Do nhu cầu PC suy yếu.
Thống kê mới nhất của IC Insights cho thấy giá DRAM trong tháng 1 tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. "Đây là dấu hiệu cho thấy giá DRAM có thể giữ ổn định hoặc thậm chí tăng trở lại trong năm nay sau khi không ngừng giảm giá trong nhiều năm liên tục", ông Brian Matas, Phó chủ tịch bộ phận Nghiên cứu thị trường của IC Insights nhận định. "Thị trường DRAM rất dễ biến động theo sự chênh lệch giữa mức cung và nhu cầu người dùng", đại diện IC Insights cho biết thêm.
Nhu cầu DRAM suy giảm trong 3 năm trở lại đây, một phần do thị phần máy tính cá nhân (desktop lẫn laptop) bị ảnh hưởng đáng kể do sự phát triển mạnh mẽ của máy tính bảng và smartphone. Các nhà sản xuất bộ nhớ phải thu hẹp sản xuất, sản lượng giảm cho đến khi nhu cầu người dùng tăng trở lại. Đây cũng là sự điều chỉnh tất yếu của thị trường nhằm quân bình giữa cung và cầu, điều này sẽ giúp thị trường ổn định trở lại.
IC Insights cho biết giá trung bình mỗi chip DRAM năm nay vào khoảng 1,85 USD (tương đương 38.850 đồng); cao hơn so với năm ngoái là 1,56 USD (32.760 đồng) nhưng vẫn thấp hơn năm 2011 (1,88 USD, tương đương 39.480 đồng) và năm 2010 là 2,41 USD (50.610 đồng). IC Insights cũng dự đoán sẽ có khoảng 16,6 tỷ chip DRAM bán ra trong năm nay với tổng doanh số đạt khoảng 30,7 tỷ USD (644,7 ngàn tỷ đồng).
"Trong khi DRAM đang dần ổn định thì bộ nhớ flash NAND sẽ tiếp tục giảm", ông Matas cho biết. Sản lượng bộ nhớ flash NAND hiện nhiều hơn so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của máy tính bảng và smartphone, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục gia tăng sản lượng nhằm theo kịp sự phát triển của thiết bị di động trong thời gian tới.
Trong năm 2013, IC Insights dự đoán sẽ có khoảng 8,8 tỷ chip flash NAND bán ra với tổng doanh số đạt khoảng 30,9 tỷ USD (648,9 ngàn tỷ đồng). Tính trên mỗi chip flash NAND khoảng 3,49 USD (73.290 đồng), giảm khoảng 7% so với năm 2012.
Không giống DRAM, giá flash NAND ảnh hưởng không đáng kể đến giá bán ra của thiết bị di động, đại diện IC Insights nhận xét. Khi giá bộ nhớ thay đổi, các nhà sản xuất thường không điều chỉnh giá mà sẽ bổ sung thêm bộ nhớ nhằm nâng cao hiệu suất thiết bị. Dù vậy, giá DRAM vẫn có thể thay đổi nếu các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Các nước ở khu vực châu Á chỉ là một phần nhỏ trong nhu cầu tổng thể nên ít có khả năng thay đổi cục diện.
Trong tình hình chung, số lượng nhà sản xuất DRAM cũng giảm đáng kể. Hai nhà sản xuất bộ nhớ lớn của Đài Loan như Nanya Technology và Powerchip không thể cạnh tranh với các đối thủ khác về công nghệ sản xuất và sản lượng. Thị phần DRAM cũng có sự thay đổi khi Micron, nhà sản xuất bộ nhớ lớn thứ ba thế giới mua lại Elpida. Thống kê của IC Insights cho thấy hiện tại, Samsung đang nắm giữ 40% thị phần, SK Hynix với khoảng 20% và tiếp sau là Micron và Elpida.
IC Insights dự báo nhu cầu máy tính để bàn (desktop) sẽ không có nhiều biến động cho đến năm 2017 trong khi máy tính xách tay (laptop) tăng khoảng 5% mỗi năm.
Một trong những điểm sáng của thị trường DRAM là sự phát triển mạnh mẽ của máy tính bảng và smartphone. DRAM điện áp thấp (low power DRAM hay LPDRAM) có tỷ suất lợi nhuận khoảng 20%, cao hơn đáng kể so với DRAM dành cho máy tính để bàn. Nhiều nhà sản xuất bộ nhớ đã chuyển sự tập trung vào LPDRAM để đạt doanh số cao hơn.
Sau DDR3-RAM, DDR4 sẽ xuất hiện vào cuối năm nay nhưng không tác động đáng kể đến thị trường DRAM. Ngoài tốc độ truy xuất nhanh hơn, bộ nhớ DDR4 còn sử dụng điện năng hiệu quả hơn so với DDR3. Trong giai đoạn đầu, DDR4 được sản xuất cho máy chủ (server) và sẽ phổ biến hơn trên máy tính cá nhân khi giá giảm đáng kể.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Ryzen 7 9800X3D được khen là 'CPU chơi game nhanh nhất thế giới hiện nay', hiệu năng vượt flagship đối thủ đến 30%
Với mức giá 480 USD, Ryzen 7 9800X3D mang lại hiệu năng gaming ấn tượng mà không yêu cầu người dùng phải đầu tư quá nhiều vào các linh kiện đi kèm.
Đánh giá Xiaomi 14T series: Xiaomi và những "cái lạ" mới, nhưng duy nhất điểm cốt lõi này vẫn chưa bao giờ phai nhòa