Giáo sư Israel dự đoán: Con người sẽ tự nâng cấp mình thành "thần thánh" trong 200 năm tới

    zknight,  

    Nếu chúng ta không muốn bị gạt bỏ khỏi thế giới và vẫn là một phần của những gì đang diễn ra...

    Ngành công nghiệp vĩ đại nhất thế kỷ 21 có lẽ sẽ là nâng cấp con người”, giáo sư Yuval Noah Harari, một nhà sử học Israel tại Đại học Hebrew dự đoán. Nếu coi con người như một cỗ máy, cả phần cứng và phần mềm của chúng ta gần như đã chẳng thay đổi gì suốt 200.000 năm qua. Và bởi vậy, ông nói rằng dường như đã đến lúc.

    Nó sẽ là một ngành công nghiệp tỷ đô mới, bởi khách hàng nhắm đến là giới siêu giàu, những người sẵn sàng trả tiền để có được trải nghiệm mới về cuộc sống.

    Nhưng cũng có thể, nâng cấp con người chỉ nhằm một mục đích: trở thành "một dạng thần thánh" để khỏi tụt hậu so với sự phát triển của máy móc và trí tuệ nhân tạo, những gì đã có thể đảm đương mọi hoạt động của con người.

    Khi đó, nếu không tự nâng cấp bản thân, khả năng cao chúng ta sẽ bị gạt ra khỏi sự vận động của chính hành tinh và xã hội, mà ở đó con người đã từng là chủ nhân của tất cả.

     Con người sẽ tự nâng cấp mình thành thần thánh trong 200 năm tới

    Con người sẽ tự nâng cấp mình thành "thần thánh" trong 200 năm tới

    Khi nghĩ đến tương lai, chúng ta thường nghĩ về một thế giới trong đó, con người cũng giống hệt chúng ta bây giờ, chỉ có điều họ sử dụng những công nghệ tốt hơn: súng laser, robot có trí tuệ và những con tàu vũ trụ bay với vận tốc ánh sáng”, giáo sư Harari chia sẻ.

    Theo anh, công nghệ tiên tiến và những cuộc cách mạng không chỉ tạo ra vũ khí tốt hơn, phương tiện tốt hơn, nó còn làm ra một thứ khác tốt hơn nữa: nâng cấp Homo sapiens (loài người), cả về cơ thể lẫn trí tuệ. “Điều kỳ diệu nhất trong tương lai sẽ không chỉ là những con tàu vũ trụ, mà là cả sinh vật sẽ lái những con tàu ấy”.

    Loài người rồi sẽ nâng cấp được bản thân mình thành những vị thần”, giáo sư Harari nói. Những năng lực trong quá khứ, từng được coi là chỉ thần thánh mới có thể sở hữu, sẽ có lúc con người cũng có được. Chẳng hạn như đó là một tuổi trẻ vĩnh cửu, năng lực đọc tâm trí người khác và khả năng sắp đặt cuộc đời.

    Ngay tại lúc này, đối với nhiều người đó vẫn là những thứ gì đó bước ra từ một bộ phim viễn tưởng. Nhưng đâu đó trên thế giới này, Harari nói những gã khổng lồ công nghệ đang biến mọi thứ thành hiện thực. Ví dụ, Google đang có một bộ phận nghiên cứu giúp chúng ta tìm cách vượt qua được cái chết.

    NHỮNG NGƯỜI GIÀU SẼ TRỞ THÀNH "MỘT DẠNG THẦN THÁNH"

    Năm ngoái, giáo sư Harari cũng từng đưa ra dự đoán táo bạo, rằng thế giới chắc chắn sẽ trải qua một sự thay đổi căn bản trong vòng 200 năm tới.

    Theo đó, công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền sẽ khiến nhiều người giàu muốn trải nghiệm và biến đổi bản thân thành “một dạng thần thánh”, bất tử và kiểm soát được sự sống và cái chết.

    Điều này có thể đạt được thông qua những công nghệ lai ghép người với máy móc nhân tạo. Những thứ được giáo sư Harari gọi là “cuộc tiến hóa sinh học lớn nhất” kể từ khi sự sống hình thành.

    Trong một bài phát biểu mới đây của ông, Harari nói: “Chúng ta đã được lập trình để không bao giờ hài lòng. Ngay cả khi con người đã có được niềm vui và nhiều thành tựu, vẫn luôn luôn là chưa đủ. Con người sẽ muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa”.

    Tôi nghĩ rằng có thể trong 200 năm nữa, homo sapiens sẽ nâng cấp bản thân thành một dạng như thần thánh, thông qua thao tác sinh học hoặc kỹ thuật di truyền, tạo ra những cyborgs, nửa hữu cơ nửa vô cơ”.

    Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Harari, công nghệ này sẽ bị hạn chế mà chỉ giới giàu có mới tiếp cận nổi.

    Cho tới nay, xã hội loài người đã cùng nhau phát minh ra nhiều thứ “hư cấu”. Giáo sư Harari liệt kê đó bao gồm: tôn giáo, các vị thần, thậm chí là tiền bạc và quyền con người. Nhưng cũng chính vì chúng ta quá tin vào những thứ hư cấu này mà chính bản thân chúng ta bị kiểm soát.

    Bây giờ, câu chuyện dường như đã đi tới chỗ thay đổi. “Như những gì chúng ta thấy trong vài thế kỷ qua, con người đã ngày càng trở nên mạnh mẽ và không cần dựa dẫm vào các vị thần nữa”, Harari nói. Đến một lúc nào đó, con người có thể tự trở thành những vĩ thần.

    Nhưng liệu đó có phải một viễn cảnh tốt đẹp hay không thì còn phải xem xét nhiều yếu tố.

    Liệu viễn cảnh có tốt đẹp cho tất cả mọi người?

     Trí tuệ nhân tạo đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn

    Trí tuệ nhân tạo đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn

    Tất cả nghe chừng rất hấp dẫn, nhưng giáo sư Harari nói không phải mọi người đều có thể trở thành thần thánh sau khi cuộc cách mạng nâng cấp ập tới. Cũng giống như việc chuyển từ một chiếc điện thoại thường sang iPhone, nâng cấp con người là tốn kém.

    Nó sẽ vẽ ra một viễn cảnh, mà ở đó sự bất bình đẳng gia tăng đến đỉnh điểm. Sẽ có cả bất bình đẳng về kinh tế và bất bình đẳng về sinh học. Nhưng sự bất bình đẳng không tạo ra hệ thống nô lệ, bởi hầu hết nhiệm vụ của con người đã được thực hiện bởi robot và trí tuệ nhân tạo.

    Giáo sư Harari nói rằng chúng ta vì thế đều có ít việc hơn phải làm, rảnh rỗi sẽ đưa chúng ta đến nhiều hơn với trò chơi điện tử và dành thời gian đắm mình trong thực tế ảo. Việc nâng cấp con người lại đến từ một nghịch lý, khi công nghệ quá phát triển, chúng ta đều trở thành thứ “hoàn toàn vô dụng” và thất nghiệp.

    Trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu làm tốt hơn con người ở nhiều lĩnh vực, và không có gì đảm bảo chúng sẽ không tiến bộ nhanh hơn nữa trong tương lai. “Những đứa trẻ sống trong ngày hôm nay sẽ phải đối mặt với một hậu quả”, giáo sư Harari nói. “Hầu hết những gì chúng học được ở trường phổ thông hay đại học có thể không còn hữu dụng ở tuổi 40 hoặc 50”.

    Nếu chúng ta muốn tiếp tục có được một công việc, và nhận thức về thế giới. Thậm chí, nếu chúng ta không muốn bị gạt bỏ và vẫn là một phần của những gì đang diễn ra, con người sẽ phải tự sáng tạo và đổi mới nhanh hơn và nhanh hơn nữa.

    Đừng để một kịch bản xấu diễn ra, khi con người trở nên “vô ích” trong xã hội, chúng ta có thể đánh mất cả các giá trị trong hệ thống chính trị và kinh tế. Điều này dẫn đến kết quả, con người sẽ mất ý thức về mục đích.

     Con người có thể sẽ mất ý thức về mục đích sống, chìm đắm vào thực tế ảo, giáo sư Harari chia sẻ

    Con người có thể sẽ mất ý thức về mục đích sống, chìm đắm vào thực tế ảo, giáo sư Harari chia sẻ

    Trong một thế giới hậu công việc, nghĩa là con người chẳng phải làm gì, cảm xúc của chúng ta có thể bị phụ thuộc vào ma túy, thực tế ảo thay cho những trải nghiệm thực tế.

    Để ngăn ngừa điều này, giáo sư Harari cho biết chúng ta nên coi vấn đề này trở thành một thứ gì đó nghiêm túc, chứ không phải một bộ phim viễn tưởng. Trí tuệ nhân tạo nên là một chủ đề vượt ra khỏi các khán phòng hội nghị khoa học. Nó cũng nên được bàn luận trong chương trình nghị sự chính trị và cả đời sống hàng ngày.

    Tóm lại, chúng ta nên mở rộng tầm nhìn của chính mình về những gì có thể xảy ra trong tương lai và từ đó quyết định con đường đúng đắn của nhân loại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ