Gặp gỡ "Super Recognizer Unit" - những cảnh sát ưu tú được trả lương để không quên bất cứ khuôn mặt nào

    Long.J,  

    Lưới trời lồng lộng, dù tội phạm ngày nay có khôn ngoan đến thế nào đi nữa, luôn có những con người kiên quyết đấu tranh chống lại cái ác. Câu chuyện về "Super Recognizer Unit" sẽ cho bạn thấy điều đó.

    "Khuôn mặt của người khác được lưu lại trong đầu tôi một cách lạ thường, ngay cả với những người hoàn toàn xa lạ. Tôi không nhất thiết phải nhớ những khuôn mặt đó - Tôi chỉ không thể tự chống lại khả năng đó" Eliot Porritt, thám tử và là trung sĩ trong lực lượng cảnh sát London, Anh chia sẻ.

    Porrit dẫn đầu một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm được gọi là "Super Recognizer Unit". Cán bộ trong đơn vị này được cho là có khả năng ghi nhớ những khuôn mặt một cách phi thường, theo ước tính của một số nhà nghiên cứu, chỉ khoảng 1% dân số thế giới mới có khả năng này. Họ được tin rằng có thể xác định chính xác danh tính nghi phạm trong những video hay hình ảnh chất lượng kém. Những "super-recognizers" này đang được sử dụng để phá các vụ án đã rơi vào quên lãng.

    Những nhà tâm lý học nghiên cứu hiện tượng này nói rằng đó là lợi ích rất lớn cho việc thực thi pháp luật, cảnh sát Anh cũng rất vui mừng bởi "Super Recognizer Unit" đã phá thành công rất nhiều vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc. Nhưng một số luật sư và những người ủng hộ quyền riêng tư lại cảm thấy khác. Họ cảm thấy nghi ngờ khi sử dụng những người có khả năng đặc biệt nhưng chưa được nghiên cứu toàn diện để xác định danh tính nghi phạm là đáng lo ngại và có nhiều nguy hiểm tiềm tàng.

    Chứng "mù mặt"

    Trong những năm 1990, các nhà nghiên cứu xác định được một vùng trong não được cho là đóng một vai trò quan trọng trong khả năng nhận diện khuôn mặt. Họ đặt tên cho nó là "vùng mặt hình thoi".

    Những người đã trải qua tổn thương não liên quan đến khu vực đó, các nhà nghiên cứu tìm ra một tình trạng gọi là prosopagnosia - trong tiếng Hy Lạp "prosopon" là khuôn mặt còn "agnos" ám chỉ sự thiếu kiến ​​thức. Prosopagnosia ám chỉ tình trạng khó khăn hoặc không thể nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, đôi khi là khuôn mặt của chính họ.

    Gần đây, các nhà nghiên cứu chẩn đoán tình trạng này cũng xảy ra ở những người không có tổn thương não. Đây là dạng prosopagnosia bẩm sinh, nó không ảnh hưởng đến tiêu cực đến những khả năng trí tuệ khác.

    Khả năng siêu nhận dạng

    Bài báo đầu tiên đề cập đến cụm từ "super-recognizer"(siêu nhận dạng) được xuất bản năm 2009. Một nhóm các nhà nghiên cứu thần kinh học thử nghiệm một trong những bài thử đầu tiên với một số super-recogniser, gồm 4 người khẳng định rằng họ có một khả năng ghi nhớ các khuôn mặt tốt một cách bất thường.

    Theo mô tả, họ có thể nhận ra những thành viên trong gia đình đã không gặp trong nhiều thập kỷ hoặc diễn viên thoáng qua trong một quảng cáo, sau đó lại nhìn thấy một lần nữa trong bộ phim nào đó.

    Một trong số 4 người đã nói với các nhà nghiên cứu rằng cô đã cố gắng giấu giếm khả năng này, “giả vờ không nhớ mặt người khác, bởi lẽ tôi sẽ tạo ra cảm giác cho người khác rằng tôi đang theo dõi họ”.

    Lần đầu tiên, các bài kiểm tra đã chứng minh được khả năng siêu việt này không chỉ có trong đầu họ mà có thể định lượng, có thể kiểm chứng trên giấy tờ.

    Lượng tài lục dụng - khi tài năng được dùng đúng chỗ

    Cảnh sát London dùng những "super-recognizer" để phát hiện tội phạm trong những bức ảnh mờ và hình ảnh thoáng qua trong camera quan sát (CCTV) – và một thử nghiệm mới có thể tiết lộ liệu bạn có thể có đủ khả năng tham gia đội ngũ của họ.

    Các thử nghiệm do Đại học Greenwich đưa ra, mất khoảng 5 phút và bao gồm việc tìm kiếm những khuôn mặt khác nhau trong vòng 8 giây cho mỗi khuôn mặt trước khi nhận dạng khuôn mặt trong hàng 8 người.

    Nếu bạn có điểm số trên 10, có thể bạn là một phần trong số 1-2% dân số được cho là "super-recognizer".

    Bạn có thể thử bài kiểm tra tại đây.

     Danielle Corns - cô gái tham lam chôm đồ trong một cuộc bạo loạn ở trung tâm thành phố Wolverhampton và bị cảnh sát tóm không lâu sau

    Danielle Corns - cô gái tham lam "chôm" đồ trong một cuộc bạo loạn ở trung tâm thành phố Wolverhampton và bị cảnh sát tóm không lâu sau

    Trong lần trả lời phỏng vấn tờ South London, sĩ quan cảnh sát Syed Haque cho biết, nhiệm vụ của anh trong đội đặc nhiệm “Super Recognizer Unit” là ghi nhớ và nhận biết những kẻ chuyên thực hiện các hành vi phạm tội như cướp giật, ăn cắp và cả những người có những hành xử không hay trên đường phố. Tham gia đội đặc nhiệm “Super Recognizer Unit” từ tháng 11/ 2011, đến nay, Haque đã có thêm hơn 200 đồng nghiệp cũng giống như mình. Những người này lúc nào cũng được gắn một camera trên người để ghi hình rồi truyền tải dữ liệu về trung tâm.

    Sau đó, trung tâm lại truyền tải dữ liệu ngược lại cho người đó. Chẳng hạn như Haque, trong chiến công vừa rồi, anh đã phải mất gần 2 tuần liên tục đi khắp các đường phố London để nhận diện những tên tội phạm. Haque kể: “Hằng ngày, trước khi đi tuần, tôi phải kiểm tra lại các camera xem chúng có hoạt động tốt không. Sau đó, là xem lại một lượt ảnh những tên tội phạm cần truy tìm và cố gắng ghi nhớ chúng. Tôi thật sự vui khi thấy khả năng nhận dạng người lẫn trong đám đông của mình đã mang lại những kết quả tốt cho việc điều tra và bắt giữ tội phạm”.

    Đội trưởng đội đặc nhiệm “Super Recognizer Unit” Helen Millichap cho hay, cũng có những thành viên chỉ ngồi nhà và quan sát trên màn hình vô tuyến hoặc màn hình máy tính các góc quay để phát hiện người cần tìm. Helen Millichap cũng cho biết, đội đặc nhiệm siêu nhận dạng, vừa điều động thêm một vài thành viên đến tuần tra ở khu vực điện Buckingham và Bảo tàng Anh nhằm dẹp bớt nạn móc túi và cướp giật bởi họ có biệt tài là nhận ra một khuôn mặt quen lẫn giữa đám đông.

    Tháng 10/2014, tại buổi hòa nhạc của Pharrell Williams ở O2, một thành viên của đội đặc nhiệm “Super Recognizer Unit” đã phát hiện ra 5 tên cướp trong danh sách truy lùng của Cảnh sát London và kết quả là cả bọn bị tóm gọn trước khi kịp gây án. Cũng trong một buổi hòa nhạc khác, 17 tên chuyên móc túi cũng đã bị nhận dạng. Riêng tại lễ hội Carnival ở Notting Hill, đội đặc nhiệm “Super Recognizer Unit” được triển khai đông hơn và họ tuần tra thường xuyên trên khắp các phố. Paul Smith nói: “Các thành viên của đội đặc nhiệm “Super Recognizer Unit” có khả năng nhớ được một khuôn mặt tội phạm. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa lực lượng đặc nhiệm này tới các khu vực có đông khách du lịch để ngăn chặn nạn cướp vặt, trộm cắp”. Trước hết, trước khi đội đặc nhiệm “siêu nhận dạng” được thành lập, Chánh thanh tra Sở Cảnh sát London Mick Neville từng tuyển chọn nhiều nhân viên cảnh sát có trí nhớ cực tốt.

    Paul Hyland là một trong những "super-recognizer" tốt nhất ở sở cảnh sát London, và ông nói rằng ít khi ông quên một khuôn mặt. “Nếu tôi đã từng gặp một ai đó và gặp lại lần nữa, tôi sẽ thường biết tôi quen họ ở đâu, ngay cả khi tôi không thể nhớ tên”.

    Tuy nhiên năng lực đáng kinh ngạc này ngược lại chẳng hề giúp gì cho ông trong cuộc sống hàng ngày. “Tôi hoàn toàn quên những thứ cơ bản.” Ông nói. “Tôi đi vào một căn phòng và quên mất tôi vào đó để làm gì, hoặc tôi lái xe đến một vài cửa hàng và mua những rất nhiều thứ ngoại trừ những món tôi đã dự định mua.

    Tiến sĩ Josh Davis, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực tâm lý học nói rằng điều này là phổ biến ở những người siêu nhận diện. Năng lực của họ dường như chỉ dành riêng cho việc ghi nhớ các khuôn mặt cụ thể. Khi chúng tôi kiểm tra xem họ có thể nhận diện hoa tốt hơn con người không thì họ không thể làm được điều này.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày