Giấc mộng 5G của Trung Quốc hóa ra có thể tan như bong bóng xà phòng chỉ vì điều tưởng như nhỏ nhặt này

    Bảo Nam, Trí Thức Trẻ 

    "Có thực mới vực được đạo" và những trạm gốc 5G ở Trung Quốc muốn phát triển tốt đến đâu cũng cần phải trả... hóa đơn tiền điện. Nhưng vấn đề là những con số trong hóa đơn đang rất khổng lồ.

    5G tốt như thế nào, kỷ nguyên 5G khiến con người hạnh phúc ra sao... là những điều mà các công ty lẫn chính phủ Trung Quốc đang ngày đêm tuyên truyền và quảng bá. Các thành phổ, tỉnh lỵ ở quốc gia này đua nhau chạy theo cái gọi là phổ cập 5G, lập ra các vùng hay khu vực thử nghiệm 5G tốc độ cao.

    Nhưng vấn đề đầu tiên mà họ phải xử lý, là tiền bạc. Cơ sở hạ tầng của 5G không hề rẻ, các thiết bị đầu cuối cũng có giá cao hơn 4G, chưa kể các ứng dụng liên quan. Các chính sách ưu đãi và quỹ hỗ trợ đã phần nào giúp các địa phương khắc phục khó khăn để đi được những bước chân đầu tiên vào kỷ nguyên mới. Nhưng khi mọi thứ bắt đầu đi vào vận hành, tất cả mới ngã ngửa ra rằng: Hóa ra, cuộc chơi "đốt tiền" cho 5G giờ mới chính thức bắt đầu.

    Bởi một hệ thống trạm 5G quy mô trung bình, thường tiêu thụ số điện năng gấp nhiều lần so với trạm gốc 4G. Và theo thời gian, lượng điện năng tiêu thụ này trở nên lớn dần và chính thức trở thành gánh nặng lớn nhất trong toàn bộ chi phí vận hành 5G. Và ba nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc đang phải trả hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho chi phí điện năng này.

    Giấc mộng 5G của Trung Quốc hóa ra có thể tan như bong bóng xà phòng chỉ vì điều tưởng như nhỏ nhặt này - Ảnh 1.

    Điện năng tiêu thụ có thể trở thành "điểm dừng" cho việc xây dựng mạng 5G

    Theo tính toán, để duy trì băng thông rộng, độ trễ cực thấp - các đặc điểm lớn quan trọng của kết nối 5G - thì một hệ thống trạm đơn 5G cần tiêu thụ 3 đến 5 kW điện, gấp 2 đến 3 lần so với trạm gốc 4G. Một đơn vị đã so sánh mức tiêu thụ điện của trạm gốc 5G, từ ba nhà mạng lớn là Huawei, ZTE và Datang Telecom. Kết quả cho thấy mức tiêu thụ điện năng trung bình là khoảng 3.500 watt, trong khi hệ thống 4G tiêu thụ trung bình chỉ 1.300 watt.

    Chưa kể, do dải tần số cao hơn được sử dụng bởi 5G, vùng phủ sóng của các trạm macro ngoài trời sẽ bị thu hẹp. Do đó, để đáp ứng cùng mục tiêu phủ sóng, số lượng trạm gốc 5G sẽ gấp 3 đến 4 lần so với trạm 4G.

    Yang Fengyi, phó giám đốc Trung tâm đổi mới công nghệ viễn thông Trung Quốc, gần đây đã tuyên bố thẳng thừng rằng mức tiêu thụ năng lượng chung của mạng di động 5G sẽ gấp hơn 9 lần so với 4G.

    Và điều đó đồng nghĩa với một lượng điện năng khổng lồ để duy trì cái gọi là giấc mộng phổ cập 5G của Trung Quốc. Khi các trạm cơ sở 5G được đưa vào sử dụng trên quy mô lớn, hóa đơn tiền điện của các nhà khai thác cũng sẽ tăng theo cấp số nhân.

    Cũng theo Yang Fengyi, các trạm cơ sở di động của ba nhà khai thác nói trên đã tiêu thụ tổng cộng khoảng 27 tỷ kWh trong năm 2018 và tổng hóa đơn tiền điện là khoảng 24 tỷ nhân dân tệ (khoảng gần 4 tỷ USD). Con số này có thể tăng lên 243 tỷ Kwh và hóa đơn tiền điện sẽ đạt tới 216 tỷ nhân dân tệ (khoảng 31 tỷ USD) khi cả hệ thống chính thức vận hành.

    Và rõ ràng, số tiền khổng lồ này sẽ ăn mòn lợi nhuận của các nhà cung cấp dịch vụ. Chưa kể khi chính thức triển khai, sự cạnh tranh khốc liệt sẽ ép các nhà mạng phải liên tục giảm chi phí để thu hút người dùng. Tâm lý này sẽ khiến việc đầu tư vào 5G trở nên thận trọng và chậm trễ hơn.

    Giấc mộng 5G của Trung Quốc hóa ra có thể tan như bong bóng xà phòng chỉ vì điều tưởng như nhỏ nhặt này - Ảnh 2.

    Để giải quyết vấn đề tiêu thụ điện năng, ba nhà khai thác lớn và các nhà sản xuất thiết bị như Huawei và ZTE đã cố gắng tìm mọi giải pháp điều chỉnh.

    Về công nghệ, một phần lý do cho sự gia tăng tiêu thụ năng lượng trong các trạm gốc 5G là sự ra đời của công nghệ Massive MIMO (ăng ten khối). Các trạm gốc 4G chủ yếu sử dụng 4T4R, tức là 4 anten phát và 4 anten thu, trong khi các trạm gốc 5G sẽ sử dụng 64T64R. Giải pháp ở đây là xây dựng các trạm gốc hỗ trợ cấu hình mới, linh hoạt hơn khi giảm số lượng các anten thu phát, xuống còn 8T8R ở một số nơi.

    Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và các công ty tin rằng các chính sách giảm giá điện từ nhà nước mới là chìa khóa giải quyết vấn đề. Trên thực tế, kể từ đầu năm nay, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã ban hành các chính sách hỗ trợ 5G, bao gồm giảm giá điện. Theo thống kê chưa đầy đủ, các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Đông, Hà Bắc, Phúc Kiến, Hải Nam... đã ban hành các văn bản chính sách nhằm giảm chi phí xây dựng và vận hành của các trạm 5G.

    Tuy nhiên, quỹ tài chính để trợ cấp cho các tỉnh đều có hạn và trong tương lai, khi nhu cầu sử dụng tăng lên, khoản chi phí này bằng cách nào đó vẫn sẽ tới tay người tiêu dùng.

    Còn với người tiêu dùng, để có thể trải nghiệm công nghệ 5G trong tương lai, tại chính ngôi nhà của mình, hãy chuẩn bị tinh thần cho việc thay thế và cài đặt lại một hệ thống mạng không dây hoàn toàn mới. Bởi do đặc điểm của dải tần 5G, tổn thất truyền tín hiệu giữa các tòa nhà và căn phòng sẽ lớn hơn. Do đó, chúng cần một hệ thống mạng mới, với nhiều thiết bị truyền phát hỗ trợ. Và chi phí điện năng để vận hành cho hệ thống này, nếu có, cũng sẽ là một khoản chi phí đáng kể mà người dùng sẽ phải cân nhắc.

    Tham khảo Sina

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày