Cứ mỗi lần lên đời thì các smartphone Android lại được nhồi nhét một đống tính năng phần cứng mới. Nhưng chúng ta có thực sự cần smartphone cấu hình mạnh như vậy không?
Các nhà sản xuất smartphone thường xuyên nói với người dùng rằng bộ xử lý lõi 8 thì tốt hơn bộ xử lý lõi 4, và điện thoại dùng RAM 3GB sẽ hoạt động tốt hơn điện thoại dùng RAM 2GB. Nhưng sự thật đằng sau những lời quảng cáo trên là gì? Trên thực tế, việc điện thoại có đạt hiệu suất như mong muốn nhờ cải thiện phần cứng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người dùng có thể không sử dụng điện thoại đến mức mà cần tận dụng hết sức mạnh phần cứng.
Hiệu suất hoạt động của smartphone phụ thuộc vào cách phần cứng và phần mềm kết hợp với nhau. Một chiếc điện thoại có thể sở hữu bộ xử lý mạnh nhất thế giới, nhưng nếu các phần mềm và ứng dụng chạy trên đó không được tối ưu hóa hoặc thời lượng pin không đủ kéo dài một ngày mà không phải sạc, trải nghiệm của người dùng sẽ không tốt như mong đợi.
Dưới đây là một số nhầm tưởng phổ biến về bộ xử lý, RAM, pin và màn hình quad HD.
Bộ xử lý: nhiều lõi hơn không có nghĩa là tốt hơn
Hiệu suất hoạt động của một chiếc smartphone phụ thuộc nhiều vào bộ xử lý của nó. Bộ xử lý lõi đơn chỉ có thể thực hiện một nhiệm vụ tại một thời điểm. Bằng cách tăng số lõi, bộ xử lý có thể xử lý đồng thời nhiều nhiệm vụ, ví dụ như chạy nhiều hơn một ứng dụng cùng một lúc. Tuy nhiên, vượt quá một mức độ nào đấy, những ưu điểm chỉ còn trên giấy tờ.
Một thiết bị dùng bộ xử lý lõi 8 không phải luôn nhanh hơn thiết bị dùng bộ xử lý lõi 4. Những iPhone chạy bằng bộ xử lý lõi kép còn dùng mượt hơn nhiều điện thoại Android chạy bằng bộ xử lý lõi 8. Thiết kế của bản thân bộ xử lý và hệ điều hành cài đặt trên máy cũng rất quan trọng. Ví dụ như bộ xử lý 64-bit có thể xử lý dữ liệu và mở ứng dụng nhanh hơn và tối ưu hóa bộ nhớ tốt hơn so với bộ xử lý 32-bit.
Màn hình: nội dung quad HD vẫn còn ít
Màn hình quad HD (2560x1440 pixel) đang ngày càng trở nên phổ biến trong các dòng điện thoại cao cấp. Trên lý thuyết, độ phân giải màn hình của quad HD cao hơn so với full HD (1920x1080 pixel). Điều này có nghĩa là nội dung hiển thị trên màn hình quad HD sẽ sắc nét và chi tiết hơn full HD. Thế nhưng vấn đề lại nằm ở mắt người khi chúng ta không thể thực sự nắm bắt được những cải thiện về chất lượng hình ảnh trên màn hình nhỏ của smartphone.
Ngoài ra, nội dung quad HD hiện nay vẫn chưa phong phú. Hơn nữa, vì phải phân giải nhiều pixel hơn, thời lượng pin điện thoại cũng sẽ hao nhanh hơn. Một chiếc iPhone 6s với độ phân giải màn hình là 1334x750pixel, chỉ là “muỗi” so với một số dòng điện thoại Android cao cấp, nhưng chất lượng màn hình trông vẫn tốt như full HD, thậm chí còn hơn.
RAM: lớn tốt hơn, nhưng không đáng kể
Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) lớn giúp smartphone xử lý nhiều nhiệm vụ hiệu quả hơn. Một số người mở nhiều ứng dụng cùng một lúc sẽ thích thu nhỏ ứng dụng và để nó chạy sau màn hình trong khi chuyển sang dùng một ứng dụng khác mà không phải đóng ứng dụng trước lại. Nhưng chúng ta có thực sự cần RAM 4GB?
Một chiếc iPhone 6 chỉ có RAM 1GB nhưng lại có thể xử lý nhiều nhiệm vụ đồng thời hiệu quả như một chiếc điện thoại Android dùng RAM 2GB hoặc 3GB. Ngoài ra, nếu điện thoại của bạn không chạy bằng bộ xử lý 64-bit, bất cứ loại RAM nào lớn hơn 3GB cũng không có tác dụng vì hệ thống không thể sử dụng nó được.
Vậy thì chúng ta cần gì?
Tối ưu hóa phần mềm: câu chuyện bị quên lãng
Thiếu tối ưu hóa phần mềm tiếp tục là vấn đề với hầu hết điện thoại Android. Đây là lý do tại sao nhiều lúc máy bị đơ, ứng dụng bị sập và thời lượng pin kém. Tính tùy biến là một khía cạnh quan trọng mà các nhà sản xuất smartphone hay khai thác để làm nổi bật mình so với đối thủ.
Nhưng họ quên mất là người dùng không phải lúc nào cũng có đủ chuyên môn hoặc nguồn lực để tối ưu hóa các tính năng bổ sung cho hệ điều hành Android. Và trong lĩnh vực này, Android vẫn hay có tiếng xấu. Chẳng hạn, Samsung phải mất một vài năm để ổn định giao diện TouchWiz và mặc dù ROM MiUi của Xiaomi nhìn thì đẹp nhưng đôi lúc lại bị tối.
Bộ nhớ và pin: càng lớn càng tốt
Bộ nhớ trong cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của điện thoại. Điện thoại thường có các lựa chọn bộ nhớ 4GB, 8GB, 16GB, 32GB, 64GB và 128GB. Nếu người dùng sử dụng gần hết bộ nhớ, hiệu suất hoạt động của điện thoại có thể kém đi. Hệ thống sẽ mất nhiều thời gian hơn để người dùng tìm file muốn truy cập, và đôi lúc máy có thể bị đơ.
Pin lớn cũng là một lợi thế, khi người dùng không phải sạc điện thoại quá nhiều lần. Nếu pin điện thoại không mạnh, người dùng có thể cài đặt điện thoại để cải thiện chất lượng pin. Ví dụ như dùng chế độ tiết kiệm pin sẽ làm hạn chế sử dụng một số ứng dụng nhất định và kéo dài thời lượng pin.
Tham khảo: livemint
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming