Giải Nobel Hóa học 2019 thuộc về 3 nhà khoa học đi tiên phong trong công nghệ pin Lithium-Ion

    Nguyễn Hải, Trí Thức Trẻ 

    Nếu xét đến tầm quan trọng của pin Lithium-Ion đối với cuộc sống chúng ta hiện nay, giải Nobel danh giá dành cho 3 nhà khoa học trên là một phần thưởng quá xứng đáng.

    Giải Nobel về hóa học năm nay đã thuộc về 3 nhà khoa học có đóng góp trực tiếp nhất trong việc đi tiên phong về công nghệ pin Lithium-Ion, vốn đang cung cấp năng lượng cho đại đa số các thiết bị điện tử chúng ta sử dụng hàng ngày.

    Ba nhà khoa học này là ông John B. Goodenough của trường Đại học Texas tại Austin, M. Stanley Whittingham của Đại học Binghamton, và ông Akira Yoshino của Đại học Meijo. Mỗi nhà khoa học này đã phát triển nên một khía cạnh cụ thể trong công nghệ pin Lithium-Ion và cho phép sáng chế này cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ smartphone cho đến xe điện.

    Giải Nobel Hóa học 2019 thuộc về 3 nhà khoa học đi tiên phong trong công nghệ pin Lithium-Ion - Ảnh 1.

    3 nhà khoa học đi tiên phong trong công nghệ pin Lithium-Ion (từ trái qua phải): ông Akira Yoshino, ông John B. Goodenough và ông M. Stanley Whittingham.

    Giải Nobel không chỉ là một trong những giải thưởng danh giá nhất trên thế giới, mà còn đi kèm với một khoản tiền thưởng bằng tiền mặt trị giá 9 triệu Kronor Thụy Điển (tương đương với 905.000 USD). Số tiền thưởng này sẽ được chia đều cho cả 3 nhà khoa học giành giải trong năm nay.

    Whittingham là nhà khoa học đầu tiên tham gia phát triển pin Lithium-Ion vào những năm 1970, khi ông sáng tạo nên một cách làm mới để giữ các Ion Lithium trong cực âm. Trong khi đó, vào những năm 1980 ông Goodenough chứng minh rằng, hệ thống pin này chỉ có thể lưu trữ khoảng 4v điện áp. Cuối cùng vào năm 1985, ông Yoshino đã tạo ra viên pin Lithium-Ion có thể thương mại hóa đầu tiên dựa trên công trình nghiên cứu của 2 nhà khoa học đi trước.

    Dựa trên ảnh hưởng khổng lồ của pin Lithium-Ion đối với thế giới kể từ khi nó xuất hiện vào năm 1985, mọi người đều cho rằng giải Nobel là một vinh dự quá xứng đáng cho cả 3 nhà khoa học này. Đặc biệt, trong số đó có ông Goodenough, năm nay đã 97 tuổi, trở thành người già nhất đoạt giải Nobel.

    Giờ đây, mọi người đã có thể biết rõ hơn về những người đã mở đường cho việc ra đời các viên pin Lithium-Ion giúp nuôi sống vô số thiết bị điện tử chúng ta dùng hàng ngày, từ smartphone, laptop, smartwatch, xe đạp điện, ô tô điện và thậm chí cả những chiếc loa Bluetooth nữa.

    Tham khảo Android Authority


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ