Giảm tốc độ CPU và GPU để tăng thời lượng pin cho laptop
Giảm độ sáng màn hình, tắt Wifi, Bluetooth, giải phân mảnh ổ cứng,… vốn là những giải pháp đã quá quen thuộc với bạn. Nhưng nếu bạn muốn cải thiện thời gian sử dụng pin hơn nữa thì bạn hãy áp dụng giải pháp: giảm xung nhịp CPU/ card đồ họa
Khi nói tới thủ thuật tăng thời lượng pin, hẳn bạn đã từng thử hết các cách làm như giảm độ sáng màn hình, tắt WiFi, Bluetooth khi không dùng đến, tắt Screen Saver, tránh chạy nhiều ứng dụng và giảm thiểu chương trình khởi động cùng Windows, chống phân mảnh ổ cứng…Song kết quả thời gian sử dụng pin cải thiện không nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn can thiệp vào phần cứng, cụ thể là công việc giảm xung nhịp CPU và card đồ họa (GPU), chắc chắn thời gian dùng pin sẽ kéo lên rõ rệt, và có thể đạt 4 - 5 tiếng đúng như nhà sản xuất đã công bố.
Đối với CPU
Mặc dù những con chip xử lý hiện nay đều có thể tự động tăng/ giảm xung nhịp liên tục phụ thuộc vào công việc xử lý, tuy nhiên xung nhịp chỉ giới hạn ở mức cao nhất. Vì thế điện năng tiêu thụ sẽ luôn thay đổi, làm giảm thời gian sử dụng pin của laptop. Do đó, chúng ta sẽ giới hạn xung CPU ở một mức nào đó thấp hơn, để CPU không thể tăng vượt quá mức giới hạn này, đồng thời vừa đảm bảo tốc độ để phục vụ cho nhu cầu xử lý.
Để giới hạn xung CPU, bạn mở Control Panel/ Hardware and Sound/ Power Options, tại chế độ mà bạn đang sử dụng, bạn bấm Change plan settings rồi bấm vào mục Change Advanced Power Settings. Một cửa sổ hiện ra, bạn xem mục Processor Power Management:
- Minimum processor state (trạng thái bộ xử lý thấp nhất): bạn cứ giữ nguyên con số 5%, xung CPU sẽ hạ thấp còn 0,78GHz và không thể thấp hơn được nữa.
- Maximum processor state (trạng thái bộ xử lý cao nhất): mặc định là 100%, đạt mức xung cao nhất. Tại đây, bạn có thể giảm % xuống để hạ xung, đồng nghĩa hiệu năng sẽ giảm đi tương ứng và chắc chắn điện năng tiêu thụ sẽ giảm. Bạn lưu ý đây không phải là CPU Usage trong Task Manager.
Bạn có thể xem một đoạn video sau mà người viết đã thử nghiệm, để bạn hình dung được được hiệu năng CPU sẽ giảm như thế nào.
Bạn thấy rằng khi tình trạng CPU từ 100% xuống 82% thì xung CPU sẽ giảm từ 2.8GHz xuống còn 1.9GHz, hiệu năng CPU tuy có giảm nhưng không đáng kể, các ứng dụng vẫn chạy nhanh, game vẫn chạy mượt mà. Sau đó người viết thử hạ xuống mức 50%, hiệu năng CPU giảm khá rõ, khung hình trong game chỉ khoảng 30fps, và bạn cũng bắt đầu cảm thấy các ứng dụng chạy chậm hơn rồi. Người viết tiếp tục hạ xuống mức thấp hơn 30%, rồi 5%, xung nhịp 0.8GHz, lúc này hình ảnh trong game di chuyển chậm hơn rất nhiều, các ứng dụng load lâu hơn, bạn sẽ cảm thấy hệ thống bắt đầu ì ạch. Tuy nhiên, nếu bạn để ý vào mục Powers của CPU (trong Hardware Monitor) thì bạn sẽ thấy tại mức 100% ban đầu thì điện tiêu thụ khoảng 30W, sau khi giảm đến mức thấp nhất thì chỉ tiêu thụ khoảng 7W. Đó là khoảng điện tiêu thụ khi chơi game, nếu bạn chỉ sử dụng các ứng vụng văn phòng thì điện tiêu thụ chỉ khoảng 3-5W.
Qua thử nghiệm trên, bạn có thể thấy việc giảm % state để hạ xung CPU tại một mức nào đó (không cho phép tăng lên nữa), điện năng tiêu thụ sẽ giảm đáng kể, và chính điều này làm tăng thời lượng sử dụng pin cho laptop, nhưng vẫn đảm bảo xử lý tốt mọi công việc. Không những thế, giảm xung nhịp CPU còn giúp giảm nhiệt độ hiệu quả, laptop chạy mát hơn. Nhưng cách này sẽ làm hiệu năng giảm theo tương ứng. Như vậy, tùy theo nhu cầu công việc (xem phim, lướt web, xử lý văn bản, chơi game…) mà bạn hãy chọn mức xung thích hợp. Bạn hãy yên tâm một điều là cách làm này hoàn toàn không có rủi ro gì đến chip xử lý hết.
Nếu sử dụng cách hạ xung nhịp này cho những dòng CPU tiết kiệm điện (chẳng hạn như dòng U của CPU Ivy Bridge, vốn có xung nhịp thấp hơn 1.8GHz) thì có vẻ không thích hợp cho lắm, vì bản thân các CPU này đã tiêu thụ điện năng ít hơn rồi nên chạy chậm hơn. Cho nên cách này áp dụng với các CPU có xung nhịp cao thì sẽ thích hợp hơn. Nhưng nếu bạn muốn cải thiện thời gian sử dụng pin nhiều hơn thì có thể áp dụng.
Ngoài ra, còn một phương pháp khác là Undervolting (hạ điện thế của CPU, tức hạ VCore). Tuy nhiên, phương pháp này khá nguy hiểm vì CPU có thể sẽ không chạy ổn định, và khuyến cáo bạn không nên áp dụng. Vả lại, phương pháp này đã cũ rồi nên người viết sẽ không đề cập.
- Mẹo nhỏ: bạn có thể chọn nhanh một trong 3 chế độ mặc định: High Performance (giới hạn ở mức cao nhất), Power Saver (chạy ở mức thấp nhất 0.8GHz) và Balanced (giới hạn ở mức cân bằng, tức xung nhịp sẽ bị giảm một nửa).
Đối với card đồ họa
Card đồ họa rời là một trong những linh kiện tiêu hao khá nhiều điện. Và để tiết kiệm pin nhiều hơn, thông thường các laptop đều trang bị chế độ chuyển đổi card đồ họa. Mặc định laptop sẽ tự động chuyển sang dùng card đồ họa tích hợp Intel hoặc AMD APU cho thích hợp. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi mức sử dụng điện năng trong trình điều khiển của card đồ họa tích hợp:
Với Intel, bạn mở Graphic Properties, chọn Power và chọn Maximum Battery Life.
Với AMD, bạn mở AMD Catalyst Control Center, chọn Power, chọn chế độ Power saving graphics (với chip AMD Vision thì tùy chỉnh có thể sẽ khác).
Nhưng nếu như laptop không hỗ trợ chuyển đổi card đồ họa thì sao? Và chúng ta sẽ sử dụng cách giảm xung trên chính card đồ họa NVIDIA/AMD.
Nếu như bạn đang sử dụng card đồ họa AMD thì trong AMD Catalyst Control Center, bạn vào mục AMD OverDrive và có sẵn chỗ để bạn thay đổi xung GPU (GPU Clock) và xung bộ nhớ (Memory Clock). Tuy nhiên với NVIDIA thì trong NVIDIA Control Panel bạn sẽ không thấy.
Để giảm được xung trên card đồ họa NVIDIA. Trước tiên bạn download NVIDIA System Tools tại đây: http://www.nvidia.com/object/nvidia-system-tools-6.08-driver.html, sau đó bạn cài vào máy. Có 2 lựa chọn NVIDIA Performance Tools (các công cụ liên quan đến hiệu năng) và NVIDIA System Monitor (theo dõi tình trạng GPU như nhiệt độ,…), bạn hãy chọn Performance Tools. Sau khi cài xong, trong NVIDIA Control Panel bạn sẽ thấy xuất hiện thêm một mục là Performance. Tại đây, bạn bấm chọn Custom và có thể kéo giảm xung xuống.
Video thử nghiệm:
Bằng việc giảm xung trên GPU đến mức thấp nhất. Khi mở và chạy các ứng dụng văn phòng, lướt web hoặc xem phim,… bạn sẽ rất khó để cảm nhận sự khác biệt. Tuy nhiên, khả năng xử lý game hoặc các ứng dụng đòi hỏi năng lực xử lý card đồ họa thì bạn sẽ thấy giảm rõ rệt. Dĩ nhiên điện năng tiêu thụ sẽ giảm đi đáng kể.
Cách giảm xung trên card đồ họa này sẽ góp phần cải thiện thời gian dùng pin đáng kể, nhiệt độ tỏa ra thấp hơn. Bạn hãy yên tâm rằng giảm xung của card đồ họa không có rủi ro gì đến chip xử lý đồ họa. Tuy nhiên, nếu bạn tăng xung card đồ họa cao hơn so với ban đầu, thì bạn cần chú ý, vì đây là quá trình overclock.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"