Giày cao gót, dép sandal trở thành 'cỗ máy' mới tạo ra hàng tỷ USD cho giới siêu giàu

    Lục Lam, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Một đôi giày cao gót của Christian Louboutin, một đôi bốt của thương hiệu Dr.Martens và đôi sandal đế trấu quai ngang của Birkenstock là 3 loại giày dép hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, chúng có 1 điểm chung đó là chủ sở hữu của các thương hiệu này đang kiếm được hàng tỷ USD.

    Exor NV là công ty cổ phần của Agnellis gia tộc tỷ phú Italy sở hữu thương hiệu Ferrari. Exor hồi tuần trước đã thông báo rằng họ mua gần ¼ cổ phần trong Christian Louboutin SAS. Theo đó, thương vụ này sẽ mang lại khối tài sản trị giá ít nhất 1,2 tỷ USD, theo số liệu do Bloomberg tổng hợp.

    Thỏa thuận này được thực hiện sau 2 thương vụ gần đây khác có liên quan đến chủ sở hữu của 2 thương hiệu giày nổi tiếng khác. Hãng sản xuất giày dép Birkenstock đã được bán lại cho L Catterton với mức định giá khoảng 4 tỷ euro (4,8 tỷ USD). Trong khi đó, Dr.Martens Plc. đã thực hiện đợt IPO trị giá 1,8 tỷ USD.

    Birkenstock đã mang về cho 2 anh em nhà sáng lập là Christian và Alex Birkenstock hàng tỷ USD, trong khi người em thứ 3 là Stephan đã bán cổ phần vào năm 2013. Dr.Martens giúp gia đình sáng lập thương hiệu này tạo ra khối tài sản hơn 500 triệu USD.

    Trong khi đó, Yeezy - công ty kinh doanh giày và đồ may mặc của rapper nổi tiếng Kanye West, gần đây đã được UBS Group định giá từ 3,2 tỷ USD đến 4,7 tỷ USD. Doanh số bán giày thể thao hợp tác với Adidas của Yeezy đã tăng 31% đưa doanh thu hàng năm vào năm ngoái lên gần 1,7 tỷ USD và mang về cho Yeezy 191 triệu USD tiền bản quyền.

    Giày cao gót, dép sandal trở thành cỗ máy mới tạo ra hàng tỷ USD cho giới siêu giàu - Ảnh 1.

    Những đôi sandal đế trấu quai ngang và bốt đế dày không hẳn là những mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, đại dịch khiến nhiều người phải làm việc, tương tác tại nhà theo đó người tiêu dùng lại tìm đến những sản phẩm mang lại sự thoải mái cả về vật lý lẫn cảm xúc. "Doc Martens" và "Berks" là những từ đặc biệt, vẫn giữ vững mức độ nổi tiếng qua nhiều thế hệ, từ những người sinh ra ở những năm 1970 cho đến những KOL thuộc thế hệ Z.

    Trong khi đó, dù không mang lại cảm giác thoải mái hay hoài cổ như trên, thì những đôi giày cao gót mũi nhọn của Louboutin là sự đặt cược mạnh mẽ cho sự trở lại của các bữa tiệc, cuộc sống văn phòng và cơ hội để chị em "chưng diện".

    Giày cao gót, dép sandal trở thành cỗ máy mới tạo ra hàng tỷ USD cho giới siêu giàu - Ảnh 2.

    Được thành lập vào năm 1991, Christian Louboutin đã phát triển khởi sắc với 150 cửa hàng ở 30 quốc gia. Exor cho biết họ nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thương hiệu này tại thị trường Trung Quốc và thương mại điện tử.

    Sau thương vụ với Exor, nhà sáng lập Louboutin (58 tuổi) và cộng sự Bruno Chambelland (72 tuổi) sẽ cùng giữ phần lớn cổ phần trong công ty. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong quý II năm nay.

    Quyết định bán lại của các công ty có thể là yếu tố quan trọng thu hút những chủ sở hữu của doanh nghiệp gia đình trên toàn bộ các lĩnh vực tham gia vào sự kiện đấu giá. Theo đó, lượng thanh khoản lớn cùng thị trường sôi động đã đẩy định giá tăng vọt.

    Nhà xuất bản Ý Panini là nhà sản xuất các sticker bóng đá nổi tiếng được dùng để sưu tầm và được người hâm mộ trên khắp thế giới mua bán. Công ty này đang cân nhắc về khả năng bán lại và đã thu hút được sự quan tâm từ nhiều đối tượng tiềm năng.

    Giày cao gót, dép sandal trở thành cỗ máy mới tạo ra hàng tỷ USD cho giới siêu giàu - Ảnh 3.

    Theo nhà phân tích của Bloomberg Intelligence – Deborah Aitken, đại dịch đã thúc đẩy sự thay đổi đối với ngành sản xuất giày dép thông thường, vốn đã có từ lâu.

    Bất chấp áp lực đại dịch gây ra cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ, khối tài sản của các đại gia ngành hàng xa xỉ vẫn tăng vọt trong năm vừa qua. Người giàu nhất châu Âu và là người hậu thuẫn cho thương vụ L Catterton mua Birkenstock – Bernard Arnault, đã chứng kiến khối tài sản tăng thêm 69 tỷ USD khi cổ phiếu của LVHM tăng gấp đôi. Đối thủ của ông là nhà sáng lập Kering SA – Francois Pinault, cũng ghi nhận khối tài sản tăng hơn 20 tỷ USD.

    Aitken nhận định: "Lĩnh vực hàng xa xỉ đã có kết quả kinh doanh vượt trội trong năm vừa qua và chứng minh rằng mọi ngành hàng đều có thể linh hoạt trong thời kỳ suy thoái."

    Yếu tố thúc đẩy những điều này là niềm tin về sự hồi phục sau đại dịch. Hoạt động mua sắm hàng xa xỉ trực tuyến được mong đợi sẽ trở nên sôi động hơn khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại. Đây là một thị trường quan trọng đối với những thương hiệu đắt giá nhất thế giới.

    Aitken cho hay: "Người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 thị trường hàng xa xỉ trên toàn cầu trước đại dịch. Tuy nhiên, hầu như việc mua bán của họ diễn ra ở nước ngoài. Hiện tại, họ không thể đi du lịch và các nhãn hàng xa xỉ cần đến sự bùng nổ lớn trong thương mại điện tử."

    Tham khảo Bloomberg


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ