Gigabyte GTX 960 G1 Gaming & WindFore 2X OC: Khẳng định đẳng cấp!
Linh kiện cực chất, thiết kế cực đẹp - Gigabyte khẳng định họ đang sở hữu chiếc GTX 960 “đỉnh” nhất.
Dựa trên kiến trúc Maxwell mới nhất của Nvidia, GTX 960 được giới công nghệ và game thủ đánh giá rất cao về hiệu năng cũng như khả năng tiết kiệm điện ưu việt. Thực tế tại Việt Nam, đây cũng đang là lựa chọn sáng giá nhất phân khúc trung cấp. Từ 5 triệu tới 7,5 triệu đồng, câu trả lời duy nhất chỉ có GTX 960 mà thôi!
Làm chủ một phân khúc rộng như thế, không lạ gì khi các hãng đều tung hẳn 2 phiên bản GTX 960: Một bản giá thấp, thiết kế bình thường và p/p ngon; và một bản cao cấp OC sẵn, thiết kế đẹp dành cho game thủ kỹ tính nhưng giá cao hơn.
Tại thị trường Việt Nam, Gigabyte là một thương hiệu nổi tiếng… bán đắt hơn hẳn các thương hiệu khác. Tuy nhiên các sản phẩm của họ phải nói là “đắt xắt ra miếng” với thiết kế trau chuốt, linh kiện cao cấp chất lượng và đặc biệt chế độ bảo hành chu đáo nhanh gọn. Trong quý 1 vừa rồi, Gigabyte cũng cho ra mắt 2 phiên bản GTX 960 nhưng khác các hãng còn lại, họ định vị 2 sản phẩm của mình ở mức cao cấp và… rất cao cấp, mang tên WindForce 2X OC và G1 Gaming.
Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem 2 chiếc GTX 960 này có điểm gì đặc biệt so với phần còn lại của thị trường mà Gigabyte có thể tự tin tới vậy?
Gigabyte GTX 960 G1 Gaming
Vỏ hộp của GTX 960 G1 Gaming rất lớn nhưng đơn giản và không mấy bắt mắt. Phụ kiện đi kèm gồm 2 cáp chuyển nguồn Molex - 6 pin và sách hướng dẫn sử dụng.
Card được bọc nilon cẩn thận, cộng với lớp mút chống shock cực dày.
Toàn bộ giới công nghệ hiện nay đều phải công nhận G1 Gaming là chiếc GTX 960 đỉnh nhất hiện nay. Cầm chiếc card trên tay, tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. GTX 960 G1 Gaming sở hữu chiều dài khủng và tản nhiệt 3 quạt. Ngoại hình và thiết kế không hề kém các card GTX 980 - sản phẩm cao cấp hàng top 1 hiện nay của Nvidia.
Mặt nạ tản nhiệt không hầm hố theo kiểu màu mè mà sử dụng nhiều góc cạnh trên nền đen để tạo điểm nhấn.
Số lượng cổng xuất hình lên tới 6 với 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 3 cổng DisplayPort. Với 6 cổng này, Gigabyte GTX 960 G1 Gaming hỗ trợ xuất tới 4 màn hình cùng lúc với độ phân giải tối đa là 5120 x 3200.
Chiều dài là một điểm nhấn mạnh tạo nên vẻ cao c ấp cho sản phẩm. Thêm một số hình ảnh tổng thể của chiếc card chụp từ nhiều góc khác nhau:
Ở mặt sau, GTX 960 G1 Gaming được trang bị back-plate rất dài có nhiệm vụ đỡ board mạch và tản nhiệt cho các linh kiện ở mặt sau board.
Logo G1 Gaming rất đẹp in trên back-plate:
Sản phẩm được chăm chút kỹ lưỡng ở mọi góc độ, dù nhìn từ phía nào trông cũng rất gấu:
Đối với người dùng vỏ case hông mica khoe hàng, phía cạnh trên của card rất quan trọng vì đây là phần chĩa thẳng ra ngoài cửa sổ mica. Về điểm này GTX 960 G1 Gaming cũng miễn chê.
Không giống đa số card GTX 960 khác, G1 Gaming yêu cầu tới 2 nguồn phụ 6 pin để hỗ trợ ép xung ổn định.
Nói về tản nhiệt, quạt WindForce của Gigabyte là cái tên trứ danh với lưu lượng gió lớn mà độ ồn cực thấp. Vì thế Gigabyte tự tin gắn chữ “SILENT” lên tản nhiệt của mình.
Tháo mặt nạ tản nhiệt ra, board mạch thể hiện rõ chất lượng với 6 phase điện cho GPU - nhiều nhất trong số GTX 960 có mặt trên thị trường. Các phiên bản cao cấp của hãng khác cũng chỉ có nhiều nhất 4 phase GPU mà thôi.
Toàn bộ mosfet và chip nhớ đều được dán miếng thermal-pad tiếp xúc chặt chẽ với tản nhiệt. Chiều dài board mạch được “ăn gian” bởi miếng back-plate.
GTX 960 G1 Gaming sử dụng chip nhớ cao cấp của SAMSUNG.
Bóc miếng thermal-pad ra, ta có thể thấy mỗi phase điện có tới 3 mosfet trở kháng thấp, không những nhiệt độ hoạt động thấp mà điều khiển điện năng cũng chính xác hơn so với 2 mosfet.
Tản nhiệt được trang bị 4 heat pipe dài, chắc chắn thỏa mãn TDP 120W của GTX 960. Cả 4 heat pipe này tiếp xúc trực tiếp với GPU chứ không thông qua đế trung gian.
Gia công kỹ lưỡng tới từng đường nét:
GTX 960 G1 Gaming rất đẹp khi nằm trên benchtable của tôi. Card dài và hầm hố, nhìn “nuốt” cả bo mạch chủ full size ATX.
Dòng chữ “WINDFORCE” hiện led xanh rất đẹp khi hoạt động, đảm bảo đẹp nếu nằm trong các thùng máy có cửa sổ mica.
Nhìn chung, G1 Gaming quả xứng đáng là chiếc GTX 960 cao cấp nhất, từ thiết kế, linh kiện cho tới tản nhiệt.
Gigabyte GTX 960 WindForce 2X OC
Giờ tới lượt GTX 960 WindForce 2X OC - sản phẩm được Gigabyte định dạng thấp hơn bản G1 Gaming nhưng nằm ngang chiếu với bản cao cấp của các thương hiệu khác. Vỏ hộp có phần nhỏ hơn G1 Gaming, nhưng phụ kiện đi kèm và đóng gói bên trong thì giống hệt:
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ta có thể thấy GTX 960 WindForce 2X OC có cùng triết lý thiết kế với G1 Gaming, nhưng là một bản rút gọn: Ngắn hơn, chỉ có 2 quạt tản nhiệt và ít đường nét sắc sảo hơn.
Nhận xét một cách khách quan, bản GTX 960 WindForce 2X OC này cũng đẹp nhưng chưa phải xuất sắc, pha trộn một chút giữa hầm hố và đơn giản.
Giống như bản G1 Gaming, card cũng yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin, chứng tỏ Gigabyte cũng hướng sản phẩm này tới phân khúc OC.
Cạnh trên của chiếc card cũng tương đối đẹp. Dòng chữ “WINDFORCE” không có led như G1 Gaming.
Lưng board mạch chi chít linh kiện, hứa hẹn là một sản phẩm chất lượng tốt.
Các cổng xuất hình bố trí giống hệt bản G1 Gaming với 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 3 cổng DisplayPort. Card cũng hỗ trợ xuất 4 màn hình cùng lúc, độ phân giải cao nhất 5120 x 3200.
Mở tản nhiệt ra, tôi nhận thấy board mạch của WindForce 2X OC nhìn rất quen, hình như rất giống với G1 Gaming:
Quả đúng như thế, WindForce 2X OC cũng có 6 phase GPU với 3 mosfet mỗi phase. Ngoài ra vị trí linh kiện cũng giống hệt G1 Gaming, chỉ khác ở chiều dài vì không có back-plate. Hàng mosfet được tản nhiệt bởi heat-sink nhôm.
Cạnh 2 chân nguồn 6 pin, tôi thấy có 2 chân fan giống y như G1 Gaming, dù rằng bản WindForce 2X OC không dùng đến 2 chân fan này. Bây giờ thì có thể khẳng định G1 Gaming và WindForce 2X OC dùng chung bo mạch, chỉ khác nhau ở tản nhiệt và back-plate mà thôi.
Chip nhớ cũng do SAMSUNG cung cấp.
Bo mạch được sản xuất tại Đài Loan chứ không phải Trung Hoa lục địa.
Tản nhiệt của WindForce 2X OC có 3 heat pipe tiếp xúc trực tiếp với GPU:
Tản nhiệt cũng được gia công kỹ:
Ép xung 2 sản phẩm
GTX 960 G1 Gaming được Gigabyte ép xung sẵn lên 1241/1753 MHz so với mặc định 1127/1153 MHz của Nvidia. Khi chơi game, card hoạt động ở xung boost 1380/1753 MHz.
Xung sẵn của GTX 960 WindForce 2X OC thấp hơn một chút là 1216/1753 MHz. Tuy nhiên khi tải nặng, card cũng chạy với xung boost 1380/1753 MHz.
Sử dụng board mạch và linh kiện giống nhau, cả 2 card đều có thể ép xung lên mức 1360/2050 MHz, boost lên 1548/2050 MHz khi chơi game. 2050 MHz là mức xung nhớ tương đối cao so với các card GTX 960 khác tôi đã từng test.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Card đồ họa:
- Nvidia GTX 660
- Nvidia GTX 760
- Nvidia GTX 770
- Nvidia GTX 960
- Nvidia GTX 970
- AMD R9 280X
- Gigabyte GTX 960 WindForce 2X OC
- Gigabyte GTX 960 G1 Gaming
Phần mềm và game thử nghiệm
- Nvidia Driver 347.52 WHQL
- AMD Driver Catalyst 14.12 WHQL
- 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
- 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
- 3DMark 2013: Fire Strike
- Batman: Origins (DX 11)
- BioShock Infinite (DX 11)
- Crysis 3 (DX 11)
- Dirt 3 (DX 11)
- Hitman Absolution (DX 11)
- Metro: Last Light (DX 11)
- Total War Rome 2 (DX 11)
- Sleeping Dogs (DX 11)
- Sniper Elite V2 (DX 11)
- Tomb Raider (DX 11)
Kết quả thử nghiệm
Nhiệt độ - Độ ồn
Vào thời điểm thực hiện bài test này, nhiệt độ phòng đang là 20 độ C.
Nhiệt độ hoạt động của Gigabyte GTX 960 WindForce 2X OC trên benchtable:
- Idle: 26 độ C, fan không quay.
- Game (Default): 62 độ C, fan 24% ~ 830 vòng/phút.
- Game (@1360/2050 MHz): 64 độ C, fan 27% ~ 945 vòng/phút.
Nhiệt độ hoạt động của Gigabyte GTX 960 G1 Gaming trên benchtable:
- Idle: 26 độ C, fan không quay.
- Game (Default): 66 độ C, fan 30% ~ 970 vòng/phút.
- Game (@1360/2050 MHz): 69 độ C, fan 27% ~ 1210 vòng/phút.
Cả 2 card đồ họa đều sở hữu tính năng “0dB Semi-Passive Fan”: Quạt tản nhiệt ngừng quay, im lặng tuyệt đối khi tải nhẹ.
Nhiệt độ hoạt động của WindForce 2X OC và G1 Gaming đều rất mát mẻ, cách xa ngưỡng 80 độ C - ngưỡng giảm xung của series GTX 900, trong khi quạt vẫn quay với tốc độ rất thấp. Vào tiết mùa hè, chắc chắn nhiệt độ vẫn không phải là vấn đề khi tăng tốc độ quạt lên.
Tổng kết
Biểu đồ tổng kết hiệu năng của 2 sản phẩm so với các VGA khác trong phân khúc:
G1 Gaming đúng là chiếc GTX 960 đẳng cấp, sở hữu rất nhiều cái nhất: VGA dài nhất, đẹp nhất, hầm hố nhất, board mạch & linh kiện ngon nhất. Không có gì để bàn cãi về sự vượt trội của chiếc card so với các bản GTX 960 khác trên thị trường. Tuy nhiên cùng với đó, giá sản phẩm cũng cao hơn hẳn, lên tới 6.799.000 VNĐ. Vì thế, GTX 960 G1 Gaming chỉ phù hợp với các game thủ có máu chơi mà thôi.
Nếu như giá thành là một vấn đề khi tiếp cận bản G1 Gaming, bản WindForce 2X OC sẽ là câu trả lời hợp lý hơn cho game thủ. Sử dụng chung board mạch với G1 Gaming, GTX 960 WindForce 2X OC có linh kiện ngon hơn hẳn sản phẩm của các hãng khác. Tản nhiệt của GTX 960 WindForce 2X OC cũng hoạt động hoàn hảo, hình thì khá đẹp. Dù giá 6.249.000 VNĐ cao hơn so với mặt bằng chung nhưng tương đối xứng đáng.
Ưu:
- Hình thức đẹp.
- Board mạch & linh kiện ngon với 6 phase GPU.
- Khả năng ép xung bộ nhớ cao (xung nhớ ảnh hưởng nhiều tới hiệu năng GTX 960).
- Tản nhiệt mát, im lặng tuyệt đối.
- Xung boost cao.
Nhược:
- Giá cao.
- Không OC sẵn xung nhớ.
* Xin cảm ơn Công ty Máy tính An Phát đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?