[GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu

    Nội Tâm, Nội Tâm 

    Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn về các tiêu chí lựa chọn linh kiện phù hợp với nhu cầu và túi tiền.

    Như các bạn đã biết, loạt bài chuyên đề tư vấn lựa chọn sản phẩm của GenK đã khởi động được 1 tháng, nhận được nhiều ủng hộ lẫn góp ý của độc giả. Hòm thư tuvangenk@genk.vn đã nhận được khá nhiều thư nhờ tư vấn cấu hình. Nhận thấy đây là một nhu cầu rất lớn của độc giả, trong tương lai chúng tôi sẽ đẩy mạnh các bài viết tư vấn cấu hình theo tầm giá.

     
    Tuy nhiên, các bài viết tư vấn chỉ mang tính tham khảo, và một lời tư vấn không thể đúng với mọi độc giả nên song song với đó, GenK mong độc giả trang bị các yếu quyết cơ bản để có thể tự mình xây dựng được cấu hình tốt.
     
    Xác định mục đích
     
    Dù dự định bỏ ra vài triệu hay vài trăm triệu đi chăng nữa, việc đầu tiên bạn cần làm vẫn là xác định mục đích sử dụng, từ đó mới có hướng dựng case thích hợp. Ví dụ:
     
    - Case văn phòng: cấu hình chỉ cần đủ dùng. Nếu dư dả thì thay vì nâng cấu hình, bạn có thể đầu tư vào SSD, màn hình lớn (hoặc 2 màn hình) để theo dõi, xử lý số liệu tốt hơn…
     
    - Case chơi game: cấu hình càng mạnh càng tốt.
     
    - Case làm đồ họa: cấu hình cũng phải càng mạnh càng tốt nhưng hướng build, cân đối linh kiện khác với case chơi game.
     
    Có thể bạn dùng máy với nhiều nhu cầu cùng lúc (ví dụ làm đồ họa chơi game), nhưng vẫn phải xác định nhu cầu nào được ưu tiên cao nhất, từ đó cân đối và đề ra hướng build hợp lý.
     
    Nắm rõ hiệu năng linh kiện
     
    Muốn xây dựng cấu hình chính xác, phù hợp nhất với nhu cầu và quan trọng hơn là không bị mua hớ, bạn cần nắm rõ hiệu năng các linh kiện đang bày bán. Ví dụ: chip Core i3 2100 mạnh hơn Intel Pentium G860 bao nhiêu phần trăm, trong tác vụ gì, hiệu năng đó có đáng với chênh lệch giá hay không… Điều này đặc biệt quan trọng vào các thời điểm sản phẩm công nghệ mới ra mắt, các cửa hàng cố đẩy hàng cũ lỗi thời đi càng nhanh càng tốt nên tư vấn rất “nhiệt tình”. Trường hợp của một bạn trong Hồ Chí Minh đã phản ánh với GenK là một điển hình.
     

    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 1

     

    Thực tế việc này không khó như bạn tưởng, bởi ngay khi có sản phẩm mới ra mắt các testlab đều nhanh chóng review đánh giá, so sánh hiệu năng với sản phẩm cũ. Đối với 2 thành phần quan trọng nhất là CPU và VGA họ còn tổng hợp lại thành biểu đồ so sánh cụ thể nữa.

    So sánh hiệu năng 2 CPU bạn có thể tham khảo: http://www.anandtech.com/bench/CPU/2

    So sánh hiệu năng các VGA bạn có thể tham khảo: http://www.techpowerup.com/

     
    Màn hình
     
    Đây là thành phần bạn nên xác định đầu tiên khi build máy. Màn hình càng lớn, tính sử dụng càng cao cả về giải trí lẫn làm việc. Tuy nhiên bạn cần lưu ý việc cân đối giữa màn hình và bộ case. Đối với game, màn càng to, độ phân giải càng cao thì chơi càng “phê”, càng sướng nhưng đồng thời hệ thống phải xử lý nhiều hơn, khung hình kém hơn (trong khi màn hinh đắt lên thì hầu bao dành cho case lại bị giảm). Các tác vụ thiết kế cũng vậy: màn hình to tiện hơn rất nhiều cho công việc, nhưng hệ thống cũng phải hoạt động nặng hơn, hiển thị nhiều hơn. Các tác vụ văn phòng, nghe nhạc xem film nhẹ nhàng thì không bàn.
     

    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 2

     

    Theo tôi đối với các máy tính dành cho game và thiết kế, màn hình chiếm từ 1/5 đến 1/4 số tiền là hợp lý.

     
    Một số thông số chính bạn cần lưu ý khi chọn mua màn hình:
     
    - Kích thước (inch) và độ phân giải: càng cao càng tốt.

    - Độ tương phản động: thường là vài triệu đến chục triệu : 1. Thông số này không cần quan tâm.

    - Độ tương phản tĩnh: thường là vài trăm đến hơn một nghìn : 1. Thông số này càng cao càng tốt.

    - Thời gian đáp ứng (ms): thông số này càng nhỏ càng tốt.

    - Dải màu: thông số này càng cao càng tốt.

    - Góc nhìn: thông số này càng cao càng tốt.

     
    Bo mạch chủ: chọn sản phẩm tính năng đủ dùng
     
    Lấy ví dụ điển hình nhất là thế hệ CPU socket 1155 hiện nay của Intel có đến 4 loại bo mạch chủ hỗ trợ: H61, B75, H77, Z77 (H67, P67, Z68 đã bị B75, H77, Z77 thay thế nên tôi không nhắc đến nữa). Một số tính năng hữu dụng mà người dùng cần chú ý khi lựa chọn chúng:
     
    - H61 là dòng main phù hợp với đối tượng phổ thông nhất: chỉ có 2 khe RAM, không có giao tiếp USB 3.0 và SATA3 6Gb/s (các main H61 có cổng này đều dùng chip chuyển). Linh kiện thiết kế cho các CPU từ Core i3 trở xuống, một số main linh kiện tốt có thể cắm đến Core i5.
     
    - B75 phù hợp với đa số người dùng: 4 khe RAM, 1 cổng SATA3 6Gb/s, 4 cổng USB 3.0, giao tiếp PCI-Express 3.0 mới nhất. Linh kiện thường thiết kế phù hợp cắm CPU từ Core i5 trở xuống.
     
    - H77: so với B75 có thêm 1 cổng SATA3 6Gb/s, tính năng Quick Sync (convert video cực nhanh bằng iGPU), RAID nhiều ổ cứng. Linh kiện thiết kế gắn được Core i7.
     
    - Z77: so với H77 thêm tính năng ép xung các CPU dòng K.
     
    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 3
    Bo mạch chủ B75 đáp ứng tốt nhu cầu thông thường.
     
    Ngoài ra mỗi hãng cũng có các tùy biến đối với sản phẩm của mình, như main ASRock B75 Pro3-M lại có đến 3 cổng SATA3 6Gb/s (nhờ chip chuyển lấy băng thông từ khe PCI). Tùy vào nhu cầu và CPU bạn nên lựa chọn bo mạch chủ phù hợp, đủ dùng và không lãng phí, tránh các trường hợp như không có ý định ép xung mà vẫn mua main Z77.
     
    Bộ nhớ RAM: lựa chọn xung nhịp và dung lượng phù hợp
     
    Đầu tiên là vấn đề xung nhịp: các bộ xử lý Sandy Bridge Core i3 và Pentium G chỉ hỗ trợ xung nhịp RAM đến 1333 MHz, cắm các kit 1600 là lãng phí (trừ khi bạn có ý nâng cấp sau này). Nếu đang dùng bộ xử lý Sandy Bridge từ Core i5 trở lên hoặc Ivy Bridge, bạn nên lựa các kit RAM 1600 MHz vì hiệu năng so với 1333 MHz cũng đáng kể. Từ 1866 MHz trở lên giá rất đắt nhưng hiệu năng không tăng nhiều.
     

    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 4

     

    Tiếp đến là dung lượng. Nếu chỉ sử dụng tác vụ văn phòng, 2 GB RAM và hệ điều hành 32 bit nhìn chung đáp ứng tốt nhu cầu của bạn. Tuy nhiên tôi vẫn khuyên mọi người nên trang bị 4 GB RAM và dùng hệ điều hành 64 bit vì windows 7 64 bit quản lý tài nguyên tốt hơn 32 bit.

     
    Nếu là game thủ, chắc chắn bạn sẽ cần đến bộ nhớ RAM ít nhất 4 GB (có thể lên 8 GB nếu dư dả). Đối với các máy tính làm đồ họa dung lượng nên từ 16 GB trở lên vì các tác vụ này rất ngốn RAM.
     
    CPU và VGA
     
    Đây là 2 thành phần quan trọng nhất quyết định hiệu năng hệ thống. Lựa chọn CPU và VGA tương xứng với nhau là việc rất quan trọng, nếu không sẽ gây ra tình trạng “nghẽn cổ chai” mà nhiều bạn vẫn hay lo sợ. Tùy nhu cầu sử dụng, tiêu chí lựa chọn sẽ khác nhau:
     
    - Case văn phòng: chỉ cần các bộ xử lý cỡ Pentium G là đủ, cùng lắm là Core i3, từ Core i5 trở lên sẽ rất lãng phí. Đồ họa onboard đã thừa sức hiển thị hình ảnh, nhưng card đồ họa rời sẽ hiển thị chữ sắc nét hơn nên nếu bạn đầu tư một VGA rời cỡ 1,5 triệu cũng vẫn hợp lý.
     
    - Case chơi game: theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên chọn VGA giá đắt gấp đôi CPU sẽ cho hiệu năng tương xứng nhất. Ví dụ Celeron G550 (945.000 VNĐ) đi với GT 640 (khoảng 2.050.000 VNĐ); Pentium G860 (1.530.000 VNĐ) đi với HD 7770 (khoảng 3.100.000 VNĐ); Core i3 3220 (2.750.000 VNĐ) đi với HD 7850 hoặc GTX 660 (khoảng 5.800.000 VNĐ)… Ngoài ra các game hiện nay mới chỉ tận dụng được không quá 4 luồng xử lý (thông thường là 2 hoặc 3) nên dù có dư dả bạn cũng nên trang bị đến Core i5 là dừng, dồn tiền cho VGA thay vì Core i7 sẽ hiệu quả hơn.
     
    - Case làm đồ họa: đối với các case học & làm đồ họa thông thường (không phải workstation), bạn nên đầu tư vào CPU thật mạnh. Trái với game các tác vụ dựng hình này tận dụng đa luồng tốt nên công nghệ siêu phân luồng Hyper Threading phát huy tác dụng rất mạnh. Ví dụ giữa Xeon E3-1230 V2 4 nhân 8 luồng (giá 5.250.000 VNĐ) và Core i5 3570 4 nhân 4 luồng (4.820.000 VNĐ), con chip Xeon cho hiệu năng render cao hơn đáng kể. Ngoài ra các bộ xử lý AMD 4 nhân, 6 nhân, 8 nhân cũng đáng để mắt đến. Tuy hiệu năng mỗi nhân kém hơn Intel rất nhiều nhưng bù lại số lượng nhân nhiều hơn và giá rất mềm nên chúng là lựa chọn cực kì sáng giá cho các bạn sinh viên hay kĩ sư túi tiền eo hẹp. Điển hình như 2 chip AMD 8 nhân FX-8120 (giá 3.490.000 VNĐ) và FX-8150 (4.580.000 VNĐ) là 2 CPU có p/p cực ngon đối với tác vụ làm đồ họa, được giới render, encode đánh giá cao.
     
    Ổ đĩa DVD
     
    Đã rất lâu rồi tôi không dùng đến đĩa cài dù nhu cầu công việc buộc tôi phải cài đặt phần mềm liên tục. Mọi thứ đều có thể download từ trên mạng, cài windows đã có USB. Vậy nên hãy cân nhắc kĩ nhu cầu sử dụng ổ đĩa DVD để tránh lãng phí không cần thiết.
     
    Ổ cứng
     
    Có 2 vấn đề đáng lưu tâm khi lựa chọn ổ cứng. Thứ nhất là giá giữa các mức dung lượng: giá giữa các ổ 250 GB, 320 GB và 500 GB chênh lệch rất ít, bạn nên cân nhắc lựa chọn. Lấy ví dụ Western Digital Blue lần lượt là 1.150.000, 1.280.000 và 1.360.000 VNĐ.
     
    Điều thứ hai: cố gắng tránh dùng các ổ cứng dòng Green để cài hệ điều hành (như Western Digita Green hay Seagate Green). Các HDD tiết kiệm điện năng này có tốc độ chậm hơn ổ 7200 vòng/phút thông thường, chỉ phù hợp làm ổ lưu trữ. Nếu miễn cưỡng cài hệ điều hành lên, bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đơ máy khi copy hoặc giải nén file.
     

    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 5

     

    Ngoài ra còn một lời khuyên nữa mà tôi hay nhắc rất nhiều trong thời gian gần đây vì tính hữu ích của nó: nếu đã thỏa mãn về hiệu năng, bạn nên cân nhắc đầu tư một chiếc SSD cài hệ điều hành và ứng dụng.

     
    Bộ nguồn
     
    Điều đầu tiên tôi muốn gửi gắm đến độc giả về việc chọn nguồn: tránh xa các thương hiệu “đình đám” Geat Wall, Goldenfield, Vicom, Coolerplus, Orient, Super Deluxe. Dù hệ thống của bạn rất tiết kiệm điện chăng nữa cũng hãy trang bị tối thiểu nguồn Acbel 350W (giá 400.000 VNĐ). Bộ nguồn là trái tim bơm điện năng đến toàn hệ thống. Một trái tim khỏe sẽ giúp các linh kiện còn lại ổn định và bền bỉ hơn.
     

    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 6

     

    Vấn đề thứ hai: dường như người dùng Việt hay bị ám ảnh bởi vấn đề công suất nên hay trang bị nguồn quá thừa. Đối với các hệ thống chạy VGA rời không nguồn phụ hoặc đồ họa tích hợp, bộ nguồn 350W là quá đủ (400W là cùng nếu bạn vẫn còn lo sợ); VGA 1 nguồn phụ chỉ cần 450 -> 500W; VGA 2 nguồn phụ cần nguồn 550 -> 600W; và phải chạy nhiều VGA bạn mới cần đến bộ nguồn 700W trở lên.

     
    Vỏ case
     
    Vỏ case nên tương xứng với phần còn lại của hệ thống (hay chính xác hơn là với số tiền bạn dự định bỏ ra để lắp máy). Nếu cấu hình của bạn hiệu năng mạnh, tỏa nhiều nhiệt, một thùng máy lưu thông khí tốt và vẻ ngoài hầm hố sẽ rất cần thiết. Ngược lại nếu vẫn còn phải vật lộn với việc build máy vì cấu hình chưa đủ thỏa mãn, một bộ vỏ Vicom hay Goldenfield giá 300 ngàn đổ lại có lẽ là lựa chọn hợp lý hơn cả. Đó là lời khuyên dựa trên tiêu chí cân đối hợp lý các thành phần hệ thống. Nếu là người có nhu cầu thẩm mĩ cao hơn hiệu năng, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn case đẹp, khủng dù cấu hình chưa đủ mạnh. Miễn là bạn cảm thấy hài lòng.
     

    [GenK tư vấn] Cẩm nang tự dựng case theo nhu cầu 7

     
    Các yếu tố bạn cần chú ý khi lựa chọn vỏ case: Khối lượng (vỏ nặng sẽ ít rung), đế cao su chống rung hay không, độ dày của thép, khả năng hỗ trợ VGA và tản nhiệt CPU (độ dài VGA và chiều cao tản nhiệt), độ rộng khoang giấy dây (nếu có), khả năng lưu thông khí.
     
    Xem tất cả bài viết thuộc Chuyên đề tư vấn lựa chọn sản phẩm.
    Độc giả muốn GenK tư vấn lựa chọn thiết bị,hãy email về địa chỉ
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ