Giám đốc công nghệ FPT bật mí lĩnh vực công ty sẽ đầu tư lớn trong tương lai

    Trọng Trần, Theo Trí Thức Trẻ 

    Giám đốc công nghệ FPT chia sẻ: "Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, FPT mất hơn 30 năm để trở thành một công ty giá trị hơn 3 tỷ USD, song, khi Blockchain xuất hiện, chúng ta đã chứng kiến những sự thay đổi vô cùng ngoạn mục như Axie Infinity hay Coin98, chỉ trong vòng khoảng 4 năm, những công ty này đã được xây dựng trở thành những kỳ lân công nghệ".

    Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU). VBU là liên minh quy tụ các chuyên gia, tổ chức hàng đầu về Blockchain tại Việt Nam, với tầm nhìn trở thành thành tổ chức Blockchain uy tín số 1 Việt Nam, góp phần tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế số.

    Trong phiên thảo luận với chủ đề “Blockchain là cơ hội cho Việt Nam bứt phá trở thành cường quốc Công nghệ số đến năm 2030”, Giám đốc công nghệ FPT Vũ Anh Tú chia sẻ: "Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, FPT mất hơn 30 năm để trở thành một công ty giá trị hơn 3 tỷ USD, song, khi Blockchain xuất hiện, chúng ta đã chứng kiến những sự thay đổi vô cùng ngoạn mục như Axie Infinity hay Coin98, chỉ trong vòng khoảng 4 năm, những công ty này đã được xây dựng trở thành những kỳ lân công nghệ".

    Ông Tú đánh giá, trong lĩnh vực Blockchain, xuất phát điểm của các doanh nghiệp Việt Nam không chậm hơn quá nhiều so với các doanh nghiệp khác trên thế giới, thậm chí Việt Nam còn đang tạo ra các xu hướng mới trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó Blockchain là một nền tảng mở để các công ty ở Việt Nam có thể tiếp cận và phát triển những công nghệ mới một cách hiệu quả.

    Giám đốc công nghệ FPT bật mí lĩnh vực công ty sẽ đầu tư lớn trong tương lai - Ảnh 1.

    "Khi so sánh với các công nghệ khác, độ mở của Blockchain là một ưu điểm, một sự khác biệt, từ đó tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp", ông Tú cho hay.

    Ngoài ra, theo Giám đốc công nghệ FPT, Blockchain còn có tính toàn cầu (global). Ông Tú lý giải, trong khi các sản phẩm như ví điện tử, fintech hoạt động rất dễ trên nền tảng Internet ở Việt Nam, lại không dễ sử dụng ở nước ngoài. Trong khi đó, các ứng dụng về Blockchain có thể sử dụng ở nước ngoài dễ hơn rất nhiều. Và đây chính là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Blockchain.

    Ngoài ra, ông Tú nhận định, các xu hướng như play to earn, move to earn hay metaverse đang là những xu hướng vô cùng lớn. Đồng thời, vị Giám đốc công nghệ FPT cũng bật mí, metaverse sẽ là xu hướng tiếp theo mà công ty đang hướng đến.

    "Vậy thì, các công ty ở Việt Nam sẽ đánh cược vào xu hướng nào, sẽ tập trung xây dựng và phát triển những sản phẩm nào? Ở góc độ FPT, metaverse chắc chắn sẽ là một xu hướng tiếp theo mà công ty sẽ đầu tư rất lớn để nghiên cứu và phát triển", ông Tú chia sẻ.

    Ông Tú cho biết, một số đánh giá và nghiên cứu chỉ ra rằng, đến năm 2026, mỗi ngày con người sẽ dành ra tối thiểu 1 tiếng để làm việc trên không gian metaverse. Đây sẽ là một không gian ảo để mọi người chia sẻ, và đặc biệt không gian metaverse sẽ được phát triển bởi nhiều công ty khác nhau chứ không phải chỉ một đơn vị riêng lẻ.

    Đối với FPT, chúng tôi tin metaverse sẽ là tương lai”, ông Tú nhấn mạnh.

    Ứng dụng của công nghệ Blockchain không dừng lại ở lĩnh vực tài chính

    Bên cạnh các chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, các công ty công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp, lễ ra mắt VBU còn có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi tiêu biểu trong lĩnh vực Blockchain đang hoạt động tại Việt Nam và quốc tế như: Kim Long Group, EZChain, Fizen, Remitano, Ekoios, Binance, Ahamove, Metain, Fanverse, UFin, CryptoF, Metaxiz, Bizverse, FMCPAY...

    Đơn cử, nền tảng EZChain tập trung vào việc hỗ trợ phát triển các DApp có tính ứng dụng cao với thực tiễn một cách đơn giản nhất, với chi phí phát triển và vận hành thấp nhất. Đồng thời, EZChain cũng hướng tới việc cung cấp một nền tảng giúp cho các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ có thể tạo ra các blockchain riêng với nhu cầu đặc thù một cách dễ dàng.

    Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Chu Đức Minh, Giám đốc công nghệ EZChain cho hay, hiện nay blockchain chỉ mới ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, ứng dụng của công nghệ Blockchain không dừng lại ở đó, rất nhiều lĩnh vực khác như truy xuất nguồn gốc hàng hoá, công chứng điện tử, hợp đồng điện tử, y tế, giáo dục, căn cước/định danh công dân... đều có thể ứng dụng Blockchain rất tốt nhờ các ưu điểm của nó như tính minh bạch, tính nhất quán, toàn vẹn, và tính an toàn bảo mật.

    Theo ông Minh, việc thành lập Liên minh Blockchain Việt Nam sẽ tạo ra nhiều giá trị cho tất cả các bên tham gia. Theo đó, VBU sẽ là một cầu nối cho các doanh nghiệp Blockchain Việt Nam nhằm đưa những sáng kiến, đề xuất cho các cơ quan và bộ ban ngành.

    Qua đó, cơ quan và bộ ban ngành sẽ có cơ sở để xây dựng hành lang pháp lý về Blockchain ở Việt Nam được rõ ràng và cởi mở hơn; đồng thời, có những chính sách để thúc đẩy ngành công nghệ Blockchain ngày càng phát triển lành mạnh, từ đó sẵn sàng đón nhận những làn sóng công nghệ tiếp theo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ