Gen Beta đã ở đây: Những đứa trẻ sinh năm 2025, sẽ sống đến thế kỷ 22, khi mèo máy Doraemon ra đời
Đó là ước mơ không thể thực hiện được của thế hệ 9x, những người từng đọc truyện Đôrêmon.
- Nhật Bản 'sống chết' làm xe điện thông minh như điện thoại, sẽ sớm phát triển thế hệ tích hợp phần mềm tiếp theo
- Chỉ cần 4 năm, chip AI mới của AMD hiệu quả hơn tới 28,3 lần so với thế hệ cũ: Bí quyết nằm ở đâu?
- Sony ra mắt máy ảnh flagship thế hệ thứ hai Alpha 1 II và ống kính Zoom G Master
- Michelin dùng vỏ trấu làm lốp xe, khách Việt sắp có thêm dòng lốp êm thế hệ mới
- Cận cảnh dàn PC “Assassin's Creed Shadows” tại sự kiện ra mắt Intel Core Ultra thế hệ 2
Khi cả thế giới chào đón năm 2025, chúng ta cũng đang chào đón một thế hệ hoàn toàn mới. Những đứa trẻ sinh ra từ ngày 1/1/2025 sẽ được gọi là Thế hệ Beta hay Gen Beta, theo định nghĩa của nhà nghiên cứu xã hội và tương lai học người Úc Mark McCrindle.
McCrindle là người đã thành lập công ty nghiên cứu xã hội và truyền thông mang tên ông, cũng là người đặt ra thuật ngữ Gen Z và Gen Alpha, đã được chấp nhận sử dụng trên toàn thế giới.
" Năm 2025 đã đánh dấu sự khởi đầu của một thế hệ mới, Gen Beta. Nói một cách đơn giản, Gen Beta được định nghĩa là những người sinh từ năm 2025 đến năm 2039 ", McCrindle cho biết.
" Đến năm 2035, họ sẽ chiếm khoảng 16% dân số toàn cầu. Những đứa trẻ này chính là con của Thế hệ Thiên niên kỷ và Gen Z đời đầu. Nhiều người ở thế hệ Gen Beta sẽ sống để chứng kiến thế giới bước sang thế kỷ 22".
Nếu vậy, Gen Beta có thể sẽ hoàn thành giấc mơ của thế hệ 9x, những người muốn sống đến năm 2121 để xem chú mèo máy Doraemon, trong bộ truyện tranh cùng tên của tác giả người Nhật Fujiko F. Fujio, có thực sự ra đời hay không?
Và đó là Doraemon chứ không phải Đôrêmon như thế hệ 9x chúng ta từng biết đến.
Các thế hệ được phân chia như thế nào?
Thế hệ xã hội được định nghĩa là một nhóm người, sinh ra trong cùng một khoảng thời gian gần nhau để có chung nhiều trải nghiệm văn hóa tương tự. Ý tưởng về định nghĩa này đã được đặt ra từ thời cổ đại, xuất hiện trong các tác phẩm văn học, nhưng không phổ biến.
Chỉ cho tới thế kỷ 19, các nhà nhân khẩu học ở Phương Tây mới bắt đầu sử dụng lại nó một cách rộng rãi, sau sự ra đời của một "Thế hệ Lạc lõng" (The Lost Generation) đã trải qua Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Thế hệ này được định nghĩa là những người sinh trong khoảng năm 1883 đến 1900, đã trưởng thành trong thế chiến, bị ảnh hưởng sâu sắc và cảm thấy "lạc lối" trong một thế giới đầy rẫy những xung đột và chết chóc.
Kế đó, người Phương Tây tiếp tục đặt tên cho thế hệ tiếp theo, những người sinh từ năm 1901 đến năm 1927, đã trải qua Thế chiến II và gọi họ là "Thế hệ Vĩ đại" (The Greatest Generation) vì những cống hiến của họ trong cuộc chiến chống phát-xít và đem lại hòa bình cho thế giới.
Thế hệ Im lặng (The Silent Generation) sinh từ năm 1928 đến năm 1945 cũng là trong những năm sau thế chiến. Cả thế giới rơi vào suy thoái và vì bị ảnh hưởng bởi cái bóng của Thế hệ Vĩ đại, những người sinh ra trong thế hệ này thường có tính cách tuân thủ và im lặng nghe lời.
Từ năm 1946 đến năm 1964, kinh tế thế giới khởi sắc trở lại đã chứng kiến sự ra đời của "Thế hệ Bùng nổ Trẻ em" (Baby boomers). Đúng như tên gọi của nó, thế hệ này được đánh dấu bằng tỷ lệ sinh tăng vọt so với những năm trước đó.
Thế thệ X, hay Gen X, bắt đầu từ năm 1965 đến năm 1980. Chữ X đại diện cho sự phủ định, bởi những đứa trẻ thuộc thế hệ này chứng kiến tỷ lệ ly hôn của bố mẹ rất cao. Đó là khi nền văn hóa Phương Tây phát triển mạnh chủ nghĩa cá nhân và cởi mở về tình dục, người lớn tự quan tâm đến mình nhiều hơn là quan tâm đến trẻ nhỏ.
Thế hệ Y hay Thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) sinh từ năm 1981 đến năm 1996. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên cùng với các công nghệ điện tử, kỹ thuật số, và sẽ bước vào thiên niên kỷ mới với những kinh nghiệm số mà họ được trang bị.
Bởi thế giới trong thế kỷ 21 về cơ bản đã ổn định và hòa bình, thứ khiến cho xã hội thay đổi mạnh mẽ nhất bây giờ là khoa học công nghệ chứ không phải súng đạn, chiến tranh hay suy thoái kinh tế. Việc phân chia và đặt tên cho các thế hệ được chú trọng vào công nghệ mà thế hệ đó đang thụ hưởng.
Ví dụ Thế hệ Z, hay Gen Z, là những người kế nhiệm thế hệ Millennials, thường được định nghĩa là những người sinh từ năm 1997 đến đầu những năm 2012. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên cùng Internet và công nghệ số di động.
Sau đó là Thế hệ Alpha, hay Gen Alpha, sinh từ năm 2013 đến 2024 đã lớn lên cũng với những công nghệ thậm chí còn tiên tiến hơn như trí tuệ nhân tạo AI. Tiếp nối họ bây giờ là Thế hệ Beta, Gen Beta, được định nghĩa là những đứa trẻ sinh ra từ năm 2025 đến 2039.
Vậy những đứa trẻ này sẽ lớn lên trong một thế giới với công nghệ còn hiện đại tới thế nào?
Tương lai của Gen Beta sẽ ra sao?
Theo McCrindle dự đoán, Gen Beta sẽ lớn lên trong một thế giới mà công nghệ sẽ đi tới điểm bão hòa:
"Đối với Thế hệ Beta, thế giới kỹ thuật số và thế giới vật lý sẽ hòa lại làm một. Trong khi Thế hệ Alpha đã trải qua sự trỗi dậy của công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo, Thế hệ Beta sẽ sống trong kỷ nguyên mà AI và tự động hóa được nhúng hoàn toàn vào cuộc sống hàng ngày—từ giáo dục và nơi làm việc đến chăm sóc sức khỏe và giải trí.
Các em có thể sẽ là thế hệ đầu tiên trải nghiệm phương tiện giao thông tự động ở quy mô lớn, công nghệ sức khỏe đeo được và môi trường ảo nhập vai như những khía cạnh tiêu chuẩn của cuộc sống hàng ngày.
Tuổi thơ của các em sẽ được đánh dấu bằng sự nhấn mạnh nhiều hơn vào cá nhân hóa—thuật toán AI sẽ điều chỉnh việc học tập, mua sắm và tương tác xã hội của các em theo những cách mà chúng ta chỉ có thể bắt đầu tưởng tượng ở ngày hôm nay".
Sống giữa một thế giới như vậy, Gen Beta sẽ cần tìm được sự cân bằng giữa việc duy trì kết nối và thể hiện bản thân. Bởi một thế giới kết nối liền mạch nghĩa là trẻ em sẽ phải xây dựng tình bạn, học tập và làm việc trong một không gian mà tương tác kỹ thuật số trở thành chuẩn mực.
Các em có thể sẽ tham gia vào các trải nghiệm học tập tương tác, được trò chơi hóa do AI cung cấp, đáp ứng với phong cách và tốc độ học tập của từng trẻ. Các em sẽ có những người bạn ảo, với trí tuệ nhân tạo AI, và thậm chí làm bạn với robot.
Vì vậy, theo McCrindle, việc giúp Gen Beta xây dựng danh tính kỹ thuật số an toàn và chu đáo, với sự hướng dẫn của cha mẹ, sẽ rất cần thiết. Điều quan trọng không kém là chúng ta phải khuyến khích các em phát triển ý thức mạnh mẽ về cá tính trực tuyến lẫn cá tính trong cuộc sống thực.
Về nhân khẩu học, McCrindle dự báo Gen Beta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn, chẳng hạn như tỷ lệ sinh giảm, khiến dân số trở nên già hóa. Khi Gen Beta trưởng thành, họ sẽ không lo lắng về tình trạng quá tải dân số, mà ngược lại, phải vật lộn với việc giữ cho quy mô dân số bền vững.
Các em cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, 71% Thế hệ Thiên niên kỷ và 67% thế hệ Z cho rằng biến đổi khí hậu nên là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận về tương lai.
Do đó, Gen Beta có thể sẽ phải giải quyết nhiều thách thức liên quan đến Trái Đất, nơi mà họ sinh sống. Xã hội khi đó sẽ ngày càng chú trọng đến chủ đề thay đổi để thích ứng. Gen Beta được kỳ vọng sẽ vượt qua được những thử thách này, với tính tò mò và khả năng hòa nhập cao.
" Thế hệ Beta đại diện cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Họ sẽ lớn lên trong một thế giới được định hình bởi những đột phá trong công nghệ, các chuẩn mực xã hội đang phát triển và ngày càng tập trung vào tính bền vững và quyền công dân toàn cầu. Việc hiểu được nhu cầu, giá trị và sở thích của họ sẽ rất quan trọng khi chúng ta dự đoán cách họ sẽ định hình tương lai của xã hội ", McCrindle nhấn mạnh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hệ điều hành SteamOS sẽ giúp Valve “thống trị” mảng phần cứng chơi game, y như cách Microsoft đã làm với Windows
Hé lộ “âm mưu” của Valve đằng sau việc cung cấp SteamOS cho mọi nhà phát triển.
Hãng xe điện bị tố bắt ép nhân viên mua xe: Sếp lớn lập tức lên tiếng phân trần