Đừng bao giờ bật quạt trong thời tiết khô và nóng.
Bạn sẽ làm gì khi trời nóng? - Bật điều hòa.
Nhưng nếu bạn không có điều hòa thì sao? - Tôi sẽ bật quạt.
Ồ, quạt sẽ giúp bạn đỡ nóng hơn ư? - Còn gì phải nghi ngờ về điều đó?
Trên thực tế, một nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine ngày hôm qua (6/8) cho thấy: Trong một số tình huống, bật quạt sẽ khiến bạn nóng hơn. Dòng không khí thổi vào cơ thể bạn không có tác dụng làm mát, mà còn gây tăng thân nhiệt, nhịp tim và thậm chí cả nguy cơ sốc nhiệt.
Có nghịch lý không: Bật quạt có thể khiến bạn nóng hơn, tăng nguy cơ sốc nhiệt?
Bật quạt có thể khiến bạn thấy nóng hơn
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tại Đại học Sydney, Australia đã tuyển dụng 12 nam sinh viên khỏe mạnh. Những nam sinh được yêu cầu mặc quần short và ngồi trong một căn phòng 2 tiếng đồng hồ. Họ phải trải qua 4 kịch bản thí nghiệm khác nhau:
Trong tình huống thứ nhất, căn phòng được làm nóng đến 40oC, với độ ẩm tương đối 50%. Nhiệt độ và độ ẩm này tương đương với chỉ số nhiệt (nhiệt độ mà bạn thực sự cảm thấy) là 56oC. Một nửa thời gian, tình nguyện viên sẽ phải ngồi không quạt, còn lại là trước một chiếc quạt điện đang bật.
Trong kịch bản thứ hai, căn phòng được làm nóng đến 47oC, với độ ẩm tương đối 10%. Mặc dù nhiệt độ tăng nhưng độ ẩm lại giảm kéo chỉ số nhiệt trong trường hợp này giảm xuống chỉ còn 46oC. Tình nguyện viên cũng được yêu cầu ngồi trong hai tình huống: bật quạt và không bật quạt.
Trước và sau mỗi thí nghiệm, các nhà khoa học đo lại nhịp tim, mức độ tiết mồ hôi và nhiệt độ cơ thể của các nam sinh. Song song với đó, họ cũng được phỏng vấn để hỏi về độ thoải mái hoặc khó chịu của mình trong mỗi kịch bản.
Như bạn có thể tưởng tượng, với mức nhiệt độ ấy, không có bất kỳ tình huống nào trong đó các nam sinh cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi ở trong căn phòng nóng ẩm, tình nguyện viên đã báo cáo mức độ thoải mái gấp đôi khi quạt được bật lên.
Nhiệt độ cơ thể và nhịp của họ cũng thấp hơn một chút so với khi không bật quạt, mặc dù họ đổ mồ hôi nhiều hơn làm tăng nguy cơ mất nước cho cơ thể.
Ngược lại, trong căn phòng nóng và khô, tình nguyện viên cảm thấy tệ hơn về mọi mặt khi bật quạt, bất chấp thực tế mức nhiệt mà họ cảm thấy được trong căn phòng này thấp hơn nhiều so với mức nhiệt thực cảm trong căn phòng nóng ẩm.
Bật quạt đôi khi khiến bạn thấy nóng hơn
Cơ thể bạn làm mát như thế nào?
Cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất ở mức thân nhiệt 37oC. Để duy trì nhiệt độ ổn định này, cơ thể sử dụng các cơ chế điều hòa nhiệt độ từ bên trong, chẳng hạn như run rẩy để tăng nhiệt và đổ mồ hôi để hạ nhiệt.
Các cơ chế hạ nhiệt cơ thể tuân thủ các nguyên lý vật lý bao gồm: dẫn truyền nhiệt, đối lưu, bốc hơi và bức xạ.
Nếu mùa hè bạn cầm trên tay một cốc trà đá, tiếp xúc vật lý giữa tay và cốc trà sẽ truyền nhiệt từ cơ thể vào đó, khiến thân nhiệt của bạn hạ xuống. Nhưng nó không đáng kể, dẫn truyền nhiệt chỉ chiếm khoảng 2% lượng thân nhiệt mà bạn mất đi hoặc muốn hạ xuống.
Cơ chế làm mát bằng đối lưu chiếm một tỷ trọng cao hơn, khoảng 10%. Đó là khi bạn truyền nhiệt trực tiếp vào không khí hoặc nước, dòng không khí và nước này sau đó được thổi hoặc đẩy ra xa bạn, thay thế vào đó là một dòng khí hoặc nước mát hơn. Bật quạt khi trời lạnh và tắm nước lạnh dưới vòi hoa sen, đó là bạn đang hạ nhiệt bằng cơ chế đối lưu.
Khoảng 35% nhiệt lượng thất thoát ra khỏi cơ thể bạn từ cơ chế bốc hơi. Đó là khi cơ thể bạn đổ mồ hôi, truyền nhiệt ra mồ hôi khiến mồ hôi bay đi. Không chỉ con người, các loài động vật khác cũng sử dụng cơ chế hạ nhiệt bốc hơi này, chẳng hạn như những con chó hay lè lưỡi ra trong mùa hè và thở hổn hển, hoặc những con chuột túi có thói quen liếm cẳng tay của chúng.
Mặc dù vậy, con đường truyền nhiệt từ cơ thể ra ngoài mạnh nhất là thông qua bức xạ, dưới dạng sóng điện từ. Nhiệt sẽ bức xạ để truyền từ vật nóng sang vật lạnh. Bởi vậy, vào mùa đông khi nhiệt độ cơ thể bạn cao hơn nhiệt độ ngoài trời, bạn sẽ bị mất nhiệt do bức xạ.
Lượng nhiệt này có thể chiếm khoảng 65% tổn thất nhiệt trên toàn cơ thể bạn. Thật không may trong mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn mức 35oC, truyền nhiệt theo cơ chế bức xạ trở nên kém hiệu quả.
Nếu nhiệt độ môi trường lớn hơn thân nhiệt của bạn, hiệu ứng ngược lại sẽ xảy ra. Nhiệt từ bên ngoài sẽ làm nóng cơ thể bạn, như một con gà bị quay trong lò nướng.
Bốn cơ chế làm mát của cơ thể: Truyền nhiệt, đối lưu, bốc hơi và bức xạ
Vậy tại sao và khi nào bật quạt có thể khiến bạn nóng hơn?
Một thực tế phải nói rõ: Quạt không làm mát không khí. Nó chỉ tạo ra dòng khí chuyển động và đập vào da bạn. Cơ chế làm mát của quạt liên quan đến hiện tượng đối lưu. Làm mát bằng đối lưu chỉ hiệu quả khi bạn thổi dòng không khí lạnh hơn thay thế cho dòng không khí nóng hơn xung quanh cơ thể bạn.
Vào mùa hè, khi nhiệt độ không khí nóng, bật quạt nghĩa là bạn đang thổi không khí nóng hơn vào người mình, vì vậy, làm mát đối lưu bị dập tắt, thậm chí phản tác dụng khiến thân nhiệt của bạn tăng lên.
"Đó chính là cơ chế hoạt động của lò nướng", Ollie Jay, giáo sư khoa học sức khỏe, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Sydney cho biết. "Một con gà trong lò nướng sẽ chín nhanh hơn khi bạn bật quạt, vì đối lưu khiến nhiệt độ tăng nhanh hơn".
Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp không khí khô, độ ẩm tương đối trong phòng thấp. Bởi khi đó, mồ hôi tiết ra trên da bạn bị luồng không khí khô làm bốc bay quá nhanh, khi nó chưa kịp hấp thụ nhiệt cơ thể.
Bật quạt khi trời nóng và khô là một "combo" dập tắt cả hiệu ứng làm mát bằng bốc hơi của cơ thể. Kết quả là cơ thể bạn chỉ nóng lên chứ không hề mát đi.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá 35oC, bật quạt có thể khiến bạn thấy nóng hơn. Khi không khí rất nóng và khô và thân nhiệt bạn đã tăng đến ngưỡng 38oC, bật quạt khi đó có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.
Cũng chính vì lý do này, tại Anh, cơ quan chức năng còn khuyến cáo người dân tắt quạt trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Khi trời nóng mà không khí cực kỳ khô, bật quạt sẽ làm tăng nguy cơ sốc nhiệt
Cuối cùng thì: Khi nào bạn nên bật quạt còn khi nào không?
Thật may mắn cho Việt Nam khi chúng ta ở trong một vùng khí hậu nóng ẩm. Với độ ẩm tương đối thường đạt trên 80%, quạt điện ở Việt Nam là một cứu cánh hiệu quả cho những ngày hè nóng nực.
"Bật quạt khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 40oC cùng với độ ẩm sẽ đem lại lợi ích", giáo sư Jay nói. "Chỉ khi nhiệt độ tăng cao hơn và trời khô thì quạt mới dần dần mất tác dụng và có thể gây hại".
Mặc dù khi nhiệt độ môi trường cao hơn nhiệt độ cơ thể, quạt vẫn sẽ thổi không khí nóng vào người bạn. Nhưng khi đó, có thể giúp bạn làm mát bằng cơ chế bốc bay, thổi mồ hôi nóng trên da bay hơi, để mồ hôi lạnh mới tiết ra và lại giúp rút nhiệt cơ thể ra ngoài.
Mặc dù vậy, có một trường hợp điển hình khác ở Việt Nam mà bạn không nên bật quạt, đó là khi độ ẩm không khí đạt mức bão hòa, gần 100% (có thể là sau một cơn mưa hoặc những ngày ẩm thấp).
Khi độ ẩm không khí quá cao như vậy, mồ hôi cuối cùng không thể bốc bay được nữa mà đọng lại nhiều hơn trên da bạn, khiến nhiệt độ không thể thoát đi. Đó là lúc bạn không chỉ cảm thấy nóng mà còn oi bức.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 35oC và độ ẩm đạt tới ngưỡng 100%, bật quạt chắc chắn sẽ khiến bạn nóng hơn. Vì vậy, mặc dù không phải lo độ ẩm tương đối thấp như ở các nước Trung Đông, người Việt Nam lại phải lo lắng về độ ẩm bão hòa.
Kết lại, khi trời nóng và không khí ẩm chưa bão hòa, bạn có thể bật quạt để làm mát cơ thể. Còn khi trời nóng mà không khí ẩm đã bão hòa hoặc cực kỳ khô, bạn không nên bật quạt.
Tham khảo Gizmodo, WHO, Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?