Giải ngố về Ethereum: Tại sao sinh sau đẻ muộn nhưng Ethereum lại được đánh giá cao đến thế?
Nhờ chiều lòng các nhà phát triển khi tập trung khai thác ưu thế của nền tảng blockchain thông qua các hợp đồng thông minh, Ethereum đã qua mặt hàng loạt các đồng tiền ra đời sau Bitcoin để chiếm lấy vị trí thứ hai trong thế giới tiền mã hóa.
Sau một năm tăng trưởng bùng nổ, giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đã tăng vọt từ mức hơn 17 tỷ USD vào đầu năm 2017 lên đến hơn 460 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Đứng đầu bảng xếp hàng đó vẫn là Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên với tuổi đời lâu nhất và có giá trị vốn hóa chiếm đến 40% quy mô toàn thị trường.
Trong khi đó, dù bị bỏ xa phía sau, nhưng Ethereum vẫn là đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn thứ hai thị trường toàn cầu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả khi Ethereum vẫn có tuổi đời còn khá “trẻ”, khi mới được đề xuất từ cuối năm 2013 và ra mắt vào năm 2015, trong khi một đồng tiền nổi tiếng khác ra mắt sau Bitcoin (từ năm 2009) như LiteCoin (từ năm 2011) hay nhiều đồng tiền mã hóa khác đều không có được danh tiếng và giá trị lớn đến như vậy.
Cùng là tiền mã hóa, nhưng Ethereum (hay Ether) có gì khác biệt so với Bitcoin cũng như với các đồng tiền mã hóa khác, để nó có thể nổi lên trở thành một thế lực đáng kể trên thị trường tiền mã hóa như hiện nay?
Mở rộng khả năng ứng dụng của blockchain
Để hiểu được tại sao Ethereum lại nhận được sự chú ý lớn đến vậy từ cộng đồng những người hâm mộ tiền mã hóa, chúng ta cần quay ngược lại nguyên nhân ra đời Ethereum. Nhờ song hành cùng với Bitcoin, nền tảng blockchain cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ khả năng xác thực các giao dịch xảy ra trong mạng lưới. Chính vì khả năng xác thực này, các thành viên trong mạng lưới có thể chuyển giao giá trị cho nhau thông qua Bitcoin – một đồng tiền mã hóa vô hình.
Thế nhưng, khai sinh ra tiền điện tử lại không hẳn là ứng dụng quan trọng nhất của blockchain. Tiềm năng của nền tảng này có thể lớn đến mức thay đổi cách chúng ta vận hành cả nền kinh tế, chứ không chỉ là một loại tiền tệ để đầu cơ. Và đó cũng là tầm nhìn của Vitalik Buterin, người khai sinh ra Ethereum.
Vitalik Buterin, nhà sáng lập của Ethereum.
Anh cho rằng, blockchain là nền tảng thích hợp để xây dựng nên các ứng dụng phi tập trung với tiềm năng to lớn hơn nhiều so với chỉ giới hạn trong một loại tiền tệ như Bitcoin hiện tại. Để mở rộng khả năng ứng dụng của mình, Buterin chỉ ra rằng Bitcoin cần một ngôn ngữ kịch bản (scripting language: ngôn ngữ lập trình để viết nên các chương trình có thể thực thi thông qua lời gọi tác vụ thay vì phải biên dịch lại) tổng quát hơn để các nhà phát triển có thể tự viết nên các chương trình của riêng mình.
Tuy nhiên, Buterin lại không tìm được tiếng nói đồng thuận từ cộng đồng phát triển Bitcoin, vì vậy vào cuối năm 2013, anh đã đề xuất nên một nền tảng blockchain mới, với ngôn ngữ kịch bản tổng quát hơn để thay thế cho ngôn ngữ kịch bản hạn chế của Bitcoin (vốn chỉ hỗ trợ hàng trăm hoặc một vài tác vụ nhất định). Điều này cho phép các nhà phát triển có thể mở rộng thêm các ứng dụng mới cho nền tảng blockchain.
Hợp đồng thông minh với tiềm năng ứng dụng còn lớn hơn cả tiền mã hóa
Quả thật, bên cạnh khai sinh ra tiền mã hóa, các nền tảng blockchain còn giúp một công nghệ rất quan trọng khác đã trở thành hiện thực: đó là hợp đồng thông minh (smart contract). Về mặt lý thuyết, một hợp đồng thông minh cũng tương tự như hợp đồng giấy thông thường, là thứ giúp bạn trao đổi tiền, tài sản hay bất cứ thứ gì có giá trị với bên khác, một cách minh bạch mà không cần có sự xác thực từ các bên thứ ba.
Ví dụ như khi bạn mua một ứng dụng trên chợ ứng dụng Play Store của Android. Trên thực tế, bạn không thể trực tiếp chuyển số tiền mình đang có tới thanh toán cho nhà cung cấp ứng dụng để mua nó, khi không có gì đảm bảo khi bạn chuyển tiền, nhà cung cấp sẽ gửi ứng dụng cho bạn cũng như không ai đảm bảo cho nhà cung cấp rằng, sau khi họ gửi ứng dụng, bạn sẽ thanh toán cho họ.
Do vậy, bạn sẽ phải dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như PayPal, hệ thống thẻ thanh toán VISA, MasterCard, hoặc thậm chí các nhà mạng viễn thông như Viettel, để xác nhận rằng bạn đã chuyển tiền của mình đến nhà cung cấp ứng dụng, và lại cần cả những nhà vận hành chợ ứng dụng như Google và Apple để xác nhận việc thanh toán và đưa ứng dụng đến cho bạn. Tất nhiên, cả bạn và nhà cung cấp ứng dụng sẽ phải trả phí cho các dịch vụ này.
Nhưng nếu cả bạn và nhà cung cấp đó đều nằm trong một mạng lưới blockchain, hai bên có thể lập nên một hợp đồng thông minh với các điều khoản được số hóa bằng phần mềm. Khi các điều khoản số hóa đó (hay dữ liệu đầu vào) được thỏa mãn, hợp đồng tự động được thực thi. Ví dụ như khi bạn gửi cho nhà cung cấp một số tiền theo như điều kiện trên hợp đồng, các thuật toán trên đó sẽ tự động gửi ứng dụng cho bạn mà không cần có sự can thiệp của bên thứ ba.
Các hợp đồng thông minh giúp loại bỏ các khâu trung gian giữa hai bên.
Với hợp đồng thông minh, tài sản và các điều khoản trên hợp đồng sẽ được mã hóa (bằng mã hóa băm hash) và chuyển vào mạng lưới blockchain. Nhờ tính phi tập trung của nền tảng blockchain, các hợp đồng này sẽ được lưu giữ an toàn trong mạng lưới, cũng như ngăn chặn khả năng hack và thay đổi các điều khoản của hợp đồng đó. Vì vậy, chúng sẽ được đảm bảo về khả năng thực thi khi các điều khoản được đáp ứng.
Chính vì khả năng đảm bảo thực thi này nên các hợp đồng thông minh còn được so sánh với các máy bán hàng tự động: Bạn nộp đủ tiền vào máy và ấn nút mua lon Coca, các điều khoản hợp đồng được đáp ứng, máy bán hàng sẽ thả lon Coca ra cho bạn. Nếu bạn không nộp đủ tiền, các điều khoản hợp đồng không được đáp ứng, máy bán hàng sẽ không nhả lon Coca ra cho bạn.
Bên trên chỉ là các ví dụ đơn giản về tiềm năng của hợp đồng thông minh. Nhìn rộng ra hơn, khi các thiết bị IoT (Internet of Things) phát triển và phổ biến hơn nữa, kết hợp với chúng, các hợp đồng thông minh còn có nhiều ứng dụng thực tiễn quan trọng khác trong nền kinh tế: như ngân hàng, bảo hiểm, cho thuê bất động sản, thuê xe tự lái, logistic cũng như thương mại quốc tế.
ICO: Lĩnh vực cho thấy ưu thế thống trị của Ethereum
Các hợp đồng thông minh cũng là điểm khác nhau mấu chốt giữa Bitcoin và Ethereum. Trong khi Bitcoin tập trung vào việc xử lý các giao dịch nhằm dịch chuyển đồng tiền mã hóa này để phát tán trong mạng lưới như một loại tiền tệ, Ethereum lại nghiêng về việc tạo ra một nền tảng giao dịch dựa trên các hợp đồng thông minh.
Một điều cần chú ý rằng, giao thức của Bitcoin cũng có thể được sử dụng để tạo ra các hợp đồng thông minh, tuy nhiên, để đáp ứng các biện pháp bảo mật, ngôn ngữ kịch bản của Bitcoin khá hạn chế và giao thức tạo khối diễn ra rất chậm chạp. Trong khi đó, ngôn ngữ kịch bản của Ethereum cho phép chạy được mã Turing-complete, giúp các nhà phát triển tạo ra những hợp đồng thông minh của riêng mình, với các tập lệnh điện toán rộng lớn hơn.
Ngoài ra, nhờ việc sử dụng cấu trúc lưu trữ dữ liệu phức tạp hơn và giao thức tạo block GHOST protocol, giúp tăng tốc thời gian tạo block trên chuỗi blockchain mà không ảnh hưởng đến khả năng bảo mật của mạng lưới. Chính vì vậy, thời gian giao dịch trên Ethereum nhanh hơn đáng kể khi so với Bitcoin. Trong khi thời gian tạo khối trung bình của Bitcoin là 10 phút, Ethereum chỉ tốn từ 14 đến 15 giây cho một khối.
Chính việc khắc phục được nhiều nhược điểm trong giao thức blockchain của Bitcoin và tầm nhìn về tiềm năng của hợp đồng thông minh, cũng như chiều lòng các nhà phát triển khi cung cấp cho họ các công cụ mạnh mẽ để ứng dụng nền tảng blockchain Ethereum vào trong thực tiễn đã mang lại danh tiếng cũng như giá trị lớn như hiện tại của đồng tiền mã hóa này.
Thị phần các ICO bằng Ethereum vào tháng 6 - 2017.
Một minh chứng điển hình nhất cho việc ứng dụng giao thức blockchain của Ethereum cho các nhà phát triển là huy động vốn bằng cách phát hành các đồng tiền mã hóa, hay còn gọi là ICO (Initial Coin Offerring).
Mặc dù được ra đời từ sớm, nhưng chỉ từ khi Ethereum ra mắt, hình thức gọi vốn này mới có được các công cụ cần thiết để trở nên phổ biến một cách dễ dàng. Các con số thống kê vào thời điểm này cho thấy sự thống trị của Ethereum với hoạt động ICO lớn đến mức nào.
Theo trang CoinMarketCap, trong tổng số 621 token tiền mã hóa có đến 512 mã token được phát hành trên nền tảng của Ethereum. Không chỉ áp đảo về số lượng, giá trị vốn hóa thị trường của các mã token được ICO trên nền tảng blockchain của Ethereum cũng chiếm đến hơn 90% toàn thị trường (với tổng giá trị khoảng 39 tỷ USD so với 44 tỷ USD tổng thị trường).
Có thể nói, nếu như Bitcoin có được giá trị vốn hóa lớn đến như hiện nay nhờ vào “Thiên thời” khi là người đi đầu của cuộc cách mạng blockchain, Ethereum đã nắm được “Nhân hòa” khi thu hút được đông đảo các nhà phát triển khai thác thành quả của cuộc cách mạng này nhằm thay đổi căn bản cách chúng ta vận động trong nền kinh tế.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"