Giải ngố toàn tập về Hololens - Công nghệ biến huyền thoại tuổi thơ Yu-gi-Oh thành hiện thực
Những lá bài và những con quái vật quen thuộc của trò chơi Yu-Gi-Oh! với sự trợ giúp của Hololens như hiện ra lơ lửng giữa không gian, vậy Hololens là gì và tại sao nó làm được như vậy?
Chắc hẳn mọi người đều đang sửng sốt về những hình ảnh ba chiều của trò chơi Yu-Gi-Oh xuất hiện ngoài đời thực – theo đúng nghĩa đen. Đoạn clip với những hình ảnh sống động này được tài khoản Youtube có tên Generalkidd đăng tải vào ngày hôm qua, đi kèm với thông tin cho biết, phiên bản ba chiều của tựa game này sẽ được chơi dưới dạng thực tế ảo tăng cường hỗn hợp, thông qua chiếc kính Hololens của Microsoft.
Những hình ảnh quen thuộc của trò chơi Yu-Gi-Oh!
Điều làm nên ấn tượng cho những hình ảnh đó là sự tương tác giữa chúng và người chơi. Trong thế giới thực tế ảo, người dùng sẽ “chìm đắm” trong thế giới ba chiều của riêng họ, nhưng chỉ vậy mà thôi. Người dùng sẽ không thể nhìn thấy chúng cùng với thế giới xung quanh, cũng như không thể tương tác với chúng như những gì chúng ta thấy trong clip.
Chính việc hiện diện trong thế giới thực và tăng cường khả năng tương tác với người dùng là điều làm nên sự khác biệt giữa thế giới thực tế ảo trong các thiết bị như Oculus Rift, HTC Vive, … và thực tế ảo tăng cường của Hololens. Vậy Hololens là gì, làm thế nào thiết bị này giúp chúng ta chứng kiến và tương tác với những hình ảnh sống động như vậy trong đời thực.
Được phát triển từ dự án Baraboo Project của Microsoft, Hololens là một chiếc kính đeo đầu dùng để trình chiếu các nội dung thực tế ảo tăng cường, hay chính xác hơn là các nội dung thực tế ảo hỗn hợp. Vậy thực tế ảo hỗn hợp là gì? Những điểm giống nhau và khác nhau giữa thực tế ảo và thực tế hỗn hợp này là gì?
So sánh giữa thực tế ảo và thực tế hỗn hợp
Nếu như thực tế ảo là công nghệ cho phép sao chép lại một môi trường, và giả lập nó trong tầm nhìn của người dùng để họ tương tác với nó, thì thực tế hỗn hợp, đúng như tên gọi của mình, là một hỗn hợp giữa thế giới thực và thế giới thực tế ảo. Điểm chung lớn nhất giữa hai công nghệ này là nó giúp gia tăng trải nghiệm của người dùng, khi người dùng có thể tương tác tốt hơn với nội dung được trình chiếu.
Tuy nhiên, khác biệt cơ bản giữa hai công nghệ này là mức độ tương tác giữa nội dung với thế giới xung quanh. Nếu như với thực tế ảo, nơi người dùng chìm đắm và tương tác trong một thế giới hoàn toàn giả lập, thì trong thực tế hỗn hợp của Hololens, nơi thế giới thực không chỉ được tăng cường bởi nội dung ảo mà chính người dùng cũng có thể tương tác với các nội dung ảo đó.
Minh chứng dễ thấy nhất chính là những hình ảnh ba chiều của tựa game Yu-Gi-Oh trong clip của Generalkidd. Những hình ảnh đó không chỉ xuất hiện ngay trên bãi cỏ, mà người dùng còn có thể lại gần và gần như chạm vào các hình ảnh đó.
Hololens - thiết bị của tương lai
Những nội dung ảo trong thế giới thực đó chính là những gì mà Hololens truyền tải đến cho người dùng. Về cơ bản Hololens là một chiếc máy tính độc lập với đầy đủ CPU, GPU, bộ nhớ và các linh kiện khác, được thu gọn lại dưới hình thức một chiếc kính đeo đầu. Tuy nhiên, những gì Hololens làm được không giống như những gì bạn thấy trên phim “Star Trek”, nó không thực sự sản sinh ra những hình ảnh 3D để ai cũng có thể xem được. Thay vào đó, những hình ảnh 3D này chỉ hiển thị cho những người đeo Hololens.
Nhưng không chỉ hiển thị các hình ảnh ba chiều đơn thuần, Hololens có các cảm biến để theo dõi chuyển động của bạn, ánh mắt của bạn và biến đổi những gì bạn thấy bằng việc chiếu các tia sáng kích thích vào mắt của bạn (tất nhiên là nó không làm đau hay gây hại gì cho mắt của bạn). Bằng việc theo dõi chuyển động của bạn trong căn phòng và kết hợp thông tin này với các lớp của kính mầu để tạo nên hình ảnh mà bạn có thể tương tác từ các góc nhìn khác nhau.
Ví dụ nếu muốn nhìn thấy mặt sau của chiếc xe đạp ảo đang nằm ở giữa phòng của bạn, chỉ cần bước đến phía khác của hình ảnh ảo đó, Hololens sẽ nhận ra sự thay đổi về chuyển động và góc nhìn của bạn để tạo ra các hình ảnh thích hợp.
Hololens còn được trang bị một camera để quan sát không gian xung quanh, do vậy nó sẽ nhận biết được vị trí của bàn ghế, và các đồ vật khác. Sau đó, Hololens sẽ sử dụng thông tin để chiếu các hình ảnh 3D lên trên hoặc thậm chí bên trong các vật thể đó. Do các cảm biến có thể theo dõi vị trí của bạn, nên bạn có thể sử dụng các thao tác bằng tay – ví dụ như thao tác nhấp chuột trong không trung – để tương tác với các hình ảnh 3D này.
Nếu những gì bạn thấy trong đoạn clip mới chỉ là các hình ảnh chưa hoàn thiện của tựa game Yu-Gi-Oh, thì trên thực tế, tiềm năng ứng dụng của Hololens còn lớn hơn thế rất nhiều. Nhìn những nhân vật ảo với kích thước bằng hoặc lớn hơn người thật, người ta có thể tưởng tượng ra một tương lai nơi các màn hình hiển thị với các kích thước khác nhau không còn nữa.
Một thiết bị như Hololens có thể tạo ra các hình ảnh với kích thước tùy ý để thay thế cho tất cả các loại màn hình với đa dạng các kích thước đó. Thậm chí với các dữ liệu đã thu thập được về bề mặt sao Hỏa của mình, NASA còn kết hợp với Microsoft để tái tạo lại các bề mặt này để huấn luyện cho các phi hành gia vũ trụ về địa hình của hành tinh Đỏ này. Ngoài ra, bác sĩ Pamela Davis, trưởng khoa tại Đại học Case Western Reserve còn được dùng thử Hololens để thuyết trình về giải phẫu người với những hình ảnh chân thực, nổi khối trong không gian ba chiều.
Năm ngoái, vào thời điểm Hololens mới ra mắt, có hai nhược điểm quan trọng của thiết bị này đã được đề cập đến. Đó là sự giới hạn về góc nhìn của hình ảnh (FOV - Field of View) và giới hạn về không gian trình diễn, nhưng qua những hình ảnh trong clip giới thiệu về trò chơi Yu-Gi-Oh! dường như các nhược điểm này đã được khắc phuc, khi hình ảnh có góc nhìn rộng hơn và không gian không giới hạn trong một căn phòng nữa.
Rõ ràng tiềm năng của Hololens không chỉ giới hạn trong các trò chơi điện tử thông thường. Nhưng nếu bạn mong muốn trải nghiệm trò chơi Yu-Gi-Oh qua chiếc kính Hololens này, hy vọng bạn có đủ kinh phí để chi trả cho nó. Với phiên bản dành cho lập trình viên hiện tại, giá thành của mỗi chiếc kính đặc biệt này lên tới 3.000 USD tương đương gần 70 triệu VNĐ, một cái giá không hề dễ chịu cho việc chơi một trò chơi mà bạn thích.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Định dùng Galaxy S24 Ultra trước mặt Tim Cook, YouTuber nổi tiếng MKBHD bị Apple "nhắc khéo"
MKBHD không phải người đầu tiên cố gắng làm điều này.
Màn hồi sinh đầy ngờ vực của Flappy Bird