Giải mã Ryzen: tất cả những điều bạn cần biết nếu chuẩn bị có ý định kết thân với "đội đỏ"

    Master Dùi,  

    AMD đã thành công trong việc phá vỡ thế độc tôn của Intel trên thị trường CPU cá nhân.

    Sau gần một thập kỉ vật lộn với dòng CPU FX, cuối cùng AMD cũng đã ra mắt được một dòng sản phẩm thực sự có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với Intel. Với Ryzen, thế độc tôn trên thị trường CPU cao cấp của Intel đã bị phá bỏ hoàn toàn.

    Ryzen là một dòng sản phẩm hoàn toàn mới của AMD với khá nhiều mẫu và nhánh CPU, trải đều khắp các phân khúc của thị trường. Không những thế, Ryzen còn đi kèm với một nền tảng bo mạch chủ, chuẩn bộ nhớ và tản nhiệt hoàn toàn mới. Nếu là một fan hâm mộ lâu năm của AMD, bạn chắc hẳn sẽ phải thay đổi rất rất nhiều thứ. Nhưng trước hết hãy cùng chúng tôi đi sâu tìm hiểu về canh bạc Ryzen của AMD.

    Xin chào Ryzen!

    Đầu tiên là ngôi sao chính: các CPU Ryzen.

    AMD Ryzen sẽ được chia làm 3 dòng chính. Trên đầu là Ryzen 7, cao cấp nhất được ra mắt đầu tiên với 8 nhân 16 luồng với giá bán thấp hơn tới 500 USD so với các CPU 8 nhân thuộc dòng Intel Extreme Edition từ bên kia chiến tuyết. Ryzen 7 hiện tại có tất cả 3 mẫu R7 1700, R7 1700X, R7 1800X với giá bán lần lượt là 330 USD, 400 USD và 500 USD.

    Dòng Ryzen 5 với mức giá phải chăng hơn sẽ sớm ra mắt trong Quý II năm nay. R5 1600X sẽ có 6 nhân 12 luồng với xung nhịp boost lên tới 4 GHz trong khi R5 1500X là CPU 4 nhân 8 luồng với xung nhịp có thể lên tới 3,70 GHz. Giá bán của bộ đôi này hiện chưa được công bố nhưng mức giá hứa hẹn sẽ rất cạnh tranh ở khoảng dưới 250 USD và sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Intel Core i5.

    Cuối cùng là AMD Ryzen 3, dòng CPU giá thấp nhất được dự kiến ra mắt vào nửa sau của 2017. Thông tin chi tiết về dòng CPU này vẫn chưa được hé lộ nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn là nó sẽ cạnh tranh trực tiếp với Intel Core i3.

    SenseMI là gói công nghệ mới nhất được AMD tích hợp vào Ryzen với hàng loạt tính năng để tăng tối đa hiệu năng của CPU:

    -Pure Power: tính năng sử dụng thông tin từ hàng trăm cảm biến trên chip để tối ưu hoá nhiệt độ và điện năng sử dụng để giữ vững mức hiệu năng của CPU

    -Precision Boost: mang tới khả năng nhảy 25 MHz xung nhịp để nâng hiệu năng tức thì mà không tiêu tốn thêm năng lượng.

    -Extended Frequency Range (XFR): Đẩy xung nhịp của CPU lên qua mức tối đa của nhà sản xuất nếu CPU nhận dạng được tản nhiệt cao cấp như tản nhiệt nước hoặc tản nhiệt ni-tơ lỏng. Hiện tại, XFR mới chỉ cho phép CPU tự vượt 100 MHz xung nhịp.

    -Neural Net Prediction: phân tích tác vụ và phân bổ tài nguyên của CPU để xử lý các tác vụ ở hiệu suất cao hơn.

    -Smart Prefetch: làm việc song song với Neural Net Prediction để xác định xu hướng sử dụng của ứng dụng để tải trước các dữ liệu mà CPU cho rằng ứng dụng sẽ cần để tăng hiệu năng.

    Tất cả các CPU Ryzen đều có thể ép xung được với các bo mạch chủ X370 và B350. Tuy nhiên, chỉ các CPU có hậu tố “X” là hỗ trợ công nghệ XFR.

    Vậy trong thực tế, các CPU này hoạt động tốt đến đâu? Câu trả lời là cực kì tốt và cực kì mạnh mẽ.

    Hầu hết các bài đánh giá trên thế giới đều cho thấy R7 1800X có hiệu năng mạnh mẽ bất ngờ, ngang ngửa và thậm chí mạnh mẽ hơn Core i7-6900X, CPU 8 nhân 16 luồng rẻ nhất của Intel (“rẻ” nhất mà cũng 1050 USD). Với những người tận dụng được hết 8 nhân của CPU, ở mức giá của i7-6900X, bạn có thể sắm cho mình một chiếc R7 1800X và một card đồ hoạ GeForce GTX 1080 mà vẫn còn dư 50 USD.

    Về hiệu năng game, Ryzen 7 thực ra không hề tệ trong khoản này. Dù thua thiệt một chút về FPS thuần tuý, bạn sẽ chỉ gặp vấn đề này ở độ phân giải 1080p. Để cảm thấy bớt thua thiệt, bạn đơn giản có thể thiết lập game đẹp hơn, nét hơn một chút để đẩy việc sang cho GPU. Lúc đó GPU sẽ là yếu tố gây nghẽn cổ chai chứ không phải CPU nữa. Ép xung cũng là một giải pháp để mang tới chút công đạo cho Ryzen.

    Các streamer hay YouTuber có lẽ là những người hưởng lợi nhất với Ryzen trong ngành công nghiệp game. Điểm mạnh của Ryzen 7 nằm ở các tác vụ sản xuất và sáng tạo nội dung cơ mà.

    AMD cũng khẳng định rằng hiệu năng game của Ryzen sẽ “chỉ có thể tốt hơn” khi các nhà phát triển sử dụng các devkit để tối ưu hoá cho dòng CPU mới này. “Thua kém một chút khi benchmark so với đối thủ trong một số game 1080p nằm chính ở việc các nhà phát triển trong nhiều năm qua chỉ phát triển và tối ưu game riêng cho Intel.” – ông John Taylor, phó chủ tịch AMD chia sẻ. Ngay trong tuần bán ra, AMD đã công bố thoả thuận hợp tác với Bethesda để áp dụng API đồ hoạ Vulkan vào các tựa game của hãng.

    Cuối cùng, Ryzen còn hỗ trợ bộ nhớ chuẩn doanh nghiệp ECC (Error Correcting Code, RAM tự kiểm tra và sửa lỗi). Tuy nhiên hiện tại khả năng này vẫn chưa được xác nhận trên các bo mạch chủ phổ thông.

    Những điều bạn cần để nâng cấp lên Ryzen

    Chắc chắn bo mạch chủ là thứ không thể thiếu đầu tiên. AMD đã loại bỏ hoàn toàn nền tảng cũ và giờ đây họ chỉ sử dụng một chuẩn socket chung AM4.

    Các bo mạch chủ Ryzen mới đã đưa AMD trở về với “văn minh” khi được trang bị khả năng hỗ trợ những chuẩn công nghệ tân tiến bây giờ như USB 3.1 thế hệ 2 băng thông 10 Gbps, bộ nhớ NVMe, SSD M.2,... Các bo mạch chủ AM4 ra mắt đi cùng rất nhiều chipset khác nhau với tính năng chênh lệch khá nhiều. Ví dụ như chipset A320 sẽ không cho phép bạn ép xung CPU hay chỉ có chipset X370 mới hỗ trợ đa card đồ hoạ.

    Sau bo mạch chủ thì điều tiếp theo bạn cần phải có cho cấu hình mới của mình là RAM. Ryzen cũng theo xu thế, chuyển lên RAM DDR4 để chạy nhanh hơn, tiết kiệm điện năng hơn. Trừ khi bạn chuyển sang Ryzen từ Intel Skylake, Kaby Lake hay các CPU HEDT mới của Intel, bạn sẽ cần phải sắm cho mình một kit RAM thế hệ mới.

    Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần phải sắm cho mình một chiếc tản nhiệt CPU mới. AM4 là socket hoàn toàn mới với 1331 chân tiếp xúc, nhiều hơn AM3 100 chân. Bởi vậy, hầu hết các tản nhiệt đời cũ sẽ không còn tương thích. Tất cả các tản nhiệt cố định bằng ngàm móc sẽ vẫn tương thích trong khi các tản nhiệt sử dụng vít và backplate sẽ phải đợi nhà sản xuất cung cấp giá bắt vít mới. Một giải pháp khác có phần tốn kém hơn là mua bo mạch chủ ASUS Crosshair VI Hero có giá khoảng 255 USD có lỗ bắt vít cho tản nhiệt của AM3 lẫn AM4.

    Hoặc một giải pháp khác rẻ hơn và đỡ nhức đầu hơn là mua R7 1700 với tản nhiệt AMD Wraith Spire sẵn trong hộp. Xin lưu ý một điều là các CPU cao cấp hơn, R7 1700X và R7 1800X sẽ không có tản nhiệt Wraith đi kèm.

    Các hệ điều hành hoạt động với Ryzen

    Windows 10 là hệ điều hành duy nhất của Microsoft hỗ trợ Ryzen. Linux thì chắc chắn là có rồi vì đây là một hệ điều hành mở. Nếu cố, bạn vẫn có thể cài Windows 7 và Windows 8 nhưng trong trường hợp xấu, bạn sẽ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ về kĩ thuật nào từ Microsoft, AMD hay ai khác. Ngoài ra các nhà sản xuất cũng sẽ không viết driver chính thức cho Windows 7.

    Một số mẹo nhỏ để tăng hiệu năng cho Ryzen

    Nếu đã mua xong Ryzen, giờ đây là lúc bạn có thể tìm hiểu một vài mẹo và thủ thuật từ chính AMD để có thể tận dụng được nhiều nhất sức mạnh vốn có của nền tảng mới này.

    1. Cài một bản Windows mới hoàn toàn thay vì sử dụng file ghost từ Windows cũ vốn được tuỳ chỉnh để hoạt động với CPU khác.

    2. Chuyển chế độ làm việc của Windows từ “Balanced” sang “High Performance”.

    Chế độ High performance trong Power Options của Windows Control Panel đảm bảo rằng các tính năng như Pure Power và Precision Boost sẽ phản hồi với các tác vụ nhanh nhất có thể, có thể ở mức 1ms. Nếu để chế độ Balanced, hệ điều hành sẽ phải thông qua một số quyền trước khi xuất lệnh, dẫn dến độ trễ có thể lên tới 30 ms. Tuỳ từng tác vụ mà chênh lệch về hiệu năng có thể lên tới khoảng 5%.

    3. Tắt “High Precision Event Timer”

    HPET có thể được tắt trong BIOS hoặc mở Windows PowerShell, gõ dòng lệnh “bcdedit / deletevalue useplatformclock”. Động tác này có thể nâng hiệu năng lên khoảng 5 đến 8%. Vấn đề duy nhất là công cụ ép xung của AMD, Ryzen Master lại dựa vào HPET để đo đạc các thông số của chip nên nếu muốn dùng công cụ này, bạn sẽ không được tắt HPET.

    4. Tắt đa luồng song song SMT trong BIOS

    Simultaneous multithreading – tính năng đa luồng song song, tương đương với Siêu luồng Hyperthreading của Intel là tính năng mới nhất của Ryzen. Nhờ đó, Ryzen có thể biến 8 nhân vật lý của CPU thành 16 luồng điện toán, giúp tăng mạnh hiệu năng ở các tác vụ làm nội dung. Bởi vậy, nếu muốn đạt hiệu năng tốt nhất khi chơi game, AMD khuyến cáo bạn nên tắt tính năng SMT này trong BIOS.

    Thực tế, việc tắt SMT không mang lại hiệu năng chơi game thực sự khác biệt ở hầu hết các tựa game. Lời khuyên của tôi là nên bật thiết lập này và đợi các nhà phát triển phần mềm tối ưu hoá ứng dụng của họ cho Ryzen.

    5. Nâng cấp BIOS của bo mạch chủ

    Thường thì việc động đến BIOS là việc không nên làm nếu máy của bạn đang hoạt động tốt. Chỉ một chút bấn cẩn, bạn có thể “brick” cả chiếc bo mạch chủ của mình.

    Tuy nhiên câu chuyện là hoàn toàn khác với AMD Ryzen. Là một vi kiến trúc hoàn toàn mới trên nền tảng AM4 cũng mới không kém, việc nâng cấp BIOS sẽ giúp tăng hiệu năng và độ ổn định cho hệ thống một cách đáng kể khi nhà sản xuất có nhiều thời gian để làm quen và tối ưu hoá phần cứng. Bởi vậy, hãy chịu khó theo dõi các trang hỗ trợ và tải phần mềm của nhà sản xuất bo mạch chủ của bạn. Nếu thấy có những thay đổi lớn ở BIOS, còn chần chờ gì nữa mà không tải về và nâng cấp ngay.

    Tổng kết lại, AMD Ryzen thực sự là một bước tiến lớn, một bước nhảy vọt của AMD trên thị trường CPU cá nhân. Ryzen quả xứng đáng với cái tên kẻ phá bĩnh lịch sử. Canh bạc Ryzen thành công mỹ mãn của AMD chắc chắn sẽ giúp họ có được một năm tài khoá khởi sắc cũng như khiến Intel phải đau đầu một thời gian dài. Dù chưa được tối ưu tốt cho một số tác vụ nhất định, tiềm năng của Ryzen vẫn là quá lớn để có thể bỏ qua. Nếu không ngại những thử thách của công nghệ mới, còn chần chừ gì mà không mở hầu bao để sắm cho mình một combo Ryzen 7.

    Tham khảo PCWorld

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ