Giải mã tất cả các thành phần trên bo mạch chủ máy tính

    Dee Tee,  

    Mainboard của máy tính là linh kiện khá phức tạp, và không phải ai cũng nắm được các thành phần trên đó.

    Lần đầu tiên nhìn vào một chiếc mainboard là một trong những thời khắc mà tôi bối rối nhất, mãi tới sau này, khi tự tin lắp ráp tất cả các linh kiện máy tính hoàn chỉnh, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về từng thành phần nhỏ trên đó. Với những ai vẫn còn mơ hồ về các thành phần trên mainboard, bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào nắm được bo mạch chủ máy tính gồm có những gì?

    Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng sản phẩm Biostar Z97WE như là một hình mẫu trực quan để dễ nắm bắt các thành phần trên đó. Đây là một sản phẩm sử dụng chip Z97 do Intel sản xuất, có kích thước ATX và kết cấu của nó giống với hầu hết các loại mainboard tương tự khác trên thị trường, đầy đủ các thành phần xuất hiện trên một bo mạch chủ máy tính phổ thông.

    Đầu tiên, chính là khe cắm RAM. Đây là chỗ dễ nhận ra nhất, có chiều dài đúng bằng một thanh RAM và có 2 khớp ở 2 đầu giữ giữ RAM nằm chặt trên bo mạch. Các mainboard hiện nay thường có từ 4 khe cắm RAM với các sản phẩm phổ thông, và 8 khe cắm RAM với các mainboard cao cấp, mainboard máy chủ. Khe cắm RAM làm chủ yếu từ nhựa và thường có màu sắc trùng với màu chủ đạo trên bo mạch, trên Z97WE chúng ta có thể thấy được 2 khe cắm RAM màu vàng, và 2 khe cắm có màu đen.

    Tiếp đến, một chân tiếp xúc khác là PCI Express, hay PCI-E, thường được dùng để mở rộng các phần cứng khác nhau, bổ sung chức năng và hiệu năng cho bo mạch chủ. Các linh kiện thường cắm trên PCI-E có thể kể tới card đồ họa, card âm thanh, cho đến các loại card mở rộng kết nối USB, kết nối mạng và cũng có cả ổ lưu trữ sử dụng kết nối PCI-E. PCI-E có 2 kích thước là PCI-E 16x dài giống như khe cắm RAM, loại kia là 4x, đặt tên theo điểm tiếp xúc dưới môi khe cắm.

     Chân PCI-E 4x.

    Chân PCI-E 4x.

    Một nơi khá quan trọng nữa mà ít người để ý tới, đó chính là phần chip cầu nam và tản nhiệt của nó. Lý do cho tên gọi này là nó thường được đặt nằm ở phía dưới (phía Nam) so với khe cắm RAM, CPU và các kết nối nguồn điện. Chip cầu nam luôn được bảo vệ bởi một tản nhiệt, tùy theo phân khúc sản phẩm mà phần heatsink này sẽ được trang trí khá đẹp mắt. Tên của các sản phẩm Mainboard luôn được đặt theo tên của chipset này, sản phẩm bo mạch chủ trong bài viết này là Z97WE do Biostar sản xuất sử dụng chipset Intel Z97.

    Rất nhỏ gọn, chíp nhớ BIOS được đặt gần chíp cầu nam, và lưu giữ các thông tin về hệ thống BIOS của bo mạch, nó hoàn toàn có thể thay thế được trong trường hợp xảy ra các trục trặc về phần cứng cũng như phần mềm, tất nhiên là chỉ áp dụng với các loại Mainboard ngày nay.

    Một chi tiết khác, thứ mà hầu hết người dùng ít để mắt tới, nhưng các chuyên gia đánh giá phần cứng và người dùng ép xung lại khá quan tâm tới phần này. Đó là các VRMs ( Voltage Regulation Modules), là các module điều chỉnh điện áp. Các module xám này đảm bảo CPU của bạn nhận được đủ điện áp cần thiết để hoạt động một cách chính xác.

    Các VRMs tạo ra khá nhiều nhiệt năng, và nhà sản xuất cần cấp cho chúng một "máy làm mát", đó là heatsink của VRMs, đặt phía trên các VRMs và vuông góc bao quanh CPU. Giống với heatsink của chíp cầu nam, heatsink của VRMs trên các sản phẩm cao cấp được làm khá to và đẹp, đặc biệt là các mainboard hỗ trợ ép xung mạnh mẽ.

    Tiếp theo là khung nẹp CPU, đảm bảo không mainboard nào không có. Được làm bằng kim loại, chắc chắn, đủ để đảm bảo cho CPU luôn nằm chắc chắn bên trong.

    Dưới đây là ảnh chụp cận cảnh socket với các chân siêu nhỏ. Các chân này sẽ tiếp xúc trực tiếp với CPU, khung nẹp giữ chặt kết nối này và giúp máy tính có thể hoạt động. Số lượng các pin trong socket tùy thuộc vào CPU mà nó hỗ trợ, có thể kiểm tra dựa vào thông số kĩ thuật dưới dạng "Socket LGA xxxx", các CPU gần đây của Intel bao gồm thế hệ Sandy và Ivy có socket LGA 1155. Haswell có socket LGA 1150, và mới nhất Skylake sử dụng socket LGA 1151. Bạn cần đảm bảo dùng chính xác CPU lên các mainboard hỗ trợ nó, tránh các hỏng hóc đáng tiếc.

    Pin CMOS được coi như nút bấm có khả năng reset toàn bộ thiết lập của mainboard nếu tháo rời. Thực chất nó chính là nguồn nuôi con chip BIOS nói ở trên, vì chip nhớ sẽ bị xóa sạch khi bị mất điện (giống như RAM) nên chỉ cần tháo pin CMOS toàn bộ thiết lập của chip nhớ BIOS sẽ bị reset về trạng thái ban đầu.

    Ngoài ra, còn một số thành phần nhỏ hơn bao gồm kết nối nguồn điện, một nguồn 12-pins cho toàn bộ bo mạch, và một nguồn 2x4-pins cho CPU. Một số mainboard cao cấp còn được trang bị cả công tắc cũng như màn hình hiển thị nhiệt độ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy được một loạt các đầu pin với nhiệm vụ cấp tín hiệu cho các nút bấm trên vỏ case, cũng như cổng USB và Audio mở rộng mở mặt trước, tùy từng nhà sản xuất mà cách sắp xếp các đầu pin này khác nhau.

    Qua đây, phần nào người dùng có thể nắm được các thành phần chính trên mainboard, để tự tin hơn khi vệ sinh hệ thống máy tính cũng như lắp đặt một dàn máy tại nhà. Trong phạm vi của bài viết chúng tôi chưa thể giải đáp đầy đủ cũng như chi tiết của tất cả thành phần trên bo mạch chủ. Nếu có thắc mắc, bạn có thể để lại bình luận hoặc liên hệ trực tiếp qua Facebook của chúng tôi.

    Tham khảo PCWorld

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ