Giải mã khủng hoảng nghỉ việc hàng loạt hậu Covid và hội chứng “thứ Hai buồn”: Tại sao chúng ta chán nản, đau đầu, mất hứng sau đợt nghỉ dài?

    Băng Băng, Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Tại sao khủng hoảng nghỉ việc hàng loạt diễn ra sau đại dich? Tại sao mọi người chán nản mỗi sáng thứ Hai đi làm?

    Sáng thứ Hai là thời điểm mà nhiều người cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Người ta thậm chí gọi đây là "Blue Monday" với Hội chứng sáng thứ Hai cho những người cảm thấy thiểu não, ủ rũ, chậm chạp, ít nói, có khi là tình trạng bứt rứt, cáu kỉnh, khó chịu với mọi người chung quanh. Có người còn kèm theo nhức đầu (từng cơn hay âm ỉ), ăn mất ngon, khó tiêu...

    Tuy nhiên có một điều nghịch lý là khi càng cho người lao động nghỉ nhiều hơn thì tỉ lệ hội chứng sáng thứ 2 càng cao hơn. Nhiều chuyên gia tâm lý học đã cố gắng giải thích hội chứng này, thế nhưng nếu bạn nhìn mọi thứ từ góc độ kinh tế khi thời gian trở thành tiền bạc theo đúng nghĩa đen, câu chuyện sẽ trở nên vô cùng thú vị.

    Giải mã khủng hoảng nghỉ việc hàng loạt hậu Covid và hội chứng “thứ Hai buồn”: Tại sao chúng ta chán nản, đau đầu, mất hứng sau đợt nghỉ dài? - Ảnh 1.

    Ảnh minh họa. Nguồn Internet

    Khi thời gian là tiền

    Năm 2011, bộ phim "Thời khắc sinh tử" (In Time) do nam ca sĩ Justin Timberlake đóng chính đã tạo ra một loại lạm phát mới, đó là "lạm phát thời gian".

    Trong bộ phim, con người bị giới hạn ở độ tuổi 25, kéo dài thời gian sống mãi mãi và mọi bệnh dịch đều bị khống chế cũng như chữa khỏi.

    Tuy nhiên thời gian ở đây cũng bị biến thành tiền bạc theo đúng nghĩa đen. Số thời gian sống được in trên cánh tay và mọi người phải lao động, đánh cắp hoặc thừa kế để tồn tại. Với trẻ em dưới 25 tuổi, chúng có thiết bị riêng để xin thời gian của người lớn để giao dịch.

    Giải mã khủng hoảng nghỉ việc hàng loạt hậu Covid và hội chứng “thứ Hai buồn”: Tại sao chúng ta chán nản, đau đầu, mất hứng sau đợt nghỉ dài? - Ảnh 2.

    Hệ thống tiền tệ này tạo ra một bối cảnh thú vị khi người giàu trẻ mãi ở tuổi 25, sống hàng thiên niên kỷ trong khi người nghèo chết ở tuổi thanh xuân vì hết "tiền". Khu người giàu chẳng có ai phải vội vàng vì họ thừa thời gian sống trong khi khu ổ chuột ngập những xác chết trẻ và mọi người đều phải hối hả, tận dụng từng giây.

    Tất nhiên con người ở đây vẫn chết nếu bị giết và chúng tạo ra sự lựa chọn khó nhằn khi bạn bị cướp: giao ra tuổi thọ để chết hay bị giết chết?

    Bộ phim có ý nghĩa khá thâm sâu khi nhắc nhở mọi người coi trọng thời gian mình có, dành nhiều thời gian cho những gì đáng sống và với người mình yêu thương hơn là chạy đua theo những điều phù phiếm, sống hàng thiên niên kỷ trong tẻ nhạt.

    Tuy nhiên về kinh tế học, bộ phim cho ta thấy thời gian nếu có là tiền theo nghĩa đen thì cũng sẽ lạm phát và giảm phát, nghĩa là giá trị của thời gian sẽ tương xứng với hạnh phúc, lợi ích hay sự thỏa mãn mà nó đem lại.

    Trong bộ phim chúng ta có thể thấy giá các mặt hàng tăng lên khi dân số bùng nổ và ngày càng nhiều người cần thời gian, thậm chí chỉ vài giây thôi cũng đáng quý. thế nhưng khi kết phim và ngân hàng trung ương thời gian bị cướp để phân phát cho mọi người, chúng lại trở thành thứ chẳng đáng 1 xu.

    Dù bộ phim chỉ là viễn tưởng nhưng nếu coi thời gian có giá trị ngang với lợi ích chúng đem lại, bạn sẽ giải thích dễ dàng hiện tượng Blue Monday hay thậm chí là phong trào nghỉ việc hàng loạt (Great Resignation) hiện nay sau đại dịch.

    Giải mã khủng hoảng nghỉ việc hàng loạt hậu Covid và hội chứng “thứ Hai buồn”: Tại sao chúng ta chán nản, đau đầu, mất hứng sau đợt nghỉ dài? - Ảnh 3.

    Tỷ phú thời gian

    Nếu thời gian là tiền bạc theo đúng nghĩa đen thì cảm xúc của mọi người mỗi sáng thức dậy sẽ phụ thuộc khá lớn vào lợi ích và chi phí. Cùng "chi tiêu" 24 tiếng mỗi ngày nhưng mỗi người sẽ nhận về lợi ích khác nhau. Người đi làm thì nhận được lương trong khi nghỉ làm cuối tuần thì nhận được sự thoải mái, vui vẻ bên người thân hay những sự hạnh phúc khác.

    Xét trên khía cạnh chi phí-lợi ích, thời gian rảnh cuối tuần đem lại nhiều hạnh phúc hơn so với quãng thời gian làm việc. Cùng chi tiêu 24 tiếng nhưng lợi ích-hạnh phúc cuối tuần đem lại cao hơn trong tuần. Bởi vậy khi thứ 2 đến và chi phí "thời gian" bỏ ra không đem lại đúng giá trị-hạnh phúc như cuối tuần, chẳng ai là vui vẻ cả.

    Giải mã khủng hoảng nghỉ việc hàng loạt hậu Covid và hội chứng “thứ Hai buồn”: Tại sao chúng ta chán nản, đau đầu, mất hứng sau đợt nghỉ dài? - Ảnh 4.

    Vậy tại sao mọi người lại không bỏ việc ngay và phải đợi đến tận sau đại dịch mới làm? Chúng ta sẽ giải thích chúng ở phần cuối bài.

    Tương tự, những người theo phong trào Great Resignation cũng định hình lại chi phí-lợi ích để đi đến quyết định nghỉ việc, theo đuổi sức khỏe, đam mê và gia đình thay vì tiền bạc.

    Tất nhiên với các ông chủ, câu chuyện sẽ khác khi thời gian là tiền bạc và họ luôn muốn nhân viên dồn sức làm việc thay vì phung phí chúng vào những việc khác. Chẳng vậy mà ở Trung Quốc có những nhà máy quy định công nhân chỉ được đi vệ sinh 1 lần trong ngày, thậm chí lắp bộ đếm giờ hay phạt nhân viên vì đi quá lâu.

    Đối với người làm công ăn lương, họ trở thành những kẻ nghèo như trong phim "In Time" khi phải hối hả từng giây. Tại thời điểm này, chúng ta có tình trạng lạm phát thời gian khi ai cũng cần chúng và giá trị của thời gian lên cao.

    Thế nhưng khi cuối tuần đến và mọi người được nghỉ ngơi, họ trở thành những kẻ nhà giàu với vô số thời gian phung phí. Lúc này ai cũng có nhiều thời gian rảnh và tình trạng giảm phát diễn ra khi mọi người có thể dùng thời gian để "mua" bất cứ thứ gì họ muốn.

    Giới nhà giàu đánh bạc bằng thời gian trong "In Time". Nguồn: Internet

    Vậy nhưng khi thứ 2 đến và những kẻ nhà giàu bị đẩy xuống khu ổ chuột, chẳng ai lại cam tâm cả. Nó cũng tương tự như khi bạn bị "phá sản thời gian" vậy khi lại phải tiết kiệm từng giây. Bạn có nhận thấy sự bực bội, chán nản của thứ 2 có chút nào đó tương tự như khi bị hết tiền không?

    Tuy nhiên do quãng thời gian giàu có quá nhanh chỉ 2 ngày cuối tuần nên chẳng mấy ai nhận ra và họ chấp nhận vòng lặp. Chỉ đến khi đại dịch diễn ra và mọi người trở thành tỷ phú thời gian quá lâu để rồi nhận ra cái gì bản thân mới thực sự cần thì phong trào nghỉ việc hàng loạt (Great Resignation) mới bắt đầu.

    Đây là lý do trên góc nhìn kinh tế học khi cho nghỉ càng lâu thì hội chứng thứ 2 càng dễ xảy ra.

    Vậy phong trào này liệu có tồn tại mãi mãi và tại sao chúng ta vẫn chấp nhận Blue Monday mà không nghỉ việc? Tiếp theo hãy cùng đến với lợi ích cận biên của thời gian.

    Lợi ích cận biên của thời gian


    Lợi ích cận biên (Marginal Utility-MU) là lợi ích tăng thêm do tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa, dịch vụ.

    Ví dụ phổ biến nhất cho thuật ngữ này là việc một người đang khát uống nước thì MU chính là độ giải khát sau mỗi cốc nước. Mức độ giải khát của người uống nước sẽ giảm dần khi uống nhiều và nếu vượt qua độ bão hòa sẽ thành âm, nghĩa là chán ghét cốc nước đó.

    Trong kinh tế học, người ta gọi đây là lợi ích cận biên giảm dần.


    Như đã nói ở trên, tại sao chúng ta không bỏ việc vào thứ 2 khi giá trị hạnh phúc không bằng cuối tuần. Câu trả lời nằm ở việc liệu lợi ích hạnh phúc đó có tồn tại mãi mãi.

    Theo lý thuyết kinh tế học, tình trạng Great Resignation không thể kéo dài mãi và có lý do tại sao nhân viên vẫn chịu Blue Monday dù họ có thể bỏ việc.

    Hãy tưởng tượng chúng ta đang khát thời gian rảnh như khát nước và mỗi ngày cuối tuần đem lại giá trị hạnh phúc như khi được uống nước vậy. Lợi ích của mỗi thứ 7 cũng tương tự như khi chúng ta uống cốc nước đầu tiên sau quãng ngày dài đi trên sa mạc.

    Thế nhưng khi nghỉ quá lâu, dành quá nhiều thời gian cho sức khỏe, gia đình cùng những niềm đam mê khác, lợi ích cận biên khi chi tiêu thời gian giảm dần trong cảm nhận của mỗi người. Mặc dù giữ sức khỏe và đam mê không bao giờ là thừa nhưng cảm nhận hạnh phúc của mỗi người sẽ giảm dần theo số lần chi tiêu thời gian.

    Đến giai đoạn bão hòa và chuyển qua tiêu cực, mọi người sẽ lại muốn đi làm kiếm tiền, gây dựng sự nghiệp hơn là ở nhà sống vì đam mê. Tất nhiên mọi người cũng có thể hiểu đơn giản là do hết tiền, mà không có tiền thì cũng chẳng có đam mê hay sức khỏe nào giữ được.

    Tại thời điểm này, lợi ích kiếm tiền lại cao hơn đam mê hay sức khỏe nếu cùng chi tiêu thời gian. Do ai cũng hiểu được điều này nên dù Blue Monday thì họ vẫn đi làm.

    Tất nhiên, lý thuyết trên không giải thích hoàn hảo được mọi khía cạnh của câu chuyện mà chỉ nhìn mọi việc theo lợi ích-chi phí. Vậy còn bạn, bạn nghĩ thế nào về câu chuyện Blue Monday và phong trào Great Resignation?


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ