Gigabyte H370 Aorus Gaming 3: Ranh giới mong manh giữa thị trường cao cấp và tầm trung
Đây là một bo mạch chủ tầm trung hay cao cấp, chúng tôi cũng rất bối rối khi không biết đặt nó vào phân khúc nào.
Ngày hôm nay - 3/4/2018, Intel chính thức cho ra mắt bộ ba chipset H310, B360 và H370 dành cho các CPU thế hệ 8 Coffee Lake. Khác một chút với mọi năm là khi CPU được ra mắt thì các chipset dành cho mọi phân khúc sẽ đồng loạt được tung ra. Nhưng với Coffee Lake thì phải chờ gần nửa năm kể từ khi bo mạch chủ Z370 ra đời chúng ta mới thấy được sự xuất hiện của những người anh em của nó. Với một chút may mắn, chúng tôi đã có dịp được trải nghiệm nhanh bo mạch chủ H370 Aorus Gaming 3 đến từ Gigabyte.
Thiết kế ở vỏ ngoài của H370 Aorus Gaming 3 khá tương đồng với những chiếc Z370 cùng mang thương hiệu gaming Aorus của Gigabyte. Logo đầu chim với phối màu nhôm phay xước trên nền đen cam ấn tượng đầy chất công nghệ. Một số biểu tượng nhỏ ở góc phải thể hiện cho các tính năng nổi bật của sản phẩm như âm thanh, hiệu ứng LED, tính năng quản lý hệ thống tản nhiệt và hệ thống mạng không dây tiên tiến Intel CNVi
Mặt sau là những nội dung đầy đủ và trực quan hơn về toàn bộ sản phẩm. Có rất nhiều tính năng quen thuộc nhưng cũng có rất nhiều cái mới ở đây. Góc bên trái là hình ảnh của chiếc bo mạch chủ cùng với bảng thông tin chi tiết về sản phẩm.
Khi nhìn vào chiếc bo mạch chủ thì chúng tôi thấy được một vẻ ngoài đầy cao cấp của nó chứ không hề kém cạnh gì so với dòng Z370. Những tấm heatsink và cover rất ngầu cùng với những khe cắm bọc kim loại sáng loáng mà mới chỉ cần nhìn qua thôi là chúng ta đã biết rằng bo mạch chủ này sẽ ngốn không ít tiền của game thủ.
Nước mạch màu đen rất cao cấp và hợp với đa số các kiểu build máy tính hiện nay. Một logo đầu chim được sơn chìm vào lớp mạch tiếp tục gợi nhắc đến bộ nhận diện thương hiệu của Aorus.
Chi tiết hơn một chút, chúng ta có thể thấy hệ thống mosfet heatsink cho mạch VRM cũng như heatsink của PCH đều có tạo hình khá là cứng cáp với những đường vát khá sâu tạo cá tính riêng cho sản phẩm. Không quá phụ thuộc vào lớp sơn phủ, các mảng nhôm phay xước lại tạo một vẻ rất sang trọng khi kết hợp cùng những đường họa tiết màu cam vốn là tone màu chủ đạo của dòng sản phẩm Aorus Gaming. Heatsink PCH thì khá lớn, chiếm rất nhiều diện tích của mạch và cũng che bớt đi khá nhiều linh kiện bên dưới nó nên nhìn bo mạch chủ khá sạch sẽ và đơn giản. Điều đặc biệt hơn ở các mosfet heatsink là số lượng rãnh được tạo ra rất nhiều để tăng tiếp xúc với không khí bên ngoài. Điều này giúp mosfet mát hơn những thiết kế heatsink chỉ giống như một cục kim loại được tạo hình cho đẹp rồi đặt lên trên.
Các khe cắm chính của bo mạch chủ đều được bọc kim loại trông vừa chắc chắn vừa cao cấp. Trong đó phải kể đến 4 khe RAM, 2 khe PCIe x16 và 1 khe M.2 chính có thêm cả một tấm heatsink đen cực ngầu. Bên cạnh những khe cắm đã được liệt kê thì H370 Aorus Gaming còn có thêm 2 khe cắm M.2 nâng tổng số SSD M.2 có thể cắm lên được là 3. Ngoài ra có tới 4 khe PCIe x1 dành cho các linh kiện bổ trợ khác như card wifi, card sound, USB HUB v.v…
Chi chuyển một chút xuống bên dưới chúng ta có mạch âm thanh Amp –up audio của Gigabyte. Không chỉ đầu tư những chiếc tụ vàng âm thanh như chúng ta vẫn thấy mà thậm chí còn có cả 4 tụ âm thanh chuyên nghiệm WIMA được sử dụng trong các amplifier nghe nhạc Hi-Fi. Điều này đảm bảo một chất âm cực đẹp sẽ được thoát ra từ các cổng âm thanh của H370 Aorus Gaming 3.
Hệ thống đèn LED trên Aorus luôn làm chúng tôi mãn nhãn với những tia sáng hắt lên từ phía chân RAM hay là một thanh dẫn sáng rực rỡ nằm ở cạnh phải hoàn toàn có thể tùy biến theo dấu ấn riêng của chủ nhân bộ máy.
Ở phía sau là cụm cổng kết nối I/O với số lượng khá đầy đủ cho các game thủ ăn chơi như cổng USB 2.0, USB 3.0, USB 3.1 Type A và Type C, cổng xuất hình, cổng LAN và cụm jack âm thanh 3.5mm. Tất cả đều được che lại một cách khéo léo với I/O cover bằng nhựa đẹp rất gồ ghề và góc cạnh nhưng cũng rất hài hòa với thiết kế của Mosfet heatsink nằm ngay bên cạnh nó.
Khi nằm trong hệ thống, màu cam của H370 Aorus Gaming 3 tỏa sáng khá bắt mắt. Tất nhiên là hệ thống RGB Fusion cho chúng ta chuyển đổi LED tùy thích nhưng tôi vẫn muốn trung thành với tone màu chủ đạo của Aorus hơn.
Tổng kết:
H370 Aorus Gaming 3 khá hợp với những CPU trung cao cấp không mở hệ số xung như i5-8600, i7-8700. Đặc biệt phù hợp với những người không có nhu cầu ép xung nhưng vẫn muốn tận hưởng những trải nghiệm cao cấp từ chiếc bo mạch chủ. Chiếc bo mạch chủ này để mua với những cấu hình tầm trung thì hơi với. Nhưng nếu để nói là thật sự cao cấp thì vẫn không đủ sức thuyết phục nhiều người. Nằm ở trong ranh giới mong manh của 2 phân khúc khác nhau, H370 sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của cả 2 nếu người mua có một định hướng sử dụng máy tính rõ ràng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?