiếc xe này có giá xấp xỉ 100.000 INR (tương đương 33,5 triệu đồng).
Ý tưởng về Nano xuất hiện khi Ratan cảm thấy rằng rất nguy hiểm nếu một gia đình bốn hoặc 5 người đi trên một chiếc xe tay ga nhất là khi trời mưa hoặc vào buổi tối.
"Tôi bắt đầu vẽ nguệch ngoạc với sự phấn khích trong buổi họp hội đồng quản trị nhàm chán nhằm tìm giải pháp an toàn hơn cho chiếc xe tay ga", Ratan chia sẻ.
Tata Nano
Ý tưởng của ông phát triển thành một chiếc xe bốn bánh và sau đó là một chiếc xe hơi hoàn chỉnh. "Chúng tôi kết luận rằng mọi người sẽ không thích một thứ gì đó nửa xe hơi nửa xe tay ga", ông nói.
Mọi thứ diễn ra đầy hứa hẹn. 300.000 đơn đặt hàng được gửi tới Tata, tất cả đều được thanh toán. "Chúng tôi đang xây dựng một thứ mà không ai nghĩ có thật", Ratan nói.
Nhưng theo lời kể của Ratan, quá trình xây dựng nhà máy sản xuất Nano đã bị trì hoãn bởi những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của ông, bao gồm cả vấn đề chính trị.
Tata không thể cung cấp chiếc xe trong hai năm. Sự phấn khích của khách hàng đã tiêu tan. Sự nhiệt tình về dự án trong công ty cũng tiêu tùng. Dự án Nano gần như bị chôn vùi.
Dẫu vậy, Ratan vẫn hy vọng rằng chiếc xe sẽ được hồi sinh. Một phiên bản chạy điện đang được Tata phát triển.
Người lãnh đạo thường rất cô đơn
Ông cho rằng ngành công nghiệp công nghệ cao không cần trợ cấp của chính phủ. Chính phủ chỉ cần cung cấp một môi trường ít trở ngại, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
"Ngành công nghiệp này cần một môi trường thông thoáng. Không trợ cấp. Không đề án phức tạp và tốn thời gian. Chúng ta chỉ cần một môi trường dễ thành lập công ty, một hệ thống thuế thông thoáng không gây khó dễ cho những công ty mới", ông nói.
Ông cho rằng rất nhiều startup Ấn Độ đã chuyển sang Singapore vì sự tương phản của chính sách giữa hai quốc gia.
//Quyết định những gì bạn muốn làm và sẵn sàng trả giá để làm được điều đó.
Về lãnh đạo, Ratan tin rằng một trong những vai trò của CEO là tạo ra cảm giác phấn khích trong công ty và thuyết phục nhân viên rằng họ đang tạo ra một sự khác biệt trong xã hội.
Một lãnh đạo thực sự, ông nói thêm, chỉ có thể được xác định khi anh dành thời gian làm việc cùng nhân viên của mình. Sát cánh của họ để vượt qua trở ngại hoàn thành công việc, khuyến khích những ý tưởng tốt và vượt qua khủng hoảng.
Một lãnh đạo thực sự cũng không sợ đưa ra những quyết định không giống ai, ông nói. Thông thường các nhà lãnh đạo sẽ cô đơn trong việc cho rằng quyết định của họ là đúng.
Cuối cùng, một nhà lãnh đạo nên làm theo những gì nội tâm họ mách bảo.
"Quyết định những gì bạn muốn làm và sẵn sàng trả giá để làm được điều đó", Ratan nói.
Có vẻ những phản đối mà ông phải đối mặt, khi còn là một chàng trai trẻ đầy hoài bão, thúc đẩy ông đầu tư vào các hãng khởi nghiệp hiện tại.
"Gần như toàn bộ những năm đầu tại Tata chẳng ai nghe ý kiến của tôi", Ratan chia sẻ. Thậm chí tệ hơn, họ còn bảo ông im lặng và cho rằng những ý tưởng của ông chỉ có tác dụng tại Mỹ hoặc châu Âu.
Những khoản đầu tư của ông còn đi kèm với một nhiệm vụ xã hội. Ông tiên phong và tạo điều kiện cho một thế hệ Ratan Tata mới bằng cách không chỉ cung cấp tiền mà còn cung cấp một môi trường để nhận ra và phát triển một ý tưởng mới.
"Tôi không trông đợi những khoản đầu tư của mình sinh lời. Tôi tìm thấy sự thoải mái khi tiếp thêm sinh lực và hỗ trợ những người sáng lập muốn tạo ra điều gì đó khác biệt cho thế giới", Ratan nói
Có môi trường để phát triển là những gì mà thời trẻ Ratan Tata mong muốn nhưng không thể có được.
Tham khảo TechinAsia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4