Giáo sư Harvard gây tranh cãi, nhận định vật thể liên sao đang bay tới Hệ Mặt Trời đến từ một nền văn minh khác
Vị giáo sư này cho rằng quỹ đạo bay của 3I/ATLAS cho thấy nó cố gắng né tránh ánh mắt của giới thiên văn học.

3I/ATLAS Kính viễn vọng Không gian Hubble chụp 3I/ATLAS vào ngày 21/7/2025 - Ảnh: David Jewitt/NASA/ESA/Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian.
Một vật thể liên sao 3I/ATLAS tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi, sau khi một giáo sư nổi tiếng từ Đại học Harvard cho rằng nó có thể là sản phẩm của một nền văn minh ngoài Trái Đất.
Được phát hiện ngày 1 tháng 7 bởi kính viễn vọng ATLAS đặt tại Chile, sở hữu đường kính ước tính từ 10 đến 20 km, 3I/ATLAS là vật thể liên sao thứ ba từng được con người ghi nhận, sau 'Oumuamua (2017) và 2I/Borisov (2019). Nó đang bay hướng về phía Hệ Mặt Trời với tốc độ đáng kinh ngạc, lên tới 60 km/s.
Tuy được phân loại là một sao chổi, nhưng giáo sư vật lý lý thuyết Avi Loeb lập luận rằng đây có thể là một loại tàu thăm dò ngoài hành tinh dựa trên quỹ đạo, độ sáng và hành vi khác thường của nó.

Quỹ đạo dự kiến của vật thể 3I/Atlas - Ảnh: Tony Dunn.
Theo giáo sư Loeb, quỹ đạo nghịch hành của vật thể chỉ lệch chưa đến 5 độ so với Trái Đất, điều mà ông cho rằng xác suất xảy ra ngẫu nhiên chỉ là 0,2%. Thêm vào đó, độ sáng của 3I/ATLAS cho thấy đường kính lên tới 20 km, quá lớn đối với một tiểu hành tinh liên sao thông thường.
Điều đặc biệt là vật thể này sẽ đi ngang qua ba hành tinh lớn là Sao Kim, Sao Hỏa và Sao Mộc vào mùa thu năm nay. Loeb tính toán xác suất để xảy ra sự sắp xếp như vậy nếu đến ngẫu nhiên chỉ là 0,005%. Sao chổi này sẽ tiến gần Mặt Trời nhất vào ngày 29 tháng 10, thời điểm mà nó sẽ khuất khỏi tầm nhìn từ Trái Đất, điều mà Loeb cho là đáng ngờ. "Có thể đó là một sự sắp đặt có chủ ý nhằm tránh bị các kính thiên văn từ Trái Đất quan sát kỹ lưỡng", ông nói.
Không giống các sao chổi truyền thống, 3I/ATLAS không có đặc điểm quang phổ của khí sao chổi. Dựa trên các dữ liệu hiện tại, Loeb nhận định rằng đây có thể là thiết bị do một nền văn minh ngoài hành tinh phóng tới. "Nó có thể đã nhắm đến khu vực bên trong Hệ Mặt Trời, đúng như kỳ vọng đối với một công nghệ ngoài hành tinh", ông nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với giả thuyết đó. Richard Moissl, Trưởng bộ phận Phòng vệ Hành tinh tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nói với Newsweek: "Chưa có bằng chứng nào cho thấy 3I/ATLAS có nguồn gốc phi tự nhiên qua các quan sát hiện có".

3I/ATLAS là vị khách thứ ba (mà ta biết tới) viếng thăm Hệ Mặt Trời - Ảnh: K Ly/Deep Random Survey/CC-BY-4.0-SA.
Trong quá khứ, ông Loeb đã từng nêu ra nhiều giả thuyết về công nghệ ngoài hành tinh. Năm 2022, ông từng đưa ra nhận định tương tự về 'Oumuamua, một vật thể liên sao bí ẩn khác được phát hiện ra vào năm 2017, khi nó đã đang bắt đầu bay khỏi Hệ Mặt Trời.
Dù khẳng định đây vẫn là giả thuyết, Loeb nhấn mạnh rằng nhân loại nên chuẩn bị cho cả hai khả năng. Nếu thực sự có một thiết bị ngoài hành tinh đang tiến vào Hệ Mặt Trời, hậu quả sẽ khó lường: chúng ta không biết mục đích của họ là gì, và có lẽ tâm lý nhân loại cũng chưa sẵn sàng để biết tới sự tồn tại của một giống loài thông minh ngoài hành tinh.
Trong khi đó, giới thiên văn đang nỗ lực thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt về 3I/ATLAS. Việc phân tích quỹ đạo và thành phần của nó có thể mở ra manh mối về cách các hệ hành tinh xa xôi được hình thành và vận hành.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nói thật là, pin silicon-carbon "ngon" đấy nhưng có 3 điểm trừ này, bảo sao Apple, Samsung ngại chưa dùng
Pin silicon-carbon đang khiến người dùng công nghệ “phát sốt” vì những lợi thế quá rõ ràng, nhưng với các ông lớn hàng đầu như Apple và Samsung, câu chuyện lại không đơn giản như vậy.
Đi chơi tưởng vui, hóa ra về còn chán hơn: Bạn không phải người duy nhất mắc hội chứng này