Đã bao giờ bạn bước vào siêu thị điện máy và cảm thấy "hoa mắt, chóng mặt" với hàng loạt các thông tin và thông số được các hãng sản xuất đưa ra cho những chiéc màn hình hay chưa? Nếu câu trả lời là có, thì chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn bớt đi được phần nào khúc mắc.
So với 10 năm trước đây, công nghệ màn hình đã có những bước phát triển dài. Đi cùng với đó là sự ra đời của rất nhiều thuật ngữ và từ viết tắt mới - những từ mà không phải ai cũng biết nó có nghĩa là gì. Công nghệ màn hình ở thời điểm hiện tại có vẻ như tương đối phức tạp và khó hiểu đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu như bạn có một chút kiến thức cơ bản thôi, thì những thứ tưởng như phức tạp nói trên sẽ dần trở nên rõ như ban ngày.
Về cơ bản, có hai nhóm công nghệ màn hình được sử dụng nhiều nhất hiện tại là OLED và LCD. Và chúng tôi sẽ bắt đầu bài viết từ hai từ viết tắt này.
OLED là sao? LCD là như thế nào?
Hầu như bất cứ một chiếc màn hình nào mà bạn bắt gặp cũng sẽ thuộc một trong hai nhóm: sử dụng công nghệ OLED (Organic Light-Emitting Diode - màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ) hoặc sử dụng công nghệ LCD (Liquid Crystal Display - màn hình tinh thể lỏng).
Chiếc iPhone 7 sử dụng màn hình LCD
Công nghệ LCD sử dụng một lớp đèn nền (thường là đèn LED) để chiếu sáng các điểm ảnh. Ở những chiếc màn hình LCD giá rẻ, đèn LED được bố trí ở các cạnh của màn hình - dẫn đến tình trạng màn hình bị sáng ở phần cạnh và tối ở phần trung tâm. Để khắc phục tình trạng này, những chiếc điện thoại sử dụng công nghệ LCD cũng như những chiếc TV đắt tiền hơn đặt nguồn sáng LED ở toàn bộ mặt sau của màn hình. Điều này giúp hạn chế việc màn hình bị chỗ sáng, chỗ tối, cũng như giúp người sử dụng dễ dàng điều chỉnh độ sáng của màn hình hơn.
Trong khi đó, công nghệ OLED không cần đến đèn nền để chiếu sáng. Các điểm ảnh của một chiếc màn hình OLED có khả năng tự phát quang mỗi khi có dòng điện đi qua. Chính vì vậy, độ sáng của màn hình có thể được điều chỉnh trên từng điểm ảnh một. Điều này là lợi thế rất lớn đối với các thiết bị di động - khi mà càng ít điểm ảnh phát sáng thì lượng điện năng tiêu thụ càng thấp. Đồng thời, đây cũng là công nghệ mà những chiếc TV cao cấp hướng đến để tạo ra những hình ảnh chân thực nhất có thể.
Đến đây, chắc các bạn đang rất nóng lòng muốn biết công nghệ nào vượt trội hơn, nhưng để phân định rạch ròi như vậy không phải là chuyện dễ dàng gì. Bởi lẽ các nhà sản xuất không chỉ sử dụng OLED hay LCD, mà đi kèm với đó họ còn kết hợp cả công nghệ riêng của mình vào trong những chiếc màn hình đó nữa. Chính vì vậy mà màn hình LCD của hãng A có thể đẹp hơn màn hình OLED của hãng B, trong khi màn hình OLED của hãng C lại vượt trội hơn nhiều so với màn hình LED của hãng D chẳng hạn. Thay vào đó, chúng tôi sẽ chỉ nói về những điểm mạnh và điểm yếu của hai công nghệ màn hình kể trên.
Về cơ bản, những chiếc màn hình OLED tỏ ra vượt trội hơn về thời gian phản ứng cũng như sở hữu độ tương phản tốt hơn. Nguyên nhân nằm ở việc những điểm ảnh màu đen của màn hình OLED bị tắt hoàn toàn, trong khi ở màn hình LCD, những điểm ảnh này vẫn được chiếu sáng nhưng ở độ sáng thấp nhất có thể. Chính nhờ lợi thế này, những chiếc màn hình OLED có góc nhìn và khoảng màu rộng hơn rất nhiều. Đồng thời, công nghệ OLED đã mở đường cho việc tạo ra những chiếc màn hình cong, hay thậm chí là có thể uốn dẻo được.
Chắc hẳn hiện giờ bạn đang thắc mắc, nếu như màn hình OLED có ưu điểm lớn đến như thế thì sao chúng vẫn chưa phổ biến ở thời điểm hiện tại? Lý do là bởi các hãng vẫn đang phải vật lộn để có thể đạt tới tỉ lệ sản xuất thành công đủ cao để có thể tối ưu hóa chi phí. Chính vì vậy mà những chiếc màn hình OLED thường có giá thành cao hơn rất nhiều so với những chiếc màn LED cùng kích cỡ.
Ngoài ra, màn hình OLED còn gặp phải một vấn đề tương đối truyền thống - đó là nguy cơ bị cháy hình khi phải phát một hình ảnh tĩnh quá lâu. Thực ra vấn đề này không đáng lo ngại lắm, bởi màn hình điện thoại thường sẽ tự tắt sau vài giây không sử dụng, còn những hình ảnh trên màn hình TV hầu như liên tục chuyển động. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề mà các nhà sản xuất đang lưu tâm đến để có thể tìm cách khắc phục.
Những chiếc màn hình LCD về cơ bản sẽ tiết kiệm điện năng hơn so với OLED khi phát ra các hình ảnh nhiều màu sắc. Đồng thời, hình ảnh của trên những chiếc màn LCD thường sắc nét hơn, cũng như dễ nhìn hơn trong điều kiện ánh sáng ngoài trời. Chưa kể đến việc sản xuất màn hình LCD không tốn quá nhiều chi phí so với màn hình OLED.
Dòng sản phẩm DX900 là nỗ lực của Panasonic để đưa chất lượng hình ảnh màn hình LCD tiến gần hơn với OLED
Với sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ sản xuất màn hình, các hãng sản xuất cũng dần cải tiến và khắc phục được điểm yếu của cả hai công nghệ kể trên. Do đó những lợi thế mà màn hình LCD hay OLED có được đều không còn quá lớn, và có thể bị san bằng bất cứ lúc nào.
Chẳng hạn, những chiếc TV mới của Panasonic đã sử dụng công nghệ "honeycomb" để tăng tính tương phản cho màn hình. Còn Samsung nay đã áp dụng công nghệ Quantum Dots vào chiếc TV cao cấp Q9 của mình nhằm nâng cao chất lượng màu sắc, khiến cho màn hình LED của họ không hề kém cạnh gì so với những chiếc màn OLED khác trên thị trường.
Vậy nên, việc lựa chọn màn hình gì khi đi mua điện thoại hay TV ở thời điểm hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào hãng sản xuất, chứ không phải dựa vào việc công nghệ màn hình đó là OLED hay LCD.
Nhầm lẫn giữa độ phân giải và mật độ điểm ảnh.
Nhắc đến màn hình thì kiểu gì cũng phải nói đến độ phân giải. Đây có lẽ là thông số mà chúng ta thấy nhiều nhất mỗi khi đọc thông tin về màn hình. Về cơ bản, độ phân giải cho ta biết số lượng điểm ảnh mà màn hình có thể hiển thị - càng nhiều điểm ảnh thì các chi tiết nhỏ càng rõ ràng. Những độ phân giải phổ biến hiện tại ở điện thoại là 1920 x 1080 (HD hoặc Full HD) và 2560 x1440 (QHD). Ở TV, độ phân giải 4K (3840 x 2160) đang dần trở thành tiêu chuẩn mới. Trên 4K còn có độ phân giải 5K (5120 x 2880) nay đã xuất hiện ở chiếc iMac mới nhất của Apple.
Tuy nhiên có một vấn đề khá gây tranh cãi khi nói về màn hình, đó là ở một số kích cỡ màn hình thì độ phân giải có khác nhau cũng không khác biệt là bao - bây giờ nếu bạn ngồi cách xa cái TV khoảng 3 mét thì độ phân giải 4K hay 1080p cũng không khác nhau là mấy. Lúc này, thứ quan trọng sẽ là mật độ điểm ảnh. Mà mật độ điểm ảnh thì cũng na ná với độ phân giải, phải không?
Không, bạn nhầm rồi.
Năm 2010, Apple đã giới thiệu với thế giới thuật ngữ "Retina" - dùng để chỉ loại màn hình mà ở đó người dùng không thể nào phân biệt được các điểm ảnh riêng lẻ trong điều kiện bình thường. Ví dụ như màn hình iPhone 7 Plus có độ phân giải là 1920 x 1080. Độ phân giải này ở một chiếc TV 55-inch đồng nghĩa với mật độ điểm ảnh bằng 40 ppi (pixel per inch). Trong khi đó con số này ở chiếc iPhone 7 Plus là 401 ppi.
Khi chọn màn hình ở các thiết bị di động, nhiều người sẽ ưu tiên mật độ điểm ảnh hơn độ phân giải. Bởi lẽ mật độ điểm ảnh càng cao thì hình ảnh hiển thị trên màn hình sẽ càng mượt mà hơn.
Tần số quét - thứ đang ngày một tăng cao
Nếu bạn là một game thủ và đang có nhu cầu mua một chiếc màn hình chơi game, thì tần số quét trở thành một thông số khá quan trọng cần được lưu tâm. Về cơ bản, tần số quét là tốc độ mà màn hình làm mới lại hình ảnh. Một chiếc màn hình có tần số quét 144Hz sẽ hiển thị được 144 khung hình mỗi giây. Tần số quét càng cao thì hình ảnh sẽ càng mượt mà, và đối với các game thủ - đặc biệt là game thủ FPS - thì điều này còn đồng nghĩa với việc các thao tác chuột sẽ càng chính xác hơn.
Tuy nhiên những gì tôi nói ở trên đây chỉ đúng với tần số quét thực. Một số màn hình (đa phần là TV) còn được quảng cáo rằng chúng sở hữu thêm một thông số khác gọi là "tần số quét hiệu quả". Thông số này cao hơn rất nhiều lần so với tần số quét thực, đạt được do các hãng sản xuất sử dụng xảo thuật hình ảnh để mô phỏng hiệu quả của tần số quét cao.
Hai phương thức chính được các hãng sử dụng để đạt được "tần số quét hiệu quả" cao như vậy là phương pháp quét đèn nền (backlight scanning) và chèn khung hình đen (BFI). Một số chiếc TV cao cấp còn kết hợp cả hai phương pháp này để tạo ra những con số cao tít mù như 960Hz, hay thậm chí là 1440Hz.
HDR, UHD, vân vân và mây mây
Một trong những thông số "mới nổi" của những chiếc màn hình trong thời gian gần đây là HDR (dải tương phản động mở rộng - High Dynamic Range). Những chiếc màn hình HDR có sự cân bằng rất tốt giữa khoảng màu sáng nhất và tối nhất, cho phép bạn có thể nhìn rõ chi tiết ở những vùng rất sáng và rất tối trên màn hình. Đó là chưa kể đến việc HDR còn giúp tăng khoảng màu mà màn hình có thể hiển thị được nữa.
TV Samsung Q9 có khả năng hỗ trợ nhiều định dạng HDR
Mà mọi chuyện đâu có dừng ở đó, nói đến HDR cũng có đến vài ba loại khác nhau: HDR10 - phổ biến ở nhiều chiếc TV; Dolby Vision - thông minh hơn nhưng chi phí cao hơn; và mới đây là Hybrid-Log Gamma (HLG) - được quảng cáo là có khả năng tương thích ngược với những chiếc TV đời trước.
Mới đây HDR cũng trở thành một trong những tiêu chí để hiệp hội UHD đánh giá tiêu chuẩn Ultra HD cho những chiếc TV và màn hình, bên cạnh những yếu tố khác như màu sắc, độ tương phản, tần số quét, độ phân giải, v...v... của những chiếc màn hình 4K. Trong số những chiếc màn hình 4K đạt tiêu chuẩn Ultra HD, có cả màn hình LCD lẫn OLED, cho thấy cuộc cạnh tranh chất lượng giữa hai công nghệ màn hình này vẫn đang rất cân sức cân tài.
Màn hình OLED UP3017Q của Dell
Với sự phát triển của công nghệ màn hình, trong tương lai các hãng sản xuất sẽ còn đưa ra nhiều cải tiến hơn nữa, cùng với đó sẽ xuất hiện thêm nhiều thuật ngữ cũng như nhiều từ viết tắt hơn. Nhưng đó là chuyện của tương lai sau này. Còn giờ đây, sau bài viết này, chúng tôi hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về chiếc màn hình mình đang có, hay đã biết mình muốn gì khi có ý định chọn mua một chiếc màn hình mới. Ít nhất là cho đến kỳ CES năm sau.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI