Ghé thăm thời đại hoàng kim của đồ chơi số vào cuối thập niên 1990

    Lê Hoàng,  

    20 năm trước, những thứ đồ chơi "low tech" so với tiêu chuẩn ngày nay như PDA, card sound trên máy tính và modem tốc độ... 2KB/giây đều đã góp phần mang lại một cuộc sống số đầy cuốn hút.

    Trong vòng 9 năm qua, chiếc smartphone đã trở thành một thứ đồ chơi số quan trọng và mạnh mẽ tới mức ngành công nghiệp PC có vẻ đã không còn muốn tạo ra những thứ phụ kiện thú vị để bổ sung cho tính năng của chiếc PC nữa. Smartphone đã thay thế PC để trở thành thiết bị số trung tâm trong cuộc sống của con người. Kết quả là các loại phụ kiện số lại bắt đầu xuất hiện ồ ạt, và phần lớn chúng đều đi kèm một ứng dụng điều khiển từ smartphone.

    Quả thật, thị trường đồ chơi số trong năm 2015 và 2016 trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Khi các con chip, cảm biến, màn hình ngày càng trở nên đa dạng, bất cứ thứ gì, từ đồng hồ, loa không dây, drone và thậm chí là máy cấp thức ăn tự động cho vật nuôi cũng có thể trở thành "thông minh".

    Nhưng đây không phải là thời đại hoàng kim của đồ chơi số. Thời đại đó đã bắt đầu từ thập niên 1990 và kết thúc ngay trước khi iPhone và Android ra mắt vào cuối thập niên 2000.

    Đó là lúc trí sáng tạo của con người bùng nổ trên những thứ đồ chơi mang tính thử nghiệm. Dĩ nhiên, vào thời đại này, chiếc PC (và ở một mức độ rất nhỏ, máy Mac) mới là trung tâm của mọi thứ. Cả thế giới hi-tech dõi theo từng bước phát triển của chiếc PC. Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng: vào thời đại đó, người ta đã phải rất nhọc công để phát minh ra những thứ phụ kiện ngày nay không mấy ai trân trọng như máy ảnh số phổ thông, máy chơi nhạc cá nhân, máy tính bỏ túi, smartphone chất lượng tốt, các thiết bị định tuyến GPS và thậm chí là cả modem và router Wi-Fi.

    Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm lại một số trích dẫn đánh giá sản phẩm của biên tập viên công nghệ huyền thoại Walt Mossberg để cùng nhớ lại các tác vụ đơn giản của ngày hôm nay đã từng rối rắm đến mức nào. Trong khi không một bài viết nào trong số này đề cập tới chiếc PC, bạn sẽ sớm nhận ra thời đại hoàng kim của đồ chơi số đã từng thú vị tới mức nào.

    Máy ảnh số

    Năm 1991, chỉ ít lâu sau khi Walt Mossberg trở thành một cây viết công nghệ, ông cũng thực hiện đánh giá chiếc máy ảnh sau này được coi là tiên phong cho trào lưu ảnh số: Dycam I. Chiếc máy ảnh này sau đó được nhượng quyền cho Logitech bán ra dưới thương hiệu Fotoman.

    Ở mức giá gần 1000 USD, chiếc Dycam có thể chụp được 32 bức ảnh... đen trắng. Phiên bản Logitech có giá thấp hơn 200 USD. Nhưng kể cả mức 800 USD (khoảng 17 triệu đồng) ngày nay cũng là đủ để bạn mua một chiếc iPhone có khả năng chụp ảnh tốt hơn hàng nghìn lần cùng nhiều tính năng khác. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể dùng số tiền đó mua Nikon hoặc Fujifilm.

    Bài viết của Mossberg có đoạn:

    "Sau nhiều tuần thử nghiệm cả Dycam và Logitech, tôi thấy ảnh của chúng nhiều nhiễu và kém thỏa mãn hơn ảnh thường... Ống kính trên những chiếc camera này quá thô sơ, các bức ảnh thường có nhiều khu vực nhòe sáng hoặc thiếu sáng. Các bức ảnh chụp cận cảnh là gần như bất khả thi. Khi gắn vào máy Mac của tôi, mẫu Dycam sẽ liên tục tự chụp ảnh vào ban đêm".

    Bất chấp những điểm yếu tưởng như không thể chấp nhận đó. Chiếc Dycam I và Logitech Fotoman đều là những bước tiến vượt bậc để tạo ra các dòng DSLR đỉnh cao và những chiếc smartphone chụp hình "khủng" của ngày hôm nay. Có một điều ít ai biết là trong nhiều năm sau đó, Apple cũng ra mắt một chiếc máy ảnh số có tên QuickTake do Kodak gia công.

    Những chiếc PC không biết hát

    Đến tận đầu năm 1990 PC vẫn không có khả năng tạo ra bất cứ âm thanh nào ngoài những tiếng beep quen thuộc với người dùng các thế hệ Pentium đầu tiên. Muốn cho PC của mình có thể "hát" được, bạn sẽ phải mua card sound có giá từ 100 USD đến 300 USD. Trong thời kỳ này, chiếc card âm thanh được đánh giá cao nhất và bán chạy nhất là Creative Labs Sound Blaster - một thương hiệu vẫn còn tồn tại đến ngày nay dù đã mờ nhạt hơn rất nhiều.

    Đến năm 1992, Microsoft ra mắt một đối thủ cạnh tranh của Sound Blaster được tối ưu cho Windows (thay vì cho hệ điều hành DOS lúc đó vẫn còn rất phổ biến tại thị trường doanh nghiệp). Chiếc card sound này có tên Windows Sound System, có giá 289 USD và đặc biệt rất dễ lắp đặt, đồng thời đi với phần mềm chất lượng cao.

    Nhưng ý tưởng marketing đằng sau Windows Sound System thì lại không được khôn ngoan cho lắm: gã khổng lồ phần mềm khẳng định sản phẩm này sẽ tạo ra "âm thanh dành cho doanh nghiệp". Bài đánh giá của Mossberg có đoạn:

    "Microsoft đang hy vọng các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ thêm file âm thanh vào văn bản của họ. Khi bạn nhận được các văn bản này, một biểu tượng nhỏ sẽ được chèn trong chữ viết. Nếu như bạn có trang thiết bị cần thiết, bạn có thể click lên biểu tượng này bằng chuột và nghe được những câu nói như 'Hoàn thành cái này ngay cho tôi!'".

    Dĩ nhiên là phong cách làm việc nơi công sở đã không diễn ra theo những hướng như vậy. Nhưng chip âm thanh sau này cũng trở thành một phần không thể thiếu của bo mạch chủ.

    Cùng... lết lên mạng

    Trong năm tiếp theo, tức là 1993, các mẫu modem dial-up giá rẻ ra đời. Một trong những mẫu modem được Mossberg để ý tới là chiếc Sportster của US Robotics với tốc độ... 14.400 bit/giây (tức là chỉ khoảng 1,8 kiloByte/giây) và giá khởi điểm đặc biệt thấp 200 USD. Một mẫu modem cạnh tranh ra mắt vào cùng một năm có giá vào khoảng... nghìn đô.

    Nhận xét của Mossberg về chiếc modem ngon bổ rẻ của US Robotics:

    "Modem này có thể được cài đặt trong vòng vài phút và hoạt động hoàn hảo, tăng tốc độ sử dụng của tôi trên các dịch vụ như CompuServe, Prodigy và MCI Mail, vốn đều đã cho phép người dùng có thể đăng nhập ở tốc độ cao. Trải nghiệm tuyệt vời đến mức thật khó để tưởng tượng quay trở về với mức 2.400 bit/giây".

    Sportster ấn tượng là vậy nhưng chắc chắn không thể dùng để xem video trên YouTube. Quá trình tải file 1MB sẽ diễn ra trong vòng 10 phút chứ không phải 5 giây như trên các kết nối mạng tốc độ... chậm của ngày nay. Nhưng vào thời điểm hơn 20 năm trước, một chiếc modem tốc độ chưa đầy 2KB/giây sẽ được coi là một thiết bị số đáng giá từng đồng từng hào.

    Một chiếc máy tính bỏ túi

    Rất nhiều công ty, bao gồm cả Apple, đã cố gắng chế tác một chiếc PC bỏ túi dành cho người dùng phổ thông và rồi thất bại. Thời điểm trưởng thành của chiếc PDA chỉ đến vào mùa thu 1996 khi Palm cho ra mắt chiếc Pilot. Chiếc PDA huyền thoại này có khả năng đồng bộ danh bạ của bạn với PC và Mac, có khả năng nhận diện chữ viết tay bằng bút stylus (dù rất hạn chế và bạn buộc phải viết một số chữ cái theo cách nhất định), thậm chí là có hoạt động hàng tháng trời bằng pin tiểu. Mossberg ca ngợi chiếc PDA này như sau:

    "Sau khi thử nghiệm chiếc Pilot hàng ngày trong vòng nhiều tháng, tôi có thể nói đây là chiếc máy tính cỡ nhỏ tuyệt vời nhất tôi đã từng thấy và cũng là chiếc duy nhất tôi có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Chiếc máy này cũng có một vài giới hạn, nhưng Pilot là một sản phẩm đột phá".

    Cũng giống như Mossberg, đã có rất nhiều người yêu quý Pilot trước khi các cuộc cách mạng smartphone bắt đầu và Palm chết trong tay HP.

    "Tiền-smartphone" ra mắt

    Thành tựu của Jeff Hawkins, cha đẻ của chiếc Pilot chưa dừng lại tại đây. Khi chuyển sang hoạt động tại công ty mới Handspring, vào năm 2001 Hawkins ra mắt chiếc smartphone được nhiều người coi là chiếc smartphone tuyệt vời nhất trước thời đại của smartphone: Treo Communicator. Đây là một thiết bị có rất nhiều tính năng PDA, chạy hệ điều hành của Palm, có khả năng lướt web và cùng lúc là một chiếc điện thoại gập.

    Theo Mossberg, đây là sản phẩm đầu tiên có thể kết hợp PDA với điện thoại di động một cách đơn giản. Đây là thiết bị báo trước điểm kết thúc của thời đại PDA khi loại thiết bị số này bị điện thoại nuốt chửng.

    "Suốt tuần qua, tôi đã mang theo mình một thiết bị cầm tay không dây vừa là chiếc PDA tuyệt vời nhất mà tôi từng được dùng, cũng vừa là chiếc điện thoại nhiều tính năng nhất. Treo Communicator giống như một chiếc điện thoại vỏ sò cho phép nghe gọi dễ dàng. Chiếc điện thoại này cũng có màn hình lớn, có thể lướt web và gửi nhận email. Communicator cũng có bàn phím đầy đủ cho phép gửi mail hay memo tiện lợi. Sản phẩm sử dụng hệ điều hành Palm và cũng có thể đồng bộ ngày tháng, địa chỉ với PC.

    Ngay cả ở mức giá 400 USD và thời lượng thoại chỉ vào khoảng 2,5 giờ đồng hồ, Treo Communicator cũng đã khởi đầu hành trình dẫn tới chiếc iPhone. Thậm chí, chiếc "điện thoại PDA" này còn có một vài ứng dụng riêng. Sau này, Treo được Palm mua lại và rồi cũng chịu số phận hẩm hiu như công ty mẹ.

    Thứ đồ chơi số tuyệt vời nhất trước thời đại iPhone

    Dĩ nhiên đó là iPod.

    Vào thời điểm 2001, máy nghe nhạc Mp3 cầm tay đã xuất hiện khá nhiều. Nhưng phần lớn là những chiếc máy dung lượng thấp chứa được ít bài hát, còn những chiếc chứa được nhiều bài hát thì lại quá cồng kềnh và có pin quá thấp. Khi Apple ra mắt iPod, mọi thứ thay đổi. Cả thế giới công nghệ lẫn thế giới âm nhạc đều được cách mạng hóa. Và không một công ty nào khác, kể cả Microsoft, có thể cạnh tranh với Táo.

    Có may mắn tiếp xúc với iPod trước khi sản phẩm này được phát hành rộng rãi, Mossberg vẫn còn ghi nhớ cảm giác ngỡ ngàng khi đứng trước chiếc máy nghe nhạc huyền thoại này. Chiếc iPod đầu tiên có kích cỡ chỉ bằng bộ bài tú lơ khơ nhưng lại chứa được tới 1.000 bài hát và có thể chơi nhạc liên tục trong 10 giờ. Khi thử nghiệm thực tế, Mossberg thậm chí đã "nhồi nhét" được tới 1.300 bài hát vào iPod và sử dụng được trong 12 giờ. Bất chấp mức giá lên tới 400 USD, cây viết huyền thoại này đã ngay lập tức bỏ tiền ra mua một chiếc iPod cho riêng mình.

    "Trong suốt khoảng 10 ngày qua, tôi đã thử nghiệm một chiếc máy nghe nhạc số tuyệt vời. Chiếc máy này có bộ nhớ khủng, đủ nhỏ nhẹ để cho vào túi quần và có thể chạy liên tục trong một thời gian dài. Các tính năng điều khiển rất đơn giản và rõ ràng, và iPod có thể tải nhạc từ máy tính với tốc độ đáng kinh ngạc...

    ...Đây là một thành tựu về thiết kế. iPod đơn giản là chiếc máy nghe nhạc số tuyệt vời nhất tôi từng thấy".

    Sau này, iPod được gia tăng khả năng hiển thị ảnh, chơi video và thậm chí là ghi nhớ danh sách liên lạc cũng như ghi chú và lịch hẹn của bạn. Sau khi iPhone ra đời, iPod gần như đã trở thành một chiếc iPhone không có SIM card.

    Giấc mơ công nghệ

    Trong suốt những năm đáng nhớ của thập niên 1990 và đầu 2000, những chiếc laptop hay iMac đã luôn là trọng tâm của thế giới công nghệ. Nhưng, chỉ có những thứ đồ chơi số mới lạ và đôi khi là... kỳ cục mới giúp cho cuộc sống số của thời đại trước trở nên thú vị. Cả những công ty nhỏ như Palm hay Dycam, những tập đoàn lớn như Microsoft và Apple đều đã đóng góp rất nhiều vào lối sống hi-tech góp phần cho iPhone và Android thành công sau này. Hãy cùng hy vọng drone, VR và smartwatch có thể tạo ra một thời đại đồ chơi số mới không kém phần thú vị như thời đại hoàng kim của 20 năm trước.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ