Giải quyết kê đơn kháng sinh ẩu bên trong bệnh viện đã khó, bên ngoài còn khó hơn nhiều

    zknight,  

    Bán kháng sinh, dược sĩ vừa tạo thêm lợi nhuận cho mình lại vừa có thể làm hài lòng khách hàng.

    Kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi vi khuẩn gây bệnh không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Nó kéo theo đó rất nhiều hệ quả tai hại, bao gồm: việc khó khăn hơn trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Bệnh nhân sẽ phải điều trị dài hạn hơn và cũng tăng khả năng tử vong cao hơn nếu kháng sinh mất tác dụng.

    Kháng kháng sinh được thúc đẩy bởi rất nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất phải kể đến vấn đề kê đơn. Bệnh nhân có thể nhận được những đơn thuốc kháng sinh “kê ẩu”. Điều này bao gồm: sử dụng kháng sinh không cần thiết, sử dụng kháng sinh sai loại, không đúng liều lượng và thời gian điều trị.

     Kê đơn ẩu đang khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phát triển

    "Kê đơn ẩu" đang khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phát triển

    Đáng nói, tình trạng này diễn ra không chỉ bên trong bệnh viện mà còn phức tạp hơn ở cả những cơ sở ngoại trú như phòng khám, hiệu thuốc tư nhân. Trong khi chúng ta có thể hạn chế “kê đơn ẩu” trong bệnh viện một cách tương đối dễ bằng những chương trình quản lý kháng sinh, điều tương tự dường như bất khả thi đối với các cơ sở ngoại trú.

    Hãy cùng tìm hiểu xem tình trạng này có thể được giải quyết như thế nào bên trong và ngoài bệnh viện:

    Trong bệnh viện

    Kháng kháng sinh thường được nhắc đến là một “vấn đề toàn cầu”. Những dữ liệu về kháng kháng sinh thường được tổng hợp trên phạm vi quốc gia và khu vực. Nhưng có một điểm xuất phát của kháng sinh mà chúng ta đang bỏ qua, đó là trên từng đơn thuốc của bác sĩ.

    Những số liệu trên quy mô quốc gia hoặc toàn cầu có thể khiến bệnh viện và các bác sĩ “phủ nhận” vai trò trong mỗi lần kê đơn của mình. Ngược lại, điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta chỉ cần giải quyết vấn đề này. Cá nhân hóa kháng kháng sinh thay vì “toàn cầu hóa” chúng, thay đổi thói quen kê đơn của bác sĩ có thể là một giải pháp tích cực.

    Điều này đã được chứng minh thông qua hiệu quả của các chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện ở Hoa Kỳ. Từ những năm 1990, Trường Dược Đại học Florida đã thành lập một chương trình quản lý kháng sinh trên 400 bệnh viện. Họ thu thập dữ liệu sử dụng kháng sinh của mỗi bệnh viện trong vòng ít nhất 3 năm.

    Sau đó, dữ liệu được so sánh với mức đề kháng của một số loại vi khuẩn thường gây ra nhiễm trùng. Từ đây, nếu có một mối quan hệ giữa thói quen "kê đơn ẩu" của bác sĩ trong bệnh viện với tình trạng kháng kháng sinh, nó sẽ được chỉ ra cụ thể. Bởi các dữ liệu là giấy trắng mực đen, các bệnh viện và bác sĩ sẽ phải nhận trách nhiệm của họ.

     Chúng ta cần các bác sĩ có trách nhiệm hơn trong việc kê đơn

    Chúng ta cần các bác sĩ có trách nhiệm hơn trong việc kê đơn

    Ví dụ thực tế về kết quả của chiến dịch này, Imipenem, một loại kháng sinh phổ rộng, đã được xem xét với vi khuẩn Pseudomonas. Chương trình phát hiện ra rằng nếu các trung tâm y tế không thay đổi cách mà bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân, sức kháng kháng sinh của Pseudomonas sẽ tăng lên 1% cho mỗi 30 liều Imipenem trung bình cho người trưởng thành.

    Một thông điệp cụ thể như vậy sẽ khiến bác sĩ, người kê đơn thuốc có trách nhiệm hơn là những lời tuyên truyền ra rả về kháng kháng sinh là một “vấn đề toàn cầu”. Qua đó, họ sẽ ý thức được hành vi của mình và kê những đơn thuốc chuẩn xác hơn, đúng liều và thời gian điều trị.

    Hành vi kê đơn của bác sĩ tạo một ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, các báo cáo trong chương trình đã giúp thay đổi thói quen kê đơn Ciprofloxacin, một loại kháng sinh phổ biến. Từ đó, hiệu quả của nó đã tăng lên từ 26% đến 76% khi điều trị một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định.

    Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, nhiều bệnh viện lớn cũng đã triển khai chương trình quản lý kháng sinh. Tháng 3 năm 2016, Bộ Y tế cũng ban hành một tài liệu “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện” để đồng bộ hóa và phổ cập chương trình này. Tuy nhiên, hiệu quả chương trình sẽ cần nhiều thời gian để đánh giá.

    Ngoài bệnh viện

    Một khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy cứ 1.000 lượt khám ngoại trú thì có đến 506 đơn kháng sinh được kê. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 69.7% đơn thuốc hợp lý. Số còn lại được tính vào lạm dụng kháng sinh. Thông thường, đó sẽ là những bệnh như viêm phế quản, viêm xoang, viêm họng sẽ tự khỏi. Nhiều trường hợp bệnh gây ra bởi virus nên kháng sinh không có tác dụng điều trị.

    Ở Việt Nam, tuy chưa có một khảo sát tương tự, nhưng chúng ta cũng có thể dựa vào một số thống kê để nhận định vấn đề. Hiện tại, có khoảng hơn 30.000 cơ sở bán thuốc tư nhân trên toàn quốc. Một khảo sát của Bộ Y tế cho thấy có tới 91% nhà thuốc ở nông thôn và 80% nhà thuốc ở thành thị bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc.

    Do đó, để thực sự chiến đấu trong cuộc chiến chống kê đơn bừa bãi, chúng ta cần phải nhắm đến đối tượng là những cơ sở ngoại trú. Đáng tiếc, dường như điều này đang ở ngoài tầm với khi những đơn thuốc đang được kê mà thiếu sự kiểm soát.

     Bán kháng sinh, dược sĩ vừa tạo thêm lợi nhuận cho mình lại vừa có thể làm hài lòng khách hàng

    Bán kháng sinh, dược sĩ vừa tạo thêm lợi nhuận cho mình lại vừa có thể làm hài lòng khách hàng

    Ngoài ra, có một điểm mấu chốt ở đây. Nhiều khi, việc bác sĩ kê kháng sinh trong đơn thuốc dưới sự ảnh hưởng và áp lực đến từ chính người bệnh. Họ yêu cầu và “hài lòng” hơn khi có kháng sinh.

    Ví dụ thế này, một bệnh nhân bị viêm phế quản. Anh ta quyết định sẽ đi đến bệnh viện, hoặc một cơ sở khám bệnh ngoại trú, hoặc thậm chí chỉ là một tiệm thuốc. Để làm được điều đó, anh ta đã phải xin nghỉ làm một buổi sáng và giết thời gian ở phòng chờ.

    Đến lượt mình, với bệnh viêm phế quản, vị bác sĩ chỉ dành khoảng 3-5 phút để nói rằng anh nên nghỉ ngơi một chút, uống nhiều nước và sử dụng thuốc hạ sốt. Anh ta cảm thấy việc mình đầu tư quá nhiều cho buổi khám bệnh, như vậy là chưa thỏa đáng.

    Anh cần một toa thuốc, mà thường là phải có kháng sinh trong đó mới hài lòng. Các bác sĩ thì biết điều này. Trong trường hợp đó là một cơ sở bán thuốc tư nhân, thậm chí dược sĩ có thể vừa tạo thêm lợi nhuận cho mình lại vừa có thể làm hài lòng khách hàng.

     Cả bệnh nhân và y bác sĩ cần hợp tác để có trách nhiệm hơn

    Cả bệnh nhân và y bác sĩ cần hợp tác để có trách nhiệm hơn

    Vì vậy, vai trò của chính bệnh nhân trong cuộc chiến với kháng kháng sinh là rất quan trọng. Trong khi các bác sĩ cần phải tránh kê những đơn kháng sinh không cần thiết, chính bệnh nhân cũng nên loại bỏ tâm lý yêu cầu kháng sinh của mình.

    Chúng ta nên biết rằng chính mình có một phần trách nhiệm để giữ lại hiệu lực của từng viên kháng sinh cho thế hệ tương lai. Bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ và các dược sĩ rằng họ muốn hợp tác để cùng nhau hoàn thành trách nhiệm của mình.

    Đối với các chính phủ và tổ chức, nhiều biện pháp có thể được thực hiện để thúc đẩy cuộc chiến với kháng kháng sinh. Nhưng họ sẽ cần dừng việc gọi đó là một vấn đề “toàn cầu” lại, nghe rất trừu tượng. Cụ thể hơn, hãy tiến hành những giải pháp ở chính nơi mà vấn đề bắt đầu, đó là những lần gặp gỡ giữa bệnh nhân và y bác sĩ. Các đơn thuốc đang đi ra từ đó.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ