Gigabyte GTX 980 Ti Xtreme Gaming: Card đồ họa mạnh dành cho phái mạnh
Trong số các chiếc GTX 980 Ti từng qua tay (số lượng không dưới 5), bản Xtreme Gaming này của Gigabyte là sản phẩm đẹp nhất, mạnh nhất và ấn tượng nhất.
Một trong những điểm nhấn lớn trong chiến lược phát triển sản phẩm của Gigabyte thời gian gần đây là cho ra lò Xtreme Gaming - dòng card đồ họa mới nhất, cao cấp nhất, được đầu tư nhiều cách tân trong thiết kế, rũ bỏ trường phái bảo thủ bấy lâu nay.
Sau GTX 950 Xtreme Gaming, hôm nay tôi lại có dịp được thử nghiệm một chiếc card khác của dòng sản phẩm cực ngon này, mà lần này lại là một chiếc card vô cùng cao cấp: GTX 980 Ti!
Gigabyte GTX 980 Ti Xtreme Gaming
Đầu tiên nhận xét về thiết kế, phải công nhận Gigabyte đã đi đúng hướng trong việc lựa chọn phong cách và tông màu cho Xtreme Gaming. Với màu sắc chủ đạo đen-trắng (trong đó màu đen chiếm nhiều hơn), các card Xtreme Gaming rất dễ phối với những linh kiện còn lại của dàn máy.
GTX 980 Ti Xtreme Gaming có chiều dài khoảng 28 cm, cầm trên tay nặng chình chịch. Để cõng sức nặng như vậy mà không bị cong board mạch, Gigabyte trang bị cho đứa con cưng một miếng back-plate dày đỡ đằng sau.
Tản nhiệt có chiều dày chiếm 2,5 slot PCI, tuy đẹp và hoành tráng, hứa hẹn hiệu năng tản nhiệt tốt nhưng lại giới hạn khả năng chạy SLI chỉ có 2-way.
Chiếc card có 5 cổng xuất hình gồm 1 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 3 cổng DisplayPort, có thể xuất hình tối đa ra 4 màn hình.
GTX 980 Ti có 2 cầu SLI, hỗ trợ tối đa 4 card cùng lúc.
Những hình ảnh chi tiết khác của chiếc card, mời các bạn xem lại bài viết Mở hộp Gigabyte GTX 980 Ti Xtreme Gaming.
Linh kiện & tản nhiệt
Ngoại hình đẹp lung linh, lại thêm đèn led đổi màu nhấp nháy đầy chất chơi, hẳn nội thất cũng phải tương xứng. Tôi sẽ mổ bụng chiếc card ngay bây giờ:
Thời gian gần đây làng card đồ họa nổi lên trào lưu to - dài - nạc nhưng chỉ để cho đẹp, mở tản nhiệt ra thì board mạch trống huơ trống hoác chẳng có gì. GTX 980 Ti Xtreme không như vậy: Linh kiện chi chít gần kín diện tích, lại toàn đồ xịn.
Đáng chú ý nhất là dàn 12 phase cấp điện cho GPU, tất cả các phase đều chơi mosfet DrMos và tụ dán. Giữa đế tản nhiệt và dàn mosfet có đệm 1 lớp thermal pad, tiếp xúc vô cùng chặt chẽ, đến mức rách và rơi vụn 1 chút khi tháo tản nhiệt ra. Những đốm trắng trắng các bạn nhìn thấy trên mosfet và board mạch chính là chúng. Lực lượng phase điện này chắc chắn vượt quá khả năng tiêu thụ của GPU, ép xung tẹt ga.
Mạch VRM được trang bị tới 2 phase điện lớn ( góc dưới bên phải trong ảnh trên).
Chip nhớ do Samsung - hãng sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới cung cấp. Giống như dàn mosfet, toàn bộ chip nhớ cũng tiếp xúc với đế tản nhiệt qua lớp thermal pad trung gian. Bóc lớp này ra thì 1 phần chữ in trên chip cũng đi theo.
GPU GM200 được sản xuất trên tiến trình 28 nm, chứa tới 8 tỷ transistor, kích thước lớn và rất… tốn keo tản nhiệt. Xếp xung quanh GPU là 12 chip nhớ GDDR5 512 MB, tạo thành bộ nhớ 6 GB - sẵn sàng chiến game ở độ phân giải cao hơn Full HD.
Ngoài 2 chân nguồn 8 pin, chiếc card còn 1 chân nguồn 6 pin nữa “núp” ở rìa phải bo mạch, hỗ trợ các tay đua ép xung đua điểm bằng nitơ lỏng, nâng công suất tiêu thụ tối đa lên tới 450W!
Chất lượng tản nhiệt không có điểm gì phải nghi ngờ. Chiếc card được trang bị tới 6 ống đồng đường kính lớn. Đế tản nhiệt cũng làm bằng đồng, diện tích rộng để tiếp xúc & tản nhiệt cho cả GPU, chip nhớ lẫn phase điện.
Cắm điện lên đèn
Gigabyte GTX 980 Ti Xtreme được trang bị hệ thống đèn led vô cùng độc đáo, có khả năng đổi màu theo nhịp. Điểm hay nhất là Gigabyte khéo léo đặt các vòng led tròn vào sau 3 quạt tản nhiệt, khiến chúng trông giống các động cơ phản lực, dù màu mè nhưng vẫn ngầu chứ không hề “cải lương”.
Game thủ cũng có thể chọn cố định một màu để phối với linh kiện và dàn đèn của thùng máy, hoặc thậm chí tắt hẳn cả đèn led bằng phần mềm OC GURU II của hãng.
Đèn báo “FAN STOP” khi nhiệt độ mát, quạt không quay.
Thông số - Ép xung
Với dàn linh kiện chất lượng như thế cùng với GPU được chọn lọc kỹ lưỡng, Gigabyte mạnh bạo đẩy xung nhân tới 1216 MHz, tức cao hơn 21% so với thiết lập ban đầu của Nvidia. Đó mới chỉ là mức xung danh định, còn thực tế luôn boost lên 1430 MHz khi chơi game. Thật là khủng khiếp!
Xung nhớ được ép nhẹ một chút: 1801 MHz so với mặc định của Nvidia là 1753 MHz.
Mức xung ban đầu vốn đã rất cao rồi nên khoảng trống để OC thêm cũng không nhiều. Xung nhịp cao nhất tôi đạt được để chiếc card chạy ổn định là 1290/2025 MHz. Xung boost khi chơi game lúc này là 1529 MHz - cao hơn hơn 50% so với con số 1000 MHz mà Nvidia công bố.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z170 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-6600K @4,6 GHz
Bộ nhớ: 2 x 8 GB Avexir Core Series DDR4 2666 MHz
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: Seasonic X650
Card đồ họa:
- Nvidia GTX 970 (1051/1753 MHz)
- Nvidia GTX 980 (1127/1753 MHz)
- Nvidia GTX 980 Ti (1000/1753 MHz)
- Nvidia GTX 970 SLI
- Nvidia GTX Titan X (1002/1753 MHz)
- Gigabyte GTX 980 Ti Xtreme Gaming (1216/1801 MHz)
Xin cám ơn ASRock Việt Nam và Công ty Máy tính Vĩnh Xuân đã tài trợ bo mạch chủ ASRock Z170 Extreme4 cho cấu hình thử nghiệm của chúng tôi.
Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã tài trợ kit nhớ Avexir Core Series DDR4 2666 MHz cho testbench của chúng tôi.
Kết quả thử nghiệm
Nhiệt độ - Độ ồn
Thời điểm tôi thực hiện test nhiệt độ đang là trong Tết, miền Bắc khá ấm áp và nhiệt độ phòng là 20 độ C. Nhiệt độ hoạt động của Gigabyte GTX 980 Ti Xtreme Gaming trên benchtable:
- Idle: Nhiệt độ 40 độ C, quạt không quay.
- Game: Nhiệt độ 65 độ C, quạt 44% ~ 1590 vòng/phút.
- Game (ép xung 1290/1950 MHz): Nhiệt độ 68 độ C, quạt 50% ~ 1800 vòng/phút.
Với GPU hàng đỉnh nhất và cũng ngốn điện nhất hiện nay như GM200, cộng thêm xung nhịp ép sẵn cao ngất ngưởng, nhiệt độ hoạt động của chiếc card như vậy là cực ngon. Thậm chí khi tôi chơi game nhẹ như Dota 2, quạt tản nhiệt còn… không thèm quay vì nhiệt độ vẫn còn quá mát.
Độ ồn cũng rất xuất sắc. Dù có dí tai vào sát bên card và căng ra nghe ngóng, tôi vẫn không nghe ra một tiếng động nào hết.
Kết luận
Biểu đồ tổng kết hiệu năng:
Đắt xắt ra miếng! Trong số các chiếc GTX 980 Ti từng qua tay (số lượng không dưới 5), bản Xtreme Gaming này của Gigabyte là sản phẩm đẹp nhất, mạnh nhất và ấn tượng nhất. Xung nhịp ép sẵn rất cao giúp Xtreme Gaming mạnh hơn tới 13,4% so với bản chuẩn, còn khi ép xung lên đã vượt qua cả GTX 970 SLI.
Tuy nhiên hiệu năng không phải điểm làm tôi thích thú nhất, mà chính là cách bố trí đèn led độc đáo của Gigabyte. Dải đèn led của chiếc card có khả năng đổi màu và nhấp nháy theo nhịp, có thể phối với nhiều ánh sáng led khác nhau bên trong thùng máy. Kỳ thực làm led nhấp nháy đổi màu không hề khó nhưng trước nay chưa hãng nào dám làm vì dễ phản tác dụng, biến một sản phẩm từ cao cấp thành màu mè cải lương. Nhưng Gigabyte đã làm rất khéo léo, đặt các vòng led đằng sau quạt tản nhiệt, khiến chúng trông giống như các động cơ phản lực vậy!
Sản phẩm này của Gigabyte có giá 18.799.000 VNĐ, đắt hơn bản Gaming của hãng khác khoảng 1 triệu đồng nhưng vô cùng đáng để game thủ đặt lên bàn cân.
Ưu:
- Hình thức đẹp, ngầu.
- Tính năng nháy led theo nhịp độc đáo.
- Linh kiện, tản nhiệt vô cùng chất lượng.
- Ép xung sẵn cao, hiệu năng cực mạnh.
- Nhiệt độ mát mẻ, hoạt động im lặng.
Nhược:
- Chiếm 2,5 slot nên khó chạy SLI 3-4 card.
Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (Hanoi Computer, 43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã hỗ trợ các card đồ họa khác để chúng tôi hoàn thiện bài review này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4